TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đêm nhạc Viết Chung

Thứ hai - 07/06/2021 07:06 | Tác giả bài viết: Hữu Lễ |   1144
Đêm nhạc Viết Chung gồm hai phần: “Cùng Viết Chung dâng cao tiếng hát”, “Viết Chung và tình tự dân tộc”.
Dem Nhac Viet Chung  10
Dem Nhac Viet Chung 10

WGPSG -- “Phàm ai suy niệm Lời Chúa để viết thánh ca, để hát thánh ca, chính là anh em, chị em của nhau vậy” - Đấy là ý tưởng mà linh mục nhạc sĩ Kim Long đã chia sẻ trong Thánh lễ giỗ 20 năm nhạc sĩ Viết Chung (Giuse Đỗ Đức Trung) tại nhà nguyện cổ của Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM, bắt đầu lúc 18g00 ngày 11/04/2016.

Thánh lễ đồng tế do Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc - chủ sự. Đồng tế với ngài có Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, linh mục nhạc sư Kim Long, linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy và một số linh mục. Hiệp dâng Thánh lễ có hơn 300 thân hữu và 100 ca viên ca đoàn Vượt Qua.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, cha Kim Long đã nhắc lại cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thánh ca của Ông Viết Chung. Kết thúc bài chia sẻ, dựa vào Tin Mừng Mt 12,50: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi”, cha đã liên tưởng đến nhạc sĩ Viết Chung cùng với mối quan hệ thân thiết giữa các nhạc sĩ để diễn ý: “Phàm ai suy niệm Lời Chúa để viết thánh ca, để hát thánh ca, chính là anh em, chị em của nhau vậy”.

Sau Thánh lễ, mọi người cùng di chuyển lên hội trường Gioan Baotixita để bắt đầu “Đêm nhạc Viết Chung”.

Đêm nhạc Viết Chung gồm hai phần: “Cùng Viết Chung dâng cao tiếng hát”, “Viết Chung và tình tự dân tộc”.

Khởi sự, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã mời Bà Viết Chung lên lễ đài để chào mọi người, rồi xướng lên bài hát: “Cầu xin Chúa Thánh Thần” để xin ơn thánh hoá, sau đó long trọng tuyên bố khai mạc đêm nhạc “Thánh ca Viết Chung”.

 

Dem Nhac Viet Chung 6

Phần 1: “Cùng Viết Chung dâng cao tiếng hát”

Đêm nhạc Viết Chung được bắt đầu bằng hợp xướng vĩ đại “Dâng Cao Tiếng Hát”, gồm lĩnh xướng: nhạc sĩ Thế Thông, chỉ huy hợp xướng: nhạc sĩ Đức Toàn, với hơn 100 giọng ca của ca đoàn Vượt Qua nhà thờ Chánh Tòa, ca đoàn Sao Mai, ca đoàn Hướng Dương của Giáo phận Xuân Lộc, ca đoàn Gioan nhà thờ Huyện Sĩ, ca đoàn Thiện Chí giáo xứ Phát Diệm. “Chỉ xin đọng giọt yêu thương, chỉ xin tiếng hát làm đường Chúa đi”: ý tưởng thật đẹp, lời ca bình dị, âm điệu vui tươi, hùng mạnh, bốn bè hòa quyện nhau, nhịp 2/4 nhanh, lời kết reo vui, mạnh mẽ vì “được gọi Ngài là Cha”.

“Đến Với Ngài”, ca sĩ Đông Nghi đơn ca. Bài hát nhịp 2/4 nhanh, như thôi thúc một Mađalêna chạy đến với Chúa, một em bé chạy nhanh vào vòng tay mẹ. Phiên khúc bắt đầu bằng gam la thứ, buồn, diễn tả những nỗi đắng cay. Kết phiên khúc chuyển qua điệp khúc với gam la trưởng vui tươi như tiếng reo đến được với Ngài. Giọng hát khỏe của ca sĩ làm tăng thêm niềm vui “đến với Ngài để thay đổi thể giới”.

Bài “Phúc cho ai” và “Kinh Kính Mừng”, âm hưởng ngũ cung, một phối hợp tuyệt vời của nhạc sĩ Viết Chung, đưa Tám Mối Phúc và kinh Kính Mừng vào làn điệu dân ca, đậm đà tình tự dân tộc. Bài hát khởi đầu bằng tiếng sáo du dương, tiếng đàn tỳ bà réo rắt, tiếng đàn bầu văng vẳng; giọng solo với những luyến láy như ngọn gió lướt qua cánh đồng lúa mênh mông  xào xạc của 3 bè còn lại và kết thúc bằng tiếng nước chảy róc rách của cây đàn tranh. Ca đoàn Vượt Qua, nhóm nhạc dân tộc, đã phối hợp thành công trong việc lột tả được chất dân ca trong bài hát.

“Con Xin Hát Mãi”, là bài hát do ca sĩ Thanh Sử trình bày, vui tươi, êm đềm như giòng nước ngầm của tuổi trẻ và bộc phát cao vút vào đoạn kết, diễn tả niềm vui tột cùng khi được hát mãi để ngợi ca Chúa Trời.

Hợp xướng “Ánh sáng cứu độ” và “ Chúa đã sống lại” - do ca đoàn Thiện Chí giáo xứ Phát Diệm trình bày - gồm lĩnh xướng: Công Tâm và Thanh Hà, chỉ huy hợp xướng: Văn Châu và Thanh Hà. Bài hát bắt đầu chậm, như ánh sáng dần lùa vào đêm tối; rồi nhanh dần khi “thoát chốn giam tù vực sâu”; tiếp đến là đoạn Duo như hai người đang nói với nhau: “Chúa đến cho ta tình yêu”; nhanh hơn nữa và kết thúc mạnh mẽ khi “ánh sáng cứu thế” đã làm “trọn đời ta say sưa”.

Bài “Chúa Đã Sống Lại”: nhanh, mạnh như một tiếng reo mừng vỡ òa sau những ngày trăn trở của các tông đồ.

Bài hát “Sao Người Gọi Tôi” và “Chúng Con Xin Ca Ngợi” do tốp ca ca đoàn Gioan giáo xứ Chợ Đũi trình bày. Bài “Sao Người Gọi Tôi” cảm động với lời ca “Tôi chẳng là gì sao Người gọi tôi. Tôi là hạt cát trôi trong sa mạc, là giọt nước lạc giữa biển to”. Một niềm hạnh phúc vượt quá trí suy làm nảy ra một mối lo sợ: liệu Ngài có gọi lầm tôi không? Hẳn Viết Chung đã có một thời kỳ hạnh phúc như thế! “Chúng Con Xin Ca Ngợi” là một bài hát ca ngợi các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hai giọng nam nhẹ nhàng, đưa mọi người mường tượng những giây phút oai hùng nhưng cũng không kém phần bi thiết của những vị Thánh Tử Đạo Việt Nam.

“Đừng Bỏ Con” và “Hát Lên Cùng Tôi”, hai bài hát do hai ca đoàn Sao Mai và Hướng Dương trình bày, gồm hơn 100 ca viên thể hiện. Đây là hai ca đoàn đến từ Giáo phận Xuân Lộc do hai ca trưởng Phương Huệ và Thế Thông điều khiển - hai ca trưởng này cũng chính là hai vợ chồng mang dáng dấp một “cặp đôi hoàn hảo”. “Đừng Bỏ Con” - mang giai điệu ngũ cung với lĩnh xướng Lam Phương - là tiếng khẩn van tha thiết từ chốn hang hùm miệng sói. Tiếng song lan như tiếng nấc trong cơn khốn cùng, và tiếng hát cao vút chơi vơi của Lam Phương làm cho lời van nài thêm khẩn thiết trong nỗi đau khổ tột cùng. Bài “Hát Lên Cùng Tôi” khởi đi từ gam thứ rồi chuyển ngay sang trưởng và sau đó thứ - trưởng buồn vui hòa quyện nhau trong tiếng kêu mời “hãy hát lên cùng tôi”. Sang đoạn hai, âm điệu chuyển sang nhanh, vui, ca tụng “bao la tình Chúa hải hà”. Phần tiếp có đoạn như tiếng gió sa mạc thổi xoắn rít trong “sa mạc hoang liêu” ,“nơi đau khổ tù lao”. Bài hát kết thúc trở về gam trưởng, âm điệu vui tươi “chẳng ngừng tiếng ca”.

“Hãy Sống”, “Hãy Yêu” ,“Hãy Vui”, “Hãy Cho” là chùm bốn bài do ca sĩ Diệu Hiền trình bày. Với giọng ca ngọt ngào, khuôn mặt khả ái, Diệu Hiền đã chinh phục được khán thính giả đồng thuận “Hãy sống… làm chứng Tin Mừng của Cha chí nhân”.

 

Dem Nhac Viet Chung 24

Phần 2: “Viết Chung và tình tự dân tộc”

Phần 2 khởi sự với ba bài hát mang cung giọng của ba miền Việt Nam do ca đoàn Vượt Qua trình bày với y phục cổ truyền dân tộc.

“Ai Đi Đường Ấy” - dân ca Trung bộ - đong đưa, vui nhộn, với những tiếng “hù... khoan” miền Trung thúc giục, bốn bè lúc hòa trộn, lúc đuổi nhau.

“Duyên Tình Ngựa Ô” mang tiếng hò lơ miền Nam quen thuộc. Giai điệu đang diễn tả trái tim dạt dào yêu thương, pha chút lãng mạn của người con gái miền Nam “tới đây thì ở lại đây”, bỗng chuyển sang nhún nhẩy “khớp con ngựa ô”!

“Lý Cây Đa” có âm điệu “trèo lên quán dốc”, đong đưa, vui tươi, và kết thúc với cao trào, mạnh mẽ, chấm dứt đột xuất, khiến khán giả vỗ tay không dứt.

Sau khi nhạc sĩ Đức Toàn có đôi lời về tuyển tập Viết Chung vừa mới hoàn thành, cha Rocco Nguyễn Duy đã lên sân khấu cám ơn cha Kim Long, các ca đoàn, ca viên, nhóm hòa tấu cổ nhạc và mọi người đã góp phần đưa Đêm nhạc Viết Chung đến thành công. Cuối cùng, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã lên ban phép lành cho toàn thể cộng đồng Dân Chúa hiện diện.

Hữu Lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây