TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung 16/10/2024

Thứ tư - 16/10/2024 06:12 |   263
Đức Thánh Cha đã suy tư về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt suy tư về Chúa Thánh Thần như được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính
Tiếp kiến chung 16/10/2024

Tiếp kiến chung 16/10/2024 - ĐTC Phanxicô: Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ rằng mọi sự kết thúc sau cái chết

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 16/10/2024, Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”, Người ban cho chúng ta sự sống mới, sự sống trong Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, ban cho chúng ta sự sống đời đời. Đây chính là tin mừng mang lại ý nghĩa cho sự hiện hữu của chúng ta khi chúng ta hiểu và tin rằng những đau khổ và bất công trên thế giới này không thống trị mãi mãi, mọi sự không kết thúc sau cái chết.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã suy tư về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt suy tư về Chúa Thánh Thần như được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Ngài nhắc rằng vào thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã xác định thiên tính của Chúa Thánh Thần và ngày nay chúng ta cũng tái khẳng định niềm tin đó khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.

Chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”, và Người ban cho chúng ta sự sống mới, sự sống trong Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, ban cho chúng ta sự sống đời đời. Đức Thánh Cha nói rằng đây chính là tin mừng mang lại ý nghĩa cho sự hiện hữu của chúng ta khi chúng ta hiểu và tin rằng những đau khổ và bất công trên thế giới này không thống trị mãi mãi, mọi sự không kết thúc sau cái chết.

Bắt đầu buổi tiếp kiến, cộng đoàn cùng nghe đoạn Tin Mừng Thánh Gioan (14,15-17):

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”.

Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý:

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta chuyển từ những điều đã được mặc khải cho chúng ta trong Kinh Thánh về Chúa Thánh Thần sang cách Người hiện diện và hoạt động trong đời sống của Giáo hội, trong đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Khẳng định thiên tính của Chúa Thánh Thần

Trong ba thế kỷ đầu tiên, Giáo hội không cảm thấy cần phải đưa ra một công thức rõ ràng về đức tin vào Chúa Thánh Thần. Ví dụ, trong Kinh Tin Kính cổ xưa nhất của Giáo Hội, được gọi là Tín biểu các Tông đồ, sau khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, và Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sinh ra, đã chết, xuống ngục tổ tông, sống lại và lên trời”, thì tuyên xưng thêm: “[Tôi tin] Chúa Thánh Thần”, và không thêm điều gì nữa, không thêm bất kỳ đặc điểm nào.

Nhưng chính lạc giáo đã thúc đẩy Giáo hội định nghĩa đức tin của mình. Khi tiến trình này bắt đầu - với Thánh Athanasio vào thế kỷ thứ tư - chính kinh nghiệm của Giáo hội về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc thánh hóa và “làm cho chúng ta trở nên giống Thiên Chúa” đã dẫn Giáo hội đến xác tín về thiên tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần. Điều này được thực hiện trong Công đồng chung Constantinople năm 381, Công đồng đã định nghĩa thiên tính của Chúa Thánh Thần bằng những lời nổi tiếng mà ngày nay chúng ta vẫn lặp lại: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Đức ​​Chúa Cha [và Đức Chúa Con] mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.

Chúa Thánh Thần chia sẻ “quyền làm chủ” của Thiên Chúa

Nói rằng Chúa Thánh Thần “là Chúa” có nghĩa là nói rằng Người chia sẻ “quyền làm chủ” của Thiên Chúa, rằng Người thuộc về thế giới của Đấng Tạo Hóa, chứ không phải thế giới của các thụ tạo. Lời tuyên bố mạnh mẽ nhất chính là Người được tôn vinh và phụng thờ như Chúa Cha và Chúa Con. Đó là lập luận về sự bình đẳng trong vinh quang, điều quan trọng đối với Thánh Basilio Cả, người là kiến ​​trúc sư chính của công thức: Chúa Thánh Thần là Chúa, là Thiên Chúa.

Định nghĩa của Công đồng không phải là điểm đến mà là điểm khởi hành. Và trên thực tế, một khi khắc phục những lý do lịch sử ngăn cản việc khẳng định rõ ràng hơn về thiên tính của Chúa Thánh Thần, thì thiên tính của Người đã được tuyên xưng một cách tin tưởng trong phụng tự và thần học của Giáo hội. Thánh Grêgôriô Nazarênô, sau Công đồng đó, đã tuyên xưng không chút do dự: “Vậy Chúa Thánh Thần có phải là Thiên Chúa không? Chắc chắn rồi! Người có đồng bản tính không? Có, nếu Người là Thiên Chúa thật” (Oratio 31, 5.10).

"Bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con"

Tín điều mà chúng ta tuyên xưng trong Thánh lễ mỗi Chúa Nhật, “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”, nói gì với chúng ta, những tín hữu ngày nay? Trước đây, nó chủ yếu liên quan đến việc khẳng định rằng Chúa Thánh Thần “phát xuất từ Đức Chúa Cha”. Giáo hội Công giáo Latinh đã sớm bổ sung lời tuyên xưng này bằng cách thêm vào, trong Kinh Tin Kính của Thánh Lễ, rằng Chúa Thánh Thần cũng xuất phát từ Chúa Con. Vì trong tiếng Latinh, cụm từ “và bởi Đức Chúa Con” được gọi là “Filioque”, điều này đã làm nảy sinh cuộc tranh chấp được biết đến với cùng tên này, vốn là lý do (hoặc cái cớ) cho rất nhiều cuộc tranh chấp và chia rẽ giữa Giáo hội Đông phương và Giáo hội Tây phương. Chắc chắn đây không phải là trường hợp để được nói đến ở đây, điều mà, hơn nữa, trong bầu không khí đối thoại được thiết lập giữa hai Giáo hội, đã mất đi sự cay đắng của quá khứ và ngày nay cho phép chúng ta hy vọng vào sự chấp nhận lẫn nhau hoàn toàn, như một trong “những khác biệt chính được hòa giải”. Tôi thích nói điều này: “những khác biệt được hòa giải”. Có nhiều sự khác biệt giữa các Kitô hữu: người này theo trường phái này, trường phái kia; người này là Tin lành, người kia… Điều quan trọng là những khác biệt này được dung hòa, trong tình yêu thương bước đi cùng nhau.

Chúa Thánh Thần ban sự sống đời đời, sự sống của con cái Thiên Chúa

Sau khi vượt qua được chướng ngại này, ngày nay chúng ta có thể trân trọng đặc quyền quan trọng nhất đối với chúng ta, điều được công bố trong Kinh Tin Kính, đó là Chúa Thánh Thần là Đấng “làm sống động”, nghĩa là “Đấng ban sự sống”. Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần ban sự sống nào? Khởi đầu, trong công cuộc sáng tạo, hơi thở của Thiên Chúa ban cho Adam sự sống tự nhiên; một pho tượng bằng bùn được biến thành “một sinh vật” (xem St 2,7). Giờ đây, trong cuộc tạo dựng mới, Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho các tín hữu sự sống mới, sự sống của Chúa Kitô, sự sống siêu nhiên, của con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô có thể thốt lên: “Luật của Thần Khí, điều ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, đã giải thoát anh em khỏi luật của tội lỗi và sự chết” (Rm 8,2).

Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ rằng chết là hết

Trong tất cả những điều này, đâu là tin tức tuyệt vời và an ủi cho chúng ta? Đó là sự sống được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, là sự sống đời đời! Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi kinh hoàng của việc phải thừa nhận rằng mọi sự đều kết thúc ở đây, rằng không có sự cứu chuộc nào cho những đau khổ và bất công đang thống trị trên trái đất. Một lời khác của Thánh Tông Đồ bảo đảm với chúng ta điều này: “Nếu Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng đã cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, ngự trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác phải chết của anh em nhờ Thần Khí của Người sống trong anh em”. (Rm 8,11). Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta, ở trong chúng ta.

Vun trồng đức tin cho người thiếu đức tin

Chúng ta cũng hãy vun trồng đức tin này cho những người, thường không phải do lỗi của họ, thiếu đức tin đó và không thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Và chúng ta đừng quên tạ ơn Đấng, bằng sự chết của Người, đã mang lại cho chúng ta món quà vô giá này!

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho tất cả mọi người!

Nguồn tin Vatican News 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây