Đức Thánh Cha nói: Chủ đề của hội thảo “Thiên nhiên trong tâm trí” gợi nên hành trình của thánh Buonaventura da Bagnoregio, nơi đó mời chúng ta khám phá sự Siêu việt ngang qua việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên.
Khi chúng ta ngạc nhiên nhìn bầu trời và các vì sao hay dòng nước, bằng phép loại suy, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng tác giả của vẻ đẹp đó (x. Kn 13,3). Nó được trao ban như một quà tặng cho con người, với lời mời gọi chăm sóc và bảo vệ nó (x. St 2,15). Trong Kinh thánh, cái đẹp và sự thiện không thể tách rời.
Vì Thiên Chúa đã giao công trình sáng tạo cho con người sử dụng, vì vậy khi tận hưởng “vẻ đẹp được chia sẻ”, phải học biết vượt qua sự ích kỷ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Mối liên kết năng động giữa Tạo hóa, con người và các thụ tạo khác là một liên minh không thể gãy vỡ mà không gây nên những thiệt hại to lớn.
Thực tế, cuộc sống và lịch sử cho thấy rằng chúng ta không thể là chính mình nếu không có người khác. Vì thế, trong tiến trình giáo dục, cần thúc đẩy sự đối thoại tri thức và góp phần vào sự phát triển nền văn hóa chăm sóc. Thực tế, nền văn hóa này gắn liền với một nền giáo dục bao gồm, dựa trên các trụ cột của hệ sinh thái toàn diện.
Với sự phong phú và phức tạp của thế giới tự nhiên, mỗi dự án giáo dục đều đưa ra một quan điểm hiểu biết nhằm nhấn mạnh mối quan hệ hỗ tương giữa con người và môi trường. Nơi đó, mọi biện pháp sẽ không hiệu quả nếu không được hỗ trợ bởi một quá trình giáo dục ủng hộ việc chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Qua tài năng của mình, tất cả chúng ta được kêu gọi xây dựng “ngôi làng toàn cầu của sự chăm sóc”, hình thành một mạng lưới các mối quan hệ giữa con người với nhau từ chối mọi hình thức phân biệt đối xử, bạo lực và lạm dụng. Trong “ngôi làng” này, giáo dục đóng vai trò là người mang lại tình huynh đệ và là động lực tạo nên hòa bình giữa các dân tộc cũng như đối thoại giữa các tôn giáo.
Văn Yên, SJ - Vatican News