TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Có nên đưa người già vào nhà dưỡng lão?

01/08/2021 06:33:09 |   886

Có nên đưa người già vào nhà dưỡng lão?

Có nên đưa người già vào nhà dưỡng lão?

Con thấy Phương Tây con cái gửi cha mẹ già vào nhà dưỡng lão là chuyện bình thường. Tuy nhiên đạo hiếu Á Đông dường như không cho phép. Không biết quan điểm của Giáo Hội Công giáo như thế nào về điều này?

Chia sẻ:

Câu hỏi của bạn thực sự là mối bận tâm của những ai khi có cha mẹ, ông bà lớn tuổi. Nhiều người cũng tranh cãi có nên gửi họ vào nhà dưỡng lão hay không. Hẳn nhiên mỗi Châu lục nhìn về điều này có chút khác biệt. Tuy vậy văn hóa dân tộc nào cũng xem trọng chữ hiếu. Có điều mỗi nơi diễn tả chữ hiếu ấy một cách khác nhau. Chẳng hạn, ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ, việc gửi cha mẹ hay ông bà lớn tuổi vào nhà dưỡng lão là chuyện bình thường[1]. Đó là nơi người già hạnh phúc sống quảng đời còn lại. Mỗi cuối tuần con cháu đến thăm, hằng ngày đều được nhân viên chăm sóc ân cần. Nói chung cả người già và xã hội đều chấp nhận nhà dưỡng lão.

Ở Châu Á, nhất là nước Việt mình, việc con cháu gửi ông bà, cha mẹ già yếu vào viện dưỡng lão lại là vấn đề. Chính trong nội bộ gia đình, con cháu không biết có nên làm như vậy hay không? Nếu để cha mẹ già ở nhà, ai là người sẽ chăm sóc. Thêm vào đó, người già thường có mặc cảm rằng mình bị hất hủi khi bị đưa vào viện dưỡng lão. Chưa kể đến việc người ngoài nhìn vào lại cũng đàm tiếu đủ điều. Nói chung, chừng ấy lý do cũng đủ để ta thấy dân Việt chưa sẵn sàng chấp nhận hình thức này.

Trong khi trò chuyện với các bạn trẻ, Giáo hội cũng lắng nghe được nỗi băn khoăn này. Do đó, dưới đây là vài chỉ dẫn để con cháu có thể đưa ra quyết định tốt cho gia đình mình.

Hãy liên lạc với người già

Ai cũng một thời trẻ trung, rồi đến tuổi xế chiều - đó là quy luật của phận người. Dù ở tuổi nào, người ấy đều xứng đáng nhận được mọi quyền lợi của mình. Cụ thể, người già không phải là thành phần bị loại bỏ, vì không còn sức lao động! Đó là quan niệm vô đạo đức, dù ở bất cứ đâu. Thay vào đó, Giáo hội mời gọi con cái hãy liên lạc với ông bà cha mẹ mình. Lý do là vì người trẻ có khi ít chú ý đến ký ước của quá khứ. Họ chỉ muốn chạy nhanh về phía trước với biết bao dự án và công việc. Trong mối bộn bề đó, người trẻ có khi không đủ kiên nhẫn ngồi lại với ông bà cha mẹ để chuyện trò.

Trong khi đó, Lời Chúa cũng như Giáo hội nhắc mỗi người rằng người trẻ không nên mất liên lạc với những bậc lão thành, để thu thập kinh nghiệm của họ (Hc 6,34). Hãy nhìn người già với lòng tôn trọng: “Hãy đứng dậy trước những người có tóc bạc” (Lv 19,32). Thánh Kinh yêu cầu chúng ta: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu.” (Cn 2,22). Họ thực sự là kho tàng, là sợi dây nối kết các thế hệ trong gia đình. Khi ông bà còn sống, con cháu càng có nhiều cơ hội để trở về, nhất là những dịp Xuân về Tết đến. Đó thực sự là nét đẹp của văn hóa Việt, khi trong nhà có các thế hệ cùng nhau chung sống.

Thêm nữa, những chỉ dẫn liên quan đến điều răn thứ Tư[2] là: “Tình yêu, lòng biết ơn và tôn kính cha mẹ phải điều chỉnh các quan hệ của ta với những người có trách nhiệm đối với ta. Ta buộc phải tôn trọng những người mà Thiên Chúa đã trao cho họ quyền để làm ích cho ta: cha mẹ, ông bà, những người già trong gia đình.”[3]

Cùng nhau dựng xây gia đình, xã hội và Giáo hội

Giáo hội chỉ ra vai trò quan trọng của người già: “Họ dệt nên những ký ức, những hình ảnh của rất nhiều điều mà họ đã sống, được đánh dấu bằng kinh nghiệm của những tháng năm dài.” Do đó, họ thực sự là chỗ dựa vững chắc cho thế hệ con cháu vững bước vào đời. Người nào phủ nhận quá khứ, thành công và hạnh phúc cũng sẽ lìa xa họ. Do đó, thế hệ con cháu hãy bén rễ trong những giấc mơ của những người già. Từ đó, người trẻ có thể nhìn thấy tương lai, có thể có những cái nhìn mở rộng chân trời và vạch ra cho người trẻ những con đường mới[4].

Bạn nghĩ sao khi nhiều người cho rằng: “Người già hay lẩm cẩm, nói trước quên sau”? Quan niệm ấy thật hời hợt, bởi họ đâu biết rằng người già cũng có những nét đẹp giúp gia đình và xã hội trở nên xinh đẹp hơn. Đẹp bởi nơi họ có những ký ức, vốn sống và đức tin. Người già có thể nhắc nhở người trẻ về một cuộc sống không có tình yêu là một cuộc sống khô cằn. Với những ai sợ hãi, người già có thể nói rằng sự lo lắng về tương lai có thể vượt qua được. Đối với những người trẻ quá bận tâm đến chính mình, người già dạy rằng một người cảm thấy vui hơn khi cho đi thay vì nhận lại, và tình yêu đó không chỉ được bày tỏ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm[5]. Nói chung người già có nhiều bài học quý giá để trao cho người trẻ.

Nếu cùng đi với nhau, người già và người trẻ sẽ bén rễ sâu trong hiện tại, và từ đó, thăm lại quá khứ cùng nhìn đến tương lai. Thử hỏi gia đình không có người già, làm sao người trẻ tìm được nguồn cội của chính mình? Do đó trong mỗi tương quan không chỉ huyết thống, mà còn là hỗ tương, “chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm tâm hồn nhau, gây hứng khởi cho tâm trí nhau bằng ánh sáng Tin Mừng và ban cho đôi tay chúng ta sức mạnh mới.”[6]

Bạn nghĩ sao khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Một dân tộc có sự phong phú của người già và trẻ em là một dấu hiệu cho thấy một dân tộc biết quan tâm, chăm sóc và coi họ như một báu vật, một kho tàng. Đó chính là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, hứa hẹn một tương lai xán lạn.”[7] Ngài nói thế vì dường như thời nay “văn hóa vứt bỏ”, loại trừ người già đang đáng báo động. Khi đó, gia đình, xã hội và Giáo hội rơi vào bi thảm, vì đánh mất những truyền thống được các thế hệ trước truyền lại.

Người già – nhà dưỡng lão – người trẻ

Là người sống ở Châu Âu, tôi biết không phải gia đình nào cũng thích gửi ông bà hoặc cha mẹ họ vào nhà dưỡng lão. Phần lớn người già nơi đây cũng không thích vào nhà hưu hoặc dưỡng lão. Tôi biết nhiều gia đình hạnh phúc với hai hoặc ba thế hệ cùng sống với nhau. Họ vẫn giữ liên lạc và quan tâm lẫn nhau. Vì hoàn cảnh nào đó phải gửi người già vào nhà dưỡng lão, là con cháu hiếu thảo, họ cũng thường xuyên lui tới chuyện trò. Vấn đề là làm sao đừng để ông bà, cha mẹ rơi vào cảnh cô đơn, hoặc bị hắt hủi.

Cụ thể, để trả lời câu hỏi của bạn, các gia đình nếu có thể, hãy tự chăm sóc ông bà cha mẹ của mình. Có khi về phương diện y tế không bằng viện dưỡng lão, nhưng quan trọng hơn, bản chất thói quen của người phương Đông là ông bà cha mẹ thích được gần con cháu. Trong trường hợp này, con cháu cũng nhận được nhiều điều từ phía người già. Đó là tình cảm gia đình, những bài học người già truyền lại cho con cháu. Kể cả kho tàng đức tin người già cũng có thể truyền lại cho con cháu một cách sống động. Do đó, rõ ràng gần gũi với người già là cơ hội để thế hệ trẻ vừa tròn chữ hiếu, vừa giữ lòng đạo và tạo nên hạnh phúc gia đình.

Dĩ nhiên mỗi nhà mỗi cảnh, nên tùy trường hợp mà mỗi gia đình đưa ra quyết định tốt nhất cho mình và ông bà cha mẹ. Nguyên tắc chung là làm sao thể hiện được tình yêu, hiếu thảo và hy sinh.

Sau cùng, Giáo hội hẳn nhiên không cấm con cháu đưa cha mẹ ông bà vào nhà dưỡng lão. Giả như vì hoàn cảnh nào đó phải đưa người thân của mình vào viện dưỡng lão, bạn nghĩ sao khi có lời ra tiếng vào: “Đường đường là người Công giáo, Thiên Chúa dạy hiếu thảo, vậy mà nỡ lòng nào đẩy ông bà cha mẹ mình vào nhà dưỡng lão!” Lời đàm tiếu ấy cũng khiến phận con cháu chạnh lòng. Ước gì mỗi gia đình luôn để Thiên Chúa đồng hành; và nhờ đó, chúng ta cư xử với nhau với rất nhiều tình người và tình yêu.

Chào bạn!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Tái bút: Khi trả lời câu hỏi này, là người những người trẻ, hy vọng chúng ta có nhiều sáng kiến để chăm sóc ông bà, cha mẹ mình trong những ngày tháng đại dịch Covid-19 này.  

 


[1] Một trong những lý chính là dân số già đi sẽ gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc cho người già. Con cháu ít nên không thể chăm lo tốt cho người già.

[2] Điều răn thứ tư: thảo kính cha mẹ. “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” (Xh 20,12). “Người hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2,51). “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.” (Ep 6,1)

[3] Youcat 367

[4] Tông Huấn Đức Kitô Sống 193

[5] Tông Huấn Đức Kitô Sống 197

[6] Tông Huấn Đức Kitô Sống 199

[7] Đọc thêm: Chăm sóc người già và trẻ em là sống văn hoá hy vọng (Vatican tiếng Việt)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây