TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thư Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Các Cha Xứ

Chủ nhật - 05/05/2024 06:25 | Tác giả bài viết: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP |   1598
WHĐ (03.05.2024) - Sáng thứ Năm ngày mồng 02.05, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Cuộc gặp gỡ quốc tế “Các cha xứ với Thượng hội đồng” buổi tiếp kiến riêng. Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã đọc Lá thư của ngài gửi tới các cha xứ tham gia cuộc họp và qua đó, tới tất cả các cha xứ trong Giáo hội. Được biết, Cuộc gặp gỡ quốc tế quy tụ khoảng 300 cha xứ đến từ khắp nơi trên thế giới, diễn ra từ ngày 29.04 đến ngày 02.05 tại nhà tĩnh tâm Fraterna Domus ở Sacrofano, bắc Roma, Ý. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Lá thư của Đức Thánh Cha:
Thư Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Các Cha Xứ

THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC CHA XỨ

Anh em Linh mục thân mến,

Cuộc gặp gỡ quốc tế “Các cha xứ với Thượng hội đồng”, và việc đối thoại với các anh em tham gia cuộc gặp gỡ này, là dịp để tôi cầu nguyện cho các cha xứ trên thế giới. Với tất cả anh em, tôi gửi đến những lời này với lòng yêu mến sâu sắc.

Một điều hiển nhiên đến mức nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng thực sự không làm giảm đi sự thật, đó là: Giáo hội không thể tiến bước nếu không có sự cống hiến và phục vụ mang tính mục vụ của anh em. Vì vậy, trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và quý trọng đối với công việc quảng đại mà anh em thực hiện hàng ngày, gieo hạt giống Tin Mừng trên mọi loại đất (x. Mc 4,1-25).

Như anh em trải nghiệm trong những ngày chia sẻ này, các giáo xứ nơi anh em thi hành tác vụ của mình thì ở trong những bối cảnh rất khác nhau, từ những giáo xứ ở ngoại ô của các thành phố lớn – như chính tôi đã từng biết ở Buenos Aires – đến những giáo xứ ở những khu vực dân cư thưa thớt nhưng có diện tích bằng cả một tỉnh rộng lớn. Từ những giáo xứ ở trung tâm đô thị tại nhiều nước châu Âu, trong đó các Vương cung thánh đường cổ kính của những cộng đoàn đang ngày càng thu hẹp lại và già đi, đến những giáo xứ mà các việc cử hành được tổ chức dưới những tán cây lớn với tiếng chim hót hòa lẫn với tiếng của trẻ em.

Các cha xứ nhận thức rất rõ điều này, vì các ngài biết từ bên trong đời sống của Dân Chúa những niềm vui và khó khăn, những nguồn lực và nhu cầu của họ. Đây là lý do tại sao một Giáo hội hiệp hành cần các cha xứ. Không có các linh mục, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể học biết làm sao để cùng nhau bước đi, cũng như làm thế nào để khởi sự lộ trình hiệp hành, vốn là “lộ trình mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba[1].

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở thành một Giáo hội hiệp hành và truyền giáo nếu các cộng đoàn giáo xứ không coi sự tham gia của tất cả những người đã lãnh Phép Rửa vào sứ mạng duy nhất - loan báo Tin Mừng - là nét đặc trưng trong đời sống của họ. Nếu các giáo xứ không có tính hiệp hành và truyền giáo thì Giáo hội cũng vậy. Báo cáo Tổng hợp của Khoá họp đầu tiên của Đại hội thường lệ lần thứ XVI Thượng Hội đồng Giám mục rất rõ ràng về vấn đề này. Các giáo xứ, khởi đi từ cơ cấu và tổ chức đời sống của giáo xứ, được mời gọi nghĩ về mình “chủ yếu như là cơ cấu để phục vụ sứ vụ mà các tín hữu thực hiện trong xã hội, trong gia đình và trong cuộc sống việc làm, thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ hoặc các mối quan tâm của tổ chức” (8.l). Do đó, điều cần thiết là các cộng đoàn giáo xứ ngày càng phải trở thành những nơi mà từ đó những người đã lãnh Phép Rửa lên đường với tư cách là môn đệ thừa sai và là nơi họ trở về, tràn đầy niềm vui, để chia sẻ những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện qua chứng tá của họ (x. Lc 10,17).

Với tư cách là các mục tử, chúng ta được mời gọi đồng hành với các cộng đoàn mà chúng ta phục vụ trong tiến trình này, đồng thời dấn thân bằng lời cầu nguyện, sự phân định và nhiệt thành tông đồ để đảm bảo rằng tác vụ của chúng ta phù hợp với những đòi hỏi của một Giáo hội hiệp hành và truyền giáo. Thách đố này được đặt ra trước Giáo hoàng, các giám mục và Giáo triều Rôma, và nó cũng được đặt ra trước anh em, với tư cách là các cha xứ. Đấng đã kêu gọi và thánh hiến chúng ta, hôm nay mời gọi chúng ta lắng nghe Thánh Thần của Ngài và tiến bước theo hướng mà Ngài chỉ cho chúng ta. Chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng: Ngài sẽ không để chúng ta thiếu ân sủng của Ngài. Trên đường đi, chúng ta sẽ khám phá ra làm thế nào để giải thoát tác vụ của mình khỏi những điều khiến chúng ta mệt mỏi chán nản, đồng thời tái khám phá cốt lõi đích thực nhất của tác vụ này, đó là công bố Lời Chúa và quy tụ cộng đoàn bằng việc bẻ bánh.

Vì vậy, tôi khuyến khích anh em, với tư cách là cha xứ, hãy đón nhận lời mời gọi này của Chúa để trở thành những người xây dựng một Giáo hội hiệp hành và truyền giáo, đồng thời hãy nhiệt thành cống hiến hết mình trong tiến trình này. Để đạt được mục đích này, tôi muốn đưa ra ba đề nghị có thể gợi hứng cho lối sống và hoạt động của anh em như là những mục tử.

1. Trước hết, tôi mời gọi anh em hãy sống đặc sủng thừa tác vụ đặc thù của mình để phục vụ ngày càng nhiều hơn nữa những hồng ân đa dạng mà Thánh Thần ban phát trong Dân Chúa. Thực vậy, điều cấp bách là “với cảm thức đức tin, hãy khám phá những đặc sủng phong phú và đa dạng của giáo dân, từ ơn nhỏ bé nhất đến ơn cao cả nhất” (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis, 9), vốn là những điều không thể thiếu đối với việc loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh và bối cảnh của con người. Tôi tin chắc rằng, được như vậy, anh em sẽ khơi lên nhiều kho tàng ẩn giấu và cảm thấy bớt đơn độc trong nhiệm vụ Phúc âm hoá đầy khó khăn. Anh em sẽ trải nghiệm niềm vui được trở thành những người cha đích thực, những người không thống trị người khác nhưng khơi dậy những tiềm năng lớn lao và quý giá nơi mọi người, nam cũng như nữ.

2. Tôi chân thành khuyên anh em hãy học để thực hành nghệ thuật phân định cộng đoàn bằng việc áp dụng phương pháp “đối thoại trong Thánh Thần”, vốn là một phương pháp được cho là rất hữu hiệu trong lộ trình hiệp hành và trong chính tiến trình của Đại hội Thượng Hội đồng. Tôi tin chắc rằng từ phương pháp này, anh em sẽ gặt hái được nhiều hoa trái tốt lành, không chỉ trong các cơ cấu hiệp thông, chẳng hạn như Hội đồng Mục vụ giáo xứ, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Như Báo cáo Tổng hợp cho thấy, sự phân định là yếu tố then chốt trong hoạt động mục vụ của Giáo hội hiệp hành: “Điều quan trọng là việc thực hành phân định cũng phải được thực hiện trong các lãnh vực mục vụ, theo cách thức phù hợp với những bối cảnh khác nhau, để làm sáng tỏ tính cụ thể của đời sống Giáo hội. Điều này cho phép chúng ta nhận ra rõ hơn các đặc sủng hiện diện trong cộng đoàn, giao phó một cách khôn ngoan các nhiệm vụ và tác vụ, hoạch định các dự án mục vụ dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, vượt lên trên những chương trình hoạt động thuần tuý” (2.l).

3. Cuối cùng, tôi muốn khuyến nghị anh em hãy đặt mọi việc anh em làm trên tinh thần chia sẻ và huynh đệ giữa anh em với nhau và với các giám mục của anh em. Đây là điều đã nổi lên mạnh mẽ trong Hội nghị quốc tế về thường huấn cho các linh mục, với chủ đề “Hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa mà anh em đã lãnh nhận” (2 Tm 1,6), diễn ra vào tháng 02 vừa qua tại Roma, với sự tham gia của hơn 800 giám mục, linh mục, tu sĩ, và giáo dân đến từ khoảng 80 quốc gia. Chúng ta chẳng thể là những người cha đích thực nếu trước hết chúng ta không phải là những người con và những người anh em. Và chúng ta chẳng thể khơi dậy sự hiệp thông và tham gia vào các cộng đoàn được ủy thác cho chúng ta chăm sóc, nếu trước hết, chúng ta không sống những thực tại đó giữa chúng ta với nhau. Tôi biết rõ rằng, trong chuỗi trách nhiệm mục vụ, sự dấn thân này dường như có vẻ nặng nề, thậm chí là lãng phí thời gian, nhưng thực tế thì ngược lại: thật vậy, chỉ bằng cách này chúng ta mới đáng tin và hoạt động của chúng ta mới không phá hủy những gì người khác đã xây dựng.

Không chỉ Giáo hội hiệp hành và truyền giáo mới cần các cha xứ, mà ngay cả tiến trình đang diễn ra của Thượng hội đồng 2021-2024, “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”, khi chúng ta mong chờ Khoá họp thứ hai của Đại hội thường lệ lần thứ XVI Thượng Hội đồng Giám mục sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây cũng vậy. Để chuẩn bị cho sự kiện này, chúng tôi cần lắng nghe tiếng nói của anh em.

Vì thế, tôi mời gọi những anh em đã tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế “Các cha xứ với Thượng hội đồng”, hãy trở thành những nhà thừa sai của tính hiệp hành, giữa anh em với nhau, và khi trở về nhà, với các cha xứ khác của anh em. Tôi mời gọi anh em hãy thúc đẩy sự suy tư về việc canh tân thừa tác vụ của cha xứ theo tư duy hiệp hành và truyền giáo, đồng thời giúp Tổng Thư ký Thượng Hội đồng thu thập những đóng góp đặc thù của anh em cho việc soạn thảo Tài liệu Làm việc. Mục đích của Cuộc gặp gỡ Quốc tế này là để lắng nghe các cha xứ, nhưng điều này không thể kết thúc hôm nay: chúng tôi cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của anh em.

Anh em thân mến, tôi ở bên anh em trong tiến trình này, một tiến trình mà chính tôi cũng đang tham gia. Tôi ưu ái ban phép lành cho tất cả anh em, và về phần mình, tôi cần cảm nhận được sự gần gũi và hỗ trợ từ những lời cầu nguyện của anh em. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria Hodegetria, Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành. Mẹ chỉ đường cho chúng ta; Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, ngày mồng 02 tháng 05 năm 2024

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (02. 05. 2024)

 

[1] Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 17/05/2017

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây