Ba mùa lúa đã qua…
Nhà thơ Bằng Việt trong tác phẩm Bếp Lửa được đưa vào sgk lớp 9 (không biết nay còn không), với những câu thơ đượm tình quê hương và kỷ niệm tuổi thơ nơi quê nghèo miền trung:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói….
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay
....................................................
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa….
Với người miền tây, hình ảnh của những cánh đồng lúa mênh mông đã thấm vào cốt tủy. Quê tôi một năm ba vụ lúa, những diễn tiến thân quen cứ lập đi lập lại: Cày xới, xuống giống, lúa xanh tươi vươn lên, trổ bông, vào mẩy phơi màu, máy cắt thu hoạch… rồi lại tiếp tục quy trình đó.
Những nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng, có lẽ cái khổ đã làm chai lỳ cảm xúc. Một nắng hai sương, lam lũ lội bùn, xịt thuốc, rắc phân, cày xới… Điều họ quan tâm là giá lúa bao nhiêu, năng suốt cao hay thấp… Cũng dễ hiểu và cảm thông khi lúa là nguồn thu nhập chính của họ. Trong cánh đồng xanh ngát mênh mông đó, chứa đựng biết bao hy vọng và ước mơ cho bình an hạnh phúc gia đình, cho tương lai con cái…
Nhưng rồi ai đã phải xa quê tha phương cầu thực, mỗi khi trở về gặp lại cánh cò bay trên ruộng đồng bao la, hít khói lam chiều bên bếp lửa hay khói rạ đốt đồng, ngửi hương vị thơm ngọt của cây lúa trổ bông, mùi ngai ngái ngây ngây của bùn đất pha trộn thân rạ… cái cảm giác cay cay sống mũi và nhòe đôi mắt bất chợt ập đến lúc nào chẳng hay biết.
Tôi mục vụ ở Giáo xứ Bắc Xuyên (E1) đã qua ba mùa lúa. Dù là con bác nông dân, gần 20 năm gắn bó ruộng đồng, nhưng vẫn cay mắt với hồn quê vương trên từng bông lúa, làn gió, khói bay… Tạ ơn Chúa với tuyệt phẩm thiên nhiên vĩ đại của Ngài, không chỉ nuôi sống chúng con, mà còn nâng tâm hồn chúng con lên những cung bậc cao vời của tình yêu và hạnh phúc.
Đời người hỏi được bao lâu
Một mai soi tóc nhuốm màu thời gian
Tình quê như sóng dâng tràn
Tạ ơn Chúa giữa mênh mang đất trời.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh