TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Thường Niên -Năm C

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,17.20-26)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2025

Thứ hai - 10/02/2025 16:29 | Tác giả bài viết: ĐTC PHANXICÔ |   36
Những Người Truyền Giáo của Niềm Hy Vọng giữa muôn dân
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2025

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2025 - NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN GIÁO CỦA NIỀM HY VỌNG GIỮA MUÔN DÂN


WHĐ (10/02/2025) - Sáng ngày 06/02/2025, Toà Thánh đã công bố “Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 99”, sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 10 năm nay. Sau đây là toàn văn Việt ngữ của Sứ điệp được chuyển ngữ bởi Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, Ủy ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2025
 

19 tháng 10 năm 2025
 

Những Người Truyền Giáo của Niềm Hy Vọng giữa muôn dân
 

Anh chị em thân mến!

Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo trong Năm Thánh 2025, với thông điệp trung tâm là Niềm Hy Vọng (x. Tông sắc Spes Non Confundit, 1), tôi đã chọn khẩu hiệu: "Những Nhà Truyền Giáo của Niềm Hy Vọng giữa Muôn Dân." Khẩu hiệu này nhắc nhở mỗi Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh – cộng đoàn những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội – về ơn gọi nền tảng của chúng ta, là những người bước theo Chúa Kitô, trở thành sứ giả và người kiến tạo hy vọng. Tôi tin tưởng rằng đây sẽ là một thời khắc ân sủng cho tất cả chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa trung tín, Đấng đã tái sinh chúng ta trong Chúa Kitô phục sinh "để hưởng niềm hy vọng sống động" (x. 1 Pr 1,3-4).

Ở đây, tôi muốn đề cập đến một số khía cạnh quan trọng của căn tính truyền giáo Kitô giáo, để chúng ta có thể để cho Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn và được nung đốt bởi lòng nhiệt thành thánh thiện trong một mùa truyền giáo mới của Hội Thánh, Hội Thánh được sai đi để làm sống lại niềm hy vọng trong một thế giới đang bị bao phủ bởi những bóng tối nặng nề (x. Fratelli Tutti, 9-55).

1. Bước theo Chúa Kitô, Niềm Hy Vọng của chúng ta

Mừng Năm Thánh đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ ba sau Năm Thánh 2000, chúng ta tiếp tục đưa mắt hướng về Chúa Kitô, trung tâm của lịch sử, "Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi" (Dt 13,8). Tại hội đường Nazarét, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Kinh Thánh được ứng nghiệm trong "hôm nay" nhờ sự hiện diện của Người trong lịch sử. Người đã mạc khải rằng chính Người là Đấng được Chúa Cha sai đến, với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần, để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và khai mở "Năm Hồng Ân của Chúa" cho toàn thể nhân loại (x. Lc 4,16-21).

Trong cái "hôm nay" huyền nhiệm này, sẽ kéo dài đến ngày tận thế, Chúa Kitô là sự viên mãn của ơn cứu độ cho mọi người, đặc biệt là những ai chỉ còn biết trông cậy vào Thiên Chúa. Khi còn sống trên trần gian, Người "đi đến đâu là thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ áp bức" (x. Cv 10,38), khơi lên niềm hy vọng vào Thiên Chúa cho những người khốn cùng. Người cũng đã trải qua tất cả những yếu đuối của con người, ngoại trừ tội lỗi, ngay cả những khoảnh khắc tột cùng có thể dẫn đến tuyệt vọng, như trong cơn hấp hối tại vườn Giệtsimani và trên thập giá. Chúa Giêsu đã phó thác mọi sự cho Chúa Cha, tin tưởng vâng phục kế hoạch cứu độ của Người dành cho nhân loại, một kế hoạch bình an và tràn đầy hy vọng (x. Gr 29,11). Nhờ vậy, Người trở thành Nhà Truyền Giáo thần linh của niềm hy vọng, là mẫu gương tuyệt hảo cho tất cả những ai qua mọi thời đại chu toàn sứ mạng Thiên Chúa trao phó, ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách cùng cực.

Qua các môn đệ của Người được sai đến với muôn dân, và vẫn luôn đồng hành cách huyền nhiệm với họ, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ đem hy vọng đến cho nhân loại. Người vẫn cúi xuống với những ai nghèo khổ, đau buồn, tuyệt vọng và bị áp bức, xức dầu an ủi lên vết thương của họ và đổ rượu hy vọng vào lòng họ (Kinh Tiền tụng “Chúa Giêsu – Người Samaritanô Nhân Hậu”). Trong tinh thần phục vụ và vâng phục Thầy Chí Thánh, Hội Thánh – cộng đoàn môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô – tiếp tục sứ vụ ấy, hiến dâng đời mình cho muôn dân giữa các quốc gia. Dù đối diện với bách hại, thử thách và khó khăn, cũng như những yếu đuối và thất bại do giới hạn của con người, Hội Thánh luôn được tình yêu Chúa Kitô thúc bách để trung thành tiếp tục hành trình truyền giáo, cùng với Người và giống như Người biết lắng nghe lời than khóc của nhân loại đau khổ, và cả tiếng rên xiết của mọi thọ tạo đang mong chờ ơn cứu chuộc viên mãn. Đây chính là Hội Thánh mà Chúa luôn mời gọi bước theo Người: "Không phải một Hội Thánh dậm chân tại chỗ, nhưng là một Hội Thánh truyền giáo, cùng bước đi với Thầy mình trên các nẻo đường thế giới" (Bài giảng trong Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục, 27/10/2024).

Ước gì chúng ta cũng cảm thấy được thôi thúc lên đường theo bước chân Chúa Giêsu, để cùng với Người và trong Người, trở thành những dấu chỉ và sứ giả của niềm hy vọng cho mọi người, ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào mà Thiên Chúa đặt để chúng ta. Ước mong mọi Kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, với tư cách là những môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, làm cho niềm hy vọng của Người tỏa sáng đến tận cùng trái đất!

2. Các Kitô hữu, những người mang và xây dựng Niềm Hy Vọng giữa muôn dân

Khi bước theo Chúa Kitô, các Kitô hữu được mời gọi loan báo Tin Mừng bằng cách chia sẻ những hoàn cảnh sống cụ thể của những người mà họ gặp gỡ, qua đó trở thành những người mang và kiến tạo niềm hy vọng. Thật vậy, “niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của con người thời đại này, đặc biệt là của những người nghèo khổ hoặc đau khổ, cũng là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô. Không có điều gì thực sự thuộc về con người mà không vang vọng trong lòng họ” (Gaudium et Spes 1).

Lời tuyên bố nổi tiếng này của Công đồng Vaticanô II diễn tả tâm tư và phong cách của các cộng đoàn Kitô hữu qua mọi thời đại, cho đến nay vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các tín hữu và giúp họ đồng hành với anh chị em mình trên thế giới. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến những anh chị em là các nhà truyền giáo ad gentes. Theo tiếng gọi của Chúa, anh chị em đã lên đường đến các quốc gia khác để loan báo tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Vì điều này, tôi chân thành cảm ơn anh chị em! Cuộc sống của anh chị em là một lời đáp trả rõ ràng cho lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, ad gentes (x. Mt 28,18-20). Bằng cách này, anh chị em là dấu chỉ ơn gọi phổ quát của những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội: nhờ quyền năng của Thánh Thần và nỗ lực mỗi ngày, anh chị em trở thành những nhà truyền giáo giữa muôn dân và thành những chứng nhân cho niềm hy vọng lớn lao mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.

Chân trời hy vọng này vượt xa những thực tại phù du của thế gian và mở ra cho chúng ta những thực tại thần linh mà ngay từ bây giờ chúng ta đã được thông phần. Quả thật, như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhận xét, ơn cứu độ trong Chúa Kitô mà Hội Thánh trao ban cho mọi người như một hồng ân của lòng thương xót Chúa không chỉ "giới hạn trong những nhu cầu vật chất hoặc ngay cả những nhu cầu tinh thần… hoàn toàn bị cuốn vào những ước muốn, những hy vọng, những công việc và những cuộc đấu tranh trần thế. Nhưng ơn cứu độ này vượt lên trên tất cả những giới hạn ấy để đạt đến sự viên mãn trong hiệp thông với Đấng Tuyệt Đối duy nhất là Thiên Chúa. Đó là một ơn cứu độ vừa siêu việt vừa cánh chung, có khởi đầu ở đời này nhưng được hoàn tất trong vĩnh cửu" (Evangelii Gaudium, 27).

Được thúc đẩy bởi niềm hy vọng vĩ đại này, các cộng đoàn Kitô hữu có thể trở thành dấu chỉ của một nhân loại mới trong một thế giới mà ngay cả ở những khu vực "phát triển" nhất vẫn bộc lộ những dấu hiệu nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng con người: một cảm giác hoang mang lan rộng, sự cô đơn và thờ ơ đối với những người già yếu, cũng như sự miễn cưỡng trong việc giúp đỡ những người lân cận đang gặp khó khăn. Ở các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất, "sự gần gũi" đang dần biến mất: chúng ta kết nối với nhau nhưng lại không thực sự liên hệ với nhau. Sự ám ảnh về hiệu suất và lòng ham muốn vật chất, danh vọng, đang làm chúng ta trở nên ích kỷ và không còn khả năng sống vị tha. Tin Mừng, khi được trải nghiệm một cách sinh động trong đời sống cộng đoàn, có thể khôi phục cho chúng ta nhân tính toàn vẹn, lành mạnh và được cứu chuộc.

Vì lý do này, tôi một lần nữa mời gọi tất cả chúng ta thực thi những công việc đã được đề cập trong Tông sắc về Năm Thánh (số 7-15), với sự quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khổ và yếu đuối nhất, những người bệnh tật, người già và những người bị loại trừ khỏi xã hội chạy theo chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ. Hãy thực hiện những điều này theo "phong cách của Thiên Chúa", tức là với sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, đồng thời nuôi dưỡng một mối quan hệ cá nhân với anh chị em mình trong hoàn cảnh cụ thể của họ (x. Evangelii Gaudium, 127-128).

Nhiều khi, chính những người nghèo dạy chúng ta cách sống trong niềm hy vọng. Qua sự tiếp xúc cá nhân, chúng ta cũng sẽ truyền tải tình yêu từ trái tim đầy xót thương của Chúa. Chúng ta sẽ nhận ra rằng "trái tim của Chúa Kitô… chính là trung tâm của việc loan báo Tin Mừng ban đầu" (Dilexit Nos, 32). Khi kín múc từ nguồn mạch này, chúng ta có thể đơn sơ trao ban niềm hy vọng mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,21) và mang đến cho người khác cùng một sự ủi an mà chúng ta đã được Thiên Chúa ủi an (x. 2 Cr 1,3-4). Trong trái tim nhân loại và thần linh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với tâm hồn của mỗi người nam và nữ, lôi kéo tất cả chúng ta vào trong tình yêu của Người.

"Chúng ta đã được sai đi để tiếp tục sứ vụ này: trở thành dấu chỉ của Trái Tim Chúa Kitô và tình yêu của Chúa Cha, ôm trọn lấy toàn thế giới" (Diễn văn trước các tham dự viên Đại hội Toàn thể của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 3/6/2023).

3. Canh tân sứ mệnh hy vọng

Đối diện với tính cấp bách của sứ vụ hy vọng hôm nay, các môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi trước hết khám phá cách trở thành "những người thợ của niềm hy vọng", những người phục hồi một nhân loại vốn dĩ đang bị phân tâm và bất an.

Để đạt được điều này, chúng ta cần được canh tân trong linh đạo Phục Sinh, điều mà chúng ta cảm nghiệm mỗi khi cử hành Thánh Thể, và cách đặc biệt trong Tam Nhật Vượt Qua – trung tâm và tột đỉnh của năm phụng vụ. Chúng ta đã được rửa tội trong cái chết cứu chuộc và sự phục sinh của Chúa Kitô, trong lễ Vượt Qua của Chúa, dấu ấn của mùa xuân vĩnh cửu trong dòng lịch sử. Do đó, chúng ta là “dân tộc của mùa xuân”, tràn đầy hy vọng để sẻ chia với mọi người, vì trong Chúa Kitô, "chúng ta tin và biết rằng cái chết và hận thù không phải là lời sau cùng trên thân phận con người" (x. Giáo lý, 23/8/2017). Từ các mầu nhiệm Vượt Qua, được hiện tại hóa trong các cử hành phụng vụ và các bí tích, chúng ta không ngừng kín múc sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm việc với lòng nhiệt thành, quyết tâm và kiên nhẫn trong cánh đồng truyền giáo rộng lớn trên toàn cầu. "Chúa Kitô, Đấng phục sinh và được tôn vinh, là suối nguồn niềm hy vọng của chúng ta, và Người sẽ không từ chối ban cho chúng ta sự trợ giúp cần thiết để thực hiện sứ vụ mà Người đã ủy thác cho chúng ta" (Evangelii Gaudium, 275). Trong Người, chúng ta sống và làm chứng cho niềm hy vọng thánh thiêng, một niềm hy vọng vừa là hồng ân của Thiên Chúa vừa là nhiệm vụ của Kitô hữu (Hy vọng là Ánh sáng trong Đêm tối, Vatican 2024, 7).

Những nhà truyền giáo của hy vọng là những con người cầu nguyện, bởi vì "người có hy vọng là người cầu nguyện", như lời của Đấng Đáng Kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã được nâng đỡ trong niềm hy vọng suốt những năm dài bị cầm tù nhờ sức mạnh mà ngài kín múc từ việc cầu nguyện bền bỉ và từ Thánh Thể (x. Đường Hy Vọng, Boston, 2001, 963). Chúng ta đừng quên rằng cầu nguyện là hoạt động truyền giáo tiên quyết và đồng thời cũng là "sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng" (Giáo lý, 20/5/2020).

Vậy chúng ta hãy canh tân sứ mệnh hy vọng, bắt đầu từ việc cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện dựa trên Lời Chúa, và nhất là các Thánh Vịnh – bản giao hưởng cầu nguyện tuyệt vời do chính Chúa Thánh Thần linh hứng (x. Giáo lý, 19/6/2024). Các Thánh Vịnh giúp chúng ta tập sống hy vọng giữa những nghịch cảnh, nhận ra những dấu chỉ hy vọng xung quanh, và duy trì một khao khát "truyền giáo" liên lỉ, để muôn dân ca tụng Thiên Chúa (x. Tv 41,12; 67,4). Khi cầu nguyện, chúng ta giữ cho ngọn lửa hy vọng mà Thiên Chúa đã thắp sáng trong ta luôn rực cháy, để nó có thể trở thành một ngọn lửa lớn, soi sáng và sưởi ấm những người xung quanh, ngay cả qua những hành động và cử chỉ cụ thể mà chính việc cầu nguyện đã truyền cảm hứng cho chúng ta.

Cuối cùng, công cuộc loan báo Tin Mừng luôn là một hành trình mang tính cộng đoàn, cũng như bản chất của niềm hy vọng Kitô giáo (x. Đức Bênêđictô XVI, Spe Salvi, 14). Hành trình này không kết thúc khi người ta lần đầu tiên nghe Tin Mừng và lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mà tiếp tục với việc xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu, qua việc đồng hành với mỗi người đã chịu phép rửa trên con đường Tin Mừng. Trong xã hội hiện đại, việc thuộc về Hội Thánh không phải là một điều gì đạt được một lần là đủ. Đó là lý do tại sao hoạt động truyền giáo để trao ban và đào sâu một đức tin trưởng thành nơi Chúa Kitô là "mô hình tiêu biểu cho toàn bộ hoạt động của Hội Thánh" (Evangelii Gaudium, 15), một công việc đòi hỏi sự hiệp nhất trong cầu nguyện và hành động. Ở đây, tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hiệp hành truyền giáo của Hội Thánh, cũng như vai trò của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo trong việc thúc đẩy trách nhiệm truyền giáo của những người đã chịu phép Rửa và hỗ trợ các Hội Thánh địa phương mới lập. Tôi mời gọi tất cả anh chị em – từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người trưởng thành cho đến người cao tuổi – hãy tích cực tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng chung của Hội Thánh bằng chứng tá đời sống, bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh và lòng quảng đại của mình. Xin cảm ơn anh chị em vì điều này!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô – niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta phó thác cho Mẹ lời cầu nguyện của chúng ta trong Năm Thánh này và cho những năm sắp tới:

"Nguyện ánh sáng của niềm hy vọng Kitô giáo chiếu soi trên mọi người nam nữ, như một sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa gửi đến mọi người! Và nguyện cho Hội Thánh làm chứng trung thành cho sứ điệp này trên khắp thế giới!" (Tông sắc Spes Non Confundit, 6).

 

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 25 tháng 1 năm 2025, Lễ Kính Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại.

PHANXICÔ

Bản dịch tiếng Việt:

Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

UBLBTM/HĐGMVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây