TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lạy Chúa! Nếu Ngài muốn…

Thứ sáu - 09/02/2024 05:42 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   729
“Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.

Chúa Nhật VI TN - B
Lạy Chúa! Nếu Ngài muốn…

tbd 090224a


“Con hủi” hay “đồ hủi”… Đó là những từ ngữ người ta thường dùng để miệt thị đối với những ai bị bệnh phong hủi. Bệnh phong hủi, như chúng ta được biết, thuộc loại “tứ chứng nan y… thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới”.

Người bị bệnh phong hủi da thịt thường phát nhọt và lở loét. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh là những vết biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Vết trên da có thể chỉ lốm đốm dăm ba chỗ và chứa rất ít vi khuẩn. Nhưng cũng có thể xuất hiện trên khắp cơ thể và đầy những vi khuẩn. Mặt người bệnh thường sần sùi từng cục nhỏ, mũi xẹp xuống khiến bệnh nhân có gương mặt của con sư tử.

Khi chuyển nặng vết thương lõm vào da thịt. Trên khuôn mặt, lông mày rụng kèm theo là mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Các bắp thịt tiêu dần đi, gân cốt co làm cho hai bàn tay co lại. Ở mức độ nặng ngón tay và ngón chân rụng. (nguồn: internet).

Đối với người mắc bệnh phong, xã hội thời xưa thường xa lánh, kỳ thị. Đã có thời người bệnh phong phải chịu nhiều luật lệ khắt khe như: thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai dám bén mảng tới gần.

Do Thái giáo cũng có luật lệ riêng cho những người bệnh phong hủi. Những luật lệ đó cũng không kém phần khắc nghiệt. Khắc nghiệt ngay từ “khâu chẩn bệnh”. Nếu một người bị nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, lang ben, sói đầu, v.v… mà các vết thương đó “cứ loang ra” trên cơ thể… “Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong” (Lêvi 13,7).

Cũng theo luật Lê-vi: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế! Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 45-46).

Ngoài luật lệ được ghi trong sách Lê-vi, “Giới lãnh đạo Do Thái giáo còn đặt thêm luật về bệnh phong hủi. Với những điều luật này, cuộc sống của người bệnh đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong hủi trong vòng 4 cu-bít tức là khoảng 2m. Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng 100 cu-bít, khoảng 45m.” (nguồn: internet).

Dựa vào luật, người phong hủi phải sống “bên ngoài trại”. Thế nên, một số chuyên gia luật Do Thái áp dụng rất khắt khe, đó là những người phong hủi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong hủi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.

Vâng, vào thời Đức Giê-su còn tại thế, Kinh Thánh cho chúng ta biết có rất nhiều người phong hủi tìm đến Ngài. Thế nhưng, thay vì ném đá họ và nói “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”, thì Ngài lại cứu chữa họ. Câu chuyện “Đức Giê-su chữa người bị phong hủi”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như một điển hình. (Mc 1, 40-45).

**
Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, rằng: Sau khi âm thầm rời Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. Khi Người và các môn đệ đang “từng bước từng bước thầm”, bất ngờ, “có một người bị phong hủi đến gặp Người”.

Vâng, không thể tin được về sự liều lĩnh của người phong hủi này. Tại sao? Thưa, vì theo luật Do Thái thời bấy giờ, ít nhất, người phong hủi phải có một cái chuông. Để làm gì? Thưa, để lắc vang lên báo hiệu rằng, có người hủi quanh đó. Hoặc phải la lên “ô uế! ô uế!” để mọi người tránh xa, không đến quá gần ông ta vì rất có thể sẽ lây bệnh. Đó là luật. Luật Lê-vi.

Thế nhưng, hôm ấy người phong cùi này, đã bất chấp lề luật. Lề luật buộc anh phải ra khỏi cộng đồng, nhưng lề luật có đề cập đến việc “làm thế nào anh ta sẽ được chữa lành”, đâu!?

Hôm nay, nguồn hy vọng của anh là Giê-su người Na-da-rét. Đấng mà anh (có phần chắc là) đã nghe rằng, “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt; và Người đã chữa khỏi”. Đấng đó chẳng phải là đến từ trời sao! Đấng đó há chẳng phải là Đấng duy nhất, anh đang cần đến hay sao! Vậy cớ gì anh không dành cho chính mình, một cơ hội!

Thế nên, như đã nói ở trên, anh ta đến gặp Đức Giê-su. Sau khi đến gần Đức Giê-su, người phong hủi sấp mình trước mặt Ngài. Với hành động này, một nhà truyền giáo có lời chia sẻ, rằng: “Quì gối, sấp mặt sát đất, trước Đức Giê-su là những động tác bày tỏ sự tôn kính tột cùng đối với Ngài. Quì gối, sấp mặt sát đất là chuỗi hành động thờ phượng: Nói đến sự thờ phượng của một người Israel như anh ta, là nói đến thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều nầy cũng có nghĩa rằng: Thờ phượng Đức Giê-su chính là thờ phượng Đức Chúa Trời.”

Nhà chú giải kinh thánh Barclay giải thích chỗ nầy rất hay: “Người phung nầy không thể thổ lộ với ai suy nghĩ của mình về Đức Giê-su, nhưng anh biết: đứng trước Giê-su là anh đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Không cần phải trình bày điều này bằng ngôn ngữ thần học hay triết học, mà chỉ cần đứng trước Đức Giê-su đủ khiến chúng ta thấy mình đối diện với tình yêu và quyền phép của Đức Chúa Trời cao cả.” (nguồn: internet).

Đúng vậy, hôm ấy, tình yêu và quyền phép Đức Chúa Trời, đã được thể hiện qua Đức Giê-su, sau khi người bịnh phong lớn tiếng van xin, xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Và, Đức Giê-su “đã muốn”. Ngài đã “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi.” Câu chuyện kể tiếp rằng “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.

***
Đức Giê-su đã “giơ tay đụng vào anh ta”. Phải chăng đây là một cử chỉ, một hành động, phá luật, luật tiếp xúc với người phong? Thưa không, Đức Giê-su không phá luật. Hãy nhìn xem, sau khi chữa lành chàng hủi, chẳng phải Đức Giêsu đã bảo anh ta “thực thi luật”, rằng “hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môse đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”, đó sao!

Khi đặt tay lên chàng hủi, Đức Giê-su muốn gửi đến con người một thông điệp, thông điệp rằng: không có điều gì có thể ngăn cách con người với Thiên Chúa, kể cả tội lỗi. Theo quan niệm Do Thái giáo: người hủi là người tội lỗi.

Mà, dù cho tội của con người “dẫu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông”. Vâng, ĐỨC CHÚA (đã) phán như thế, cùng với lời mời gọi: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận.” (Is 1, 18).

Đặt tay lên chàng hủi, Đức Giêsu đã kiện toàn một điều luật – luật yêu thương – một đạo luật cần thực hiện khi thực hiện “mục vụ giao hòa”, là đặt tay vào tội nhân, là nói với tội nhân, rằng: “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

“Đối với Đức Giê-su, không có luật nào lớn hơn luật tình yêu. Chẳng có điều gì bó buộc được Ngài ngoại trừ tình yêu thương. Lòng thương xót chính là động lực thúc đẩy Ngài “giơ tay đụng vào” thân thể lở lói của người phung.

Giơ-tay-đụng-vào-người-phung, Đức Giê-su đã mang lấy sự ô uế của người phung, như có lời Kinh Thánh chép, rằng: ‘Thật người đã mang lấy sự đau ốm của chúng ta, đã gánh lấy sự buồn bực của chúng ta’ (Is 53, 4).

Người bị phong hủi, kể từ khi bị bệnh, chưa bao giờ chạm vào bàn tay của một con người lành. Nhưng hôm nay, anh ta đã được chạm, không chỉ là bàn tay một người lành, nhưng chính là bàn tay của Đức Chúa Trời.

Giờ phút tay Đức Giê-su chạm đến anh ta, là giờ phút anh ta sống lại trong sự kết hợp với con người. Bàn tay đó, lại chính là bàn tay của đấng EMMANUEL – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Do vậy, sự kết hợp ấy khiến anh không chỉ sống lại trong mối tương quan với con người, mà anh còn được sống với chính Thiên Chúa hằng sống.” (nguồn: internet).

****
Vâng, trên đây là một vài lời chia sẻ (đóng trong ngoặc kép) của một blogger, và cũng là một con cái của Chúa. Có thể nói, đó là những lời chia sẻ đáng để chúng ta xem đó như là “nguồn cảm hứng”, một nguồn cảm hứng tìm-đến-gặp-Chúa để Ngài “giơ tay đụng vào mình”, chăng!

Đúng! Có thể! Có thể là bởi… có thể chúng ta không bị phong hủi thể xác. Thế nhưng, có ai dám chắc mình không bị phong hủi tâm hồn?

Thì đây, những con vi khuẩn “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, tị hiềm, chia rẻ, bè phái, ganh tị, say sưa”, chẳng phải là vẫn luôn tìm cách xâm nhập vào đôi mắt, đôi tai, môi miệng chúng ta, ngõ hầu làm phong hủi tâm hồn chúng ta, đó sao?

Mà, ai… ai trong chúng ta, cách này cách khác, lại không hơn một lần “nhiễm” phải những con vi khuẩn nêu trên? Cho nên, thật cần thiết để chúng ta có được nguồn-cảm-hứng tìm đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch.”

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang ở đó, vẫn đang hiện diện ở những ngôi làng mang tên “nhà thờ” để chờ đón chúng ta. Chờ chúng ta “đến gặp Ngài”.

Nếu chúng ta đến gặp Ngài và cầu xin! Có phần chắc, Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta rằng: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.

Vị tư tế của hôm nay là ai ư! Thưa, chính là các vị linh mục. Với quyền thay mặt Đức Giêsu Kitô ban “Bí Tích Giao Hòa”, vị “Tư tế-Linh Mục” sẽ chữa sạch bệnh-phong-tâm-hồn cho chúng ta. Đức tin, với việc đã nhận lãnh Bí Tích rửa tội, cho phép chúng ta tin rằng, Đức Giêsu, qua các vị linh mục, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta rằng “Tôi muốn. (bệnh phong tâm hồn) của con được sạch”.

Chúng ta cầu xin cho mình được sạch. Nhưng, chẳng lẽ chúng ta không cầu xin cho mình “miễn nhiễm” sao!

Thế nên, chúng ta còn phải tìm đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con, gia đình chúng con, con em chúng con, v.v… miễn nhiễm…”

Còn nữa! Chúng ta còn phải tìm đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho các vị Giám Mục, Linh Mục của chúng con, miễn nhiễm…”

Lời cầu xin này, có phần chắc, rất hợp ý Chúa. Bởi vì, các Giám Mục, Linh mục là ai, nếu không phải là Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus)!

Chúng ta phải đến gặp Ngài và cầu xin. Có phần chắc, Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta rằng: “Ta muốn!”.

Vâng, Ngài sẽ nói: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế! Thích được các ngươi nhận biết hơn của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6). Ngài muốn chúng ta “Làm theo ý muốn của Cha (Ngài) ở trên trời mà thôi”.

Chỉ có như thế, và chỉ nhờ thế, chúng ta mới có thể “miễn nhiễm” với những con vi khuẩn (nêu trên), mà thôi. Bởi vì, đó là “công thức” Đức Giê-su chữa người bị phong hủi, thời nay.

Chúng ta có thể chối bỏ Đức Giê-su, nhưng chẳng bao giờ có thể chối bỏ chứng cớ về quyền phép mà Đức Giê-su đã thực hiện trên con người.

Thế nên, hãy tìm đến Chúa cùng với lời nguyện xin, xin rằng: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể gìn giữ đời con.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây