TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

“Ai là anh em của tôi?” (Lc 10,25-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

"Ai là người thân cận?"

Thứ sáu - 11/07/2025 08:03 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   61
Thân cận không còn là một danh xưng, mà là một hành động.
C15Vs
C15Vs

"Ai là người thân cận?"

 

Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu, Chúa Giê-su không chỉ kể một câu chuyện cảm động, mà Người làm một cuộc lật ngược quan niệm, một cuộc cách mạng trong suy nghĩ về tình người. 

Người thông luật hỏi Chúa: "Ai là người thân cận của tôi?" Kể ra thật đau lòng!

Câu hỏi tưởng như đúng, nhưng lại là một cái bẫy. Bởi nó vẫn đặt “tôi” làm trung tâm, và mong đợi người khác chứng tỏ sự thân cận với tôi.

Nhưng Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp. Người kể một câu chuyện – và rồi lật ngược câu hỏi: "Ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị nạn?" Ở đây, điều quan trọng không còn là mối quan hệ sẵn có, mà là lựa chọn hành động.

Không phải người thân cận là ai, mà là ai đã sống như một người thân cận.
Bởi sự thật là:

“Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,10)

"Ai là người thân cận?" Người thân có thể làm tổn thương nhau, nói xấu nhau, kể chuyện đổ oan ức cho nhau.

Người nhà có thể bỏ mặc nhau như chẳng hề quen biết, có khi lại chém giết nhau vì mối lợi nhỏ, tranh giành hơn thua vì một câu nói.

Người đạo đức có thể bước qua nỗi đau của người khác, lấy sự đạo đức của mình gây thêm nỗi đau cho người khác. Kiểu nói của người tự coi mình là đạo đức: “Nó không giống như con!” trong câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 9 – 14).

Thậm chí chính "người thân cận" đôi khi là người gây ra vết thương đau hơn người khác gây ra cho ta, đốt nhà của nhau.

Và rồi, một người xa lạ – người Sa-ma-ri-a – vốn bị coi thường, xa cách về tôn giáo và dân tộc – lại dừng lại, cúi xuống, băng bó, cõng đi, và hứa quay lại chăm sóc. Người ấy không cần biết nạn nhân là ai, không cần điều kiện, không cần danh nghĩa. Ông chỉ thấy một con người đang đau, và ông chọn hành động.

Ông không phải là người thân cận theo xã hội nhìn, nhưng qua hành động, ông trở thành người thân cận thật sự.

Ngày nay, có khi chúng ta vẫn hỏi như người thông luật:
– Ai xứng đáng để tôi quan tâm?
– Ai là “người thân” của tôi trong Hội Thánh?
– Ai trong gia đình tôi, trong cộng đoàn tôi, trong giáo xứ tôi… là người cần tôi giúp?

Nhưng Chúa lại hỏi ngược:
– Bạn đã trở thành người thân cận của ai chưa?
– Bạn có dám làm điều tốt, dù người ấy xa lạ, thậm chí không “thuộc phe mình”?
Thân cận không còn là một danh xưng, mà là một hành động.
Không còn là mối quan hệ, mà là lòng trắc ẩn.
Không còn là huyết thống, mà là lòng thương xót.
Chúa Giê-su kết thúc bằng một lời không lý thuyết:
"Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
Không phải “hãy học như vậy.”
Không phải “hãy suy ngẫm như vậy.”
Mà là: hãy làm.
Bởi vì yêu thương không phải là cảm xúc – mà là một lựa chọn.
Và bất kỳ ai trong chúng ta, nếu biết cúi xuống để nâng người khác lên, sẽ trở thành người thân cận thật sự, theo nghĩa Chúa Giêsu mời gọi.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Con tự hỏi – giữa dòng đời hối hả,
Bao nhiêu lần, con đã bước ngang qua?
Đã bao lần – con giống như thầy cả,
Giữ sạch mình... mà để kẻ khác sa?

Xin cho con – chẳng hỏi ai thân cận,
Nhưng chính mình – biết sống với yêu thương.
Chẳng chờ đợi – ai đến thương, giúp đỡ,
Chỉ xin làm – người thân cận giữa đường...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây