TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lội ngược dòng

Thứ bảy - 29/05/2021 23:50 | Tác giả bài viết: HTT |   1048
Lội ngược dòng

Lội ngược dòng

Bài Kinh Thánh thứ Tư, Tuần V Mùa Chay (Đaniel 3,14-28) kể truyện ba bạn trẻ Do Thái không chịu thờ ngẫu tượng theo lệnh truyền của nhà vua, dù họ biết rằng cái chết thảm khốc đang chờ đợi họ nếu họ chống lại mệnh lệnh của nhà vua.

Truyện Kinh Thánh là thế, còn chuyện thời nay thì sao? Tuần vừa rồi, báo đời báo đạo trên thế giới đều đăng tin về ông Brendan Eich, người phát minh JavaScript (một ngôn ngữ lập trình kịch bản trong lĩnh vực điện toán) và đồng sáng lập công ty Mozilla. Do sức ép của phong trào ủng hộ đồng tính, ông phải từ chức Giám đốc điều hành công ty. Lý do đưa ra là vào năm 2008, ông đã ủng hộ một ngàn Mỹ kim cho phong trào đề cao việc kết hôn giữa người nam và người nữ.

Hai chuyện có vẻ hoàn toàn khác nhau và không liên hệ gì với nhau. Một đàng là chuyện của quá khứ hơn hai ngàn năm về trước, còn một đàng là chuyện thời sự ngày nay. Một bên là chuyện xảy ra trong đế quốc của ông vua độc tài Nabuchodonosor, còn một bên là chuyện hiện đại trong một đất nước tự hào là Hiệp Chủng Quốc, văn minh nhất thế giới, lá cờ đầu của tự do tư tưởng và ngôn luận. Xa nhau vời vợi như thế thì có gì liên hệ?

Nhìn thoáng qua là thế, nhưng nhìn kỹ thì chuyện xưa và chuyện nay vẫn chỉ là một. Nếu vua Nabuchodonosor yêu cầu ba bạn trẻ phải dẹp bỏ niềm tin Do Thái giáo của họ để thờ phượng ngẫu tượng theo lệnh ông, thì nền văn hóa thế tục ngày nay cũng gây sức ép lên ông Brendan Eich, bắt ông phải giã từ lập trường tôn giáo về vấn đề hôn nhân, nếu không, ông phải mất chức giám đốc. Trường hợp này không chỉ là duy nhất, còn nhiều Kitô hữu khác cũng đang bị gây sức ép như thế, và dự báo cho thấy tình hình sẽ ngày càng căng thẳng hơn.

Không thể không nhớ đến cụm từ nổi tiếng của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối. Cũng vẫn là chuyên chế, độc tài thôi. Chỉ khác là ngày xưa, sự chuyên chế đó là sự độc tài của một ông vua, người thâu tóm mọi quyền lực trong chế độ quân chủ. Còn ngày nay là sự độc tài của cái gọi là chủ nghĩa tương đối, thứ chủ nghĩa tuyên bố mọi sự đều là tương đối, không hề có chân lý nào là tuyệt đối, đồng thời hàm chứa khẳng định rằng “chỉ một mình tao là tuyệt đối”.

Những sự kiện trên nhắc nhở người Kitô hữu nhiều điều. Trước hết là mối liên hệ mật thiết giữa đức tin tôn giáo và đời sống cụ thể. Công Đồng Vatican II đã đưa ra nhận định này từ 50 năm trước: “Sự phân cách giữa đức tin được tuyên xưng và cuộc sống thường ngày của nhiều người phải được kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta… Vì thế, không được tạo nên sự đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp xã hội và đời sống tôn giáo” (Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hi Vọng, số 43). Đức tin không thể chỉ gói gọn trong những giờ thờ phượng Chúa ở nhà thờ, nhưng phải được thể hiện trong những chọn lựa cụ thể trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội.

Trong câu truyện Kinh Thánh, khi nhà vua đe dọa ném họ vào lò lửa và bảo họ: “Liệu có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?”, ba người trẻ đã trả lời: “Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu”. Câu trả lời thật độc đáo. Những bạn trẻ này xác tín Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, nhưng họ không “ép” Chúa làm phép lạ, giải thoát họ khỏi lò lửa đang cháy phừng phực. Làm phép lạ hay không là quyền của Chúa, còn về phần họ, dù Chúa có làm phép lạ hay không, họ vẫn đi trong đường lối của Ngài. Đúng là niềm tin chân chính và mạnh mẽ. Với đức tin sống động như thế, người tin Chúa mới thật sự là men, muối trong đời, để góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

Sống đức tin như thế là lội ngược dòng thời đại, vì thế đòi hỏi phải chấp nhận hi sinh và đau khổ. Câu truyện Kinh Thánh trên được đọc vào tuần áp Tuần Thánh, trở thành lời mời gọi các Kitô hữu bước vào Tuần Thánh bằng cách vác thánh giá theo chân Chúa Giêsu, qua chính những hi sinh và từ bỏ hằng ngày khi trung thành với những giá trị Tin Mừng. Chúa Giêsu không hề giấu giếm những gian khổ mà các môn đệ phải gánh chịu, nên Ngài đã cảnh báo các môn đệ từ trước: “Trong thế gian, chúng con sẽ phải đau khổ”. Nhưng đồng thời Chúa mở ra cho các ông một chân trời mới và mời gọi họ lên đường: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Tuần Thánh tập trung vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô, nhưng mọi chi tiết trong cuộc khổ nạn cần được nhìn trong ánh sáng Phục Sinh, ánh sáng ban tặng ý nghĩa mới và sức sống mới cho hành trình Kitô hữu giữa thế gian.

HTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây