TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bất lực đời người…

22/04/2024 08:46:24 |   272

Bất lực đời người…

QL 230424a


Ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác bất lực trước những điều bản thân khát vọng mà không thành toàn. Nó đeo bám từ thuở ấu thơ cho đến giờ lâm tử. Nó khắc khoải trong thâm tâm, hằn sâu vào ký ức, áp lực đè cuộc sống…

Buổi thơ ấu, cảm giác bất lực trong tiếng khóc hờn dỗi khi người lớn không đáp ứng đòi hỏi, khi muốn điều vượt quá khả năng và khuôn phép, muốn những thứ không thuộc về mình…

Tuổi vào đời, bất lực thực hiện một ước mơ, trình bày một tư tưởng. Bất lực khi muốn người khác phải chú ý và trân trọng mình, muốn mình được nể nang nổi bật…

Trưởng thành rồi, ta vẫn bất lực để từ bỏ một tật xấu, hay thay đổi thói quen không tốt. Bất lực để đổi mới một lối sống cổ hủ và ích kỷ của bản thân hay người khác. Bất lực trước những điều chướng tai gai mắt, trước những đau thương khốn khổ của anh em đồng loại đang gánh chịu…


Về già ta càng nếm trải nhiều cảm giác của lực bất tòng tâm. Chưa cần kể những điều thuộc tâm cảm, chỉ riêng sinh hoạt cá nhân cũng đã vượt ngoài khả năng nhiều người, phải lụy sự trợ giúp của người khác.

Chúa làm người, Ngài cũng bất lực khi không thể cho cha mẹ mình một cuộc sống xứng đáng. Ngài bất lực đào tạo môn đệ, để rồi người thì chạy trốn, đứa bán Chúa, kẻ chối Thầy. Ngài thẫn thờ nhìn đám đông theo mình hằng ngày mà bất lực trước lòng chai dạ đá của họ: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng thì xa Ta”.

Trước sân thượng tế, Ngài bất lực để thằng đầy tớ vả mặt. Trong dinh Philatô, Ngài bẽ bàng nghe dân chúng gào thét “Đóng đinh nó vào thập giá”. Cảm giác bất lực tột cùng là phút cuối đau thương trên thập tự: “Lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi!”. Dân chúng ngoảnh mặt, bạn hữu xa lánh, môn đồ bỏ rơi, và cả Chúa Cha đầy yêu quý cũng im hơi lặng tiếng.

Biết bao người Việt Nam lúc này cũng đang cảm thấy bất lực. Bất lực cho bản thân vì tự do, sở thích, công việc… đã không còn sự tự quyết. Bất lực cho xã hội vì những mối nguy cơ dịch bệnh lan tỏa khắp nơi. Bất lực với đồng bào và người thân, vì trong khó khăn của họ ta chẳng thể làm gì để trợ giúp. Bất lực cả trong niềm tin: “Chúa đã bỏ loài người. Phật cũng bỏ loài người”.

Thế mới là kiếp người. Cuộc sống đòi hỏi ta phải dám chấp nhận những bất lực đó, chấp nhận một cách
tận cùng như Thầy mình nếm trải trên Thánh giá. Nếm trải cảm giác bất lực để ta đừng ảo tưởng mình vĩ đại và trường tồn mãi mãi. Người Pháp có câu danh ngôn: “Rất nhiều người nằm nơi nghĩa trang đã từng nghĩ rằng: Không có họ thì thế giới này không thể tồn tại”.

Bất lực một đời người nhưng giá trị của sự sống ngày càng tròn đầy. Như Thầy Giê-su sau đau thương khổ hình thập giá, đã vinh quang phục sinh và mang lại phúc trường sinh bất diệt cho con người.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây