Vị trí của nước trong công trình Sáng Tạo của Thiên Chúa là gì?
Trong trình thuật Sáng tạo đầu tiên, sau thời gian được cụ thể hóa bởi sự luân phiên ngày và đêm, nước xuất hiện, chảy ra từ Lời phán của Đức Chúa (St 1, 6-8). Chỉ khi nơi nước rút đi, mặt đất mới xuất hiện và sinh ra đủ mọi thứ loại cây cỏ, thực vật (St 1, 9-12)
Trong trình thuật thứ hai về Sáng tạo, ngay cả trước khi Thiên Chúa làm mưa trên mặt đất, “một dòng suối mọc lên từ mặt đất và tưới tiêu toàn bộ bề mặt trái đất” (2, 6). Bằng cách trộn nước với “bụi đất”, Đức Chúa có thể ban hình dạng cho con người đầu tiên. Không có nước, trái đất trở nên cằn cỗi. Khi đuổi Adam và Eva ra khỏi Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã báo trước về cái chết sắp đến của họ: “Cho đến khi các ngươi trở về vùng đất mà từ đó các ngươi đã đến” (3, 19).
Cha Marie-Émile Boismard, nhà chú giải thần học dòng Đa Minh (1916-2004), giải thích trong cuốn ‘‘Từ vựng Thần học Kinh Thánh’’ (Cerf, 2013) rằng: “Đức Chúa là chủ của mọi nguồn nước. Ngài có thể giữ lại hoặc trao ban chúng theo ý muốn của Ngài.” Đây là lý do tại sao nước được coi là một phúc lành, thậm chí là một phần thưởng thiêng liêng, còn hạn hán là một hình phạt: “Ai bước đi theo đường lối công chính (…), nước sẽ được ân ban cho người ấy” (Is 33, 15-16).
Nước, có phải là một biểu tượng của sự thánh thiêng?
Là một điều kiện của sự sống, nước còn có chức năng thanh tẩy. Các nghi lễ thanh tẩy xuất hiện rất nhiều trong Luật Môsê. Khi người ta chạm vào xác người chết hoặc chạm vào động vật ô uế, khi phụ nữ sinh con, hoặc khi tiếp xúc với người phong cùi... người ta buộc phải tắm rửa thân thể và giặt sạch quần áo của mình. Jean Gaillard khẳng định trong cuốn ‘‘Từ điển đời sống thiêng liêng’’ (Beauchesne) rằng: “Một số việc tẩy rửa dường như đơn giản nhưng là những biện pháp vệ sinh cơ bản cần thiết (…). Trên thực tế, vấn đề ở đây không phải là việc vệ sinh, mà là nghi lễ của sự thanh tẩy thuần khiết.’’ Rửa mình khỏi mọi vết nhơ sẽ giúp ta phục hồi mối tương quan với Thiên Chúa. Mối tương quan này đã bị tổn hại bởi sự ô uế, sự không thuần khiết, ngay cả khi điều đó là không tự nguyện.
Nước thanh tẩy này là biểu tượng của sự thanh sạch về mặt luân lý. Thánh vịnh cầu xin 50, 4 viết rằng: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy.” “Người ta rửa tay để biểu thị rằng họ (…) không phạm tội ác,” Cha Boismard đã nhắc lại như vậy, khi đề cập đến Thánh vịnh 25, 6: “Lạy Chúa, con rửa tay nói lên lòng vô tội’’
Nước, sự chúc lành hay sự chúc dữ?
Nhưng Kinh Thánh không phải là không biết đến tính chất hai chiều của nước, bởi vì nước vừa là biểu tượng của sự chết cũng như của sự sống. Những cơn lũ lụt dữ dội, những cơn bão tàn khốc, những đợt thủy triều, trận đại hồng thủy, trong Cựu Ước, là những phương tiện biểu thị cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, giống như các đế quốc lớn càn quét qua dân tộc Do Thái: “Các dân tộc này gầm lên như tiếng gầm của những dòng nước lớn” (Is 17, 13).
Cha Thomas Osborne giải thích rằng: người Do Thái không phải là những nhà hàng hải cừ khôi. Việc tiếp cận Địa Trung Hải của họ “vẫn còn hạn chế. Một mặt, đồng bằng của người Philistin (kẻ thù của người Do Thái, sống dọc bờ biển, theo ghi chú của người biên soạn) là một rào cản chính trị; mặt khác, việc di chuyển của quân đội của các cường quốc dọc theo bờ biển (Ai Cập, La Mã... theo ghi chú của người biên soạn) đã áp đặt một sự dè chừng và khoảng cách chiến lược nhất định đối với người Do Thái’’, do đó họ đã đóng trại trong vùng đất liền nội địa.
Biển là biểu tượng của sự chết. Bị giam trong bụng một con cá lớn, ngôn sứ Giôna kêu lên: “Nước bủa vây con đến cổ, vực thẳm vây bọc con (…) Con đã xuống tận nền móng núi non, cửa lòng đất đã cài then nhốt con mãi mãi” (Gn 2, 6-7). Biển là nơi chứa đựng quyền lực của ma quỷ, giống như sinh vật thần thoại mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể chế ngự được: “Chính Ngài đã nghiền nát bảy đầu con giao long, vứt nó làm mồi cho thủy quái” (Tv 73, 14).
Chính nhờ việc vượt qua những vùng nước nguy hiểm, vùng biển Đỏ, mà dân tộc Do Thái đã chạy trốn khỏi đất Ai Cập để đạt được tự do, được hướng dẫn bởi chính ông Môsê để “được cứu khỏi những dòng nước siết” (Xh 14, 15–15, 21). Sau 40 năm lưu lạc trong sa mạc, đoàn dân Do Thái vẫn sẽ phải băng qua sông Giođan để tiến vào Đất Hứa (Gs 3, 16). Trong cả hai trường hợp này, Đức Chúa đều ngăn giữ dòng nước lại, để cho dân có thể đi qua trên mặt đất khô cằn. Một số nhà chú giải coi hai cuộc vượt qua này là hình bóng của Phép Rửa tội.
Vậy còn Kinh Thánh Tân Ước nói gì về nước?
Trong cả bốn Tin Mừng, cuộc đời công khai của Chúa Giêsu đều bắt đầu bằng việc Người chịu phép rửa trong dòng nước sông Giođan, bởi người anh họ của Ngài là ông Gioan, được gọi là Tẩy Giả, thực hiện. Điều này “công bố phép rửa hoán cải để được tha tội” kèm theo việc thú tội công khai (Mc 1, 4-5). Thánh Gioan Tẩy Giả loan báo Chúa Giêsu sẽ không rửa anh em bằng nước mà bằng Chúa Thánh Thần.
Trong Cựu Ước, nước thường được liên kết với Thần Khí của Đức Chúa. Cả nước và Thánh Thần đều là chủ đề về lời hứa của Thiên Chúa cho những ngày trời mới đất mới: “Vì Ta sắp đổ mưa xuống những vùng hạn hán và cho suối chảy trên mảnh đất khô cằn; trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ đổ thần khí, trên con cháu ngươi, Ta ban muôn phúc lành” (Is 44, 3). Cha Boismard nói rằng: “Sự mong đợi về mạch nước thiêng liêng đã được duy trì một cách nhiệt thành trong những phong trào chờ mong Đấng Thiên Sai của người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất”.
Các môn đệ của Chúa Kitô tin rằng, nơi Người, những lời hứa với người Do Thái đã được thực hiện. Thánh Phaolô viết: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12, 13). Như chính Chúa Giêsu đã giải thích cho ông Nicôđêmô, “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bằng nước và Thánh Thần” (Ga 3, 5).
Nước là biểu tượng của sự sống, nhưng nó đã mang một chiều kích mới đối với các Kitô hữu, chiều hướng của sự sống thần linh được trao ban qua Phép Rửa. Đó là điều Chúa Giêsu hứa với người phụ nữ Samari, “nước hằng sống” làm thỏa mãn cơn khát mãi mãi (Ga 4, 13-14). Nhưng nước cũng tượng trưng cho sự chết mà chúng ta phải dìm mình vào đó trước khi đến với sự phục sinh (x. Rm 6, 3-11). Nước ban sự sống không miễn trừ cho chúng ta khỏi phải trải qua đau đớn và cái chết, như chính Chúa Kitô đã phải trải qua khi Ngài nói “Ta khát” (Ga 19, 28), một lời nói mang bản chất của con người thật, trong những lời cuối cùng của Ngài.
---
Đoạn trích xuất. “Nước chảy về phía đông”
Trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en 47, 1…12
‘‘Người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông (…) Người ấy bảo tôi: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hóa lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống (…) Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc’’
Christel Juquois
Giuse Nguyễn Tùng Anh
Chuyển ngữ từ: la-croix.com (09/01/2025)
Nguồn: gphaiphong.org
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nuoc-dong-vi-tri-vai-tro-gi-trong-kinh-thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn