TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tòa Giám Mục Banmêthuột

Thứ năm - 29/04/2021 03:05 |   1653
Tòa Giám Mục Banmêthuột

Tòa Giám Mục Banmêthuột

Tòa giám mục giáo phận Banmêthuột       
Công trình mang nét kiến trúc các dân tộc Tây nguyên.
Mỗi khi nói đến các nhà thờ Công giáo vùng Tây nguyên mọi người hay nhắc đến nhà thờ gỗ Kontum. Nhà thờ Kontum được xây dựng bằng gỗ theo kiểu dáng kiến trúc Gothique trong đó trang trí thêm các hoa văn dân tộc Tây nguyên. Giá trị của nhà thờ gỗ Kon-tum có lẽ thiên về tính thời gian, tính công phu của các nghệ nhân xây dựng nên công trình ấy. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh sáng tạo theo tôi đây chưa phải là giải pháp đặc biệt.
Trái lại TGM-BMT là một công trình có giá trị nhất định về mặt sáng tạo, việc đưa nét kiến trúc của các dân tộc Tây nguyên vào một công trình tôn giáo như vậy theo tôi là một nét nổi bật, một thành công của người thiết kế.
Tọa lạc tại số 104 Phan chu Trinh Tp.BMT, Tòa giám mục BMT tiền thân là cơ sở của các nữ tu dòng Benedictine được xây dựng từ năm 1953 do nữ kts Boni Pacxo người Áo thiết kế. Công trình mang dáng dấp kiến trúc độc đáo của các dân tộc Tây nguyên tồn tại hầu như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Trong thiết kế công trình mỗi khi muốn đưa một đặc điểm một nét kiến trúc vùng miền nào đó (tạm gọi là bản sắc) vào tác phẩm mới của mình người thiết kế cần phải quan tâm đến các yếu tố sau:
- Xác định đặc điểm của bản sắc kiến trúc cần đưa vào?
- Xác định nên đưa bản sắc kiến trúc này vào những thể loại công trình nào?
- Cuối cùng là cách đưa bản sắc kiến trúc ấy vào công trình như thế nào?
Với các yếu tố trên tôi cho rằng công trình TGM-BMT mặc dù được thiết kế cách đây đã lâu, mặc dù được thiết kế bởi một kts nước ngoài nhưng đã đạt được sự thành công nhất định trong việc đưa nét kiến trúc dân tộc Tây nguyên vào thiết kế cho một dòng tu.
Kiến trúc các dân tộc Tây nguyên từ nhà rông của người Giarai tới nhà dài của người Ê-đê đều có chung đặc điểm về hình thức là cấu tạo dạng nhà sàn, độ dốc mái lớn, tỉ lệ chiều cao mái rất lớn so với chiều cao tường (vách) nhà.
Nhà rông của người Giarai hay nhà dài dùng để sinh hoạt chung của người Êđê là nơi sinh hoạt cộng đồng của buôn làng. Vì vậy người thiết kế phải cân nhắc tùy theo tính chất để đưa nét kiến trúc này vào công trình của mình, không thể bất cứ công trình nào cũng thiết kế với dáng dấp nhà rông. Hình thức nhà rông chỉ nên áp dụng cho những công trình mang tính chất văn hóa như: bảo tàng, nhà văn hóa, nhà thờ… Không thể bất cứ công trình nào cũng đưa nét kiến trúc nhà rông vào, từ một nhà hàng tới bến xe siêu thị… cũng lấy theo dáng dâp nhà rông. Hệ quả là sự khác biệt về công năng dẫn đến sự bất hợp lý trong sử dụng. Sự khác biệt về tính chất công trình dễ dẫn đến việc coi nhẹ nét văn hóa của kiến trúc địa phương.
Cuối cùng vấn đề quan trọng nhất là cân nhắc giải pháp đưa nét kiến trúc đặc thù ấy vào công trình như thế nào? Có người lấy nguyên bản kiểu dáng một nhà rông để xây dựng cho công trình mới của mình, người khác lại chế biến một cách thái quá, biến nhà rông thành một sản phẩm khác lạ, có nơi sử dụng vật liệu, đưa hoa văn vào trang trí cho công trình… Tuy nhiên để có một giải pháp hợp lý, một sự kết hợp hoàn hảo đòi hỏi người thiết kế phải có một cách xử lý tinh tế, chuyên nghiệp mà không phải ai cũng làm được. Từ giải quyết vấn đề kỹ thuật đến xử lý hình thức kiến trúc sao cho công trình vừa đẹp vừa mang dáng dấp kiến trúc đặc trưng của địa phương.
Với công trình TGM-BMT theo tôi tác giả đã có sự kết hợp khá hợp lý. Kết hợp kiểu dáng kiến trúc Tây nguyên cho một công trình tu viện. Trong đó phần chính của công trình là nhà nguyện được lấy theo mặt bằng nhà dài của người Ê đê, các khu vực khác như nhà khách, quản lí, nhà ở và sinh hoạt của các nữ tu được đấu nối về 2 bên của nhà nguyện.
Mặt bằng nhà nguyện được sắp xếp với cầu thang chính, sảnh chính hướng từ đầu hồi của công trình tiếp giáp với lối vào chính. Ở đây có sự trùng hợp khá thú vị giữa nhà nguyện của một dòng tu với mặt bằng nhà dài của người Ê-đê. Nếu như bên trong nhà dài Ê-đê được chia làm 2 phần, phía trước gọi là Gah dành cho tiếp khách, phía sau gọi là Ok dành cho sinh hoạt của chủ nhà. Tương tự như vậy bên trong nhà nguyện cũng được chia làm 2 phần, phía trước là khu vực xem lễ của giáo dân, phía sau là khu vực xem lễ dành cho nữ tu (gọi là ca triều trong các dòng kín), với quan niệm các nữ tu không ngồi chung với giáo dân. Ngăn cách giữa 2 khu vực là bàn thờ. Thánh giá của nhà nguyện vì vậy được treo lên để có thể nhìn được từ 2 hướng ngược nhau. Nếu như sảnh phía trước dành cho khách thì sảnh phía sau về cuối nhà nguyện dành cho các tu sỹ.
Việc xử lý kỹ thuật trong khi áp dụng hình thức nhà dài cho một nhà nguyện cũng được tác giả thực hiện khá hợp lý. Như chúng ta biết nhà dài của người Ê-đê cũng như nhà rông của người Gia-rai với đặc điểm mái có độ dốc lớn và chiều cao mái rất lớn so với tường nhà vì vậy việc xử lý thông thoáng, chiếu sáng cho bên trong công trình bị hạn chế do chiều cao tường nhà rất thấp. Giải pháp lấy sáng ở đây tác giả sử dụng toàn bộ diện tích tường nhà làm cửa lấy sáng (hình) với khung gỗ, kính mờ bố trí từ sàn nhà tới đuôi mái. Phần mái cao được xử lý chiếu sáng, thông thoáng bởi các cửa mái ngang bằng cách thay đổi độ dốc mái (hình). Thay vì tạo các cửa mái hình tam giác thì việc mở các cửa mái ngang như vây ánh sáng sẽ phân bổ đồng đều hơn, đồng thời hình thức mái của nhà dài sẽ không bị phá vỡ (hình).
Có thể nói thành công nhất của tác giả chính là kiểu dáng của công trình. Với hình thức chính là nhà dài sàn thấp của người Ê-đê tác giả còn kết hợp một số chi tiết mặt đứng lấy dáng dấp nhà rông của người Giarai, mái nhà rông được thể hiện kết hợp khá thú vị tại tháp chuông của nhà nguyện. (hình)
Khi thiết kế công trình để thể hiện nét đặc thù của kiến trúc vùng miền nào đó thường người thiết kế hay đưa rất nhiều hoa văn trang trí vào công trình, đây có lẽ là cách dễ dàng nhất, đơn giản nhất trong thể hiện nét kiến trúc địa phương vào công trình. Tuy nhiên vơi công trình TGM-BMT tác giả không hề đưa vào đó bất kì một nét hoa văn trang trí nào. Sự thể hiện nét kiến trúc Tây nguyên thông qua mặt bằng nhà dài, qua dáng dấp mặt đứng, qua việc xử lý kỹ thuật thể hiện việc nghiên cứu một cách sâu sắc của người thiết kế thay vì lựa chọn hình thức thể hiện dễ dàng khác.
Như ở trên tôi đã nói có nhiều cách để thể hiện một công trình mang nét kiến trúc địa phương. Tùy theo cách tiếp cận văn hóa, tùy theo cách tư duy của người thiết kế, cách tiếp cận xử lý tinh tế sẽ có được sản phẩm có giá trị. Giá trị của công trình kiến trúc nếu không được đánh giá bởi các chuyên gia thì cũng sẽ được đánh giá bởi thời gian. Thời gian cũng đã qua mấy chục năm nay, câu trả lời sẽ có nếu một lần bạn ghé thăm. Rất tự hào có được những công trình có giá trị như vậy làm đẹp thành phố làm đẹp cao nguyên xanh quê tôi.
Ban-mê mùa mưa 2014 
Kts Nguyễn Văn Sáng.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây