TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Năm Thánh, cơ hội ân sủng gặp gỡ Chúa và tha nhân

Thứ sáu - 20/12/2024 08:51 |   42
Trước ngưỡng cửa năm 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về Năm Thánh, nhấn mạnh về cơ hội ân sủng của cuộc gặp gỡ Chúa và tha nhân.
Năm Thánh, cơ hội ân sủng gặp gỡ Chúa và tha nhân

Đức Thánh Cha: Năm Thánh, cơ hội ân sủng gặp gỡ Chúa và tha nhân

Trước ngưỡng cửa năm 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về Năm Thánh, nhấn mạnh về cơ hội ân sủng của cuộc gặp gỡ Chúa và tha nhân.

Suy tư của Đức Thánh Cha được đăng trên báo Messaggero của Ý số ra ngày 18/12 được bắt đầu như sau:

Trong lịch sử của dân tộc Israel, tiếng tù và được gọi là yobel - từ đó bắt nguồn thuật ngữ “toàn xá” - vang vọng khắp mọi làng, loan báo bắt đầu một năm đặc biệt, theo quy định của Luật Môsê (Lv 25).

Năm Thánh, thời gian canh tân

Năm Thánh là thời gian cứu chuộc và canh tân, được tượng trưng bằng các thực hành, ngày nay vẫn còn ý nghĩa sâu sắc. Trong năm này, đất đai được nghỉ ngơi, để nhắc nhớ mọi người rằng đất thuộc về Thiên Chúa và là món quà được trao cho nhân loại để quản lý chứ không phải để khai thác. Các khoản nợ được xóa, nhằm khôi phục công lý xã hội và chống lại bất bình đẳng, một thực hành diễn ra cứ 50 năm một lần. Nô lệ được giải phóng, nuôi dưỡng giấc mơ về một cộng đồng nhân loại không bị áp bức và phân biệt đối xử, một viễn cảnh gợi nhớ đến cuộc xuất hành, nơi Thiên Chúa thiết lập dân tộc của Người thành gia đình duy nhất trong cuộc hành trình chung.

Hành trình hy vọng

Khi bắt đầu sứ vụ tại Hội đường Nazareth, Chúa Giêsu đã đón nhận khái niệm về Năm Toàn xá và mang đến cho nó một ý nghĩa mới. Chúa đã tỏ lộ chính Người là dung nhan của Thiên Chúa, Đấng đã xuống trần gian để cứu chuộc người nghèo và giải thoát những người bị giam cầm, và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha đối với những người bị thương tích, sa ngã và tuyệt vọng.

Thực vậy, Chúa Giêsu đã đến để giải thoát nhân loại khỏi mọi hình thức nô lệ, mở mắt cho người mù, giải phóng những người bị áp bức (Lc 4,18-19). Sứ vụ Mêsia của Người đã mở rộng ý nghĩa Năm Toàn xá giải quyết mọi hình thức áp bức cuộc sống con người, do đó trở thành một dịp ân sủng để giải thoát những ai đang bị giam cầm của tội lỗi, cam chịu và tuyệt vọng. Năm này cũng là lời mời gọi chữa lành khỏi cái mù nội tâm ngăn cản chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và người khác. Trên hết, giúp sống lại niềm vui gặp gỡ Chúa, giúp mọi người tiếp tục cuộc hành trình cuộc sống với hy vọng mới.

Tái khám phá niềm vui gặp Chúa Giêsu

Theo tinh thần này, từ năm 1300 với Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Boniface VIII, hàng triệu người hành hương đã đến Roma. Cuộc hành hương bên ngoài của họ tượng trưng cho một ước muốn bên trong về sự canh tân, tìm cách liên kết cuộc sống hàng ngày của họ - mặc cho những thách đố và đấu tranh - với hy vọng Tin Mừng. Sâu thẳm trong mỗi tâm hồn là một cơn khát không thể dập tắt đối với hạnh phúc và sự viên mãn. Đối diện với những điều không chắc chắn của cuộc sống, con người khao khát vượt qua sự ngờ vực, hoài nghi và tuyệt vọng. Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đáp lại nỗi khao khát nội tâm này, mời gọi chúng ta tái khám phá niềm vui được gặp gỡ Người. Cuộc gặp gỡ này biến đổi và đổi mới chính cuộc sống. “Có thể thấy rõ rằng đời sống Kitô hữu là một con đường cần những khoảnh khắc mạnh mẽ để nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như người bạn đồng hành không thể thay thế, cho ta thoáng thấy mục tiêu là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu” (Hy vọng không làm thất vọng, n. 5).

Cửa Thánh, lối vào đời sống mới 

Năm Thánh là một trong những khoảnh khắc quan trọng này. Việc mở Cửa vào đêm Giáng sinh tượng trưng cho một con đường - một sự canh tâm thiêng liêng- và lời mời gọi đón nhận cuộc sống mới được ban cho chúng ta qua cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Và một lần nữa Rôma sẽ chào đón nhiều người hành hương đến từ nhiều nơi trên thế giới, như đã xảy ra vào năm 1300 với Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Vào thời điểm đó, nhiều người hành hương đến từ phương Bắc đã leo lên Monte Mario, để lần đầu tiên chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của Thành Vĩnh cửu; trong khi những người khác đến từ phía Nam, đi trên những chiếc thuyền nhỏ ngược dòng sông Tevere. Mọi người đều có một mong muốn lớn lao là được đến Cửa Thánh và đi qua. Kể từ đó, mỗi dịp Năm Thánh đều được đánh dấu bằng cuộc gặp gõ giữa những bước chân của những người hành hương với vẻ đẹp của Thành Roma.

Roma, một thành phố thân thiện và hiếu khách

Cho Năm Thánh, những nỗ lực đặc biệt đã được thực hiện để cải thiện đường sá, nâng cao phương tiện giao thông công cộng, khôi phục các di tích và hiện đại hóa thành phố. Tuy nhiên, ngoài những chuẩn bị đô thị, Năm Thánh kêu gọi Roma một ơn gọi đặc biệt. Thành phố được mời gọi trở thành nơi chào đón và hiếu khách, nơi giao thoa của sự đa dạng và đối thoại, một trung tâm đa văn hóa nơi các sắc màu của thế giới hòa quyện như một bức tranh ghép.

Roma có thể hiện thân cho một tinh thần vĩnh cửu, bắt nguồn từ quá khứ huy hoàng nhưng vẫn dấn thân xây dựng một tương lai không có rào cản, phân biệt đối xử hay ngờ vực. Đây là giấc mơ cần nuôi dưỡng: Roma sẽ tiết lộ cho thế giới vẻ đẹp của di sản Kitô giáo, không chỉ trong sự huy hoàng của nghệ thuật mà trên hết là trong cam kết đối với lòng hiếu khách và tình huynh đệ.

Mong rằng mọi trái tim và mọi con đường của thành phố này sẽ vang lên niềm vui, vang vọng bài thánh ca: “Thành Roma bất tử của các vị tử đạo và các thánh … không sức mạnh hay khủng bố nào có thể thắng thế, nhưng Chân lý và Tình yêu sẽ ngự trị”.

Nguồn tin Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây