TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm B

“Họ như đàn chiên không người chăn”. (Mc 6, 30-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự nhẫn nại và bao dung

22/07/2023 04:45:28 |   499

SỰ NHẪN NẠI VÀ BAO DUNG
 

ccct 220723a

 

Người xưa nói “Không nhẫn nhịn được việc nhỏ sẽ làm hỏng việc lớn”. Ai làm nên việc lớn xưa nay đều có phẩm chất nhẫn nại. Trong đời sống thường nhật, các bậc hiền nhân minh triết thời xưa đều xem trọng chữ “nhẫn”. Những người tài đức đời sau cũng thường đặt chữ nhẫn lên hàng đầu trong triết lý sống của mình.

Trong đối nhân xử thế, nhẫn nhịn có thể hóa giải mọi mâu thuẫn, xung đột. Nhưng nếu chỉ nhẫn trên bề mặt mà trong tâm còn uất hận, uỷ khuất thì vẫn chưa phải là cái nhẫn đích thực. Có thể làm được nhẫn chính là dựa vào tấm lòng bao dung, nhân ái vị tha. Người bao dung không so đo thiệt hơn, có thể đạt tới cảnh giới vô tư, vô ngã.

Trong nhân gian rất khó có thể tìm được người mà trong thiên hạ không có kẻ thù; nhất là với những người giữ trọng trách lớn. Một người có phẩm chất cao thượng, không hẹp hòi mà luôn bao dung thì có thể đạt được sự nghiệp lẫy lừng.

Có những câu chuyện người thật việc thật nhờ có sự nhẫn nhịn mà làm nên việc lớn từng được lưu truyền. Ví dụ như câu chuyện về vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ – Abraham Lincoln.

Thời bấy giờ, xã hội Mỹ rất coi trọng yếu tố danh gia vọng tộc. Phần lớn Thượng nghị sĩ Mỹ xuất thân trong những gia đình quyền quý, thuộc giới thượng lưu. Còn Abraham Lincoln lại xuất thân trong một gia đình thợ giày. Chính vì điều này mà khiến nhiều người dân Mỹ cảm thấy không hài lòng, thậm chí là khó chấp nhận về thân thế của vị Tổng thống mới đắc cử.

Một chuyện đã xảy ra trong lễ nhậm chức Tổng thống của Abraham Lincoln. Một nghị sĩ đã chen vào giữa bài diễn văn, nói: “Thưa ông Lincoln, đừng quên rằng cha ngài thường đóng giày cho gia đình tôi”. Các nghị sĩ cười ầm lên vì nghĩ rằng họ đã biến Lincoln thành trò hề.

Tuy nhiên, khi tiếng cười vừa dứt, Tổng thống Lincoln không cao ngạo, cũng không tự ti mà chân thành nói: “Thưa ngài, tôi biết rằng cha tôi đã đóng giày cho gia đình ngài, cũng như nhiều gia đình các nghị sĩ khác… bởi vì không người thợ nào có thể làm được như ông. Ông là một người sáng tạo. Giày của ông không chỉ là giày, ông đã đặt cả tâm hồn vào nó”.

“Tôi muốn hỏi các ngài rằng, các ngài đã từng phàn nàn về giày của ông chưa? Bản thân tôi cũng biết cách đóng giày; nếu các ngài có phàn nàn gì, thì tôi có thể đóng cho các ngài một đôi giày khác. Nhưng theo tôi thấy thì chưa có ai phàn nàn về những đôi giày mà cha tôi đóng. Ông là một thiên tài, một nhà sáng tạo, và tôi tự hào vì cha tôi!”.

Cả khán phòng lúc đó trùm trong một không gian tĩnh lặng bất ngờ. Các nghị sĩ nhận ra họ chưa hiểu gì về vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Lincoln tự hào về người cha đóng giày, vì chưa ai từng phàn nàn về những “tác phẩm” của ông. Và mặc dù đã đắc cử Tổng thống, Lincoln vẫn sẵn sàng tự tay đóng một đôi giày.

Người xưa quan niệm rằng tài phú, danh dự, địa vị… là những thứ bên ngoài, đức hạnh mới là căn bản, là cái gốc của một con người.

Đức dày có thể nâng đỡ vạn vật; nói cách khác, người có tài phú thường do đức dày. Tạo hóa ban cho một người hay một quốc gia bao nhiêu lợi ích là dựa vào việc họ có bao nhiêu đức hạnh. Một trong những nhân tố tạo nên sự đức hạnh cho con người, đó chính là lòng nhẫn nhịn, sự bao dung. (https://www.epochtimesviet.com/nhan-nai-de-thanh-cong-bao-dung-de-co-them-duc-hanh_196712.html).

Qua câu chuyện trên đây chứng ta liên tưởng đến dụ ngôn Chúa Giêsu kể về câu chuyện cỏ lùng trong ruộng, cho thấy sự khác biệt về cách hành xử giữa Thiên Chúa và con người. Trước hết, câu chuyện trả lời cho thắc mắc muôn thuở của con người rằng: Tại sao Thiên Chúa là Đấng quyền năng, nhân từ sao lại để cho nhiều sự xấu, sự ác xảy ra trong thế giới như thế? Thiên Chúa không tạo nên sự xấu, Ngài càng không tạo nên sự ác. Giống như người chủ trong câu chuyện, ông đã không hề gieo cỏ lùng, nhưng ông gieo giống lúa tốt trong ruộng của ông và ông hết sức chăm lo cho mảnh ruộng của mình.

Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất cuộc đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người nhưng nó đã có trước đó. Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Nhìn thấy sự xấu, sự ác cùng với những bất công đang xảy ra trong xã hội, nhiều người đã giống như những đầy tớ trong câu chuyện dụ ngôn,
họ muốn quay lại trách Thiên Chúa và nghi ngờ về quyền năng của Ngài: Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Không chỉ trách Thiên Chúa, mà họ còn muốn Thiên Chúa hành xử theo cách của họ, khi đề nghị với ông chủ: Vậy ông có muốn cho chúng tôi đi gom chúng lại không? Với đề nghị này, những người đầy tớ trong câu chuyện muốn nhân danh Thiên Chúa và sự công thẳng của Ngài để loại trừ những người xấu, những kẻ bị xem là cỏ lùng. Như thế, những người này tự cho mình là những người tốt, những người xứng đáng có quyền để kết án người khác.

Thiên Chúa có quyền trừng phạt ngay lập tức kẻ có tội, những kẻ xấu và những người gây ra sự ác, nhưng Thiên Chúa đã không làm như vậy, Ngài có cách hành xử riêng của Ngài. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Điều đó cho thấy rằng, Thiên Chúa không hề nóng vội, cũng không hề mất kiên nhẫn với con người. Ngài là một người Cha luôn chờ đợi chúng ta là những người con sám hối trở về để Ngài tha thứ. Ngài không hề kể tội chúng ta khi chúng ta quay về. Trái lại, Ngài luôn mở rộng vòng tay ôm chúng ta vào lòng và cho chúng ta được ngụp lặn trong biển yêu thương của Ngài. Tuy nhiên, đến thời hạn sau cùng, nếu người nào còn cố chấp trong sự sai trái của mình, từ chối tình yêu, bỏ mất cơ hội hoán cải, không chấp nhận quay trở lại thì kẻ ấy sẽ biến mình trở thành thù nghịch với Thiên Chúa và sẽ bị hủy diệt trong lò lửa.

Nếu Thiên Chúa hành xử cách thẳng tay và ngay lập tức thì sẽ không có một Phaolô bắt bớ Giáo hội, lại trở nên một người tông đồ dân ngoại đi khắp nơi hăng say rao ging Tin Mừng Đức Kitô; một thanh niên Augustinô tội lỗi và phóng túng, trở thành một vị đại thánh và là Tiến sĩ Giáo Hội; một chàng trai Charles de Foucauld lêu lổng lại trở thành
người sống nghèo khó và khiêm tốn… Rất nhiều những chứng nhân tội lỗi khác nữa đã biến đổi trở nên thánh thiện nhờ sự kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã khởi sự công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”. Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi nhành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng, biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình. Chớ vội nôn nóng; phải biết nhẫn nại và bao dung.

Hồng Long

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây