Bất chấp yêu cầu rút quân của cộng đồng quốc tế, Nga được cho là vẫn tiếp tục điều một lượng lớn quân đến biên giới của Nga với Ucraina. Nga phủ nhận ý định “xâm lược” nhưng nỗ lực của các nhà ngoại giao quốc tế nhằm giảm leo thang căng thẳng đang tỏ ra vô ích.
Cầu nguyện, liên đới với Ucraina
Thông cáo của Liên Hội đồng Giám mục Châu Âu viết: “Vào thời điểm vô cùng tế nhị này, chúng tôi yêu cầu các Ki-tô hữu cầu nguyện cho món quà hòa bình ở Ucraina để những người có trách nhiệm có thể được tràn đầy và tỏa ra một nền hòa bình ‘dễ lây lan’ và cuộc khủng hoảng sẽ được khắc phục hoàn toàn thông qua đối thoại.”
Đức tổng giám mục Grušas nói thêm: “Trong khi toàn bộ cộng đồng quốc tế coi các hành động của lực lượng quân sự Nga là một mối đe dọa thực sự đối với hòa bình trên toàn thế giới, chúng tôi ôm lấy - trong thời điểm lo sợ và không chắc chắn cho tương lai của đất nước - những người anh chị em của chúng tôi trong đức tin và tất cả người dân Ucraina.”
Đối thoại và thương lượng
Trong thông cáo các giám mục châu Âu kêu gọi cộng đồng quốc tế “hỗ trợ đất nước trước nguy cơ bị Nga tấn công quân sự”: “Chúng tôi, với tư cách là những mục tử của châu Âu, muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia đừng quên những cuộc chiến tranh thế giới bi thảm của thế kỷ trước và để luật pháp quốc tế, cũng như độc lập và chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, được bảo vệ.”
Các giám mục bày tỏ: “Cùng với Đức Thánh Cha, chúng tôi muốn kêu gọi các chính phủ tìm ra ‘các giải pháp lâu dài và có thể chấp nhận được’ ở Ucraina dựa trên đối thoại và thương lượng và không cần dùng đến vũ khí.”
Ucraina, với dân số 44 triệu người, là quốc gia lớn thứ hai theo diện tích ở châu Âu sau Nga. Xung đột giữa hai nước - được gọi là Chiến tranh Nga-Ucraina - bắt đầu vào tháng 2 năm 2014, tập trung vào phía đông Ucraina. Các bên tham chiến đồng ý ngừng bắn vào tháng 7/2020. (CNA 21/01/2022).
Hồng Thủy - Vatican News