Vào ngày 15/3/2020, trong lúc đang chuẩn bị cho một buổi cử hành phụng vụ, mục sư Sithon Thippavong, 35 tuổi, ở tỉnh Savannakhet bị bảy cảnh sát đến yêu cầu hủy bỏ buổi cử hành. Cảnh sát còn bắt mục sư ký vào một văn bản với nội dung chấp nhận từ bỏ đức tin. Mục sư đã từ chối và bị bắt giam.
Sau đó, chính quyền địa phương buộc tội mục sư về việc tổ chức các cử hành tôn giáo không được phép, và bị ghép vào hai tội: “gây rối sự hiệp nhất” và “mất trật tự”.
Vào ngày 06/4 vừa qua, một tòa án cấp tỉnh đã kết án mục sư một năm tù và phạt với số tiền khoảng 426 đô la vì hai tội danh trên. Nhưng mục sư đã được tự do ngay sau đó, vì thời gian bị giam đã vượt quá án tù.
Việc mục sư Thippavong được trả tự do tạo ra một hy vọng lớn cho thành phần thiểu số Kitô hữu ở Lào, 150 ngàn trên 7 triệu dân. Ở Lào, phần lớn người dân theo Phật giáo và Thuyết vật linh. Các Kitô hữu được phép thực hành đức tin nhưng trong giới hạn, và ở một số địa phương chính quyền vẫn còn xem Kitô giáo là một tôn giáo ngoại lai và tìm cách lật đổ.
Vào cuối tháng Ba, ông Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã cho rằng việc bắt giữ mục sư Thippavong là “một vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Theo ông, các nhà chức trách Lào phải trả tự do và xin lỗi mục sư vì đã bắt giam mục sư. Ông Robertson còn nhấn mạnh thêm rằng, các nhà chức trách không được vi phạm các quyền và tự do của các tín đồ của các tôn giáo.
Ngoài Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một số tổ chức Kitô trên thế giới cũng đã yêu cầu trả tự do cho mục sư Thippavong. Trong số này có Vision Beyond Borders – Tầm nhìn Vượt Biên giới, một tổ chức Kitô có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tổ chức đã bày tỏ sự lo lắng, mời gọi các tín hữu cầu nguyện, đồng thời yêu cầu chính phủ trả tự do cho mục sư, và tôn trọng quyền tự do tôn giáo trong đất nước. (CSR_2632_2021).
Ngọc Yến - Vatican News