TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN HUY MAI

24/11/2022 11:20:16 |   504

ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN HUY MAI
VỚI TIỂU CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH

image 20221125111301 1


* GIÁM MỤC TIÊN KHỞI GP BAN MÊ THUỘT (1967-1990)
* ĐẤNG SÁNG LẬP CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH (1968)

 
I. Bối cảnh lịch sử:
 
Ngày 22-6-1967, ĐTC PHAOLÔ VI ban Sắc Chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT gồm 3 tỉnh: DAK LAK (1925) [được tách ra từ Giáo Phận Kontum], QUẢNG ĐỨC (1959) và PHƯỚC LONG (1957) [được tách ra từ Giáo Phận Đà Lạt].  
 
Giáo phận mới trải rộng trên diện tích 21.723 km2 với dân số 290.800 người gồm: người Kinh, Thượng, Mường, Nùng, Thái… Cùng Sắc Chỉ trên, Đức Phaolô VI bổ nhiệm Cha PHÊRÔ NGUYỄN HUY MAI (* sinh 03-7-1913 – Lm 19-6-1941 – Gm 15-8-1967 - Tử 04-8-1990) làm Giám Mục Tiên Khởi Giáo Phận. Ngài được tấn phong Giám Mục ngày 15-8-1967 tại Sàigòn.     
 
Khi thành lập, Giáo phận có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân (chưa được ¼ dân số). (x.Lược sử Gp Ban Mê Thuột). Từ những số liệu nêu trên và căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của Giáo phận mới, Đức Tân Giám mục Phêrô đã nhận ngay ra nhu cầu cấp bách của việc đào tạo linh mục để phát triển việc truyền giáo. Chính vì thế, ngày 25-3-1968 (nghĩa là chỉ mới 7 tháng 10 ngày sau khi được Tấn Phong GM) Ngài đã đưa ra quyết định quan trọng là thành lập ngay Tiểu chủng viện cho Giáo Phận non trẻ này với danh hiệu: TIỂU CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH (tên của một vị thánh linh mục VN đã anh dũng chết vì đạo ngày 06-4-1857 khi làm Giám Đốc Chủng viện Vĩnh Trị, Thanh Hóa). Quyết định sáng suốt và kịp thời này chng tỏ mối bận tâm ưu tiên hàng đầu của Vị Tân Giám mục, từng xuất thân là Giáo sư, rồi Giám Đốc Chủng viện Piô, của Giáo phận Hà Nội từ trước và sau di cư vào miền Nam.   
 
Như vậy, Đức Cha PHÊRÔ NGUYỄN HUY MAI, Vị Giám Mục tiên khởi Giáo phận Ban Mê Thuột chính là Đấng sáng lập Chủng viện LÊ BẢO TỊNH. (vừa “khai sáng” vừa “thiết lập” – khác với Dòng Nữ Vương Hòa Bình chỉ có thể nhận Ngài là “Đấng thiết lập” thôi!)  

II. Vạn sự khởi đầu nan:  
 
Từ “quyết định thành lập Chủng viện” đến “thực hiện quyết định này” là cả một con đường dài nhiều trắc trở gian nan; thử thách ý chí và lòng quyết tâm của Vị khởi xướng. Thoạt đầu, không ít người đã tỏ ra nghi ngại vì cho rằng Vị Tân Giám mục – từng tốt nghiệp Đại Học Sorbonne, Paris danh giá, quen làm việc trong môi trường trí thức nên quá lý tưởng, không thực tế, đã quá vội vã quyết định thành lập Chủng Viện ngay khi vừa nhận Giáo phận mới, chưa lường được hết những khó khăn về nhân sự, về cơ sở, về tài chính, v.v…    
 
Thật ra, không ai phủ nhận những khó khăn ấy, nhưng chính vì xác định rõ được những khó khăn kia mà Đức Cha Phêrô càng quyết tâm hơn để cùng với các cộng sự viên thân tín của mình tìm phương cách tháo gỡ từng bước chắc chắn và có hiệu quả, dựa vào hoàn cảnh thực tế của Giáo phận mới được khai sinh này!      

1. Trước hết là vấn đề nhân sự:           

- Ngày 25-3-1968: Đức Giám mục Giáo phận qua Văn thư C.200/68 đã trao bài sai thành lập Chủng Viện cho Cha Giám Đốc Augustinô Nguyễn Văn Tra. Ngài là linh mục gốc Phát Diệm, từng là giáo sư và giám luật nhiều năm tại Tiểu chủng viện Phát Diệm ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Sau khi Chủng viện Phát Diệm cũng như các chủng viện khác từ Bắc di cư vào Nam - đình chỉ hoạt động theo lệnh Tòa Thánh để sáp nhập việc đào tạo Ơn Gọi vào các Giáo phận tại miền Nam, thì Cha Augustinô Tra xin rời Giáo phận Sài Gòn để gia nhập Giáo phận Ban Mê Thuột. Đây là cơ hội thích hợp để Đức Cha Phêrô, vốn quen biết Cha Augustinô từ trước về kinh nghiệm đào tạo ở Chủng viện nên đã mời Cha làm Giám đốc cho chủng viện của Giáo phận mới. Nhưng mãi tới ngày 04-7-1968, khi Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa từ Giáo phận Đà Lạt sang thay thế làm Tuyên Úy Dòng NVHB thì Cha Augustinô mới có thể dành toàn tâm vào việc thành lập Ban Giảng Huấn, tổ chức thi tuyển chủng sinh mới; sắp xếp cơ sở tạm thời để khai giảng lớp đầu tiên cho Chủng viện.       

Ban Giám Đốc và Giảng Huấn đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 4 Vị:            

- Cha Augustinô NGUYỄN VĂN TRA, Giám Đốc.          

- Cha Phaolô LÊ THANH THIÊN, Quản lý.          

- Cha Giuse NGUYỄN TÍCH ĐỨC, Linh hướng.            

- Cha Gioan BÙI QUANG ĐẠO, Giám luật.       

Sau này, theo bước phát triển của Chủng viện, số Cha Giáo sẽ tăng dần lên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. [* Con còn nhớ sau lễ An Táng Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức (23-5-2011), một cựu chủng sinh đã nói nhỏ với con rằng: “Thầy ơi! Thế là 3 trong bốn Cha giáo đầu tiên của CV Lê Bảo Tịnh, là Cha Giám đốc Augustino Nguyễn Văn Tra, Cha Quản lý Phaolô Lê Thanh Thiên và Cha Linh hướng Giuse Nguyễn Tích Đức đều đã an nghỉ trong Chúa rồi! Tứ trụ đầu tiên của CV nay chỉ còn một!” Rồi anh nghẹn ngào ngừng lại, khiến con phải bồi hồi tự nghĩ: “Một trụ còn lại này cũng chẳng trụ vững được bao lâu nữa đâu!]…         

2. Tiếp theo là vấn đề xây dựng cơ sở Chủng viện: Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu và cần suy tính nhiều mặt để tìm ra phương án thích hợp nhất với hiện tình của Giáo phận mới. Cụ thể là việc lựa chọn địa điểm, đồ án kiến trúc và thời gian thi công:

a/ Địa điểm
 
Việc lựa chọn địa điểm xây dựng Chủng Viện là một vấn đề rất khó khăn và tế nhị. Giáo phận BMT không thiếu đất đai. Nhưng làm sao chọn được một nơi vừa rộng rãi khoảng khoát, vừa có sẵn nước, lại vừa yên tĩnh, thuận lợi cho việc học tập tu luyện mà không quá xa thị xã, nơi đặt trung tâm Giáo Phận với Tòa Giám Mục, Nhà Thờ Chính Tòa và các cơ sở chính yếu khác.          
 
Sau nhiều thăm dò và tìm kiếm, Đức Cha GP đã chọn mua thửa đất tọa lạc tại góc đường số 21 A đi Ninh Hoà và 21 B đi Lạc Thiện của “Compagnie Des Hauts Plateaux Indochinois” (CHPI) do ông Antoine Delfante làm tổng quản đốc.      
 
Thửa đất này ở một vị thế rất đẹp, cách Thị xã BMT chừng 05 Km, nằm ngay bên trục lộ giao thông chính. Thửa đất rộng hơn 18 mẫu tây (18ha, 11a, 56m2) và có suối nước chảy qua làm thành đường ranh giới thiên nhiên ở phía đông nam (gần sân bay Phụng Dực, BMT)       

b/ Đồ án kiến trúc:            
 
Sau khi tham khảo nhiều mô hình kiến trúc Chủng viện, Đức Cha Phêrô -với kinh nghiệm nhiều năm làm giám đốc Chủng viện- đã quyết định lưa chọn đồ án thiết kế của Ông Tô Công Văn (Architecte D.P.L.G – Laureat de la A.D.G. de Paris), một kiến trúc sư nổi tiếng đã tốt nghiệp ưu hạng Đại học Kiến trúc ở Paris. Tuy nhiên, Ngài cũng đề xuất những sửa đổi thích ứng theo những tiêu chuẩn sau đây:    
 
- Vì đất rộng và để tránh những bất tiện do việc phải lên xuống nhiều lầu, nên chỉ làm nhà trệt hoặc một lầu mà thôi.      
 
- Chia thành nhiều khu vực riêng biệt, tiện dụng cho từng loại nhân sự và những hoạt động khác nhau, nhưng tất cả nối thành một hình vuông với những hành lang rộng rãi hầu tránh mưa nắng khi cần đi lại từ khu vực này sang khu vực khác.   
 
- Chú trọng bền chắc và giản dị, nên dùng toàn vật liệu nặng: xi măng cốt thép, đồng thời bỏ bớt đi những đường nét trang trí tuy làm tăng vẻ đẹp cho kiến trúc nhưng thêm tốn kém và rườm rà.

c/ Thời gian thi công:       
 
Việc xây cất chia làm nhiều đợt phù hợp với tình trạng tài chính và nhu cầu chủng viện trong những năm đầu:        
 
Đợt I: do cha Võ Quốc Ngữ (giai đoạn đầu) và Cha Lê
Thanh Thiên (giai đoạn cuối) quản đốc, thực hiện: khu nhà các phòng lớp học, nhà học riêng I, nhà bếp, nhà kho, nhà xe. Khởi công từ ngày 22.08.1968 và hoàn tất ngày 03.10.1969.
 
Đợt II
: do Cha Lê Đức Triệu, quản lý Tòa Giám Mục, quản đốc. Thực hiện khu nhà các Cha Giáo, hội trường, nhà học riêng II. Khởi công từ ngày 08.11.1969 và hoàn tất ngày 18.02.1971.         
 
Đợt III
: cũng do Cha Lê Đức Triệu quản đốc, thực hiện khu nhà ngủ, nhà ăn, Thư viện, phòng đọc sách, nhà bệnh, nhà vệ sinh, nhà tắm giặt và nhà khách… Khởi công từ ngày 01.10.1970 và hoàn tất ngày 29.06.1971.          
 
Đợt IV
: do cha Phạm Ngọc Lan quản đốc thực hiện nhà nguyện, nhà chơi… Khởi công từ tháng 05.1972 và hoàn tất vào tháng 04.1973.

III. Những bước thăng trầm của CV:   
 
Trong thời gian cơ sở Chủng viện khởi công xây dựng Đợt I tại địa điểm cây số 5, thì ngày 08-9-1968, Lễ mừng Sinh Nhật Đức Mẹ Maria, Chủng viện Lê Bảo Tịnh khai giảng Lớp Đầu Tiên, mang tên LỚP VÔ NHIỄM gồm 60 Chủng sinh vừa trúng tuyển, tuổi từ 10-11 để vào học lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ). Cơ sở tạm thời là TRUNG TÂM CARITAS nằm trên đường Phan Chu Trinh, góc Võ Tánh (nay là Nguyễn thị Minh Khai), đối diện với Tòa Giám Mục để làm phòng ở cho Ban Giảng Huấn và nhà ngủ cho chủng sinh. Những sinh hoạt khác như phụng tự, học hành, ăn uống… đều tập trung tại Tòa Giám mục. Vì thế, có thể nói Lớp Vô Nhiễm được đón nhận nhiều sự quan tâm ưu ái của Vị Cha Chung Giáo Phận. Hằng ngày, Ngài thường gần gũi chăm sóc dạy bảo… Rồi những năm sau, Chủng viện tiếp tục mở thêm các lớp mới: - Lớp GIUSE 1969; Lớp TRUYỀN TIN 1970; Lớp PHANXICÔ 1971; Lớp TÊRÊXA 1972; Lớp DON BOSCO 1973; Lớp SAVIÔ 1974.         
 
Kể từ tháng 9-1969, Chủng viện dời về trụ sở chính ở Cây số 5. Và từ đây, Đức Giám Mục Giáo Phận càng tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với Chủng viện bằng cách bổ nhiệm thêm nhiều Cha Giáo mới để tăng cường nhân sự cho Ban Giám Đốc và Giảng Huấn của Chủng viện:
 
- 1970: Cha Giuse BÙI TRUNG PHONG làm Quản Lý (thay Cha Phaolô Lê Thanh Thiên đi làm Quản xứ Vinh Hương);     
 
- 1971: Cha Antôn PHẠM NGỌC LAN từ Giáo Phận Đà Lạt sang nhập tịch Giáo Phận Ban Mê Thuột để làm Quản lý thay Cha Phong và kiêm Hiệu trưởng thay Cha Giuse Nguyễn Tích Đức đi tu nghiệp tại Đại Học Đà Lạt.  
 
- 1973: Cha Chính GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC về làm Giám Đốc (thay Cha Aug. Tra đi nhận xứ Thánh Tâm, nhà thờ Chính Tòa).
 
Ban Giảng Huấn cũng được liên tục bổ sung thêm 09 Cha giáo mới:          
 
- Cha Augustinô HOÀNG ĐỨC TOÀN;            
 
- Cha Anrê TRẦN XUÂN CƯƠNG;        
 
- Cha Giuse TRỊNH VĂN HÂN,   

 
- Cha Giuse NGUYỄN VĂN NIỆM;         

 
- Cha Stêphanô NGUYỄN VĂN ĐẬU;   

 
- Cha Vinh Sơn NGUYỄN HOÀN (Nam Huân);          

 
- Cha Giuse TRẦN XUÂN LÃM;

 
- Cha Anrê LÊ TRẦN BẢO;         

 
- Cha JB NGUYỄN MINH HẢO   

 
và một số Thầy ở trường ngoài được mời vào dạy.     
 
Cho tới năm 1975, Chủng viện LÊ BẢO TỊNH đã mở được 7 lớp (từ Đệ Thất đến Đệ Nhị) với hơn 200 chủng sinh. Nhưng rồi BIẾN CỐ CỦA ĐẤT NƯỚC xẩy ra vào đầu năm 1975 đã ngăn chặn đà phát triển và đẩy đưa Chủng Viện vào thế lao đao dẫn tới một kết cục không thể lường trước được!           
 
Vào tháng 10/1975, một số đông tới 83 chủng sinh bị “Nhà Nước” thải hồi về gia đình vì lý do “chưa có hộ khẩu ở Chủng viện”, nghĩa là phải tứ tán đi khắp nơi, không còn được tiếp tục đào tạo dưới mái trường Chủng viện thân thương này nữa!  
 
Những kẻ may mắn còn được ở lại thì đến tháng 10/1977 cũng phải rời bỏ cơ ngơi đồ sộ vừa được xây dựng hoàn chỉnh của Chủng viện để cơ quan Nhà Nước “tiếp quản” với lý do đây là “khu vực quân sự”! Nào ngờ sau đó không lâu cơ sở Chủng viện biến thành “Trường Đảng”!       
 
Chủng viện phải chuyển về Tòa Giám Mục nhưng khi chưa kịp ổn định tại nơi ở mới thì vào ngày 15-4-1978 thêm một lần nữa 42 chủng sinh lại phải rời bỏ Chủng viện trở về gia đình vì bị CA xét là “lý lịch không đạt tiêu chuẩn”!
 
Rồi bước tiếp theo nữa đến lượt 16 chủng sinh cuối cùng còn lại - dù đã được cấp Hộ khẩu thường trú tại Hộ Tòa Giám Mục, 70 Phan Chu Trinh, BMT từ tháng 4/1978 để tiếp tục tu học vì được “Nhà Nước” xét là có “lý lịch trong sạch” cũng phải nhận “GIẤY CẮT KHẨU” khỏi Hộ Tòa Giám Mục ngày 23-6-1983… và hạn chót là hai ngày sau, ngày 25-6-1983 phải chuẩn bị về gia đình để… “đợi ngày chiêu sinh”! Đây là quyết định của “Nhà Nước” qua Ty Công An Daklak, nhưng không phải là một quyết định bất ngờ vì CA đã “làm việc” căng thẳng nhiều lần từ nhiều tháng qua với Đức Cha Chính Phêrô và Đức Cha Phó Giuse Trịnh chính Trực, Giám Đốc Chủng viện – và được giải thích đó là “Lệnh từ trung ương”!         
 
Ngày 30-6-1983 các chủng sinh đã ra về hết, trừ hai anh em Khôi và Hùng ở Phước Long còn kẹt lại. Ngày hôm sau, 01-7-1983, Đức Cha Phó Giuse và 4 Cha Giáo BẢO, ĐẠO, ĐẬU, ĐỨC còn lại trở nên thành viên cơ hữu của Tòa Giám Mục. Và như thế, Chủng viện Lê Bảo Tịnh đã chính thức bị giải thể!         

IV. “NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN”:    
 
Lịch sử Chủng Viện LBT đã khép lại với một kết thúc dang dở, nửa vời, không đi đến đâu, uổng phí bao nhân sự, bao công sức, bao tiền bạc của Giáo Hội!... Và có lẽ người cảm thấy đau xót, phũ phàng nhất chính là Đức Cha PHÊRÔ, Đấng sáng lập Chủng viện Lê Bảo Tịnh. Bao tâm huyết, bao nỗ lực, bao kỳ vọng Ngài đặt nơi Chủng viện bỗng chốc như sụp đổ, tiêu tan vì những âm mưu đen tối, vì những áp chế bất công của cường quyền bạo lực! Tuy nhiên, trong những ngày ấy, được may mắn sống gần bên Đức Cha, tôi lại cảm nhận được từ nơi Ngài toát ra vẻ trầm lặng nhẫn nhục nhưng đầy kiên cường vững mạnh của ĐÁ TẢNG như thánh hiệu PHÊRÔ của Ngài! Ngài đón nhận biến cố mất mát đau thương này như một dấu chỉ thời đại tỏ bày Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa mà Ngài phải tuân hành -dù chưa hiểu được- để “NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN CÒN TÔI NHỎ LẠI” đúng như lời tâm niệm cho đời Giám mục của Ngài.
 
Quả thật sau 30 năm nhìn lại, tôi mới dần dần cảm nhận được một cách thấm thía CHƯƠNG TRÌNH QUAN PHÒNG của Thiên Chúa thật kỳ diệu, hoàn toàn khác biệt với mọi toan tính của con người! Khi chủng viện bị giải thể và từng đợt chủng sinh phải rời bỏ Chủng viện trở về gia đình đã từng gây nên biết bao tiếc nuối đau xót và đẩy đưa cả một thế hệ chủng sinh vào chỗ lao đao, dang dở về việc học tập, tu luyện... Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh này mà các chủng sinh đã tích lũy được thêm nhiều hiểu biết, nhiều kinh nghiệm về thực tế cuộc sống, nhờ đó mà trưởng thành hơn, ý thức hơn về ơn gọi của mình.            
 
Họ cũng có cơ hội bổ túc và hoàn tất chương trình học văn hóa cấp trung học và đại học ở các trường ngoài đời, mà nếu còn ở lại chủng viện trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, họ sẽ không thể thực hiện được. Trong khi đó, nhiều chủng sinh khác lại có thời cơ, dù là bất dắc dĩ, để đi ra nước ngoài, nhờ vậy được tiếp tục đời tu và được đào tạo một cách chu đáo hơn ở các chủng viện hay dòng tu tại Úc, Canada, Mỹ... Còn số những chủng sinh ở lại trong nước để “chờ ngày chiêu sinh”, tưởng như vô vọng; nhưng rồi ngày đó cũng đã đến với những ai kiên trì bền đỗ...          
 
Vào ngày 03-12-1993, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, bốn đại chủng sinh đầu tiên xuất thân từ Chủng viện Lê Bảo Tinh BMT là JB HÀ VĂN ÁNH, Giuse BÙI CÔNG CHÍNH; Phêrô TRƯƠNG VĂN KHOA và Giuse NGUYỄN VĂN KHÁNH đã được chính Đức Cha Giuse Trịnh chính Trực phong chức Linh mục tại nhà thờ Chính Tòa BMT. Hiện nay đã có tới 36 chủng sinh xuất thân từ tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh BMT được Thụ Phong Linh mục và đang phục vụ tại Giáo Phận Mẹ cũng như nhiều Giáo Phận khác trong nước và nước ngoài (Úc, Mỹ, Canada, Đài Loan…). Ngoài những chủng sinh đã đạt tới thiên chức Linh mục, những anh em cựu chủng sinh còn lại vẫn đang hiên ngang sống Ơn Gọi của mình giữa đời thường. Họ tự hào vì mình đã được đào tạo trong Nhà Chúa và đang dấn thân đảm trách nhiều vai trò tích cực trong xã hội cũng như tại các Giáo xứ, đặc biệt trong vai trò giáo lý viên, ca trưởng, hoặc nhiều chức vụ quan trọng trong các Hội Đồng Giáo Xứ v.v… Hơn nữa, họ còn liên kết với nhau thành “GIA ĐÌNH CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH” để dù đang ở trong nước hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới họ cũng có thể gặp gỡ, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, trợ giúp nhau cách cụ thể khi có anh em gặp hoạn nạn, rủi ro và thường xuyên trao đổi thông tin liên lạc trên mạng Email, trên trang web “lebaotinhbmt.com” và đang ráo riết chuẩn bị cho ngày họp mặt từ 4 phương trời “VỀ NGUỒN” để TẠ ƠN mừng 45 năm khai sinh Chủng viện. Hầu hết anh em cựu chủng sinh nay đã yên bề gia thất, có con cháu nội ngoại và một vài anh em đã lên chức “Ông cố” của soeur, của Thày, và mới đây nhất là “Ông Cố” Giang Tiến Thêm của Tân Linh Mục Giang Tử Dương mới thụ phong tại Kon Tum ngày 6.6.2013, mở đầu cho Thế hệ 2 của Lê Bảo Tịnh”.

Kết luận       

Đức Cha Cố Phêrô đã qua đời ngày 04-8-1990. Ngài chưa kịp nhìn thấy được những thành quả lạ lùng mà Thiên Chúa đã thực hiện từ sau biến cố Chủng viện Lê Bảo Tịnh bị giải thể. Nhưng Ngài, Đấng sáng lập Tiểu chủng viện LÊ BẢO TỊNH BMT, chính là ‘HẠT GIỐNG GIEO VÀO LÒNG ĐẤT MẸ BANMÊ. Hạt giống ấy đã chết đi để trổ sinh nhiều bông hạt phong nhiêu trên CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO BMT (x. Jn 12, 23-28). Xin hết lòng tri ân Ngài trong niềm cảm tạ tôn vinh Thánh Ý Nhiệm mầu của Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen.  

Lm GIOAN BÙI QUANG ĐẠO
Để thành kính thắp lên một nén hương lòng trong dịp tưởng niệm 100 năm ngày sinh
của Đức Cố Giám Mục PHÊRÔ NGUYỄN HUY MAI

03/7/1913 – 03/7/2013

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây