TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng ĐTC – Chúa nhật 5 Mùa Chay

Thứ năm - 14/03/2024 06:34 | Tác giả bài viết: |   538
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B
Bài giảng ĐTC – Chúa nhật 5 Mùa Chay

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM B


WHĐ (14.03.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B.

Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34

Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 21.03.2021 – Muốn được gặp Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay công bố đoạn Tin Mừng, trong đó, thánh Gioan thuật lại một sự kiện xảy ra vào những ngày cuối đời của Chúa Giêsu, ngay trước cuộc Thương Khó của Người (Ga 12,20-33). Khi Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua, một số người Hy Lạp, vì tò mò về những gì Người đang thực hiện, họ bày tỏ mong ước gặp Người. Họ đến gặp tông đồ Philípphê và nói với ông: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (c.21). Ông Philípphê kể lại với ông Anrê, và họ cùng nhau đi thuật lại với Thầy mình. Qua yêu cầu của những người Hy Lạp đó, chúng ta có thể nhận thấy lời thỉnh cầu của nhiều người ở mọi thời và mọi nơi đặt ra với Giáo hội và mỗi người chúng ta: “Chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu”.

Chúa Giêsu đã đáp lại lời thỉnh cầu đó thế nào? Cách Người đáp lại khiến chúng ta suy nghĩ. Người nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (cc. 23-24). Những lời này dường như không trả lời câu hỏi được những người Hy Lạp đặt ra. Trong thực tế, nó vượt trên câu trả lời. Thật vậy, Chúa Giêsu mặc khải rằng, đối với mỗi người muốn tìm Người, Người là hạt giống được chôn vùi, sẵn sàng chết đi để sinh nhiều hoa trái. Người muốn nói: nếu các ngươi muốn biết và hiểu Ta, hãy nhìn hạt lúa mì chết đi trong lòng đất, hãy nhìn cây thập giá.

Hãy nghĩ về dấu chỉ Thánh giá, qua nhiều thế kỷ, đã trở thành biểu tượng đặc biệt của các Kitô hữu. Ngay cả ngày nay, những người muốn “gặp Chúa Giêsu”, có lẽ họ đến từ những đất nước và nền văn hóa, nơi mà Kitô giáo không được biết đến nhiều, họ nhìn thấy điều gì đầu tiên? Dấu hiệu phổ biến nhất mà họ gặp thấy là gì? Đó là Thánh giá. Trong nhà thờ, trong nhà của các Kitô hữu, ngay cả được mang trên người các Kitô hữu. Điều quan trọng đó là dấu chỉ phù hợp với Tin Mừng: Thánh giá không thể không diễn tả tình yêu, sự phục vụ, sự hiến thân hoàn toàn: chỉ bằng cách này nó mới thực sự là “cây sự sống”, của sự sống dồi dào.

Ngày nay cũng vậy, nhiều người, thường không nói ra, nhưng ngầm muốn “thấy Chúa Giêsu”, gặp Người, biết Người. Từ điều này chúng ta hiểu trách nhiệm lớn lao của các Kitô hữu chúng ta và của cộng đoàn chúng ta. Chúng ta cũng phải đáp lại bằng chứng tá của một cuộc sống được trao tặng trong phục vụ, của một cuộc sống theo cách thế của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Nghĩa là gieo mầm yêu thương, không phải bằng những lời nói thoáng qua mà bằng những ví dụ cụ thể, giản dị và dũng cảm, không phải bằng những lời lên án lý thuyết, mà bằng những cử chỉ yêu thương. Và rồi Chúa Giêsu, bằng ân sủng của Người, làm cho chúng ta sinh hoa trái, ngay cả khi đất khô cằn vì những hiểu lầm, khó khăn hoặc bách hại, hoặc những đòi hỏi duy luật lệ hay luân lý. Chính vì vậy, trong thử thách và cô độc, trong khi hạt giống chết đi, đó là thời điểm mà sự sống nở hoa, để đơm hoa kết trái đúng lúc. Chính trong sự đan xen giữa cái chết và sự sống, chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui và hoa trái đích thực của tình yêu.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta theo bước Chúa Giêsu, bước đi cách mạnh mẽ và vui tươi trên con đường phục vụ, để tình yêu Chúa Kitô tỏa sáng trong mỗi thái độ của chúng ta và ngày càng trở thành cách sống hằng ngày của chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 18.03.2018 – Muốn biết Chúa Giêsu thì phải nhìn thập giá

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay (Gioan 12,20-33) kể lại một giai thoại xảy ra trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng diễn ra tại Giêrusalem, nơi Chúa đến nhân dịp lễ Vượt Qua của người Do thái. Cũng có một số người Hy Lạp đến đây dự lễ này; đó là những người được tâm tình tôn giáo thúc đẩy, họ bị thu hút vì niềm tin của dân Do thái và, sau khi nghe nói về vị đại ngôn sứ, họ đến gần Philiphê, một trong 12 tông đồ và họ nói với ông: “Chúng tôi muốn thấy ngài Giêsu” (v.21). Thánh Gioan nêu bật câu này, qui trọng tâm vào động từ “thấy”, trong ngữ vựng của thánh sử, từ này có nghĩa đi xa hơn những vẻ bề ngoài, để đón nhận mầu nhiệm của một người. Động từ “thấy” mà thánh sử dùng đi đến tận con tim, đến thẳm sâu của con người.

Phản ứng của Chúa Giêsu thật là gây ngạc nhiên. Chúa không trả lời ưng thuận hay từ chối, nhưng nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (v.23). Những lời này, thoạt nghe có vẻ như Chúa làm ngơ đối với câu hỏi của những người Hy Lạp ấy, nhưng thực tế câu ấy trả lời thực sự cho họ, vì ai muốn biết Chúa Giêsu thì phải nhìn thập giá, nơi biểu lộ vinh quang của Ngài. Nhìn vào bên trong thập giá. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn thập giá, không phải là một đồ trang sức hoặc một đồ phụ tùng của y phục - nhiều khi bị lạm dụng! - nhưng là một dấu hiệu tôn giáo để chiêm ngắm và hiểu. Trong hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh có biểu lộ mầu nhiệm cái chết của Con Thiên Chúa như một cử chỉ yêu thương tột độ, là nguồn mạch sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại thuộc mọi thời đại”. “Trong những vết thương của Chúa chúng ta được chữa lành.

 ĐTC nói tiếp: Ta có thể nghĩ: “Tôi nhìn Thập giá như thế nào? như một tác phẩm nghệ thuật để xem thập giá ấy có đẹp hay không, hoặc tôi nhìn thấy mầu nhiệm, tìm bên trong, cho đến tận trái tim của Chúa?. Tôi nhìn mầu nhiệm Thiên Chúa bị tiêu diệt đến độ chết như một người nô lệ, một kẻ phạm pháp?”. Anh chị em đừng quên điều này: khi nhìn thập giá, hãy nhìn bên trong. Có một cách sùng mộ rất đẹp là đọc Kinh Lạy Cha cho mỗi vết thương của Chúa; khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta tìm cách đi vào bên trong, qua các vết thương của Chúa Giêsu, đi vào con tim của Chúa. Tại đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan về mầu nhiệm Chúa Kitô, sự khôn ngoan cao cả của thập giá.

Và để giải thích ý nghĩa sự chết và sống lại của Ngài, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh và Ngài nói: “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; trái lại nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (v.24). Chúa muốn làm cho ta hiểu rằng biến cố tột cùng của ngài - chết và sống lại - là một cử chỉ phong phú, mang lại hoa trái cho nhiều người. Những vết thương của Chúa đã chữa lành chúng ta. Như thế Chúa ví mình với hạt lúa chết đi trong lòng đất sinh ra sự sống mới. Với cuộc nhập thể, Chúa Giêsu đến trần thế; nhưng điều ấy không đủ: Chúa còn phải chết, để cứu chuộc loài người khỏi sự nô lệ tội lỗi và ban cho họ cuộc đời sống mới được hòa giải trong tình thương”. Tôi đã nói là “để cứu chuộc loài người”, nhưng, để cứu chuộc bạn, tôi, tất cả chúng ta, Chúa đã trả giá ấy. Đó là mầu nhiệm Chúa Kitô. Bạn hãy đi tới các vết thương của Chúa, đi vào, chiêm ngắm, nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng từ bên trong.

Năng động hạt lúa, được hoàn thành trong Chúa Giêsu, cũng phải thể hiện nơi chúng ta là các môn đệ của Ngài: chúng ta được kêu gọi chấp nhận luật vượt qua làm của mình: luật đánh mất sự sống để nhận lại được sự sống ấy mới mẻ và vĩnh cửu. Mất sự sống có nghĩa là gì? trở thành hạt lúa có nghĩa là gì? Thưa có nghĩa là bớt nghĩ đến mình, đến tư lợi, và biết “nhìn” và đáp ứng những nhu cầu của tha nhân, nhất là những người rốt cùng. Vui mừng thực hiện những công việc bác ái đối với những người đang đau khổ nơi thể xác và tinh thần chính là cách thức chân thực nhất để sống Tin Mừng, là nền tảng cần thiết để các cộng đoàn chúng ta được tăng trưởng trong tình huynh đệ và trong sự đón nhận nhau. Tôi muốn nhìn Chúa Giêsu, nhưng thấy ngài từ bên trong. Đi vào những vết thương của Chúa, chiêm ngắm tình thương của trái tim Chúa đối với bạn, với tôi, với tất cả mọi người.

Xin Đức Trinh Nữ Maria là người đã luôn nhìn trái tim Con của Mẹ, từ hang đá máng ở Bethelem cho đến thập giá trên đồi Can vê, giúp chúng gặp và nhận ra Chúa như Chúa muốn, để chúng ta có thể sống, được Chúa soi sáng, và mang lại những hoa trái công lý và hòa bình cho thế giới.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 22.03.2015 – Sách Tin Mừng, Thánh Giá và chứng tá

Anh chị em thân mến,

trong Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay, thánh sử Gioan lôi kéo sự chú ý của chúng ta với một chi tiết lạ kỳ: vài người Hy lap” theo Do thái giáo đến Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, hướng tới tông đồ Philiphê và nói: “Chúng tôi muốn trông thấy Đức Giêsu” (Ga 12,21). Trong thành thánh, nơi Chúa Giêsu đến lần cuối cùng, có nhiều người. Có những người bé nhỏ và đơn sơ đã tiếp đón vị ngôn sứ thành Nagiarét vui như lễ hội, vì họ nhận ra nơi Ngài Đấng Chúa Sai Đến. Có những thượng tế và các vị lãnh đạo của dân muốn loại trừ Ngài, bởi vì họ coi Ngài là lạc giáo và nguy hiểm. Cũng có những người, như những người Hy lạp tò mò muốn trông thấy Ngài và hiểu biết hơn về con ngưòi và các việc Ngài đã làm, mà việc sau cùng là  cho ông Ladarô sống lại đã gây nhiều ồn ào.

“Chúng tôi muốn trông thấy Đức Giêsu”: các lời này, như biết bao lời khác trong các Phúc Âm, vượt ngoài giai thoại đặc biệt này và diễn tả một cái gì phổ quát. Chúng vén mở cho thấy một uớc mong hiện hữu trong con tim của biết bao nhiêu người đã nghe nói tới Đức Kitô, nhưng chưa gặp được Ngài. “Tôi muốn trông thấy Đức Giêsu”, Ngài cảm thấy lời này trong trái tim của dân chúng.

Trả lời một cách gián tiếp, một cách ngôn sứ, cho lời xin có thể trông thấy Ngài, Chúa Giêsu nói lên một lời tiên tri vén mở cho thấy căn cước của ngài và chỉ cho thấy con đường giúp hiểu biết Ngài thực sự: “Đã đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12,23). Đó là giờ của Thập Giá! Đó là giờ bại trận của Satan, ông hoàng của sự dữ, giờ chiến thắng vĩnh viễn của tình yêu thương từ bi của Thiên  Chúa. Chúa Kitô tuyên bố rằng “Ngài sẽ được nâng cao khỏi đất” (c. 32), đây là một kiểu diễn tả có hai nghĩa: “được nâng cao” bởi vì bị đóng đinh, và “được nâng cao” bởi vì được Thiên Chúa Cha tán dương trong việc Sống Lại, để lôi kéo tất cả mọi người đến với Ngài và hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Giờ của Thập Giá, giờ đen tối nhất lịch sử, cũng là suối nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Tiếp tục lời tiên tri về lễ Vượt Qua của Ngài gần kề, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh đơn sơ và gợi ý, đó là hình ảnh “hạt lúa” rơi xuống đất, chết đi để sinh bông hạt (c. 24). Trong hình ảnh này chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác nữa của Thập Giá Chúa Kitô: đó là hình ảnh của sự phong phú. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một nguồn suối vô tận của sự sống mới, bởi vì nó mang theo trong chính nó sức mạnh tái sinh của tình yêu thương của Thiên Chúa. Được dìm mình trong tình yêu đó qua bí tích Rửa Tội, kitô hữu có thể trở thành “các hạt lúa” và đem lại nhiều bông hạt, nếu họ “đánh mất sư sống mình” vì tình yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như Chúa Giêsu (c. 25).

Vì thế cho những người ngày nay “muốn trông thấy Chúa Giêsu”; cho những ngưòi kiếm tìm gương mặt của Thiên Chúa; cho những người từ nhỏ đã nhận được giáo lý và rồi đã không đào sâu nó; cho biết bao nhiêu người còn chưa gặp được Chúa Giêsu một cách cá nhân; cho tất cả những người đó chúng ta có thể cống hiến ba điều: sách Phúc Âm, Thánh Giá và chứng tá đức tin nghèo nàn nhưng chân thành của chúng ta. Phúc Âm: trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Người và hiểu biết Người. Thánh Giá; dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã tự trao ban cho chúng ta. Và một đức tin được diễn tả ra trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác ái huynh đệ. Nhưng một cách chính yếu trong sự trung thực của cuộc sống giữa điều chúng ta nói và điều chúng ta sống, sự trung thực giữa đức tin và cuộc sống, giữa các lời nói và các hành động của chúng ta. Sách Tin Mừng, Thánh Giá và chứng tá.

Xin Đức Maria Mẹ chúng ta giúp chúng ta theo Chúa Giêsu trên con đường của thập giá và sự sống lại.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây