TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. (Mc 7, 31-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Câu chuyện xử án Thầy Giêsu -MC 2021

31/03/2021 06:51:00 |   1313
Câu chuyện xử án Thầy Giêsu


Tờ mờ sáng, lính tráng cùng các thành viên trong Thượng Hội Đồng[1] điệu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến dinh tổng trấn Philatô. Cả đoàn đi băng qua nội thành lúc mọi người trong nhà còn đang yên giấc. Tuy nhiên tiếng la hét của bọn lính, tiếng lẻng kẻng của xiềng xích và lộc cộc của gậy gộc đập xuống đường thôi thúc Đức Giêsu đi, đã nhanh chóng khiến dân thành mất ngủ. Người ta kéo ra xem chuyện gì đang diễn ra.

Chẳng mấy chốc tin tức ông Giêsu, người Na-za-rét, bị bắt đêm qua và đang bị xử án lan nhanh khắp cả thành. Tin giật gân ấy cũng vượt qua những cửa thành đến các làng phụ cận Giêrusalem. Ai nghe cũng ngỡ ngàng. Kẻ yêu mến hoặc có cảm tình với Thầy lấy làm thương xót vì biết Thầy vô tội; người ghét Thầy thì hả hê vì cho rằng ông Giêsu đã phạm thượng tự nhận mình là Con Thiên Chúa. Thế là hai dòng người ấy đổ về dinh Philatô để theo dõi phiên tòa mỗi lúc một đông.

Tôi cũng như vài môn đệ cùng mấy người phụ nữ đã đi theo sau Thầy sáng nay. Người thì khóc thương cho Thầy, kẻ khác hy vọng Thầy được tha, riêng tôi xin được nên đồng hình đồng dạng với Người trong biến cố này. Bởi nhiều người trong chúng tôi tin rằng Thầy chịu mọi sự vì yêu mến và vâng theo ý Chúa Cha; sau nữa là để cứu độ con người, cứu lấy cả tôi nữa. Thầy Giêsu đang chịu chết vì tôi.

Nhanh chóng đoàn người có mặt ở dinh Philatô. Hiện nay khu vực dinh là nhà thờ chính tòa “Ecce Humo- Này Là Người” thuộc các sơ Dòng Sion người Pháp quản lý. Dĩ nhiên đây là một dinh cơ phức tạp và được bảo vệ nghiêm ngặt vì bên trong là tổng trấn Philatô cư ngụ. Ông đại diện cho đế quốc Rôma cai quản cả vùng Giu-đê này, bởi đó ông có toàn quyền dân sự để giữ gìn an ninh trật tự cho thành Giêrusalem.

Tôi thấy Thầy bị người ta trói chặt tay, hai bên là toán lính hung hăng kèm cặp. Họ không dẫn Thầy vào trong nội vi của dinh, vì sợ bị nhiễm uế. Ai cũng biết đó là địa hạt của người ngoại giáo, của quân ngoại bang, nên họ ồn ào yêu cầu Philatô ra xử án. Trong lúc chờ tổng trấn ra, tôi mon men lại gần Thầy.

1. Đức Giêsu là Con Chiên đặt trên bàn thờ

Tôi chợt nhìn về Thầy với câu hỏi tại sao Thầy muốn chết để cứu độ con người? Có cách nào khác để Thiên Chúa cứu chuộc chúng con không? Thầy nhìn tôi, tôi nhìn về đám đông để cố phớt lờ câu hỏi đang ám ảnh tôi lúc này. Nhớ lại mấy ngày trước, Đức Giêsu không muốn chết. Thầy chỉ biết là Thầy phải lên Giêrusalem và chịu đau khổ nhiều, rồi chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Nhưng cái chết ấy Thầy không cố ý tìm nó, không muốn khăng khăng chết cho bằng được. Ngược lại, nó đang tìm kiếm Thầy. Do đó trong vườn cây dầu lòng Thầy xao xuyến bồi hồi, mồ hôi Thầy như những giọt máu rơi xuống đất (Lc 22,44).

Đúng rồi, Thầy yêu quý sự sống này. Là con người, Thầy run sợ trước giờ người ta gây cho Người đau khổ và chết chóc. Khi ở Vườn Dầu, Thầy đã có ý định không muốn uống chén đắng Cha trao. Hóa ra cái chết luôn cho người ta sợ hãi và muốn lảng tránh nó. Vả lại ở độ tuổi thanh xuân của cuộc đời, ai dám nghĩ mình chủ động đi chết bao giờ. Đức Giêsu cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Thầy không muốn bước vào thế giới kinh hoàng ấy ở tuổi 33. Thầy muốn sống để ở với con người.

Tuy vậy, ý Chúa Cha nhiệm màu muốn dùng chính thịt và máu Con một của Ngài để cứu độ nhân loại. Đó là ý Cha, và ý Thầy muốn nên một với ý Cha. Vì yêu mến Cha nên Thầy hoàn toàn vâng phục uống trọn chén Cha trao. Tôi khó hiểu về một quyết định lạ lùng như thế. Tôi nhìn lên Chúa Cha, hướng mắt về Thầy để hy vọng nhận được chút ánh sáng cho vấn nạn này.

Thầy là mục tử nhân lành dám sống chết cho đoàn chiên. Đúng rồi, không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Hơn nữa các môn đệ, bạn và tôi là bạn hữu được Thầy hy sinh mạng sống để cho con người được sống. “No one has greater love than this, to lay down one’s life for one’s friends.” (Ga 15,13). Đó là câu trả lời mà tôi nghe được từ Thầy.

Thánh Gioan tinh tế định nghĩa chính xác về tình yêu. Một tình yêu cao thượng là “lay down – đặt để” mạng sống của mình trên bàn thờ để hiến tế vì bạn hữu của mình. Trong hành vi yêu thương này, người mục tử dâng mạng sống mình hoàn toàn trong tay Chúa Cha, dành cho nhân loại. Con chiên hiến tế giờ đây luôn sẵn sàng được đặt trên bàn thờ. Thầy không nắm giữ mạng sống cho riêng mình. Phải chăng đó cũng là lời mời gọi cho tôi dám hăng hái xông pha để chết tử vì đạo, chết vì đoàn chiên, nếu điều ấy đẹp ý Cha. Bởi thế đặt để mạng sống mình trên bàn thờ, sẵn sàng cho sứ mạng Thiên Chúa trao là nghĩa cử mà thầy Giêsu đã làm trong vườn cây dầu. Thầy đặt mạng sống của Thầy hoàn toàn trong tay Chúa Cha, để chấp nhận chén đắng Cha trao. Giờ đây sống chết là do Cha định đoạt và Thầy đã thi hành thánh ý nhiệm mầu này.

2. Đức Giêsu trong dinh tổng trấn Philatô

Nhìn về phía cổng dinh thự, tôi thấy Philatô xuất hiện trong bộ dạng oai phong xứng với bậc tổng trấn cả vùng Giu-đê. Ông ngạc nhiên vì đoàn người đông đảo đang la hét, đòi tố cáo giết hại một nhân vật đang bị trói tay. Ông hỏi giới lãnh đạo tố cáo ông Giêsu về tội gì? Đương nhiên họ phải tìm đủ lý do để kết án ông Giêsu. Đây là ba lý do họ đưa ra:

a. Sách động dân tộc chúng tôi

Từ ngày Đức Giêsu làm phép lạ cho La-da-rô sống lại, rất nhiều người theo Đức Giêsu. Trước mối nguy dân chúng sẽ bỏ đạo truyền thống mà theo ông Giêsu, giới tôn giáo đã họp Thượng Hội Đồng để quyết định giết Ngài. Là người có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn dân chúng theo truyền thống tôn giáo của cha ông, dĩ nhiên họ hoang mang vì sự xuất hiện của thầy Giêsu. Họ quy gán cho Giêsu kéo bè kết đảng để chống lại luật lệ và giới chức tôn giáo. Bằng chứng là từ khi dân chúng nhận ra lời thầy Giêsu giảng có uy quyền, không như những thượng tế kinh sư, dân đã theo Thầy ngày càng nhiều. Bởi đó, họ cho động thái ấy là sách động dân tộc.

Đó cũng là lý do mà văn bản của buổi họp Thượng Hội Đồng cách đây mấy ngày trước ghi nhận. “Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga 11,47-51).

b. Ngăn cản dân chúng không nộp thuế cho Xê-da[2]

Dĩ nhiên những ai phản đối nộp thuế cho nhà nước thường bị quy vào tội phạm pháp, bị chính quyền truy tố. Thời Đức Giêsu, những kẻ trốn thuế hay phản đối mức thuế nặng sưu cao, có nghĩa là họ chống lại quyền lực và lợi ích của đế quốc.[3] Vả lại nguồn lợi chính của người Rôma trên vùng đất này là những đồng thuế họ thu từ dân. Thuế nặng sưu cao là cách họ bóc lột dân Do thái.[4] Do đó, ai cả gan dám trốn thuế hoặc phản đối chính sách tài khóa này của đế quốc là điều nguy hiểm, phạm pháp.

Bởi thế có lần giới tôn giáo thử Giêsu rằng có nên nộp thuế cho Xê-da không? Một câu hỏi lưỡng đao luận, trả lời kiểu nào cũng chết: Có thì chống lại dân tộc mình, không thì chống lại chính quyền Rôma. Đức Giêsu xin một đồng tiền, và trên đó có khắc hình hoàng đế Xê-da[5], Thầy nói: “Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.” Lần đó họ không bắt bẻ được gì và lẳng lặng bỏ về. Hôm nay trong phiên tòa này, họ lại gợi lên lý do này để quy gán cho Thầy là một tay sách động người ta trốn thuế.

c. Thầy Giêsu xưng mình là Mê-si-a, là Vua

Đây là lý do thuộc lãnh vực tôn giáo của người Do Thái, không liên quan đến luật dân sự. Đấng Mê-si-a chỉ dành cho nội bộ niềm tin của người Do Thái vì họ đang mong chờ một Đấng đến từ Đức Chúa giải phóng dân tộc họ. Mê-si-a chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Đấng ấy sẽ là vua Ít-ra-en, vua của người Do Thái.

Con ngước nhìn Thầy trong lúc này để nhớ lại những điều Thầy luôn khẳng định căn tính của mình: “Thầy là Đấng Mê-si-a, là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Thầy đã khen ông Phê-rô khi ông nói đúng căn tính của Thầy. Lúc nãy ở nhà ông Cai-pha, trước cả Thượng Hội Đồng, một lần nữa Thầy cũng xác định: Thầy là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a. (Lc 22,70).

Vì không tin Thầy là Đấng Mê-si-a thật, nên họ quy án cho Thầy nói phạm thượng, vì Thầy gọi Đức Chúa của họ là Cha. Biết sao được, vì thực sự căn tính của Thầy là thế, nên có thì Thầy nói có, Thầy đâu thêm thắt điều chi ngược với căn tính của mình. Chỉ có điều nhiều người lúc này không chân nhận Thầy là Con Thiên Chúa, không chấp nhận Thầy là Đấng Mê-si-a, nên họ đang tố cáo Thầy gắt gao.

Với ba lời cáo buộc trên, Philatô vẫn không thấy Đức Giêsu có tội. Nhưng phía giới chức cứ khăng khăng Giêsu có tội vì họ nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê đến đây.” (Lc 23,5). Thầy nghĩ họ nói đúng không? – Tôi vội hỏi nhỏ Thầy. Vế đầu sai, vế sau đúng. Sai vì Thầy luôn tôn trọng luật pháp Rôma, dù đó là người ngoại bang. Đó là chuyện của chính trị. Việc ưu tiên của Thầy là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên. Còn vế sau đúng vì cả cuộc đời Thầy cốt để làm điều đó. Thầy ước sao đi hết làng này đến làng khác để loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Giáo thuyết của Thầy đến từ Chúa Cha, Đấng mà Thầy muốn người môn đệ nhận biết, kết thân và phải hằng làm vinh danh Cha là Đấng ngự trên trời. Thầy còn mong cho triều đại của Cha mau đến, và vì muốn làm theo ý Cha nên Thầy chấp nhận tất cả. Thậm chí cái chết đang tới gần, Thầy vẫn can đảm để giữ vững căn tính thần linh của mình.

d. Đức Giêsu với Philatô

Philatô trở vào trong dinh và cho gọi Thầy vào để “khảo cung” riêng. Dĩ nhiên không ai được vào, tôi cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, tôi được may mắn đọc lại Tin Mừng mà thánh Gioan có mặt sáng hôm đó thuật lại câu chuyện giằng co, căng thẳng giữa Philatô và Đức Giêsu quanh vấn đề “Đức Giêsu có phải là vua không?”

Khi đọc câu hỏi này, vọng lại trong tôi biến cố Giáng Sinh. Thực vậy, ngày Thầy mở mắt chào đời tại Bêlem, một làng nhỏ gần Giêrusalem. Các nhà chiêm tinh Phương Đông nhìn thấy ngôi sao báo hiệu một vị vua vừa mới ra đời, nên họ tìm đến bái lạy Người. Thế là họ dong dủi theo ánh sao. Đến Giêrusalem, họ hỏi vua Hêrôđê rằng “Vua dân Do Thái” mới sinh hiện ở đâu. Đó là câu hỏi xúc phạm mang tính thách đố, bởi rõ ràng vùng này đã có vua Hêrôđê, nếu có hoàng tử hạ sinh thì người biết đầu tiên phải là nhà vua chứ.

Thế là với tin động trời ấy, nhà vua rối bời, cả thành Giêrusalem bàn tán xôn xao. Chẳng lẽ vị vua họ hằng cầu mong nay đã đến. Họ hy vọng tràn trề. Phần vua Hêrôđê, ông liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trích sách Mikha chương 5 câu 1: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2,3-6).

Sau khi biết mình bị các nhà chiêm tinh lừa, Hêrôđê đùng đùng nổi giận truy tìm giết lầm còn bỏ hơn bỏ xót các con trẻ ở Bêlem và vùng lân cận từ 2 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, ông đâu biết rằng Hài Nhi Giêsu đã trốn sang Ai-Cập. Thế là những ngày ấy, các thánh Anh Hài đã chịu tử đạo dưới bàn tay bạo tàn của ông vua độc ác.

Cả cuộc đời, Thầy luôn ý thức vai trò Quân vương nơi mình. Thậm chí trước mặt Philatô lúc này, Thầy cũng không chối căn tính ấy.

Philatô nhìn Thầy và hỏi: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Thầy hỏi lại: “Ngài tự nói điều ấy hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Dĩ nhiên Philatô chỉ nghe lại lời ấy từ người Do Thái đang tố cáo Thầy ngoài kia về vấn đề Thầy tự nhận mình là vua của người Do Thái. Lúc ấy Philatô thắc mắc Thầy đã làm gì? Hỏi thế nhưng Thầy trả lời ông: “Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

Philatô không màng đến câu trả lời này của Thầy, vấn đề ông vẫn băn khoăn là Thầy có thực sự là vua không. Dĩ nhiên Thầy trước sau vẫn trả lời: “Chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Thật lạ cho một người cầm cân nảy mực như Philatô lại băn khoăn: “Sự Thật là gì?” Tôi chợt hỏi ai đang là người xét xử vụ án này: Philatô hay thầy Giêsu?

Thực ra căn tính quân vương, Mêsia của Đức Giêsu không chỉ là vấn nạn thời đó, hôm nay cũng là một chủ đề nhức nhối đối với người Do Thái sùng đạo. Trong một bầu không khí tôn giáo người dân đang hướng về Đấng Mêsia, làm sao họ chấp nhận Đức Giêsu là người phàm mắt thịt làm vua của họ. Người ta vẫn hoài nghi về nguồn gốc của Thầy, ngay cả Gioan Tẩy giả cũng không ngoại lệ. Ông là tiếng hô trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3). Với ông dường như Đấng Mêsia vẫn phải là một Đấng uy phong lẫm liệt, sẵn sàng tra tay chặt bất cứ cây nào không sinh quả tốt và quăng chúng vào lửa. Đấng ấy sẽ cầm nia trong tay mà sẩy lúa của Người, lúa tốt thì cho vào kho, còn lúa lép thì đốt đi trong lửa không hề tắt.” (Mt 3,10-12). Bên cạnh đó, sứ mạng của Mêsia mà tiên tri Ma-la-khi nói đến không giống như những gì đang diễn ra với trường hợp của Thầy: “Này, Ta sai Thần Sứ của Ta, kẻ sẽ vén đường bạt lối trước nhan Ta. Ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững khi Ngài hiện ra?” (Ml 3,1-3).

Trong khi Gioan bị Hêrôđê An-ti-pa bắt bỏ tù vì liên quan đến chuyện tình cảm của nhà vua với bà Hêrôđia (Mt 14,4), chính ông cũng ngỡ ngàng về việc làm của thầy Giêsu sao khác xa với những gì ông loan báo. Do đó ông sai môn đệ đến hỏi Thầy sự thể như thế nào. Thầy có phải là Đấng Mêsia, là Vua phải đến không, hay họ phải chờ một Đấng nào khác? Thầy không trả lời trực tiếp, nhưng trích kinh thánh Cựu ước mà tiên tri I-sa-i-a (Is 35,10) đã loan báo về Mêsia: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Trong hàng ngũ các tông đồ cũng thế. Suốt hành trình làm môn đệ của Thầy, các ông vẫn chưa hiểu Thầy. Trên đường rảo bước lên vùng phía bắc kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Thầy dò hỏi xem người ta nói Thầy là ai? Là những người giao tiếp với các tầng lớp dân chúng, các môn đệ nghe người ta đồn về Thầy như sau: Kẻ thì nói Thầy là Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo Thầy là Ê-li-a, có người lại cho Thầy là Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.

Thôi thì thiên hạ vẫn lầm về căn tính của Thầy, còn các môn đệ thì sao? Ông Si-môn Phê-rô đại diện nhóm thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Thầy khen ông, khen cả nhóm đã nói chính xác căn tính của Thầy! Nhưng liền sau đó, Thầy báo cho các ông tin liên quan đến Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa phải lên Giêrusalem, Thầy phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Phê-rô cản Thầy, Thầy mắng Phê-rô là Xa-tan cản lối Đấng Mêsia. Cả nhóm cũng cúi mặt hoang mang về căn tính của Thầy khi nghe tin thân phận Đấng Ki-tô lại phải chịu chết sao. Thậm chí trước ngày Thầy chịu chết các ông vẫn chưa hiểu Thầy, nên Thầy mới mắng các ông: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-lip-phê, anh chưa biết Thầy ư? (Ga 14,9).

Về phía người dân, dĩ nhiên họ không tin Thầy là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia. Có chăng đó chỉ là con số nhỏ nhoi, là quân thu thuế và phường tội lỗi, những người nhận được phép lạ của Thầy, những người được Lời Thầy cải hóa. Rồi ngày tháng đến nghe Thầy giảng, chứng kiến Thầy làm phép lạ, họ sửng sốt, ngỡ ngàng bởi đâu ông này lại làm được như thế. Không ít lần họ bỏ Thầy đi, khi nghe Thầy nói những lời chướng tai: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” (Ga 6,54). Hoặc “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa.” (Ga 6,56).

Giới lãnh đạo tôn giáo thì dĩ nhiên quyết liệt phủ nhận căn tính Mêsia của ông Giêsu. Họ không ít lần đuổi Người ra khỏi đền thờ, nhiều lần gài bẫy để hãm hại Người, không ít lần bàn luận xem phải “thanh toán” Thầy như thế nào. Cuối cùng họ đã triển khai một kế hoạch: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga11,50) Lúc này nơi dinh Philatô, họ vẫn đang hô gào đòi kết án Thầy vì Thầy tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nhận mình là Đấng Mêsia.

Tóm lại, căn tính Mêsia của Thầy vẫn luôn làm người ta đau đầu nhức óc. Dẫu cho Cựu ước có nhiều lần nói về Thầy, nhưng lúc này thiên hạ chưa hiểu được, lãnh đạo tôn giáo nhất quyết giết Thầy. Biết sao được khi Thầy đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia đến để cứu chuộc con người bằng giá máu. Do đó, Thầy không chối Thiên tính của mình. 

Con đang chiêm ngắm vụ án của Thầy, nghe lại cuộc chất vấn của Philatô với Thầy về căn tính của Thầy ở thế kỷ 21. Thời đại hôm nay căn tính của Thầy vẫn luôn tạo nên những con sóng trái chiều. Người ta dễ dàng nhận thấy mối căng thẳng ấy ngay trên quê hương của Chúa. Làm sao để đối thoại tôn giáo với nhau, khi một bên là Ki-tô giáo tin Thầy là Đấng Thiên Sai, là Vua muôn loài; bên kia là Do Thái giáo vẫn đang mong chờ Đấng Mêsia, vị vua khả kính của họ. Từ trước tới nay, kính trọng lắm, họ chỉ nhìn nhận Giêsu là ngôn sứ. Bởi đó, không chỉ riêng Philatô, rất nhiều người cũng muốn biết thầy Giêsu có phải là Vua không?

Sau khi tra khảo, chất vấn, tổng trấn đi ra gặp người Do Thái và tuyên bố rằng ông không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu. Tôi nhìn sang những người yêu mến Thầy với niềm hy vọng dâng trào: Thầy sẽ được tha. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại hoàn toàn trái ngược. Người Do Thái không muốn tha vua của họ, mà đòi tha Ba-ra-ba, một tên trộm cướp khét tiếng.

e. Thầy chịu đánh đòn

Trước tình hình đó, Philatô truyền đem Đức Giêsu đi đánh đòn Người. Thế là người ta chứng kiến cảnh Thầy bị hành hạ bạo tàn. Tôi chợt nhớ đến lời tiên tri I-sa-i-a: “Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. (Is 52,13-53). Từng đòn roi Thầy chịu để thực thi ý Cha. Không chỉ vết roi hằn trên da thịt Thầy, bọn lính còn kết một vòng gai làm vương niệm, đặt lên đầu Thầy, rồi khoác cho Thầy một áo choàng đỏ. Trong bộ dạng như thế, Thầy bị chúng sỉ nhục, nhạo cười. Lúc này, Thầy lặng thinh nhìn về Mẹ Maria, ông Gioan, về phía tôi và những người Thầy thương mến. Tôi nguyện cầu tâm sự với Thầy:

“Lạy Chúa Hằng Sống của muôn loài, nhờ ơn huệ và sự trợ giúp của Chúa, con xin tiến dâng chính mình con lên trước lòng nhân từ vô biên của Chúa, và trước mặt Mẹ vinh hiển Chúa cùng các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc: ấy là con mong muốn và ước ao, và đây là quyết tâm của con đã cân nhắc, noi gương Chúa chịu sỉ nhục, mọi khinh chê và mọi nghèo khó thực sự cũng như thiêng liêng, miễn là điều ấy phụng sự và ngợi khen Chúa hơn, nếu Chúa Chí Tôn rất thánh muốn tuyển chọn và chấp nhận con vào đời sống và bậc ấy.” (Linh thao số 98).

3. Thời khắc Thầy bị kết án tử hình

Nhìn lên phía bên trong dinh, tôi lại thấy Philatô bước ra để một lần nữa khẳng định rằng tổng trấn không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu. Thầy Giêsu đứng đó, mình mặc áo choàng đỏ, đầu đội vương niệm bằng gai. Thầy không nói một lời, chỉ nhìn xuống phía dưới, nơi có Gioan, có Mẹ Maria và những người Thầy thương mến. Lúc này cuộc đời, mạng sống của Thầy thực sự được đặt trên bàn thờ, để những ai cần sự sống đời đời, cần Thầy, tự do đến và kín múc nguồn ân sủng. Thầy không giữ mạng sống ấy cho riêng Thầy, nhưng dâng hiến mạng sống ấy cho người Thầy thương mến. Cảm ơn Thầy vì tình yêu cao cả!

Tôi nhìn xuống tấm bảng của nhà thờ “Ecce Homo” và vẳng nghe lại tiếng Philatô nói lớn với người Do Thái: “Đây là người.” Thì ra tên của nhà thờ được đặt từ lời tuyên bố của một vị tổng trấn người Rôma. Khi thấy Đức Giêsu, các thượng tế và các thuộc hạ liền kêu lớn tiếng đòi đóng đinh Thầy vào thập giá. Đó là một bản án tử hình của người Rôma chỉ dành cho những tên tội phạm không phải là người Rôma.

Tiếc là Philatô đã rửa tay để tỏ ý không liên quan đến việc đổ máu thầy Giêsu. Ông giao Đức Giêsu cho người Do Thái đem đi mà đóng đinh, vì phần ông, ông vẫn không tìm thấy lý do để kết tội Đức Giêsu. Về phần người Do Thái, nếu họ chiếu theo Lề Luật thì Đức Giêsu phải chết, vì Thầy xưng mình là Con Thiên Chúa.

Lúc ấy tôi thấy giữa Philatô và giới lãnh đạo Do Thái quả là hai phương trời cách biệt, hai ý hướng khác nhau. Bên có quyền tuyên bố Đức Giêsu trắng án thì nhún nhường vì bị nhóm người dưới kia gây áp lực, bên không có quyền một mực đòi đóng đinh Thầy vào thập giá. Trong cảnh huống đó, thầy Giêsu nói với Philatô rằng: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.” (Ga 19,11).

Sau một hồi giằng co, tôi thấy Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra và đặt ngồi trên tòa cao, chỗ đó gọi là Nền Đá để tuyên bố với mọi người rằng: “Đây là vua các người!” (Ga 19,14) Lúc ấy khoảng gần trưa ngày thứ Sáu. Nghe câu ấy xong, tôi lặng người nhìn thấy đoàn người đông đảo giơ tay đòi đem Thầy đi để đóng đinh vào thập giá! Thế là một phiên tòa khép lại với việc ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ tùy theo ý họ muốn. Dĩ nhiên mau chóng họ hả hê điệu Đức Giêsu đi để đóng đinh vào thập giá.

 
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kỳ tới: Nơi Đức Giêsu sống lại
(Chúng tôi đã đăng: 14 Chặng Đàng Thánh Giá hậu Covid-19)
 

[1] Dân Do-Thái sau khi dành được độc lập từ đế quốc Hy-lạp chưa đầy 100 năm, họ lại rơi vào tay đế quốc Rô-ma, dưới quyền một tổng trấn. Thượng Hội Đồng người Do-Thái gồm các kỳ mục, các thượng tế và một số luật sĩ tượng trưng duy nhất của quyền lực người Do-Thái.
[2] Gāius Jūlius Caesār là một lãnh tụ quân sự và chính trị, và tác giả văn xuôi Latin lớn của La Mã cổ đại. Ông đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã.
[3]Từ năm thứ sáu sau công nguyên, đế quốc Rôma sáp nhập Giu-đê và Samari thành một tỉnh, mỗi người dân Do-thái phải nộp một thứ thuế thân. Dĩ nhiên không một người Do-thái ái quốc nào lại muốn nộp thứ thuế ấy.
[4]Người dân trong đế quốc Rôma phải nộp thuế nhà đất, thứ lợi tức, thuế thân, v.v. Nói chung gánh nặng thuế không phải là nhỏ.
[5] Julius Caesar là người tiền đầu tiên khắc hình mình trên tiền. Ví dụ đồng denarius với hình họa Julius Caesar được đúc vào năm 44 TCN; mặt sau là nữ thần Venus, tay bà nâng nữ hoàng chiến thắng Victoria và một thanh quyền trượng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây