Chúa làm người
Đây được gọi là “Mầu Nhiệm”, vì đơn giản là ta không thể hiểu được tại sao một Thiên Chúa cao trọng tuyệt đối lại chấp nhận làm kiếp phàm nhân thấp hèn yếu đuối như chúng ta.
Đơn giản để so sánh: Giữa người giàu và nghèo, người sang và hèn, người giỏi và dốt… đã là cả một khoảng cách xa vời. Kêu họ chơi với nhau đã khó, nói gì đến việc hòa đồng kiểu “ngang vai phải lứa” với nhau. Con người dù yêu cây cỏ hoa lá, yêu thú vật muông chim… cũng chẳng ai chịu hóa thân thành giống loài này để được gần gũi và yêu thương chúng trọn vẹn: “Có yêu hoa con cũng không làm lá; Còn Ngài yêu con, Ngài đã hóa làm người” (Trăng Thập Tự).
Chúa Làm Người – không phải để cùng giống nòi và đẳng cấp mà quan sát nhận xét, hay rình rập chúng ta sống thế nào mà soạn lý thuyết dạy dỗ, hoặc thu thập thông tin con người để có cơ sở kết án…
Chúa Làm Người – chỉ là để sống với con người, để chia sẻ thân phận kiếp người, để cảm sự mong manh yếu đuối của con người, để cùng chịu chung số phận như con người.
Chúa Làm Người – để Ngài có cơ hội tiếp cận và khai sáng cho con người đi trên đường sự sống mà chỉ có Chúa mới biết giá trị tuyệt đối của nó, để làm gương sống cho ta bằng chính đời sống rất con người của Ngài, để chứng minh Ngài chính là Chúa của sự sống…
Và trên hết tất cả: Chúa Làm Người là để khẳng định cho ta thấy kiếp người vô cùng giá trị - đơn giản là vì chính Thiên Chúa đã sẵn sàng bỏ ngôi cao, chấp nhận làm kiếp người như chúng ta.
Ở chiều ngược lại, con người luôn muốn làm Chúa.
Ngoài xã hội: Ai cũng muốn thống trị nhau, muốn độc tôn nhân vị, muốn toàn năng vĩ đại, muốn độc cô cầu bại…
Trong Giáo hội: Ai cũng cố nắm bắt cho được các “mầu nhiệm” để mình trở thành “riêng” của Chúa, và “chỉ có tôi mới hiểu thánh ý Chúa”. Ai cũng mơ về nơi xa tít của Thiên Đàng mà lạnh lùng tương quan kiếp người. Ai cũng bất toàn nhưng mưu toan nên trọn hảo…
Chúa Làm Người: Ngài cũng như anh và cũng như tôi, nhưng sống hết mình và sống hết tình: Phục vụ tha nhân, chết trên thập hình (Lm Quang Trịnh).
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh