TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC Phanxicô & Bài giảng về năm ngón tay

Thứ hai - 13/02/2023 19:33 | Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm |   965
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có chuyến thăm mục vụ tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo từ ngày 31/01 đến 04/02.
ĐTC Phanxicô & Bài giảng về năm ngón tay

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ & BÀI GIẢNG VỀ NĂM NGÓN TAY


WGPMT (13.02.2023) - Đức Thánh Cha Phanxicô đã có chuyến thăm mục vụ tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo từ ngày 31/01 đến 04/02. Vào ngày 02/02 ngài đã có cuộc gặp gỡ 65.000 người trẻ và giáo lý viên từ khắp mọi miền đất nước đổ về sân vận động Kinshasa, thủ đô Congo. Cuộc gặp gỡ ấy được mô tả là hết sức sinh động, tràn ngập tiếng cười, tiếng hát, và những điệu múa tưng bừng.

Đức Giáo hoàng gặp gỡ người trẻ tại Congo


Đức Thánh Cha đã trò chuyện với các bạn trẻ bằng thứ ngôn ngữ dung dị, sinh động, nhưng không kém phần sâu sắc. Ngài nói với người trẻ: “Thiên Chúa đã đặt quà tặng sự sống, tương lai xã hội và tương lai đất nước vĩ đại của các con trong tay các con… Các con mơ tới một tương lai mới, tương lai ấy sẽ được sinh ra từ bàn tay các con, và hòa bình sẽ đến từ bàn tay các con”.

Muốn thế, người trẻ phải làm gì? Hãy nhìn vào bàn tay mình.

Ngón cái: gần trái tim nhất, tượng trưng cho lời cầu nguyện. Cầu nguyện thường bị coi như xa rời những vấn đề cụ thể của đời sống, nhưng lại là “nhân tố căn bản của tương lai”. Đức Thánh Cha thách thức các bạn trẻ: “Các con có muốn lấy việc cầu nguyện làm bí mật của các con, như nguồn nước làm tươi mát linh hồn, như vũ khí các con mang theo, như bạn đồng hành của các con mỗi ngày không?”

Ngón trỏ: tượng trưng cho đời sống cộng đồng vì nó chỉ vào những người khác. “Cộng đồng là con đường giúp chúng ta cảm thấy tốt về chính mình và trung thành với ơn gọi đích thực của mình”. Đức Thánh Cha cảnh giác người trẻ về nguy cơ sống cô lập hoặc tham gia những “cộng đồng giả hiệu”.

Ngón giữa: cao hơn các ngón khác, tượng trưng cho sự liêm chính. Kitô hữu phải là người được đánh giá cao về đời sống đạo đức, nhất là sự liêm chính. Vì thế Đức Thánh Cha cảnh giác người trẻ đừng để mình bị vướng vào mạng lưới tham nhũng, thay vào đó, hãy trở thành “những người làm biến đổi xã hội, những người biến cái ác thành cái thiện, hận thù thành tình yêu”.

Ngón đeo nhẫn: là ngón tay khó đưa lên cao, tượng trưng cho sự khiêm tốn và cần thiết phải tha thứ. Ngài nói: “Tha thứ không có nghĩa là quên đi quá khứ, nhưng là không để nó lặp lại nữa”, và ngài nhấn mạnh: “Những người biết tha thứ là những người kiến tạo tương lai”.

Ngón út: nhỏ nhất, tượng trưng cho lời mời gọi trở nên nhỏ bé và phục vụ. Dù người trẻ có thể nghĩ rằng những việc tốt tôi làm được chỉ là giọt nước rơi vào biển cả, chẳng thay đổi được gì, nhưng Đức Giáo hoàng khuyến khích người trẻ: “Chúa Giêsu nói rằng phục vụ là sức mạnh biến đổi thế giới”.

Hãy nhìn vào bàn tay, đón nhận và sống những bài học từ bàn tay: cầu nguyện, cộng đoàn, liêm chính, khiêm tốn, phục vụ. Đó sẽ là những bàn tay xây dựng tương lai mới tươi đẹp cho tất cả mọi người.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm 
Nguồn: giaophanmytho.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây