TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phục vụ

Chủ nhật - 30/05/2021 02:47 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   1076
Phục vụ

Phục vụ

Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết quan tâm đến những người xung quanh. Sống khép kín ích kỷ sẽ làm cho con người bất hạnh. Không ai có thể sống hoàn toàn độc lập riêng rẽ trên đời. Mọi người đều có mối liên quan với nhau, người này giúp người kia, để rồi, tình liên đới được nhân rộng. Chỉ người nào biết quan tâm và phục vụ người khác, mới có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Khách hành hương tại Đất Thánh thường được hướng dẫn viên mời đi thăm hai biển hồ. Biển hồ phía bắc có tên là hồ Giênêsarét, hoặc biển hồ Galilêa. Biển hồ thứ hai ở phía Nam được gọi với cái tên không mấy thiện cảm: Biển Chết. Biển hồ Galilêa đón nhận nước và đem đi tưới mát khắp lưu vực xung quanh, nên trong hồ quanh năm dồi dào tôm cá. Biển Chết chỉ biết đón nhận và giữ cho riêng mình, nên nước đặc quánh, mặn chát và vắng bóng sự sống. Hai biển hồ tượng trưng cho hai phong cách sống của con nguời: quảng đại bao dung hay ti tiện ích kỷ. Người quảng đại bao dung nhìn đâu cũng thấy bạn, người ích kỷ hẹp hòi ngó chỗ nào cũng thấy thù. Người có tấm lòng rộng mở luôn tìm được bình an thư thái; kẻ keo kiệt tính toán luôn dằn vặt khôn nguôi.

Biết quan tâm đến người khác là một đức tính cần thiết trong cuộc đời. Tiếc rằng, trong nội dung giáo dục và trong lối sống thực tế của người Việt Nam chúng ta hôm nay, điều cần thiết này bị lãng quên hoặc coi nhẹ. Hiện tượng “vô cảm” càng ngày càng trở nên nghiêm trọng trong mọi lãnh vực, gia đình cũng như xã hội. Vì thiếu quan tâm đến những người xung quanh, nên nạn bạo lực cướp bóc tràn lan. Vì chỉ ích kỷ lo cho riêng mình, nên người ta dùng mọi mưu mô thủ đoạn, kể cả hại đến tính mạng và danh dự của người khác. Nếu xã hội ngày càng văn minh, thì con người lại ngày càng trở nên hoang dã trong cách đối xử với nhau. Đầu tháng Bảy dương lịch năm nay, hai vụ giết người dã man liên tiếp xảy ra, một vụ ở Nghệ An cả gia đình 4 người bị giết, một vụ ở Bình Dương mất đi 6 mạng người. Những kẻ sát nhân đã bị bắt, và họ sẽ bị xét xử theo pháp luật. Tuy vậy, những vấn nạn vẫn còn đó, làm nhức nhối lương tâm con người: tại sao con người có thể sát hại lẫn nhau một cách hoang dã đến như vậy? Chắc chắn những hung thủ sẽ hối hận về hành động của mình, nhưng đó là sự hối hận muộn màng. Giá như trước khi hành động, những người này dừng lại một chút để suy nghĩ đến tù tội, đến cha mẹ, đến tương lai, thì án mạng có lẽ sẽ không xảy ra.

Phục vụ là sứ mạng quan trọng của Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian. Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cho nhân loại (x. Mt 20,28). Lời giáo huấn về phục vụ của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà được chứng minh bằng chính đời sống của Người. Trong bữa tối sau cùng, Chúa Giêsu đã bưng chậu nước, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ trước sự ngỡ ngàng của các ông (x. Ga 13,1-11). Trong xã hội Do Thái thời ấy, rửa chân cho thực khách là bổn phận của những nô lệ. Chúa Giêsu đã làm công việc của người nô lệ, để chứng tỏ tình yêu thương của Người đối với các môn đệ, và để nêu gương cho các ông. “Nếu Thày là Chúa, là Thày mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Người cũng dặn các môn đệ: “Ai làm muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26).

Noi gương Chúa Giêsu, Giáo Hội từ khởi đầu đã chọn lý tưởng phục vụ người nghèo làm sứ mạng chính yếu của mình. Thánh Laurenxô phó tế (225-258) là một chứng từ điển hình. Là trợ lý của Đức Giáo Hoàng Xitô II, hoàng đế Valerianus đã ra lệnh cho Laurenxô phải nộp hết tài sản của Giáo Hội. Thánh nhân đã về phân phát hết cho người nghèo rồi dẫn họ đến hoàng đế và nói: “Đây là tài sản của Giáo Hội”. Trong cơn giận dữ, Valerianus đã ra lệnh thiêu sống vị Phó tế trên một chiếc giường sắt nung đỏ. Trong lịch sử, mặc dù có những lúc Giáo Hội bị giới quý tộc lợi dụng và khuynh đảo, nhưng phục vụ và bênh vực người nghèo vẫn là điểm nhấn quan trọng trong thực hành của các môn đệ Chúa Kitô. Nhiều vị thánh trong lịch sử đã dấn thân đến mức anh hùng trong sứ mạng phục vụ và bênh vực người nghèo.

Ngày nay, hai chữ “phục vụ” được sử dụng nhiều trong lãnh vực kinh doanh thương mại, nhưng với mục đích để hưởng lợi nhuận. Người ta tìm đủ cách tiếp thị và lấy lòng các “thượng đế” để dễ bề làm ăn phát đạt. Ý tưởng phục vụ mà Chúa Giêsu kêu gọi hoàn toàn khác với khái niệm “phục vụ” của thương trường. Đó là sự dấn thân quên mình, quan tâm đến người khác và lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không chờ đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không chờ…” (Bài ca phục vụ - Mi Trầm). Xã hội chúng ta đang phát triển mô hình kinh tế thị trường. Cuộc sống này giống như một cái chợ rộng lớn mênh mông. Chợ là nơi người ta cạnh tranh nhau để kiếm lợi càng nhiều càng tốt. Ở chợ, chẳng ai tin ai, và người ta phải luôn thận trọng kẻo mình bị lừa. Tính chất thị trường đã len lỏi vào gia đình, nhà trường, văn phòng và mọi lãnh vực cuộc sống. Mọi thứ đều có thể được coi là hàng hóa để trao đổi, kể cả những gì thiêng liêng như tình nghĩa huynh đệ, nghĩa thiết vợ chồng. Chính trong bối cảnh xã hội này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần trở về với khái niệm chính xác của hai từ “phục vụ”. Người tận tâm phục vụ là người biết cho đi mà không tính toán. Phục vụ đích thực không chỉ trao tặng của cải vật chất, mà còn cho chính sự hiện diện của mình để cảm thông với những người đang thiếu thốn. Mẹ Têrêsa Calcuta đã viết: “Kitô hữu là người trao ban chính mình”. Quả vậy, được mang danh Đức Kitô, sứ mạng của chúng ta là sống vì tha nhân, như Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống vì ơn cứu rỗi của con người.

Ai đã có dịp hành hương ở Lộ Đức (Pháp) đều thán phục sự tận tâm của các thiện nguyện viên phục vụ những bệnh nhân ở đây. Quanh năm, nhất là vào mùa hè, mỗi ngày có vài trăm bệnh nhân ngồi xe lăn đến hành hương ở nơi này. Chăm sóc cho các bệnh nhân là các thiện nguyện viên đến từ các nước lân cận. Họ thuộc đủ lứa tuối, nam cũng như nữ, có người đã trên 70 tuổi. Họ đến làm việc một tuần, có khi một tháng mà không hưởng một chút thù lao nào. Trung tâm hành hương chỉ cung cấp cho họ chỗ ăn chỗ ngủ. Họ rất tận tâm, kiên nhẫn phục vụ theo nhu cầu của những bệnh nhân, giúp họ có được niềm vui và có thể cầu nguyện trong những ngày hành hương. Họ coi niềm vui của các bệnh nhân là niềm vui của chính mình.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang tràn lan tệ nạn và tội ác, chúng ta vẫn lạc quan và hy vọng vì luôn có những ánh sao sáng trong bầu trời đêm. Đó là những nữ tu âm thầm làm việc trong những trại phong, những mái ấm dành cho trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những bạn trẻ thiện nguyện đang góp phần để giảm thiểu tai nạn giao thông và làm cho môi trường xanh và sạch. Đó là những người âm thầm đi nhận thai nhi bị giết hại từ khi còn trong lòng mẹ để an táng tại những nghĩa trang. Đó còn là những nhóm người, không nhân danh một đoàn thể hay tôn giáo nào, nhưng thường xuyên gom góp tiền bạc để giúp những người neo đơn, những người già bất hạnh. Người tin Chúa thì nhận ra hình ảnh của Ngài nơi gương mặt những người bất hạnh. Người không tin Chúa thì hành động vì lòng nhân đạo và vì tình người.

Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết quan tâm đến những người xung quanh. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã có lần cảm nghiệm niềm vui khi phục vụ người khác. Chúng ta hãy nhân rộng niềm vui ấy trong cuộc sống này, vì “chính lúc hiến thân, là khi được nhận lãnh” (Kinh Hòa bình) và ““Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi” (Mark Link).

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 Tags: Phục vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây