Tình Yêu dành cho nhau
Cha bạn tôi lần đầu tiên lên cha chánh xứ, mới được ba ngày thì ông cố qua đời. Từ Sài Gòn trốn Corona về quê bơ vơ, tôi qua xứ ngài chơi mấy ngày, vừa chia sẻ mục vụ vừa an ủi anh em trong lúc đau buồn.
Chưa biết lâu dài sẽ ra sao, nhưng thời gian này đúng là tuần trăng mật của cha bạn. Giáo dân mời cơm liên tục, dành cho cha xứ mới tình yêu và lòng kính trọng một cách chân tình không hình thức. Tôi ở ké vài ngày cũng được thơm lây, hạnh phúc với cha bạn, lãnh nhận những tấm chân tình trao ban vô vị lợi.
Giáo dân luôn kính trọng và yêu mến các linh mục. Sự kính yêu này không phải bị chinh phục bởi tài năng, đức độ, hay hình thức bên ngoài. Cũng không có luật nào buộc phải kính yêu, không có chế tài nào ép họ làm điều đó.
Giáo dân kính yêu linh mục vì chỉ biết linh mục là Môn Đệ của Thầy Giê-su vô cùng kính yêu của họ: “Yêu ai yêu cả đường đi…”. Vô cùng kính yêu Thầy nên học trò của Thầy cũng được yêu là sự phản ứng rất tự nhiên từ tấm lòng chân thành.
Xét theo bản tính con người, không phải Linh mục nào cũng đáng yêu và dễ yêu. Đâu đâu cũng có những than phiền về các linh mục nóng nảy hay la mắng, sống ích kỷ, bê bối, màu mè hình thức… và thậm chí thiếu cả cái cơ bản của con người là nhân bản.
Mỗi lần xét mình tôi luôn cảm thấy xấu hổ vì rất nhiều thiếu sót khuyết điểm của bản thân, không xứng chút nào với sự kính yêu giáo dân dành cho mình. Mỗi dịp lễ mừng sự kiện cá nhân, ngồi nghe vị đại diện chúc mừng với bao lời tốt đẹp, tôi rất ngại vì cảm thấy nó vượt xa thực tế.
Có ra đời đi đây đó nhiều mới biết kiến thức xã hội mình chẳng tới đâu, vậy mà nói thánh tướng ai ai cũng nể phục. Tiệc tùng quá đà cũng bê bối lôi thôi, công việc hằng ngày thường xuyên biếng nhác, cũng đầy những đam mê xác thịt, vật chất…
Giáo dân vẫn kính yêu tôi, đơn giản vì tôi là Linh mục của Chúa: “Yêu cha vì chỉ biết đó là cha…”.
Tôi nhớ đến hai Tông Đồ vĩ đại của Thầy Giê-su là Phê-rô và Phao-lô: Một đấng quê mùa dốt nát nhát đảm, một đấng ngang tàng kiêu căng tự mãn. Hai đấng trở thành Môn đệ của Thầy Giê-su rồi mà vẫn còn y đó những yếu đuối khuyết điểm của con người. Nhưng “cái tật xấu thế gian”, giờ được ơn Chúa thánh hóa trở thành “khuyết điểm nhân đức”. Thánh Phao-lô xem nó như cái dằm từng phút giây đâm vào thịt mình để nhắc ngài đừng ngạo mạn, tự mãn. Thánh Phê-rô mang cái tủi nhục của sự phản bội, để cảnh tỉnh mình đừng bao giờ coi bản thân hơn anh em, cho dù có là Lãnh Đạo Giáo Hội, và cũng đừng bao giờ rơi vào vết xe đổ chối Thầy thêm lần nữa.
Cảm ơn giáo dân luôn yêu mến linh mục chúng tôi. Tình yêu này nói lên mối tình của chúng ta với Thầy Giê-su Chí Thánh. Tình yêu này nhắc nhở Linh mục chúng tôi phải có thái độ đáp trả xứng hợp với những gì chúng tôi nhận được.
Tôi xác định mình không cần phải sống mị dân, không phải dùng cách thế của thế gian để tìm kiếm điều này, đơn giản vì nó luôn có sẵn trong tâm hồn những người con cái Chúa sẵn sàng trao ban cho nhau.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh