Sau khi cảm ơn sự phục vụ quý giá của Bộ Giáo lý Đức tin đối với Giáo hội hoàn vũ trong việc thúc đẩy và bảo vệ tính toàn vẹn của giáo lý Công giáo về đức tin và luân lý, Đức Thánh Cha chia sẻ với họ về 3 điểm:
Phẩm giá
Thứ nhất là phẩm giá. Đức Thánh Cha nhận xét rằng “trong thời đại của chúng ta, ghi dấu bởi rất nhiều căng thẳng về xã hội, chính trị và thậm chí về sức khỏe, ngày càng có nhiều cám dỗ coi người khác là người lạ hoặc kẻ thù, từ chối nhân phẩm thực sự của họ. Vì thế, đặc biệt là vào lúc này, chúng ta được mời gọi hãy nhớ lại, ‘trong mọi dịp thuận lợi chứ không phải tùy cơ hội’ (2 Tm 4,2), và trung thành tuân theo giáo huấn đã hai ngàn năm của Giáo Hội, rằng phẩm giá của mỗi con người đều có đặc tính nội tại và có giá trị từ thời điểm thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.”
Giá trị của nhân phẩm là điều Giáo hội luôn tuyên bố và đề cao, vì “con người là kiệt tác của Đấng Tạo hóa: con người được Thiên Chúa quý mến và yêu thương như một đối tác trong kế hoạch vĩnh cửu của Người”. Đức Thánh Cha cảm ơn Bộ Giáo lý Đức tin đã suy tư về giá trị của phẩm giá con người, và quan tâm đến những thách đố mà thực tế đặt ra đối với phẩm giá con người.
Phân định
Suy tư thứ hai được Đức Thánh Cha chia sẻ là phân định. Ngài nói rằng tín hữu ngày càng được yêu cầu biết nghệ thuật phân định trước những vấn đề mới và phức tạp, cũng như trước nhu cầu tâm linh gia tăng mà không phải lúc nào cũng tìm thấy điểm quy chiếu của nó trong Tin Mừng.
Và việc thực hành phân định còn được áp dụng trong cuộc chiến chống các loại lạm dụng. Đức Thánh Cha nói: “Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, Giáo hội kiên quyết theo đuổi cam kết thực thi công lý cho các nạn nhân bị các thành viên của mình lạm dụng, áp dụng giáo luật đã được đề ra với sự chú ý và nghiêm ngặt đặc biệt.”
Đức tin
Và suy tư cuối cùng của Đức Thánh Cha là về đức tin. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Bộ của anh chị em không chỉ được kêu gọi để bảo vệ mà còn để quảng bá đức tin. Nếu không có đức tin, sự hiện diện của các tín hữu trên thế giới sẽ chỉ còn là sự hiện diện của một cơ quan nhân đạo. Đức tin phải là trọng tâm của đời sống và hành động của mỗi người đã được rửa tội. Và không phải là một đức tin chung chung hay mơ hồ, giống như rượu bị pha nước, làm mất giá trị; nhưng đích thực, chân thành.”
Và Đức Thánh Cha nhắc các tham dự viên không bao giờ được quên rằng “một đức tin không đưa chúng ta vào khủng hoảng là một đức tin đang bị khủng hoảng; một đức tin không làm cho chúng ta lớn lên là một đức tin phải lớn lên; một đức tin không cật vấn chúng ta là một đức tin mà chúng ta phải tự vấn mình; một đức tin không làm chúng ta sống động là một đức tin phải được làm sống động; một đức tin không làm chúng ta hoang mang là một đức tin phải bị hoang mang" (Diễn văn trước Giáo triều Rôma, 21/12/2017). (CSR_212_2022).
Hồng Thủy - Vatican News