TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Quan niệm Sướng – Khổ

16/12/2023 05:38:36 |   395

Quan niệm Sướng – Khổ

tbd 151123a


Mùng 3 tết thánh hóa công ăn việc làm, điều gây ảnh hưởng lớn đến quan niệm Sướng – Khổ mà hầu hết chúng ta cứ bị ám ảnh mỗi ngày sống.

Ở nhà quê cứ nghe nói đến dân Sài gòn là mường tượng toàn là các đại gia. Cứ nói lên Sài gòn sống y như được đổi đời, cứ tìm về đây sẽ có cả một trời hy vọng tương lai sáng lạn…

Sài Gòn đúng là nơi hội đủ các điều đó, nhưng cái giá phải trả cho quan niệm “Sướng” thì rất đắt:

- Trẻ em không có tuổi thơ đúng nghĩa của nó. Áp lực học tập quá nặng nề: Học sáng chiều, học thêm, học riêng, học nhóm.. đứa nào cũng phờ phạc từ sớm đến khuya, lăn ra ngủ vội vàng rồi lại tiếp tục nhịp sống ngày mới như thế.

- Cha mẹ lo làm ăn kiếm tiền từng giây phút để có thể duy trì sinh hoạt gia đình với đủ mọi gánh nặng chi phí, rồi còn tranh thủ từng chút thời gian rảnh rỗi đưa đón con đi học, đi lễ…

- Ra đường vừa nóng, khói bụi, kẹt xe, cảnh giác cướp giật… cái đầu ai cũng căng như dây đàn, mệt mỏi khủng khiếp.

- Ăn uống thì vội vã, chẳng mấy khi được miếng cơm canh tự nấu để vợ chồng con cái ngồi thưởng thức. Lỡ có sự kiện gì phải thức khuya dậy sớm sẽ khó mà tìm được thời gian ngủ bù.

- Ai có điều kiện làm ra tiền thì tận dụng tối đa thời gian để đạt được, bất chấp những nguy cơ về sức khỏe. Bởi vậy có thơ vui: “Khi xưa mạnh khỏe thì nghèo, ngày nay giàu có thì teo mất rồi”. Bệnh tật và cô đơn chực chờ tuổi già…

Người Sài Gòn nhìn về lối sống miền quê êm ả, không bon chen, khí hậu trong lành, thức ăn tươi sạch.. mà thèm được hưởng phúc đó. Người nhà quê nhìn lên dân xì phố trắng trẻo thanh lịch, đi xe hơi ở nhà lầu, phong cách đẳng cấp…ngưỡng mộ đến chảy nước miếng. Cuối cùng rất nhiều người đứng núi này trông núi kia tự kết luận cho bản thân một câu: “Sao tôi khổ thế!”.

Gần ngày tết, trên Facebook chủ yếu thấy 2 nhóm người nổi bật: Than và Khoe. Cả hai tâm lý trên đều cho thấy chúng ta đang chịu nhiều áp lực cuộc sống. Áp lực thỏa mãn sự khao khát vật chất, các nhu cầu thụ hưởng… và rồi chúng ta ganh tỵ so bì nhau, mệt mỏi do kiếm tìm, điên cuồng khi không đạt được.

Sức người không nổi thì tìm đến thần thánh. Nào là cúng sao giải hạn, vía thần tài, dâng phật xin lộc cầu ơn… Trong miền nam không rầm rộ như ngoài bắc, nhưng chuyện phong thủy, coi bói, xem ngày lành tháng tốt… không đâu không có. Thực dụng hơn khi tập trung cho may rủi vào Vietlott, số kiến thiết, số đề. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2016 mà tiền mua vé số ở khu vực miền nam đã trên 50 ngàn tỷ! Thử hỏi cộng thêm Vietlott và số đề nữa khủng khiếp cỡ nào.

Một xã hội mà phần đông đặt niềm tin và tương lai cuộc sống vào trong những điều mơ hồ như vậy thì tránh sao được những bất hạnh, lo lắng, mất bình an trong cuộc sống. Chưa kể quan niệm này dễ dẫn tới mê tín dị đoan, tư duy đút lót chạy chọt, thói ỷ lại, ít chịu lao động sáng tạo…

Con người chúng ta, nhất là trong chế độ vô thần ngông cuồng lắm: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Cả trăm triệu dân, sức người đầy đó tại sao vẫn đói vẫn khổ? Có những người khiêm tốn hơn: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, và khi gặp thất bại thì đổ thừa tại Trời hết!

Chúa ban cho con người chúng ta những điều kiện tốt nhất để có thể kiến tạo cuộc sống của mình cho hạnh phúc, vấn đề là chúng ta có biết trân trọng lãnh nhận và cùng cộng tác với Ngài để biến nó thành điều hữu ích cho cuộc sống mình không? Ví dụ sức khỏe, mình có biết giữ gìn! Tài năng, trí tuệ, có chịu phát huy!

Chúa cho chúng ta được biết có nhiều giá trị hạnh phúc cao hơn vật chất rất nhiều như nhân cách sống, lòng bác ái bao dung, và nhất là biết tìm kiếm hạnh phúc tuyệt đối nơi Thiên Chúa… Ta đã sống tinh thần này như thế nào?

Lao động để kiến tạo hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự của mỗi người chúng ta là làm cho người khác được hạnh phúc. Triết gia cổ đại Hecralite nói: “Nếu hạnh phúc là sự thỏa mãn các nhu cầu vật chất thì chúng ta có thể coi con bò là hạnh phúc nhất”. Một xã hội chỉ đua chen nhau tìm kiếm lợi lộc vật chất, để “vật chất quyết định ý thức” thì không có chỗ cho những giá trị tốt đẹp tồn tại.

Sách Khôn Ngoan nói: “Nghèo hay giàu, biết đủ là hạnh phúc”. Thánh vương Đa-vit nói: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công…”. Nếu chúng ta biết nhận ra biết bao điều tốt đẹp mà Chúa ban cho trong cuộc sống hằng ngày mà trân trọng cùng nỗ lực làm việc để phát huy, chắc chắn cuộc sống của bản thân và cộng đoàn sẽ ngày một nhẹ nhàng và thăng tiến.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(26/01/2020)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây