Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 05/09/2023 10:36 |
1430
Nếu tôi đi xưng tội thường xuyên—mỗi tháng một lần, hai tuần một lần—tôi thức tỉnh được lương tâm mình. Tôi bắt đầu nhận thức được mọi thứ trong cuộc sống của mình, và nếu tôi không làm như vậy, lương tâm của tôi trở nên chai sạn một chút
5 câu hỏi thường gặp về việc xưng tội
5 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ VIỆC XƯNG TỘI G. Võ Tá Hoàng
Hỏi: Nếu tôi cảm thấy lo lắng về việc đi xưng tội thì sao? Đáp: Có thể đó là một dấu hiệu tốt vì nó cho thấy bạn thật thà và chân thành đối mặt với những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình, giống như ai đó đang lo lắng khi đưa ra một quyết định quan trọng trong cuộc đời họ. Khi người giáo dân đến xưng tội mà thấy lo lắng thì họ nên nói ra, nói với linh mục. Rồi khi đó vị linh mục sẽ phân biệt và lưu ý đến thực tại con người. Xưng tội là một khoảnh khắc cực kỳ thâm sâu về mặt tinh thần, vì vậy khi ai đó nói “Tôi lo lắng về điều này” có nghĩa là “Điều tôi đang nói đến rất nghiêm trọng trong cuộc sống của tôi”. Và hãy nhớ, bất cứ điều gì bạn nói, thường thì, linh mục đã nghe điều đó trong một bối cảnh khác, trong một cuộc xưng tội khác, hoặc cách nào đó ngài đã nghe biết rồi.
Hỏi: Tôi có nên đi xưng tội nếu tôi chưa phạm tội gì không? Đáp: Tôi nghĩ việc ai đó nói rằng mình không phạm bất cứ tội lỗi nào là ngạo mạn, và đó là một tội. Nếu ai đó cho rằng mình chưa phạm tội gì, họ cần phải xem lại lương tâm mình một cách nghiêm túc, một bản kiểm thảo lại cuộc sống cách can đảm. Nếu người nào thực hiện việc xem xét lại cuộc đời mình một cách kính sợ, bằng cách sử dụng 10 Điều Răn và Bài Giảng Trên Núi, họ sẽ nhận thấy có những đổ vỡ trong cuộc đời mình và điều đó mở ra cho họ ân sủng của Chúa.
Hỏi: Tôi có cần phải xưng tội trước khi rước lễ không? Đáp: Nếu bạn đang ở trong tình trạng tội trọng, vâng, bạn nên xưng tội trước khi rước lễ. Nếu bạn nghi ngờ liệu mình có mắc tội trọng hay không thì đó là lý do để bạn đi xưng tội. Nếu lương tâm của bạn đang làm bạn áy náy thật nhiều (đến mức bạn đang thắc mắc về nó), thì bạn thực sự nên đi xưng tội càng sớm càng tốt. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo lưu ý, để một tội trở thành tội trọng, đối tượng là một nội dung nghiêm trọng và được phạm với nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận.
Hỏi: Tôi nên xưng tội bao lâu một lần? Đáp: Nếu tôi là một vận động viên Olympic và cứ bốn tháng lại phải đi tập trượt tuyết thả dốc một lần, thì tôi không thể nào giành được huy chương vàng. Lý do: cơ bắp của tôi chưa được rèn luyện để ghi nhớ những điều cần làm. Nếu tôi đi xưng tội thường xuyên—mỗi tháng một lần, hai tuần một lần—tôi thức tỉnh được lương tâm mình. Tôi bắt đầu nhận thức được mọi thứ trong cuộc sống của mình, và nếu tôi không làm như vậy, lương tâm của tôi trở nên chai sạn một chút (giống như cơ bắp của tôi nếu tôi không trượt tuyết thường xuyên). Tôi khuyên bạn nên đi xưng tội ít nhất mỗi tháng một lần và xưng tội đều đặn vào mỗi tuần thứ hai trong tháng; cho nên đó là điều bạn nên làm thường xuyên. Rồi khi có những nghi ngờ, lo lắng nào đó trong cuộc sống của bạn, không cần phải lo, vì bạn đã xây dựng nền tảng đó để nhận biết phải làm gì và tìm ra con đường đến với sự chữa lành của Chúa.
Hỏi: Tại sao có người gọi là xưng tội, một số gọi là hòa giải, và một số khác gọi đó là sám hối? Đáp: Những cái tên nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của bí tích. - Sám hối đề cập đến sự ăn năn, đau buồn và quyết tâm sửa đổi cuộc sống của một người với sự giúp đỡ của Thiên Chúa. - Xưng tội đề cập đến hành động của một người nói ra những tội lỗi của mình với linh mục. - Hòa giải đề cập đến mục tiêu của việc cử hành qua đó tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Giáo hội. - Nghi thức lãnh nhận bí tích được gọi là Nghi thức Sám hối. Gọi bí tích này với bất kỳ cái tên nào trong số kể trên đều thích hợp. Thực ra, Sách Giáo lý còn gọi bí tích này là “bí tích hoán cải” và “bí tích tha thứ”.