TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT

Thứ năm - 29/04/2021 01:48 |   1883
LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT

LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT

Mừng Kim Khánh Giáo phận 22.6.1967 - 22.6.2017

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ ĐIẠ LÝ

Trở về thời xa xưa, vùng đất thuộc Giáo phận Banmêthuột ngày nay là nơi định cư của ba sắc tộc chính: Dân tộc Êđê ở vùng Đăklăk, dân tộc M’Nông ở Quảng Đức (Đăk Nông) và vùng Phước Long có dân tộc S’ Tiêng. Cả ba sắc tộc đều có thổ ngữ riêng. Họ thờ rất nhiều Thần linh, gọi chung là “Yang”.

Trước thời Pháp thuộc, triều đình Việt Nam không mấy quan tâm đến vùng đất cao nguyên này nên ở đây chưa có cơ cấu hành chánh. Năm 1893, người Pháp lên chiếm đất ở vùng Đăklăk và đã xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu với các bộ tộc Êđê. Đến năm 1923, Người Pháp đặt tỉnh Đaklăk dưới quyền cai trị của Công sứ Sabatier. Vào thời này, người Kinh không được phép đi lại và cư trú tại đây.

Năm 1910, một chuyên viên khảo sát người Pháp là Henri Maitre và đội quân viễn chinh Pháp đã đặt chân đến vùng Tây Nam cao nguyên (Quảng Đức, ĐăkNông). Họ thẳng tay đàn áp những bộ tộc người M’Nông không hàng phục. Năm 1932, người Pháp đặt cơ sở hành chánh tại ĐakMil, đến năm 1950 thì chuyển qua ĐakSong và năm 1952 thì ĐăkSong trở thành Quận của tỉnh Đăklak. Năm 1959, quận ĐăkSong được tách khỏi tỉnh Đaklăk để trở thành phần đất chính của tỉnh Quảng Đức (vùng ĐăkNông hiện nay).

Còn đất Phước Long, vào thế kỷ 17 thời Chúa Nguyễn Phúc Chu là huyện Phước Long, có Dinh trấn biên để bảo vệ địa đầu biên giới. Vùng đất này có đồng bào S’Tiêng sinh sống. Năm 1929, người Pháp mở quốc lộ 14 ngang qua đây để bình định các buôn làng. Năm 1957, quận Sông Bé được tách khỏi tỉnh Biên hòa và quận Bố Đức (Bù Đốp) tách ra khỏi tỉnh Thủ Dầu Một để lập thành tỉnh Phước Long. Ngày nay, Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước.

Giáo Phận Banmêthuột nằm trong địa giới hành chính của ba tỉnh Đăklăk, Quảng Đức và Phước Long (trước 1975). Còn bây giờ là Đăklăk, ĐăkNông và một phần của tỉnh Bình Phước.

II . LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN

A. SỰ HÌNH THÀNH GIÁO PHẬN

Thành lập Giáo họ Banmêthuột: 15.8.1934

Ngày 29.01.1934, Đức Cha Jannin Phước, Giám mục Kontum dẫn một phái đoàn đến Banmêthuột để nghiên cứu tình hình và chọn địa điểm cho một cơ sở Công giáo tương lai. Khu đất được chọn để thành lập Giáo họ là một khu rừng thuộc đất quy hoạch, được Công sứ Pháp là Desteney nhường cho Địa phận Kontum. Nhưng giấy tờ chưa được ký thì viên Công sứ Pháp này phải chuyển đi làm Công sứ tỉnh Thừa Thiên...

Sau đó Đức Cha Jannin nhờ Thầy Hiền, một Thầy giảng già có gia đình (nay gọi là Giáo phu) thuộc Họ đạo Mang Yang đi giúp lập Họ đạo Banmêthuột. Thầy đến nhiệm sở ngày 15.5.1934. Thầy và bổn đạo Banmêthuột cùng đồng tâm nhất trí để cất Nhà nguyện Giáo họ.

Nhưng... “Vạn sự khởi đầu nan!”, vì đất đai chưa có giấy tờ nên phải hoãn lại việc xây dựng do thông cáo số 187-CA ngày 15.3.1934 của Tòa Khâm sứ Trung kỳ (Pháp) tại Huế, đình chỉ tất cả việc cấp đất thành phố cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào và phải đợi chỉ thị mới của Phủ Toàn Quyền Đông Dương...!

Đức Cha Jannin lại đưa Thầy Hiền qua Banmêthuột để tiếp xúc với đồng bào Êđê, học tiếng và dạy đạo cho họ. Nhưng công việc lại bị cản trở vì thông cáo số 3614 ngày 15.11.1930 của tòa Khâm sứ Trung kỳ cấm truyền đạo cho người Thượng trong tỉnh Đaklăk cho đến khi có chỉ thị mới!

Tuy có lệnh cấm cấp đất thành phố, nhưng bổn đạo Banmêthuột cứ nôn nóng làm Nhà nguyện trên khu đất đã nhường cho Địa phận Kontum mặc dù chưa có giấy tờ chính thức... Và ngày 15.8.1934, một Nhà nguyện mái tranh vách đất đã được dựng lên. (Sau này các Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn đã xây một Nhà nguyện mới trên nền Nhà nguyện tiên khởi này. Hiện nay nó thuộc phạm vi của Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh).

Nhà nguyện Họ đạo Banmêthuột tuy được xây cất bất hợp pháp, nhưng Công sứ tỉnh Đăklăk là ông Henri Gerbinis và ông Trương Kỳ, quan An nam đầu tỉnh đã nhắm mắt làm ngơ, vì cả hai ông đều là người Công giáo. Trong khi đó Đức Cha Jannin vẫn tất bật ngược xuôi để lo liệu giấy tờ hợp pháp cho thửa đất đó. Và sau hơn bốn năm trời thơ đi thơ lại, cuối cùng Tòa Khâm sứ Trung kỳ mới chấp thuận giải quyết cho Đức Cha được mua khu đất trên với giá 2 xu (0,02 đồng) một mét vuông. Quyết định cấp đất này do ông Graffeuil, Khâm sứ Trung kỳ ký, số 195/942, ngày 29.11.1938. Và Tòa Giám mục Kontum đã trả 201 đồng để mua 10.050m2 đất, ngày 16.12.1938. Như vậy không phải là “Đối với Chánh phủ bảo hộ do các quan Tây cầm đầu, mấy ông cố Tây xin gì mà không được”! như một số đồng bào khác đạo thời ấy suy nghĩ.

Thành lập Giáo xứ Banmêthuột: 30.3.1937

Trong thời gian ngôi Nhà nguyện cất lên bất hợp pháp trên khu đất chưa có giấy phép, tình cảnh rất bấp bênh vì nó có thể bị triệt hạ bất cứ lúc nào, thì Đức Cha Jannin Giám mục Địa phận Kontum lúc ấy vẫn tin tưởng, Ngài viết thư cho Công sứ Đăklăk biết quyết định của Tòa Giám mục Kontum về việc nâng Giáo họ Banmêthuột lên hàng Giáo xứ và việc bổ nhiệm một linh mục “Annam”: Cha Phêrô Nguyễn Đức Cẩn làm Cha sở. Ngài còn viết thư cho ông Lê Đức Cầu, câu họ Banmêthuột, để chuẩn bị đón tiếp Cha sở mới.

Ngày 30.3.1937, Đức Cha Jannin Phước, Giám mục Địa phận Kontum, tuyên bố nâng Giáo họ Banmêthuột lên hàng Giáo xứ và chủ tọa lễ tựu chức của Cha sở tiên khởi Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn.

Nhà xứ được Đức Cha chỉ dẫn làm theo kiểu nhà sàn dân tộc, và nó đã tồn tại suốt từ năm 1937 đến tháng 8 năm1994 thì được tháo dỡ để xây cất trường học mới.

Về phần Cha Cẩn, sau vài tháng phục vụ, do không hợp thủy thổ, Ngài bị bệnh sốt rét và thương hàn. Ngày 12.01.1938, Cha trở về Tòa Giám mục để chữa bệnh. (Ngài mất năm 1982 sau 60 năm làm linh mục). Trong thời gian này, Giáo xứ Banmêthuột không có linh mục suốt 4 năm rưỡi vì thời cuộc lúc ấy và cũng vì Đức Cha Jannin Phước qua đời (ngày 14.7.1940 tại Kontum, hưởng thọ 73 tuổi với 42 năm linh mục và 7 năm Giám mục).

Gần hai năm sau, ngày 22.4.1942, Tòa Thánh mới bổ nhiệm Đức Cha Sion Khâm làm Giám mục Kontum. Ngài nhậm chức tháng 5.1942 và hai tháng sau Giáo xứ Banmêthuột có Cha sở mới: Đó là Cha Romeuf Phương, Ngài được bổ nhiệm ngày 26.7.1942.

Số Giáo dân tại Banmêthuột tăng lên hằng năm

Năm 1934: - 50 người Kinh - 28 ngoại kiều

Năm 1942: - khoảng 100 đến 180 người Kinh - 150 đến 200 ngoại kiều (kể cả công chức, quân nhân và thường dân)

Năm 1945: - Quân Nhật cướp chính quyền, giáo dân người Kinh đi di tản. Trong khi đó người Ngoại kiều (trong đó có các tín hữu) bị quản thúc ở Nha Trang.

Năm 1946: - Cha Romeuf từ Nha Trang về lại BMT, chỉ còn thấy có 8 giáo hữu Kinh. - Lính viễn chinh bắt đầu lên đóng quân.

Năm 1950: - 150 người trở về Banmêthuột. - 20 giáo dân trở về đồn điền.

Năm 1953: - thêm 500 giáo dân mới và 100 giáo dân trở về định cư. - Ngoại kiều trở về đông hơn.

Năm 1954: - Đồng bào Bắc Việt di cư bắt đầu tới.

Có một điều may mắn là: trong những năm chiến tranh sôi động (1945-1946), Nhà thờ và nhà xứ BMT vẫn còn nguyên vẹn, không bị đốt phá như các nhà trên các khu phố.

Số giáo dân tại Banmêthuột thời ấy tăng nhanh do hai yếu tố: Chế độ “Hoàng triều cương thổ” và làn sóng di cư của đồng bào Bắc Việt vào Nam.

Chế độ “Hoàng triều cương thổ”: Đầu năm 1946, quân đội viễn chinh Pháp trở lại Việt Nam. Năm 1948, Vua Bảo Đại về nước, ông thường qua Pháp để bàn việc quốc sự nhưng khi về Việt Nam thì hay ở Banmêthuột hơn là kinh đô Huế. Cho nên Cao nguyên Trung phần, đặc biệt là Đăklăk được chọn làm “Đất của Hoàng đế” hay “Hoàng triều cương thổ”. Banmêthuột do đó tăng triển nhanh về nhiều mặt, công chức và quân đội được đưa lên cùng với gia đình, sau đó kéo theo cả họ hàng đến định cư.

“Đồng bào Bắc Việt di cư”: Sau Hiệp đinh Genève 21.7.1954, tỉnh Đăklăk có thêm rất nhiều đồng bào Miền Bắc di cư vào mà đa số là giáo dân. Từ năm 1955, các trại định cư được thành lập như Kim Châu, Kim Phát, Giang Sơn, Đức Minh, Cung Kiệm, Hà Lan, Thọ Thành, Chi Lăng, Châu Sơn, Hưng Đạo, Trung Hòa, Gia Nghĩa,... Trong vòng hai năm số tín hữu từ 700-800 tăng lên 20.000. Các trại đinh cư đều có linh mục coi sóc.

Một yếu tố khác nữa làm tăng số giáo dân ở Đăklăk là “Quốc sách Dinh Điền” thời chế độ Ngô Đình Diệm: di dân lập ấp tân sinh (năm 1957). Các địa điểm Quảng Nhiêu, Đạt Lý, Đạo Tế, Khuê Ngọc Điền, Từ Cung, Đạt Hiếu, Quảng Trạch cũng đã làm tăng thêm khoảng 700-800 người (đạo dòng). Hai năm sau, số tân tòng lên đến 3.000 người.

Tính đến năm 1960, số giáo dân trong tỉnh Đăklăk đã lên đến 25.000 người. Các trại định cư và dinh điền hàng năm đều có thêm người đến lập nghiệp.

Về việc truyền giáo cho đồng bào sắc tộc:

Trong toàn tỉnh Đăklăk trước năm 1954 chỉ có khoảng 7.000 người Kinh và 115.000 người sắc tộc, thuộc các bộ tộc Êđê, M’Nông và S’Tiêng (khi đó Quảng Đức chưa lập thành tỉnh). Việc rao giảng Tin Mừng cho người sắc tộc cực kỳ khó khăn vì thiếu linh mục phụ trách và thiếu sách giáo lý tiếng bản địa.

Năm 1952, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Seitz Kim làm Giám Mục Kontum. Việc đầu tiên mà vị Tân Giám Mục này làm là đi thăm tất cả các Giáo xứ Kinh và Sắc tộc. Ngày 15.12.1952, Đức Cha đến thăm xứ đạo Banmêthuột và bổ nhiệm Cha Bianchetti Bạch đặc trách giảng đạo cho đồng bào Êđê. Cái khó nhất trong việc dùng tiếng Êđê để giảng đạo là: làm sao tìm được những chữ đúng nghĩa về các mầu nhiệm trong đạo! Nhưng cũng có cái may cho Cha Bianchetti Bạch là các Mục sư Tin Lành truyền giáo từ năm 1934, đã dịch Kinh Thánh và viết sách giáo lý bằng tiếng Thượng. Cha Bạch dựa vào đó nghiên cứu thêm. Cha còn sống hòa nhập với đồng bào các buôn làng để tìm hiểu về đời sống, kinh tế, tập quán và cả tín ngưỡng của họ nữa.

Thêm một điều khó khăn cho Cha Bianchetti Bạch là hầu hết các buôn sắc tộc đều đã có các Mục sư Tin Lành đến giảng đạo và lập hội đường tại đó. Nếu cư xử không khéo sẽ dẫn đến va chạm và bất hòa... Địa điểm mà Cha Bạch thành công là Buôn Ea Khit, cách thị xã 24 km, nằm trên đường đi Đà Lạt (Quốc lộ 27 hiện nay). Sau 5 năm rao giảng Tin Mừng (1953 -1957), Cha rửa tội được 7 người và phát triển dần lên sau đó cho đến khi thành lập được xứ đạo Ea Kmar. Đầu năm 1958, Cha Purguy Lý đến thay Cha Bạch coi sóc xứ đạo Ea Kmar. Cha Bạch lúc này về Banmêthuột xây cất Trung tâm Công giáo Sắc tộc (sau Bệnh viện tỉnh), đồng thời Cha mở Ký túc xá để đón nhận học sinh các Buôn ở xa đến theo học các lớp chuyên môn, không phân biệt tôn giáo. Số tân tòng và dự tòng lúc ấy lên đến 300 người.

Nhà Thờ lớn Banmêthuột: 1958-1959

Nhà thờ cũ mà thầy Hiền và giáo dân cất dựng lên, tồn tại từ năm 1934 đến 1959. Năm 1954, vì có thêm một số bổn đạo từ Kontum di tản đến đây, Cha Romeuf nới thêm một căn 32m2 và thay thế mái tranh bằng mái tôn. Diện tích của cả nhà thờ chỉ có 160m2, kể cả hai chái trước và sau.

Dự định xây dựng Nhà thờ mới bị gián đoạn trong một khoảng thời gian vì lúc đó Địa phận trống ngôi Giám Mục. Cho đến ngày 31.3.1953, sau khi Cha Romeuf làm đơn xin sử dụng khu đất trống hơn 2ha để xây cất Nhà Thờ, đất này nằm chính giữa thị xã Banmêthuột và chưa có ai xin sử dụng. Ông Nguyễn Đệ, Khâm Mạng Hoàng Triều Cương Thổ, sau khi chỉ thị cho Tòa Hành Chánh tỉnh Đaklăk làm các thủ tục, đăng trên Công báo và gửi các tỉnh để niêm yết trong vòng hai tháng, đã ký giấy bán khu đất trên cho Địa Phận Kontum với giá tượng trưng là 1 đồng bạc Việt Nam. Hồ sơ khu đất đã được hoàn tất và đất được cấp vĩnh viễn.

Phong trào di cư đã tăng số Linh mục và giáo dân trong Giáo Hạt, riêng tại thị xã đã có hơn 4.000 giáo dân. Cha Romeuf nhận thấy sứ vụ của mình tại đây đã kết thúc, Ngài đệ đơn xin thuyên chuyển.

Tháng 9 năm 1956, Đức Cha Seitz Kim mời cha GB. Trần Thanh Ngoạn, gốc Địa Phận Vinh lên làm chánh xứ Banmêthuột, kiêm luôn Hạt trưởng Hạt Banmêthuột. Cha Ngoạn đã xây dựng Nhà thờ lớn thị xã, nay là Nhà Thờ Chính tòa Banmêthuột, có chiều dài 45m, rộng 12m, mỗi cánh Thánh Giá 12m x 12m. Tổng diện tích 828m2; trừ cung thánh, còn được 1200 chỗ ngồi. Nhà thờ xây đúng một năm và được khánh thành vào ngày Chúa Nhật II sau Lễ Phục Sinh năm 1959.

Cơ sở Nhà thờ cũ, Đức Cha Kim tạm giao cho các Sư Huynh La San mở Trường Trung Tiểu học, niên khóa đầu tiên là 1959-1960. Sau khi các Sư Huynh xây cất xong Trung học La San đồi (nay là Trường Cao đẳng Sư Phạm Đăklăk), Đức Cha giao quyền sở hữu cơ sở cũ cho các Nữ Tử Vinh Sơn tùy nghi sử dụng.

Nhà Chung Banmêthuột (ngày nay là Tòa Giám Mục Banmêthuột)

Cơ sở này ban đầu là do các Nữ tu Dòng Biển Đức xây dựng. Về sau, để thuận lợi cho sự phát triển của Dòng, hai Đức Giám mục Kontum và Sài Gòn đã chấp thuận cho Nữ Đan viện Biển Đức dời về Thủ Đức, Sài Gòn vào năm 1966 để lập cơ sở mới tại đó. Cơ sở Nhà Dòng đã được Đức Cha Kim mua lại để các cha trong hạt Banmêthuột làm nơi hội họp hằng tháng, như một sở quản lý và làm chỗ nghỉ vãng lai. Một nửa cơ sở này dành cho Dòng Mến Thánh Giá di chuyển từ Kontum xuống ở tạm trong khi chờ đợi xây cất Nhà Dòng. Cha Võ Quốc Ngữ được bổ nhiệm làm Quản lý Nhà Chung Banmêthuột. Sau này, vào ngày 22.6.1967 với sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập Giáo phận Banmêthuột của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngôi nhà này được mang tên mới: “Tòa Giám Mục Banmêthuột.”

Banmêthuột phát triển các dòng tu

Cùng với số giáo dân tăng thêm, các Dòng tu cũng được mời lên Banmêthuột.

A. CÁC DÒNG NỮ

1. Năm 1938, Đức Cha Jannin Phước mời các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn lên giúp Địa Phận Kontum. Năm 1953, Đức Cha Seitz Kim xin Nhà Mẹ tại Sài Gòn cho lập chi nhánh tại Banmêthuột. Các Bà đã đến lập các cơ sở: mở trường nữ và cô nhi viện. (Địa điểm này hiện nay là Trường Mầm non và Trường cấp II Phan Chu Trinh). Sau 1975, các hoạt động văn hóa, xã hội và từ thiện ngưng đọng lại... cho đến niên học 1992-1993, theo lời yêu cầu của số đông phụ huynh thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, các Bà đã mở nhà giữ trẻ cho các gia đình. Ban đầu cơ sở chật hẹp, chỉ đủ cho 100 em. Các Bà cũng mở một Lớp Tình Thương cho các em bỏ học, lang thang bụi đời. Cha xứ Thánh Tâm cho mượn một căn nhà để buổi sáng các em sinh hoạt nội bộ, học công dân giáo dục, ăn cơm trưa. Buổi chiều các em được gửi đến trường học chữ. Tất cả chi phí về ăn học, quần áo được các Bà đài thọ.

2. Ngày 21.7.1954, theo lời mời của Đức Cha Seitz Kim, các Nữ Đan sĩ Dòng Thánh Biển Đức đến Banmêthuột lập Dòng Nữ Biển Đức Thừa Sai. Vỏn vẹn có 5 tu sĩ với 4 quốc tịch khác nhau, các Bà cũng đã xây dựng cơ sở vật chất cho Đan viện sau này. Các Bà lại xin khai hoang 30 hecta đất rừng để trồng cà phê và lập Ấp Tân sinh cho đồng bào Sắc tộc. Đó là Buôn Akô Dhoong. Trong khuôn viên Nhà Dòng có nơi để các thanh nữ từ các nơi về trọ học. Các Bà cũng giúp các cha về việc biên soạn bộ sách Giáo lý có kèm theo kinh bằng tiếng Sắc tộc. Năm 1966, các Bà đã dời về Thủ Đức (TP HCM).

3. Dòng Nữ Thánh Phaolô thành Chartres: Dòng này được mời đến chỉ với mục đích huấn luyện tu đức cho các chị em Dòng Mến Thánh Giá theo từng cấp bậc. Các Nữ tu đã khấn còn được huấn luyện về cách quản trị Nhà Dòng hoặc các Cộng đoàn nhỏ tại các Giáo xứ.

4. Dòng Mến Thánh Giá: Đức Cha Seitz Kim muốn cho Banmêthuột có Dòng Mến Thánh Giá cải tổ, nên Ngài biệt phái Bà Honorine Dòng Thánh Phaolô và 12 đệ tử đến Banmêthuột. Nơi đây chị em vừa học tập văn hóa, vừa được huấn luyện tu đức để chuẩn bị làm cơ sở cho Dòng Địa Phận trong tương lai. Năm 1966, Ngài dời Dòng Mến Thánh Giá cải tổ từ Kontum về Banmêthuột với hơn 60 Nữ tu và thỉnh sinh, tạm trú tại Nhà Chung Banmêthuột. Sau này Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai đặt tên lại là: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình.

B. CÁC DÒNG NAM

1. Các Sư huynh La San: Nhận lời mời của Đức Cha Kim, các Sư Huynh đã mở Trường Trung Tiểu học đầu tiên vào niên khóa 1959-1960. Sau ba năm xây cất, các Sư Huynh có 2 trường riêng biệt: Tiểu học La San trên đường Cường Để (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi) và Trung học La San đồi (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đăklăk). Các trường hoạt động đều đặn cho đến 10.3.1975. Nghề chuyên môn của Dòng La San là dạy học.

2. Đan viện Thánh Biển Đức Thiên Hòa: là chi nhánh Dòng Thiên An Huế, được mời đến lập Dòng vào năm 1959. Trụ sở Dòng tại cây số 30, trên đường đi Nha Trang. Đan viện được khánh thành năm 1962, có 10 cha và tu sĩ. Dòng mở thêm Đệ tử viện thu nạp ơn thiên triệu chiêm niệm Biển Đức. Các cha còn mở trường Tiểu học miễn phí cho trẻ em trong vùng. Sau ngày Giải phóng, Nhà Nước sung công cơ sở Nhà Dòng. Các tu sĩ phải chuyển vào một Họ lẻ cách nhà cũ 4km.

Trong các Dòng tu nam và nữ trên đây thì Dòng Mến Thánh Giá, mà sau này là Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình là Dòng trực thuộc Giáo Phận. Các Dòng còn lại trực thuộc Tòa Thánh.

B. GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT RA ĐỜI: 22.6.1967

Giáo dân thuộc Địa phận Kontum năm 1967 là 115.000 người, trong đó có 33.000 giáo dân sắc tộc sống rải rác trên địa bàn 4 tỉnh: Kontum, Pleiku, Phú Bổn và Đăklăk. Tình cảnh đó khiến cho Đức Giám Mục Kontum rất vất vả trong trách nhiệm mục vụ. Trong khi đó, số giáo dân tại Đăklăk đã lên đến khoảng 40.000 người. Thêm vào là những trở ngại giao thông khi Đức Giám mục Đà Lạt đi kinh lý tại Quảng Đức (lúc đó thuộc Giáo phận Đà Lạt), Ngài phải sang xe đến vài lần. Tòa Thánh nhận thấy như vậy nên đã quyết định sát nhập hai Hạt Quảng Đức và Phước Long của Giáo Phận Đà Lạt vào Hạt Banmêthuột để lập thành Giáo Phận mới.

Ngày 22.6.1967, với Sắc chỉ “Qui Dei Benignitate”, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập Giáo Phận Banmêthuột. Cùng ngày hôm ấy, Ngài bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Banmêthuột với Sắc chỉ “Qui Omnium Catholicae”. Lễ Tấn Phong Giám mục được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn ngày 15.8.1967 và Lễ nhậm chức tại Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột ngày 22.8.1967.

Khi mới thành lập, Giáo phận Banmêthuột gồm 3 Giáo Hạt, có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân.

Ranh giới địa lý bao gồm tỉnh Đăklăk, tỉnh ĐakNông và một phần của tỉnh Bình Phước với diện tích là 21.723km2; giáp GP. Kontum ở phía Bắc, giáp GP. Nha Trang ở phía Đông, giáp GP. Đà Lạt ở phía Đông Nam, giáp GP. Xuân Lộc ở phía Nam, phía Tây Nam giáp GP. Phú Cường, còn phía Tây giáp tỉnh Mondunkini của Campuchia. Có sông Krông Ana, Krông Nô và các phụ lưu tạo thành sông Sêrêpok chảy vào sông Mê Kông.

Những sắc tộc sống trong vùng gồm: Kinh, Êđê, S’Tiêng, M’Nông, Xơ Đăng, H’Mông... Giáo phận còn có những Trung tâm hành hương như: Núi Đức Mẹ Giang Sơn, Đức Mẹ Thác Mơ, Phước Long và Đồi Thánh Tâm ở Dakmil.

C. MỘT VÀI ĐIỂM ĐÁNG NHỚ...

Ngày 25.3.1968, Đức Cha đã thiết lập Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. Cơ sở được xây dựng trên thửa đất rộng hơn 18 hecta, cách thị xã khoảng 5 km, nằm tại ngã 3 đường đi Nha Trang và Đà Lạt. Từ tháng 10.1977, Chủng viện dời về Toà Giám mục. Trải qua nhiều năm sống ẩn dật, Chủng viện Lê Bảo Tịnh đã đào tạo cho Giáo hội 35 linh mục (thuộc các khoá trước 1975) đang phục vụ ở trong nước và hải ngoại.

Ngày 31.5.1969, Dòng Mến Thánh Giá được cải tổ và đổi tên thành Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình.

Ngày 15.8.1981, Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực được tấn phong làm Giám mục phó Banmêthuột.

Ngày 22.6.1987, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai cung hiến Nhà Thờ Chính Toà Banmêthuột, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Giáo phận.

Ngày 04.8. 1990, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai tạ thế, Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực chính thức cai quản Giáo phận.

Ngày 01.01.1992, Lễ khai mạc mừng Năm Ngân Khánh thành lập Giáo phận Banmêthuột (1967-1992). Trước đó (Giáng sinh 1991), Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực đã gửi Thư Chung, trong đó có phác qua những thành quả về các cơ sở huấn luyện nhân sự, về những hoạt động mang tính xã hội và văn hóa để rồi vạch ra một hướng đi mới cho 25 năm tới như sau:

1. Học hỏi về Giáo Hội
2. Nâng cao trình độ trí thức
3. Bồi dưỡng các lớp giáo lý, đào tạo giáo lý viên
4. Đào tạo Linh mục và Tu sĩ nam nữ cho đủ về số lượng và đủ phẩm chất
5. Thống nhất các sinh hoạt tôn giáo trong toàn Giáo phận
6. Tham gia chương trình chung của Giáo phận.

Ngày 29.12.2000, Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực nghỉ hưu, Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức cai quản Giáo phận.

Ngày 29.5.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa về làm Giám quản, coi sóc Giáo phận thay cho Đức Cha đương nhiệm về nghỉ hưu vì lý do sức khoẻ.

Nhớ về những chủ chăn

1. Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai – Giám mục Tiên khởi
Khẩu hiệu: “Ngài cần phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”
Sinh ngày: 3.7.1913
Linh mục: 19.6.1941
Giám mục: 22.6.1967
Nhậm chức Giám mục Ban Mê Thuột: 22.8.1967
Qua đời: 4.8.1990

2. Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực
Khẩu hiệu: “Chúa giàu lòng thương xót ”
Sinh ngày: 25.10.1925
Linh mục: 31.5.1954
Giám mục: 15.8.1981
Giám mục Chính tòa: 4.8.1990
Về hưu: 29.12.2000
Qua đời: 23.9.2011

3. Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức
Khẩu hiệu: “Đạt tới người mới”
Sinh ngày: 22.2.1938
Linh mục: 21.12.1967
Giám mục: 21.4.1997
Giám mục Chính tòa: 29.12.2000
Về hưu: 17.5.2006
Qua đời: 23.5.2011

4. Đức Cha Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Khẩu hiệu: “Trong tinh thần và chân lý”
Sinh ngày: 2.2.1932
Linh mục: 20.12.1959
Giám mục: 30.01.1975
Giám mục Giám quản: 29.5.2006 đến 21.02.2009
Qua đời: 14.02.2017

5. Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Khẩu hiệu: “Bước Theo Thần Khí”
Sinh ngày: 26.11.1956
Linh mục: 16.9.1993
Giám mục: 12.5.2009
Giám mục Chính tòa: 21.02.2009 đến nay

Bổn mạng Giáo phận

Ngày 4.9.2007, Đức Giám mục Giám quản đã tham khảo ý kiến của các linh mục trong Giáo phận và Ngài đã chấp thuận đề nghị của đa số linh mục là chọn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm Bổn mạng của Giáo phận.

Lễ Bổn mạng Giáo phận được mừng kính trọng thể vào ngày 22.6 hàng năm tại Nhà thờ Chính Tòa, để kỷ niệm ngày thành lập Giáo phận (Đức Giáo hòang Phaolô VI ký sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thành lập Giáo phận BMT ngày 22.6.1967). Nếu ngày 22.6 trùng vào ngày thứ Bảy, Chúa nhật hoặc thứ Hai, thì sẽ chuyển qua một ngày khác trong tuần để mọi thành phần dân Chúa có thể dễ dàng tham dự.

III. TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH

1. Chủ chăn Giáo phận: Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

2. Tổng Đại diện: Lm Stephanô Nguyễn Văn Đậu

3. Chưởng ấn – Thư ký: Lm P.X. Nguyễn Kim Long

4. Quản Lý: Lm Giuse Trần Văn Phúc

5. Liên lạc:
Địa chỉ: Toà Giám mục Banmêthuột, 104 Phan Chu Trinh, Phường Thắng Lợi,
TP. Buônmathuột, Đăklăk.
Điện thoại: 0500. 852 756 – 0913. 44 88 50
E-mail: josphuc@dng.vnn.vn

6. Hội đồng Tư vấn: 11 thành viên

7. Hội đồng Linh mục

- Lm Stephanô Nguyễn Văn Đậu, Tổng Đại diện

- Lm Antôn Vũ Thanh Lịch, Quản hạt Chính Tòa

- Lm Giacôbê Phạm Xuân Lương, Quản hạt Buôn Hô

- Lm Gioan Bùi Quang Đạo, Quản hạt Mẫu Tâm

- Lm Đa Minh Phạm Sỹ Hiện, Quản hạt Giang Sơn

- Lm Phaolô Nguyễn Thư Hùng, Quản hạt Dakmil

- Lm Giuse Nguyễn Văn Khánh, Quản hạt Gia Nghĩa

- Lm Phêrô Ngô Anh Tấn, Quản hạt Phước Long

- Lm Đa Minh Nguyễn Văn Thành, Quản hạt Đồng Xoài

- Lm G.B Nguyễn Minh Hảo

- Lm Giuse Trịnh Văn Hân

- Lm Đaminh Vũ Đức Hậu

- Lm Giuse Lưu Thanh Kỳ

- Lm P.X Nguyễn Kim Long

- Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

- Lm Giuse Trần Văn Phúc

- Lm G.B Cao Thanh Tâm

- Lm Phêrô Nguyễn Văn Thái

- Lm Giuse Nguyễn Hữu Thanh, OSB (dòng Biển Đức)

- Lm Irênê Nguyễn Bình Tĩnh

8. Toà án Hôn phối:

- Đại diện Tư pháp – Chánh án: Lm Giuse Bùi Công Chính

- Thẩm phán: Lm Giuse Trịnh Văn Hân

- Bảo vệ: Lm Stêphanô Nguyễn Văn Đậu

- Lục sự: Lm P.X. Nguyễn Kim Long

9. Các Trưởng Ban của các Ủy ban Giám mục

- Giáo sĩ và Chủng sinh: Lm Stêphanô Nguyễn Văn Đậu

- Đặc trách Chủng sinh và Ứng sinh: Lm Giuse Nguyễn Văn Úy

- Tu Sĩ: Lm Phêrô Nguyễn Văn Thái

- Giáo lý Đức tin: Lm GB. Nguyễn Huy Bắc

- Loan báo Tin Mừng: Lm GB. Nguyễn Minh Hảo

- Giáo dân: Lm GB. Nguyễn Minh Tâm

- Mục vụ Giới trẻ: Lm Giuse Đỗ Minh Hiển

- Phụng tự: Lm GB. Phạm Chính Trực (Thế Truyền)

- Thánh nhạc: Lm Matthêu Nguyễn Quang Tuấn

- Bác ái Xã hội: Lm Giuse Vũ Ngọc Toàn

- Văn hóa và Truyền thông: Lm Antôn Vũ Thanh Lịch

- Công lý và Hòa bình: Giacôbê Phạm Xuân Lương

- Giáo dục Công giáo: GB. Nguyễn Đình Lượng

- Mục vụ Di dân: Lm GB. Cao Thanh Tâm

IV. CHỦNG VIỆN, DÒNG TU VÀ TU HỘI

A. CHỦNG VIỆN:

Hiện nay, Giáo phận đang gửi 38 Chủng sinh theo học tại Đại Chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Số ứng sinh đang chờ vào Đại Chủng viện là 16 người. Quý Thầy đã học xong tại Đại Chủng viện, đang giúp xứ là 6 người.

B. DÒNG VÀ TU HỘI NAM:

1. Dòng La San:
- Hai cộng đoàn tại Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Chính Tòa
- Một cộng đoàn tại Giáo xứ Vinh An, Hạt Quảng Đức

2. Dòng Đaminh:
- Một Cộng đoàn tại Giáo xứ Giang Sơn, Hạt Chính Tòa

3. Dòng Chúa Cứu thế:
- Tại Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Chính Tòa

4. Dòng Lazarists (Vinh Sơn)
- Tại Giáo xứ Hương Sơn, Hạt Quảng Đức

5. Dòng Thánh Thể
- Tại Giáo xứ Duy Hòa, hạt Mẫu Tâm

6. Dòng Biển Đức
- Một cộng đoàn tại Thuận Hiếu, Hạt Chính Tòa
- Một cộng đoàn tại Giáo họ Hòa Nam, Hạt Mẫu Tâm

7. Dòng Thừa Sai Việt Nam
- Tại Giáo xứ Bù Đăng, Hạt Phước Long

8. Tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế.
- Tại Giáo xứ Tân Lập, Hạt Phước Long
- Tại Quảng Phúc, Hạt Quảng Đức

C. DÒNG VÀ TU HỘI NỮ:

1. Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình

Là Hội dòng của Giáo phận, mang bản chất tông đồ thừa sai (HC 77)

Dòng do Đức cố Giám mục Paul Seitz Kim sáng lập ngày 01.9.1959 tại Giáo xứ Tân Hương, Giáo phận Kontum.

Ngày thiết lập Hội dòng theo văn thư số 2248/69 đề ngày 22.4.1969, Đức cố Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai đã ban sắc lệnh thiết lập ngày 31.5.1969 tại Giáo phận Ban Mê Thuột.

Bổn mạng nhà dòng: Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình, kính ngày: 01.01

Với sứ mạng: “Sống và truyền rao Tin Mừng Hòa bình của Chúa Kitô cho mọi người, theo gương Mẹ Maria”. Và “Đoàn sủng riêng biệt của Dòng là truyền giáo giữa anh em dân tộc trên Cao nguyên”. Với các việc tông đồ như: Cổ võ học hỏi Thánh kinh, dạy Giáo lý, làm việc mục vụ tại các giáo xứ, giáo điểm. thi hành các công tác bác ái, giáo dục, dục anh, huấn nghệ, y tế, cứu tế… Dòng cũng lãnh nhận các trách nhiệm khác do bề trên giao phó, tùy theo nhu cầu của thời đại và hoàn cảnh địa phương.

Hiện Hội dòng có 31 cộng đoàn hoạt động trên 3 tỉnh Daklak, Dak Nông và Phước Long (Bình Phước). Có bốn cộng đoàn đào tạo, ba ở Tp. HCM và một ở Nha Trang.

Trụ sở chính của Dòng: 204 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tp. Ban Mê Thuột

Điều kiện gia nhập:
* Thiếu nữ từ 18 – 25.
* Tốt nghiệp PTTH hoặc Đại học.
* Sức khoẻ tốt, tâm lý bình thường, trí phán đoán lành mạnh.
* Có tự do và ý thức lựa chọn đời tu.
* Gia đình đạo đức và không có mầm bệnh di truyền, thần kinh.
* Có giấy giới thiệu của Cha xứ.

2. Dòng Carmel
- Tại Giáo xứ Châu Sơn, Hạt Mẫu Tâm

3. Dòng Chúa Quan Phòng
- Tại Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Chính Tòa
- Tại Giáo xứ Buôn Hô, Hạt Buôn Hô
- Tại Giáo xứ Quỳnh Ngọc, Hạt Mẫu Tâm
- Tại Giáo xứ Đức Hạnh, Hạt Quảng Đức

4. Dòng Con Đức Mẹ Nam Vang
- Tại Giáo xứ Đồng Xoài, Hạt Phước Long

5. Dòng Đaminh Tam Hiệp
- Tại Giáo họ Lộ Đức, Phú Long, Hạt Chính Tòa
- Tại Nghi Hòa, Hạt Quảng Đức

6. Dòng Đaminh Thánh Tâm
- Tại Giáo xứ Thuận Hiếu, Hạt Chính Tòa

7. Dòng Đức Bà Truyền Giáo
- Tại Giáo xứ Long Điền, Hạt Phước Long
- Tại Giáo xứ Bù Đăng, Hạt Phước Long
- Tại Minh Hưng, Bù Đăng, Hạt Phước Long

8. Dòng Khiết Tâm Nha Trang
- Tại Giáo xứ Mẫu Tâm, Hạt Mẫu Tâm

9. Dòng Mân Côi
- Tại Giáo xứ Kim Mai, Hạt Mẫu Tâm

10. Dòng Mến Thánh giá Huế - Miền Xuân Lộc
- Tại Thanh Lâm, Hạt Quảng Đức
- Tại Xuân Sơn, Hạt Quảng Đức
- Tại Hòa Tiến, Hạt Quảng Đức
- Tại Nghi Trung, Hạt Quảng Đức

11. Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm – Hà Nội
- Tại Giáo xứ Kim Mai, Hạt Mẫu Tâm
- Tại Hương Sơn, Hạt Quảng Đức

12. Dòng Mến Thánh giá Nha Trang
- Tại Giáo xứ Vinh Đức, Hạt Dakmil
- Tại Giáo xứ Hòa Bình, Hạt Mẫu Tâm
- Tại Giáo xứ Bác Ái, Hạt Quảng Đức

13. Dòng Mến Thánh giá Tân Việt
- Tại Giáo xứ Bù Đăng, Hạt Phước Long

14. Dòng Thánh Phaolô thành Chartres.
- Tại Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Chính Tòa (Cộng đoàn Vi Nhân và Cộng Đoàn 118 Phan Chu Trinh)
- Tại Giáo xứ Chi Lăng, Hạt Mẫu Tâm
- Tại Giáo xứ Duy Hòa, Hạt Mẫu Tâm

15. Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể
- Tại Cuơr Knia, Giáo xứ Châu Sơn, Hạt Mẫu Tâm

16. Dòng Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn
- Tại Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Chính Tòa
- Tại Giáo họ Hòa Nam, Giáo xứ Thánh Linh, Hạt Mẫu Tâm
- Tại Hòa An, Hạt Quảng Đức
- Tại Giáo họ Đồng Tâm, Hạt Phước Long.

17. Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế
- Tại Giáo xứ Tân Lập, Hạt Phước Long
- Tại Giáo xứ Tân Hưng, Hạt Phước Long

18. Dòng Vô nhiễm – Phú Xuân
- Tại Giáo xứ Duy Hòa, Hạt Mẫu Tâm

19. Cộng đoàn Mai Linh – Bệnh viện Nhân ái
- Tại Giáo họ Phú Văn, Giáo xứ Đức hạnh , Hạt Quảng Đức.
Cộng đoàn có 7 tu sĩ nam và 20 nữ tu thuộc nhiều hội dòng.

V. GIÁO DÂN VÀ GIÁO XỨ

Vào thời điểm năm 2016, số thống kê giáo dân trong Giáo phận là 434.722 người, số linh mục là 169, trong đó triều: 140, dòng: 29. Tổng dân số là 2.954.111 người. Có 19 Cộng đoàn thuộc 9 Dòng tu với 619 tu sĩ nam và nữ.

Tính đến cuối năm 2016, Giáo phận có 8 Giáo hạt với 106 Giáo xứ và 73 Giáo họ biệt lập, được phân bổ như sau:

Hạt Giáo xứ Giáo họ Giáo dân
Buôn Hô 12 6 72.889
Chính Tòa 8 12 42.562
Mẫu Tâm 12 8 44.675
Giang Sơn 10 9 51.145
Dakmil 14 7 72.466
Gia Nghĩa 17 13 49.012
Phước Long 18 11 35.552
Đồng Xoài 15 7 40.750
       


Ở đây, phải nhắc đến thành phần các Giáo lý viên: theo số liệu năm 2016, trong toàn Giáo phận có 3.972 người. Đại Chủng sinh có 99 thầy và 49 ứng viên dự tu.

BAN VĂN HOÁ TRUYỀN THÔNG
GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT

(Dựa theo tư liệu của Ông Lê Văn Triều, trong sách “25 Giáo phận Việt Nam”, năm 1996; Niên giám Giáo hội Công Giáo Việt Nam 2016; Sinh hoạt Giáo phận 2016- TGM BMT).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây