TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xung quanh cuộc họp giữa HĐGM Đức và Roma

Thứ tư - 23/11/2022 07:18 | Tác giả bài viết: |   657
Sáng ngày 18/11, tại Học viện Augustinianum ở Roma đã diễn ra cuộc họp giữa các lãnh đạo của một số Bộ của Giáo triều Roma
Xung quanh cuộc họp giữa HĐGM Đức và Roma

Xung quanh cuộc họp giữa các Giám mục Đức và các lãnh đạo các Bộ của Giáo triều Roma

Sáng ngày 18/11, tại Học viện Augustinianum ở Roma đã diễn ra cuộc họp giữa các lãnh đạo của một số Bộ của Giáo triều Roma và 62 Giám mục Đức về Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ, gặp Đức Thánh Cha và thăm Toà Thánh.

Sau cuộc họp, Toà Thánh và Hội đồng giám mục Đức đã đưa ra một thông cáo chung trong đó khẳng định rằng cuộc gặp gỡ đã được lên chương trình từ lâu như một cơ hội để cùng nhau suy tư về Con đường Công nghị đang diễn ra tại Đức, được triệu tập để phản ứng trước các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Chủ sự cuộc họp, trong phần giới thiệu, Đức Hồng y Pietro Parolin đã nhắc lại “mối dây hiệp thông và tình yêu đã liên kết các Giám mục với nhau và liên kết họ với Người Kế Vị Thánh Phêrô”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ như một thời điểm của sự chia sẻ và ân sủng, của sự hiệp nhất trong những khác biệt, Đức Hồng Y Parolin đề cập đến những lo ngại mà Con đường Công nghị khơi dậy, nói đến nguy cơ của “những cải cách của Giáo hội nhưng không trong Giáo hội”.

Trình bày của Giáo hội Đức

Tuyên bố chung cho biết, trong bài phát biểu, Đức cha Georg Bätzing, Giám mục của Limburg và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, “đã trình bày các hoạt động của Con đường Công nghị Đức, và nêu bật tinh thần của nó, dựa trên việc lắng nghe Dân Chúa và nỗi đau vì những vụ lạm dụng bởi các giáo sĩ. Đức cha Bätzing cũng liệt kê các chủ đề được thảo luận trong các cuộc họp: Quyền lực và sự phân chia các quyền lực trong Giáo hội - Sự tham gia chung và kế hoạch truyền giáo; Đời sống linh mục ngày nay; Phụ nữ trong các thừa tác vụ và trong các cơ quan của Giáo hội; Sống trong các mối tương quan - Sống tình yêu trong tính dục và trong tương quan vợ chồng. Cuối cùng, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của Thượng Hội đồng do Đức Thánh Cha triệu tập cho toàn thể Giáo hội và việc gia hạn thời gian”.

Tham luận từ các Bộ trưởng

Cuộc họp được tiếp tục với các tham luận thần học của Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Theo tuyên bố, các ngài “đã nói một cách thẳng thắn và rõ ràng về những lo âu và do dự liên quan đến phương pháp, các nội dung và đề xuất của Con đường Công nghị. Các ngài đề xuất rằng, vì lợi ích của sự hiệp nhất của Giáo hội và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, các yêu cầu được nêu lên cho đến nay nên được đưa vào Thượng hội đồng của Giáo hội hoàn vũ”.

Thông cáo chung tường thuật rằng trong cuộc đối thoại mở sau đó, “nhiều giám mục Đức và đại diện của Giáo triều đã lên tiếng. Từ đó, các vị đã thấy tầm quan trọng và cũng là sự khẩn thiết xác định và đào sâu một số chủ đề nổi bật, ví dụ như những chủ đề đề cập đến cơ cấu của Giáo hội, đến thừa tác viên thánh chức và việc lãnh nhận thánh chức, đến nhân học Kitô giáo. Đồng thời, mọi người đều nhận thức đầy đủ về việc đang đồng hành với toàn thể Dân thánh thiện và kiên nhẫn của Thiên Chúa, vả cả trong sự đối nghịch giữa các lập trường khác nhau. Chính xác theo nghĩa này, nhiều phát biểu đã chỉ ra tính trung tâm của việc rao giảng Tin Mừng và truyền giáo như là mục tiêu cuối cùng của các tiến trình đang diễn ra, cũng như ý thức về việc một số chủ đề không thể chấp nhận được.”

“Trong tinh thần chia sẻ cởi mở và huynh đệ này, một số đề xuất đã được đưa ra, chẳng hạn như có đề xuất áp dụng một lệnh tạm hoãn đối với Con đường Công nghị của Đức, nhưng đề nghị này không được chấp nhận, và việc khuyến khích suy nghĩ thêm và lắng nghe lẫn nhau dưới ánh sáng của những điều phức tạp đã nảy sinh. Trong phần kết luận, Quốc vụ khanh Toà Thánh bày tỏ sự đánh giá cao đối với cuộc thảo luận, không chính thức, nhưng cần thiết và mang tính xây dựng, ‘không thể bỏ qua’ trong các tiến trình đang diễn ra”. Tuyên bố chung kết thúc với khẳng định rằng “mọi người đồng ý về việc cần tiếp tục lắng nghe và đối thoại lẫn nhau trong những tháng tới, để có thể đóng góp vào việc làm phong phú cho Con đường Công nghị Đức và cho Thượng hội đồng phổ quát của Giáo hội”.

Không có ly giáo cũng không dừng Con đường Công nghị

Sau đó, vào sáng ngày hôm sau, 19/11, Đức cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức đã có cuộc họp báo kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, cũng tại Học viện Augustinianum, nhân kết thúc chuyến viếng thăm ad limina của hơn 60 giám mục Đức, trong đó Đức Giám mục giáo phận Limburg nói với giới báo chí quốc tế rằng không có ly giáo, cũng không có việc “dừng” Con đường Công nghị.

Đức cha cho biết ngài cảm thấy được “khích lệ” bởi vì trong những cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo các cơ quan giáo triều Roma, mọi người có thể xác định rõ rằng các Giám mục Đức không có ý định gây nên một cuộc ly giáo. Ngài nói: “Chúng tôi là Công giáo và chúng tôi muốn duy trì điều đó.” Và cũng bởi vì chúng tôi đã chứng minh rằng “có thể đối thoại” bằng cách đặt “mọi thứ, mọi việc” lên bàn thảo luận: những lời chỉ trích, những khó chịu, yêu cầu, đề xuất, dè dặt “từ Rôma” và trên hết là những bối rối về con đường công nghị, tiến trình công nghị đã được khởi động năm 2018 tại Đức, trong đó ​​giáo dân và tu sĩ thảo luận về các vấn đề như phụ nữ làm linh mục, vấn đề độc thân, luân lý tính dục.

Đức cha Bätzing “lo lắng” bởi vì vẫn còn “sự khác biệt” về những vấn đề này giữa Giáo hội ở Đức và “Giáo hội ở Roma” như nhiều lần ngài gọi. Ví dụ trong cuộc họp hôm 18/11, như trong thông cáo chung, một Hồng y đã đề xuất một “lệnh cấm” đối với tiến trình công nghị của Đức. Đức cha Bätzing nói: “Nó có nghĩa là yêu cầu dừng tiến trình của chúng tôi. Đó không phải là một lựa chọn, nó không phải là một giải pháp, nhiều giám mục đã nói rõ ràng, vì vậy đề xuất này đã bị loại khỏi cuộc họp”.

Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức nói thêm: “Tôi cũng đóng vai kẻ xấu trong cuộc đối thoại... Mối quan tâm hết sức mạnh mẽ là tiến trình công nghị ở Đức có thể là ngọn lửa lan rộng khắp nơi. Người ta muốn hạn chế điều này theo một cách nào đó. Nhưng chúng tôi đã nói rằng điều này là không thể trong những thời điểm này, không thể chặn mọi thứ. Đe doạ không phải là văn hoá hiệp hành. Nếu nó từng là một phương pháp, thì đó không phải là phương pháp đúng.”

Những lo ngại về Con đường Công nghị

Kể từ khi Con đường công nghị của Giáo hội Đức bắt đầu, Tòa Thánh đã bày tỏ những lo ngại về phương pháp luận và một số quan điểm được đưa ra trong quá trình thực hiện. Chính Đức Thánh Cha đã gửi một lá thư cho dân Chúa đang trong tiến trình công nghị ở Đức, vào tháng 6 năm 2019, để bày tỏ những khuyến nghị rõ ràng; rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, và Đức cha Filippo Iannone, Chủ tịch Bộ về các Văn Bản Luật, đã gặp Đức Hồng Y Reinhard Marx (nguyên chủ tịch) và các vị đứng đầu khác của Hội đồng Giám mục Đức; cuối cùng vào tháng 7 năm ngoái, với một “tuyên bố”, Tòa thánh đã can thiệp một lần nữa khi khuyến nghị không bắt đầu “các cơ cấu chính thức hoặc giáo lý mới” trong các Giáo hội địa phương của Đức “trước khi có một thỏa thuận được thống nhất ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ”. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí trên máy bay từ Bahrain về Roma, Đức Thánh Cha đã cảnh báo Giáo hội Đức trước nguy cơ “Tin lành hóa”.

Mọi người đều có cơ hội trình bày ý kiến

Tiếp tục nói về cuộc họp với các vị lãnh đạo các cơ quan của Giáo triều Roma, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức khẳng định với giới báo chí: “Sẽ không ai có thể nói rằng mình không có cơ hội trình bày ý kiến của mình. Trên tất cả - ngài nói rõ - chúng tôi đã nói về việc làm thế nào để tiếp tục rao giảng Tin Mừng trong thời đại thế tục hóa. Chúng ta không thể tiếp tục như trước; đó là vấn đề chuyển tải sứ điệp Tin Mừng ở đây và bây giờ, chứ không chỉ nhìn vào quá khứ. Đức Giáo hoàng đã luôn nói điều đó: chúng ta phải chấp nhận rủi ro của một Giáo hội ‘gập ghềnh’. Cuộc trò chuyện với Đức Thánh Cha thực sự rất khích lệ về điều này. Chúng tôi đã bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau, bao gồm cả những quan điểm thần học... Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng ngài muốn một Giáo hội có những căng thẳng, ngài đã nói với chúng tôi rằng để tìm ra giải pháp cần có lòng can đảm và sự kiên nhẫn”.

Dân Chúa gây áp lực

Kế đến, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức nói rằng các tín hữu Đức thiếu kiên nhẫn, họ gây “áp lực” về một số vấn đề bởi vì họ muốn được trả lời các yêu cầu của họ. Đức cha nói rằng trong tuyên bố chung có nói đến “Dân thánh thiện và kiên nhẫn của Chúa; ngài nhận xét rằng đây là ‘ngôn ngữ của Roma’”. Ngài nói: “Chúng tôi đã hợp tác, nhưng đó không phải là ngôn ngữ được sử dụng ở Đức. Chúng tôi phải sống chung với điều này… Dân Chúa không kiên nhẫn, họ gây áp lực”. Trên hết, chính phụ nữ tỏ ra “thiếu kiên nhẫn” hơn, Đức cha nói, bởi vì họ mong muốn hiểu vai trò, sứ vụ và sứ mạng mà họ có thể đảm nhận trong Giáo hội. Ngài khẳng định: “Vai trò của phụ nữ là điều cấp thiết nhất, điều ngăn cách chúng tôi nhất”. Một mặt, đối với Roma, có “những khía cạnh rõ ràng”, chẳng hạn như việc phong chức cho phụ nữ là “một câu hỏi đóng”. Mặt khác, các phụ nữ Công giáo Đức “chịu đựng nhưng sau đó phản kháng.”

Trường hợp của phụ nữ là một trường hợp tiêu biểu của tình trạng “căng thẳng”, mà theo Đức cha Bätzing, Giáo hội ở Đức trải qua: không có ý định ly giáo nào, không muốn cắt ngang cuộc đối thoại, nhưng cần đưa ra câu trả lời. “Giáo hội của chúng tôi không đi theo một hành trình đặc biệt và sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào mà Giáo hội hoàn vũ không thể đưa ra nhưng phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mà các tín hữu đặt ra”.

Khoảng cách giữa Giáo hội phẩm trật và các tín hữu

Cũng theo Đức cha Bätzing, mối nguy hiểm chính là khoảng cách giữa Giáo hội và các tín hữu ngày càng lớn hơn; “lòng tin” của các tín hữu đã bị ảnh hưởng bởi các vụ bê bối lạm dụng tình dục. Sau khi Báo cáo vào năm 2018 được công bố, những vụ lạm dụng này là “yếu tố kích hoạt” cho ý tưởng về một con đường đồng nghị. “Niềm tin vào hàng giáo sĩ, vào các giám mục, vào sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo Giáo hội đã bị mất. Do đó, tiến trình công nghị muốn trở thành một cách để phục hồi và củng cố mối quan hệ này.” “Giáo hội đang bị lung lay, cần có những con đường mới để đối mặt với cuộc khủng hoảng. Nhắc lại quá khứ không phải là cách thoát khỏi khủng hoảng”.

Về chúc lành cho các cặp đồng tính 

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, liệu sau các cuộc họp trong những ngày gần đây, khi trở về Đức, Đức cha có sẽ ngăn cản việc chúc lành cho các cặp đồng tính hay để cho các cha xứ và giám mục muốn thực hiện điều này tiếp tục làm như thế, Đức cha Bätzing nói: “Chúng tôi đang làm việc về vấn đề này. Với tư cách là giám mục, tôi sẽ không tước đi những chúc lành này giữa những người tin vào sự chúc lành của Chúa cho mối quan hệ tin cậy cho tương lai”. Đức cha nhắc lại rằng các vị Giáo hoàng cuối cùng đã bày tỏ về chủ đề này: “Họ đã nói rất rõ ràng về vấn đề này, họ đã cố gắng nói rằng câu hỏi đã được khép lại, nhưng chúng tôi nói rằng câu hỏi đó tồn tại”.

Về việc “Tin lành hóa” Giáo hội Công giáo Đức, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức cho rằng đó là một định nghĩa được đưa ra bởi những người không hiểu rõ về thực trạng của sự việc. Ngài nói: “Đặc tính Công giáo cụ thể của chúng tôi đó là một Giáo hội bí tích và có phẩm trật và chúng tôi muốn duy trì điều này. Tôi cũng đã nói điều đó trong báo cáo ngày hôm qua: đã có một Giáo hội Tin lành tốt rồi”. Ngài nói rõ: “Ly giáo chưa bao giờ là một lựa chọn của một giám mục và giáo dân nào trên con đường công nghị”. “Chúng tôi là người Công giáo và chúng tôi vẫn như vậy. Nhưng chúng tôi muốn khác biệt, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm.”

Hồng Thuỷ - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây