TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những ngộ nhận về THĐGM thế giới sắp tới

Chủ nhật - 04/06/2023 19:36 | Tác giả bài viết: |   681
Trong những ngày qua, ban tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục và chính Đức Thánh Cha đã lên tiếng cảnh giác về những ảo tưởng và ngộ nhận về Công nghị quan trọng này của Giáo hội.
Những ngộ nhận về THĐGM thế giới sắp tới

Những ngộ nhận về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới

Chỉ còn 4 tháng nữa, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 16 về với chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, sẽ khai diễn tại Roma và kéo dài 2 năm. Trong tháng 6 này, theo dự kiến, tài liệu làm việc làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại Công nghị sẽ được công bố. Trong những ngày qua, ban tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục và chính Đức Thánh Cha đã lên tiếng cảnh giác về những ảo tưởng và ngộ nhận về Công nghị quan trọng này của Giáo hội.

Bối cảnh những ngộ nhận

Để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới, các cuộc tham khảo ý kiến sâu rộng đã được phát động và thực hiện tại các giáo phận và trong khuôn khổ các nước qua các Hội Đồng Giám mục liên hệ, trước khi được đúc kết và trao đổi tại các khóa họp Liên Hội Đồng Giám Mục, được phân chia thành 7 miền trên toàn cầu. Đúc kết các trao đổi này đã được gửi về Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tại đây một Ủy ban các chuyên gia đã nhóm họp để từ các ý kiến và đề nghị của các địa phương soạn dự thảo Tài Liệu làm việc vừa nói.

Trong các tiến trình nói trên, dư luận báo chí đặc biệt chú ý đến các vấn đề nóng bỏng như hôn nhân đồng phái, phá thai, độc thân linh mục và cả việc truyền chức thánh cho phụ nữ, hoặc nhiều đề tài khác. Ngoài ra có quyết định của Đức Thánh Cha cho một số thành phần không phải là Giám mục cũng được quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục, giống như các nghị phụ. Từ đó nhiều người nghĩ rằng với cơ cấu “dân chủ hóa” như thế, Thượng Hội đồng Giám mục có thể đi tới những quyết định về các vấn đề nóng bỏng.

Thanh minh của Đức Hồng Y Mario Grech

Trước những dư luận trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Truyền hình Lời Vĩnh Cửu (EWTN) ở Mỹ, truyền đi ngày 25/5 vừa qua, Đức Hồng Y Mario Grech, người Malta, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, cũng là trưởng ban tổ chức công nghị này, đã điều chính những quan niệm sai trái trong dư luận.

Ngài cũng cảnh giác rằng trong tiến trình Thượng Hội đồng đang diễn ra, Giáo hội có nguy cơ đánh mất một “thời điểm ân thánh” nếu chỉ tập trung vào các vấn đề tạo nên những thái cực được nêu lên trong các khóa họp lắng nghe, trong đó có vấn đề hôn nhân đồng phái, phá thai, truyền chức linh mục cho phụ nữ.

Nới rộng sự tham dự của dân Chúa

Đức Hồng Y Grech nhắc lại rằng trong quá khứ, Thượng Hội đồng Giám mục là một thời điểm trong đó chỉ có các Giám mục dấn thân vào. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo nên một chiều kích mới về kinh nghiệm này với sự tham dự của tất cả dân Chúa, trong tinh thần hiệp hành.

Nói một cách đơn sơ hơn, “một Giáo hội hiệp hành, là một Giáo hội thiêng liêng nhiều hơn. Có một cám dỗ thúc đẩy chúng ta biến Giáo hội thành một tổ chức từ thiện, một tổ chức phi chính phủ (ONG), như Đức Thánh Cha vẫn cảnh giác. Giáo hội là thân mình của Chúa Kitô và linh hồn của Giáo hội này chính là Chúa Thánh Thần. Một Giáo hội hiệp hành là một lời mời gọi dân Chúa hãy lãnh nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng giữ vai cính trong tiến trình Thượng hội đồng này.”

Đức Hồng Y Grech xác quyết rằng: “Đối với tôi, lời mời gọi trở thành một Giáo hội hiệp hành là một lời mời gọi hãy dành nhiều chỗ hơn cho Chúa Thánh Thần. Một sự kiện thực tế, một chìa khóa trong tiến trình đơn giản này là sự phân định: làm sao chúng ta phân định điều mà Chúa Thánh Thần đang thông truyền cho Giáo hội ngày nay?”

“Một trong các phương pháp thực sự hữu hiệu trong các khóa họp cấp đại lục là điều mà chúng tôi gọi là sự hoán cải thiêng liêng: sự hoán cải theo Thánh Thần hay hoán cải hiệp hành. Khi chúng tôi gặp nhau để thảo luận và lắng nghe trong các phiên họp, đó không chỉ là những phiên họp thuần túy con người. Chúng ta phải cầu khẩn Chúa Thánh Thần, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa. Chẳng vậy, Giáo hội sẽ là dự phóng của tôi, dự phóng của chúng ta, nhưng Giáo hội không phải là của chúng ta. Giáo hội thuộc về Chúa Kitô”.

Thành phần không Giám mục tại Thượng Hội Đồng

Về việc tham gia của những người không phải là Giám mục vào Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm nay ở Roma, Đức Hồng Y Grech giải thích rằng:

“Thượng Hội đồng là một khóa họp dành cho các Giám mục và sẽ tiếp tục là khóa họp của các Giám Mục. Bản chất của Thượng Hội đồng Giám mục vẫn không thay đổi. Nhưng, qua sự lắng nghe dân Chúa, Đức Thánh Cha quyết định mời cả những người không phải là Giám mục tham dự Thượng Hội đồng. Những người không phải là Giám Mục, không có nghĩa là chỉ có các giáo dân, nhưng gồm cả các linh mục, phó tế, những người thánh hiến nam nữ, và cả các phó tế vĩnh viễn. Tổng số những thành phần không Giám mục không vượt quá 25%.”

“Sở dĩ duy trì tỷ lệ như vậy là vì chúng tôi không muốn thay đổi bản chất của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Sự hiện diện của các thành phần khác của dân Chúa nói lên rằng đó là toàn thể dân Chúa...”.

“Dân Chúa đã tham gia ngay từ đầu tiến trình này và nay cũng đang tham gia giai đoạn chót của tiến trình. Sự hiện diện của họ ở đó. Các Giám mục ở đó vì các vị là mục tử, và không có đoàn chiên nếu không có một mục tử. Và không có mục tử nếu không có đoàn chiên.”

Những vấn đề nóng bỏng

Về những vấn đề nóng như hôn nhân đồng phái, phá thai và truyền chức cho phụ nữ, Thượng hội đồng về hiệp hành sẽ xử lý như thế nào?

Đức Hồng Y Grech minh định rằng: “Trong giai đoạn đầu tham khảo ý kiến tức là giai đoạn lắng nghe, nhiều vấn đề khác nhau đã được nêu lên như vừa nói. Đây là lần đầu tiên dân Chúa được cơ hội lên tiếng về các vấn đề ấy. Giáo hội lắng nghe các nhu cầu của họ. Và tôi không ngạc nhiên vì một số điểm nóng nay lại được nhắc đến. Nhưng đến lúc nào đó, tôi và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên cho khóa Thượng Hội đồng Giám mục này, đã gửi một thư cho tất cả các Giám Mục, nêu rõ sự kiện đề tài của Thượng Hội đồng này là Giáo hội hiệp hành. Các vấn đề khác sẽ không bị gạt bỏ, nhưng chúng tôi sẽ đặt chúng ở phía sau, vì chúng không phải là những vấn đề được giải quyết trong Thượng Hội đồng đặc biệt này. Nếu chúng ta đi vào những vấn đề đó trong thời điểm này, thì chúng ta sẽ mất cơ hội quý giá, một thời điểm ân phúc, một suy tư về cách thức làm sao chúng ta thực sự giúp Giáo hội hiệp hành hơn và kiến tạo những không gian trong đó mọi phần tử của dân Chúa, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của các mục tử, có thể thực sự góp phần vào việc loan báo Tin Mừng.”

Đặc tính tư vấn của Thượng Hội Đồng Giám Mục

Đức Hồng Y Grech cũng minh xác: “Bản chất của Thượng Hội đồng Giám mục chỉ là tư vấn, vì quyết định chung kết vẫn là của Đức Thánh Cha. Khi Đức Phaolô VI thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục ngài xác định mục đích là để giúp, tham vấn với Đức Thánh Cha”.

“Tôi nghĩ có việc nhận quyết định và đưa ra quyết định. Lắng nghe toàn dân Chúa, đặc biệt các Giám mục tụ họp trong thượng Hội Đồng Giám Mục, là thành phần của việc đưa ra các quyết định, giúp soi sáng cho Đức Thánh Cha để phân định.”

“Chúng ta có thừa tác vụ Giám Mục, đặc biệt trong các Giáo hội địa phương, có thể bảo đảm để dân khỏi đi trệch đường trong phân định của họ. Và đối với toàn thể Giáo hội, thì chúng ta có Đức Thánh Cha, có sứ vụ Phêrô thực sự giúp và bảo đảm cho toàn thể Giáo hội thi hành thánh ý Chúa.”

Đức Hồng Y Grech không quên cảnh giác những người đang đặt dân Chúa trong vị thế đối nghịch với hàng giáo phẩm vì trong tiến trình hiệp hành mỗi người được lên tiếng, một số người nghĩ chúng ta đang trên đường tiến tới một kiểu dân chủ. Nhưng Giáo hội không phải là dân chủ. Giáo hội tự bản chất là phẩm trật. Thừa tác vụ của các Giám Mục, sứ vụ Phêrô là một ơn của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội, và chúng ta cần quý chuộng gìn giữ”.

Nhắc nhở của Đức Thánh Cha

Những điều minh xác trên đây của Đức Hồng Y Mario Grech cũng là điều nằm trong chủ ý của Đức Thánh Cha, như ngài đã nhắc nhở trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa Nhật 28/5 vừa qua tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài nói:

“Thượng Hội đồng đang tiến hành là và phải là 'một con đường theo Thánh Thần: đó không phải là một nghị viện để đòi hỏi các quyền và những nhu cầu theo chương trình hành động của thế gian, không phải là một dịp để đi theo chiều gió, nhưng là cơ hội để trở nên ngoan ngoãn đối với hơi thở của Thánh Thần”. Vì trong biển lịch sử, Giáo hội chỉ ra hải hành với Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội” (S. Phaolo VI, Diễn Văn trước Hồng Y đoàn đến chúc mừng lễ bổn mạng, 21/6/1976), Thánh Thần là trọng tâm của tính hiệp hành (sinodalità), là động cơ của việc loan báo Tin Mừng. Không có Thánh Thần thì Giáo hội sẽ bất động, đức tin chỉ là một giáo thuyết, luân lý chỉ là một nghĩa vụ, mục vụ chỉ là một công việc. Nhiều khi chúng ta nghe những người gọi là tư tưởng gia, thần học gia mang lại cho chúng ta những đạo lý lạnh lùng, như thể là toán học, vì thiếu Thần Khí bên trong. Trái lại với Thánh Thần, đức tin là sự sống, là tình thương của Chúa chinh phục chúng ta và đức cậy nảy sinh. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Thần ở trung tâm của Giáo hội, nếu không con tim chúng ta sẽ không nồng cháy tình yêu đối với Chúa Giêsu, nhưng chỉ yêu bản thân mình...”

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây