TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cain và Abel

Thứ bảy - 24/04/2021 03:47 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   822
Cain and Abel Painting[1]
Cain and Abel Painting[1]

Cain và Abel

Cain tập trung nơi mình nhiều biểu tượng được phát kiến đầu tiên:

Theo Luc Estang trong tác phẩm “Ngày của Cain” đã miêu tả: “Cain là một con người đầu tiên sinh ra từ một người đàn ông và người đàn bà. Cain là con người nuôi trồng đầu tiên, đại diện nền văn hoá định cư, theo truyền thống là con người có lòng hiếu khách, thường đón tiếp những người du mục một cách ân cần.


Cain, kẻ giết người đầu tiên và là người đầu tiên chứng kiến cái chết khủng khiếp, là con người chống lại con người một cách triệt để đầu tiên, một con người bám vào những gì mình có, để đạt được cái có nhiều hơn mà gạt bỏ chính người thân yêu của mình. Đại diện cho sự bùng nổ tranh chấp, con người đầu tiên chống lại con người, hạ sát đứa em của mình chỉ vì lòng ghen tỵ.

Cain, tên của nó có nghĩa là sở hữu, hắn là người chiếm hữu đầu tiên. Sở hữu và chiếm hữu, hắn là người ý thức về chính mình, quy về bản thân một cách triệt để, kẻ muốn làm chủ cả đời sống của người khác. Cain là người đầu tiên dựng nên những đô thị, những tường thành bảo vệ những tài sản đạt được, kẻ thu góp về cho mình, săn tìm hưởng thụ đầu tiên, một con người mở ra một lối vô thần đầu tiên.”

“Ông Ca-in ăn ở với vợ. Bà thụ thai và sinh ra Kha-nốc. Ông xây một thành, và lấy tên con mình là Kha-nốc mà đặt cho thành ấy”. (St 4, 17).

Qua việc xây thành lấy tên con trai mình đặt cho thành ấy, Cain là người muốn tìm những hoa lợi khác, không phải từ canh tác nông nghiệp mà bằng những việc kinh doanh. Tường thành bảo vệ thay cho sự bảo vệ của Giavê, thành đô dựng xây cho mình mang ý nghĩa tự lập lấy một vương quốc không do Giavê gầy dựng.

Cain, hắn là kẻ bất khả xâm phạm về tính mạng, được Giavê đánh dấu, kẻ quằn quại trong nỗi ám ảnh về việc giết người và rời xa Giavê đầu tiên, để một đi không trở lại. Hắn đại diện cho con người cứng cỏi chống lại Giavê cách quyết liệt đầu tiên.

Cain là một con người đại diện cho những con người nổi loạn chống lại Thiên Chúa, kẻ chống lại ý nghĩa tiền định trên mỗi số phận, điều làm hắn khó chịu là số người này được Chúa thương, kẻ khác bị vạ ngay từ lúc mới sinh ra. Đó là một cách hiểu sai trầm trọng về mầu nhiệm ý tiền định của Thiên Chúa. Theo cách nghĩ đơn sơ của người thời bấy giờ, tiền định là một chương trình đã thiết lập sẵn: Abel - Kẻ Chúa thương; Cain - kẻ Thiên Chúa ghét bỏ.

Tác giả Kinh Thánh đưa ra một giải đáp: Dù Cain có khước từ Giavê một cách triệt để, Giavê vẫn không bao giờ rời xa hắn, Giavê vẫn bảo tồn sinh mạng của hắn và kiên nhẫn chờ đợi ngày trở về của hắn. Ý tiền định của Giavê được hiểu là tiền định yêu thương, mọi người được sinh ra đều được Thiên Chúa yêu thương cách này hay cách khác. Thiên Chúa làm mưa cho nắng trên người lành cũng như kẻ dữ, Người không thiên vị ai.

Ý nghĩa của Cain còn đi xa hơn nữa, là người mạo hiểm, chấp nhận mọi tai ương, chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Cain là biểu tượng trách nhiệm của con người. Trách nhiệm về bản thân mà trong bản thân ấy có chen lẫn ánh sáng và bóng tối, từ đó gây nên một mâu thuẫn nội tâm.

Sự mâu thuẫn nội tại trong tâm hồn con người biểu hiện bằng sự chia cắt giữa Abel và Cain, mâu thuẫn có lúc trầm trọng, điều mà Thánh Phaolô nói rõ hơn trong tâm khảm của con người:

“Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.” (Rm 7, 14 -23)

Sự mâu thuẫn nội tại dường như không có con đường giải thoát. Con người tìm cách chiến thắng cái ác từ trong thẳm sâu của mình. Ấn Độ giáo hình thành con đường Atman trở về với Brhaman; Phật giáo đưa ra con đường Khổ đế để diệt thân. Do Thái giáo mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát họ. Kitô giáo loan truyền Chúa đã đến đã chịu chết thay cho mọi người, đã chiến thắng tử thần và đã sống lại, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất đã hoàn thành việc giải thoát con người hoàn toàn ra khỏi sự tội.

Niềm xác tín của người tín hữu Kitô Giáo được Thánh Phaolô diễn tả:

“Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 -25)

Để có được hoà bình, cần chiến thắng sự dữ, bởi vì sự dữ làm náo động, gây nổi loạn, làm nên trạng thái mất trật tự, gây những mâu thuẫn, phát sinh ra hiềm thù, ghen tỵ, cạnh tranh, chà đạp, xúc phạm đến quyền sống của con người như nhau.

Như vậy, tạo lập hoà bình có nghĩa là tái lập trật tự: Con người – thiên nhiên – Thiên Chúa. Ổn định trật tự nội tâm hướng về điều lành, quy hướng về Thiên Chúa, đón nhận Chúa Thánh Thần nguồn mạch sự bình an.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây