Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 12/08/2023 09:19 |
702
Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã đưa ra một nhận định nổi tiếng rằng: “Không có một trăm người ở Hoa Kỳ chê ghét Giáo Hội Công Giáo, nhưng có hàng triệu người chê ghét những gì họ lầm tưởng là Giáo Hội Công Giáo.”
3 BƯỚC ĐỂ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO NHỮNG NGƯỜI THỜ Ơ
Matt Nelson
WGPVL (11.08.2023) - Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã đưa ra một nhận định nổi tiếng rằng: “Không có một trăm người ở Hoa Kỳ chê ghét Giáo Hội Công Giáo, nhưng có hàng triệu người chê ghét những gì họ lầm tưởng là Giáo Hội Công Giáo.” Ngài đã viết nhận xét này từ nhiều thập kỷ trước, nhưng ngày nay vấn đề thiếu hiểu biết về tôn giáo của số đông - và sự thờ ơ về mặt thiêng liêng mà nó gây ra - thì tồi tệ hơn bao giờ hết. Làm thế nào chúng ta có thể Phúc Âm hóa nền văn hóa thờ ơ này?
Một giải pháp lâu dài cho vấn đề thờ ơ về tôn giáo bắt đầu từ mái ấm gia đình, trong bối cảnh gia đình. Cha mẹ Kitô hữu không chỉ có trách nhiệm dạy dỗ con cái về đức tin (và cách cầu nguyện), mà còn giúp chúng làm quen với những phản đối phổ biến đối với niềm tin Kitô giáo và chỉ dạy chúng cách hồi đáp. Họ cũng phải dạy con cái cách để suy nghĩ, nhấn mạnh sự trân trọng sâu sắc của Giáo Hội đối với khoa học và lý trí - và sự tương thích mật thiết giữa lý trí với đức tin. Thánh Augustinô đã viết câu Crede, ut intelligas: “Hãy tin để bạn có thể hiểu.”
Tình cảnh cấp bách của ngày hôm nay cũng đòi hỏi một số can thiệp ngay lập tức. Ít nhà tư tưởng Kitô giáo nào suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề thờ ơ đối với tôn giáo như Blaise Pascal, vì vậy hãy bắt đầu với cách tiếp cận mà ông đã vạch ra trong tác phẩm kinh điển Pensées (Suy tưởng) của mình:
Con người coi thường tôn giáo. Họ chê ghét tôn giáo và lo sợ rằng nó có thể là chân thật. Giải pháp cho vấn đề này trước hết [1] là chứng tỏ rằng tôn giáo không đi ngược lại với lý trí, nhưng đáng được trân trọng và lưu tâm. Tiếp theo là [2] làm cho tôn giáo có sức hấp dẫn, khiến cho những người tốt mong ước rằng tôn giáo này là chân thật, và sau đó [3] cho thấy rằng tôn giáo là chân thật.
1. Chứng tỏ rằng tôn giáo không đi ngược lại với lý trí, nhưng đáng được trân trọng và lưu tâm.
Có nhiều lý lẽ thuyết phục có thể được đưa ra để giải thích và bảo vệ đức tin Công giáo. Nhưng cách thức cơ bản hơn đối với một tôn giáo phù hợp với lý trí lại cần đến một bước đi nền tảng hơn: định nghĩa các thuật ngữ và loại bỏ những phù phiếm.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi thường vội vàng định nghĩa đức tin là điều gì đó giống như “bám lấy một sự tin tưởng mà không có lý do chính đáng” hoặc “tin vào điều gì đó bất chấp bằng chứng ngược lại chắc chắn hơn”. Cả hai định nghĩa này đều không hữu ích. Do đó, quy tắc số một là: đừng để những người hoài nghi định nghĩa các thuật ngữ của bạn cho bạn!
Khi được hiểu một cách đúng đắn, đức tin là sự đồng thuận được đưa ra dành cho một tuyên bố dựa trên thẩm quyền từ một người khác. Sự đồng thuận đích thực là những gì học sinh dành cho giáo viên, những gì nguyên đơn dành cho luật sư bào chữa và những gì các nhà sử học dành cho các cựu chiến binh. Nhưng sự tín nhiệm như vậy không tự đóng lại đối với việc nghiên cứu thêm. Lý trí được sử dụng để chứng thực niềm tin, và mặc dù những mầu nhiệm của đức tin thường được coi là những chân lý “có rào cản” mà lý trí không thể tiếp cận được; thay vào đó, chúng ta có thể xem các mầu nhiệm đó là những nguồn gốc phát sinh chân lý và sự hiểu biết sâu sắc. Mầu nhiệm là món quà không ngừng được trao ban cho trí tuệ con người. Như G.K. Chesterton nhận định rằng: “Những điều bí nhiệm của Thiên Chúa thì đem lại sự thỏa mãn nhiều hơn những lời giải đáp của con người.”
2. Làm cho Kitô giáo giáo trở nên hấp dẫn để những người thờ ơ mong ước tôn giáo này là chân thật.
Kitô giáo thật đẹp. Chúng ta có thể nói với mọi người về điều đó, nhưng thường thì tốt hơn là nên thể hiện nó.
Trong một bài thuyết trình vào năm 1970, Aleksandr Solzhenitsyn, tiểu thuyết gia người Nga và là người sống sót trong các trại lao động của Liên Xô, đã khẳng định rằng: “Sức thuyết phục của một tác phẩm nghệ thuật chân chính là hoàn toàn không thể chối cãi, và nó buộc ngay cả một trái tim chống đối cũng phải đầu hàng.” Cái đẹp thu hút người chiêm ngắm nó. Thông qua cái hữu hình, cái vô hình trở nên dễ nhận biết. Cái đẹp thì không mang dáng vẻ oai vệ - đến mức không có vũ trang - điều này làm cho nó trở thành khởi điểm hấp dẫn cho việc rao giảng Tin Mừng. Như Đức Giám mục Robert Barron đã nói: “Vẻ đẹp là đầu mũi tên của việc rao giảng Tin Mừng.”
Không có biểu tượng nào hấp dẫn hơn hình ảnh (eikon) về Thiên Chúa (theo cách dùng thuật ngữ Hy Lạp của Thánh Phaolô) cho bằng Đức Giêsu Kitô (x. Cl 1,15). Đặc biệt nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, con người đã có thể nhận thức được theo một cách thức mới đầy sâu sắc không chỉ về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi, mà còn cả về tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô quyết định “không muốn biết đến chuyện gì khác” nơi các tín hữu Côrintô mà ngài đang truyền bá Phúc Âm, “ngoại trừ Đức Giêsu Kitô và việc Người chịu đóng đinh” (1Cr 2,2). Chúng ta cần cho mọi người thấy rằng Đức Kitô chịu đóng đinh vẫn đang sống - và đúng thật là đang sống trong chính chúng ta.
3. Thứ ba, chứng tỏ rằng Kitô giáo thực sự là chân thật.
Một tôn giáo dù có hấp dẫn đến đâu thì cũng chẳng quan trọng nếu nó chỉ là giả tạo. Đây là chỗ để cho những tư tưởng hộ giáo xuất hiện. Đạo Công giáo đưa ra ba lời tuyên bố cơ bản về chân lý, mỗi lời tuyên bố đóng vai trò là những trụ cột trong toàn bộ hệ thống giáo lý của tôn giáo này.
Trụ cột đầu tiên là Thiên Chúa hiện hữu. Nhưng tại sao mọi người cần quan tâm đến điều này ngay từ đầu? Triết gia Richard Purtill viết: “Bước đầu tiên để trả lời là chỉ ra rằng nếu ý tưởng truyền thống về Thiên Chúa là chân thật, thì chúng ta sẽ không còn tồn tại nếu Thiên Chúa không nghĩ đến chúng ta và không muốn giữ cho chúng ta tồn tại. Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta; điều đó tự nó là một lý do.” Thật vậy, việc một Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi và đang hoạt động trên thế giới này không phải là một khẳng định đơn thuần, mà có thể được hướng đi của lý trí bảo vệ một cách mạnh mẽ. (Ví dụ, hãy tìm hiểu về Ngũ đạo của Thánh Tôma Aquinô.)
Trụ cột thứ hai là Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa nhập thể - điều mà Người thể hiện rõ ràng bằng cách sống lại từ cõi chết như Người đã tiên báo. Sự phục sinh này là nền tảng của đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì chúng ta vẫn ở trong tội lỗi của mình.” (1Cr 15,17) May mắn cho các Kitô hữu là có nhiều lý do chính đáng để tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Antony Flew, một triết gia hoài nghi, đã thừa nhận: “Bằng chứng về sự Phục sinh tốt hơn so với những phép lạ được tuyên bố trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Nó khác biệt rõ ràng về chất lượng và số lượng.” Người Công giáo nên làm quen với bằng chứng này và sẵn sàng chia sẻ về nó.
Cuối cùng, Giáo Hội Công Giáo tuyên bố là Giáo Hội do Đức Kitô thành lập. Chúng ta nhận thấy rằng việc bảo vệ cho tuyên bố này không chỉ là công việc thiết thực dành cho những nhà hộ giáo, mà còn là của các giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, một số người trong số các ngài là môn đệ của các tông đồ. Từ Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thánh Augustinô cho đến Thánh Gioan Đamascênô, tất cả các giáo phụ ở những thế kỷ đầu tiên đều tự minh chứng về tính hiển nhiên của đạo Công giáo trong các tác phẩm của mình. Do đó, Giáo Hội Công Giáo có Kinh Thánh và lịch sử Giáo Hội sơ khai đứng về phía mình.
Chúng ta vẫn phải lưu tâm đến thực tế về thách thức phía trước. Rao giảng Tin Mừng là một công việc khó khăn và không phải lúc nào hoa trái của nó cũng là điều hiển nhiên tức thì. Không có hạt đậu ma thuật nào sẽ tự động thức tỉnh tất cả những ai thờ ơ về mặt thiêng liêng và dẫn đưa họ đến với đức tin. Những cuộc hoán cải có xu hướng diễn ra theo từng bước nhỏ, và thường thì cả người rao giảng Tin Mừng lẫn những người được rao giảng Tin Mừng đều không biết rằng một cuộc hoán cải đã bắt đầu, trong khi thực tế là nó đã bắt đầu. Do đó, chúng ta phải kiên nhẫn tiến bước trong đức tin, đức cậy và đức mến, luôn ghi nhớ những lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Kẻ trồng kẻ tưới đều chẳng là gì cả, chỉ có Thiên Chúa là mới là Đấng làm cho lớn lên. Kẻ trồng người tưới đều bình đẳng như nhau, ai nấy hưởng công theo sức lao động của mình. Vì chúng ta là những người cùng nhau làm công việc của Thiên Chúa.” (1Cr 3,6-7) Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên