Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nói đến hai điểm từ linh đạo của Charles de Foucauld có thể như lời ngôn sứ cho thời đại chúng ta.
Trước hết, sự thiết yếu, được cô đọng trong hai từ đơn giản: “Iesus - Caritas” và trên hết là trở về với tinh thần nguồn cội, tinh thần Nazareth. Người anh Charles, tiếp tục hình dung Chúa Giêsu đang đi giữa dân chúng, kiên nhẫn làm việc lao nhọc, sống cuộc sống hàng ngày của một gia đình và đời sống thành phố. Charles de Foucauld, trong sự thinh lặng của lối sống ẩn sĩ, trong việc thờ phượng và phục vụ anh em mình, đã viết rằng, trong khi “chúng ta được hướng dẫn để đặt công việc lên hàng đầu, những công việc hữu hình và có thể nhìn thấy được, thì Thiên Chúa dành vị trí đầu tiên cho tình yêu và sau đó là sự hy sinh được gợi hứng bởi tình yêu và sự vâng phục bắt nguồn từ tình yêu”, như được diễn tả trong thư gửi Maria de Bondy, ngày 20 tháng 5 năm 1915. Là một Giáo hội, chúng ta cần trở về với điều thiết yếu, đừng để mình bị lạc mất vào nhiều điều thứ yếu, với nguy cơ đánh mất ánh nhìn thuần khiết đơn sơ của Tin Mừng.
Điều thứ hai là tính đại đồng. Vị Thánh mới đã sống căn tính Kitô hữu của mình như một anh em giữa tất cả, bắt đầu từ những người nhỏ bé. Ngài không nhắm mục đích cải đạo người khác, nhưng sống tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, khi thực hiện “việc tông đồ của lòng tốt”. Vì vậy, ngài đã viết: “Tôi muốn tất cả cư dân Kitô hữu, Hồi giáo, Do Thái và thờ các thần coi tôi như một người anh em của họ, người anh em đại đồng” như được tìm thấy trong thư gửi Maria de Bondy, ngày 7 tháng 1 năm 1902. Để làm điều này, ngài đã mở cửa nhà của mình, để biến thành “bến cảng” cho mọi người, “mái nhà của Vị Mục Tử Nhân Lành”.
Đức Thánh Cha cảm ơn các thành viên của Hiệp hội gia đình thiêng liêng Charles de Foucauld về chứng tá tình yêu đại đồng này, đặc biệt trong thời đại có nguy cơ đóng mình trong những nhóm đặc thù, gia tăng khoảng cách, không nhìn thấy người khác là anh em.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến sự vui tươi của thánh Charles de Foucauld, khi trong cảnh khó khăn và nghèo khổ của sa mạc, ngài đã nói: “Linh hồn tôi luôn vui tươi”, như trong thư gửi cha Huvelin, ngày 1 tháng Hai năm 1898. Ngài chúc mọi người luôn giữ được niềm vui như là chứng tá dâng lên Chúa Giêsu mọi nơi và mọi lúc. (CSR_2103_2022).
Văn Yên, SJ - Vatican News