NGƯỜI HỌC TRÒ BỊ ĐUỔI HỌC
Câu chuyện dưới đây kể về một nhân vật có thật trong lịch sử, mà những cống hiến của ông đã góp phần làm thay đổi nền văn minh của nhân loại chúng ta…
Đó là vào một ngày đẹp trời vào những năm 1855, khi cậu bé Thomas mới khoảng 7 tuổi. Hôm ấy, Thomas chạy từ trường về nhà và nói với mẹ:
“Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!”
Bà Nancy Elliott cẩn thận mở ra đọc, bên trong là lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Thomas. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé Thomas đứng ngẩn người ra vì kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?
Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình:
“Con trai của ông bà là một Thiên Tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.
Nhiều năm sau đó, mẹ của Thomas đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại. Một ngày khi Thomas xem lại những kỷ vật của gia đình, cậu vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Thomas tò mò đã mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết:
“Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.
Thomas đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, cậu viết trong nhật ký rằng:
“Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, mà nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Một trong những câu nói nổi tiếng của Thomas Edison: “Tôi không thất bại. Chỉ là tôi đã tìm ra 10.000 cách làm không hiệu quả”.
Câu chuyện trên là một giai thoại nổi tiếng về thiên tài Thomas Edison. thầy giáo gọi Edison là đứa trẻ “rối trí” là có thật, việc Edison bị đuổi học là có thật, và việc Edison được mẹ kèm cặp riêng tại nhà cũng là có thật.
Ngày nay chúng ta nhắc về Thomas Edison như một nhà phát minh lỗi lạc, một biểu tượng của trí tuệ và thành công. Thế nhưng tuổi thơ của ông lại gắn liền với một chuỗi những thất bại. Các giáo viên trong trường ruồng bỏ và coi Edison là đứa trẻ đần độn “không thể dạy dỗ được”; cha của ông thì cho rằng Edison có vấn đề về thần kinh và chậm phát triển, mãi tới 4 tuổi mới bắt đầu biết nói; bác sĩ gia đình thì e ngại rằng trí não của Edison bị tổn hại từ thuở lọt lòng; bản thân ông cũng là đứa trẻ yếu ớt và hay đau ốm, đến mức người ta lo sợ rằng Edison sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành…
Thế nhưng, khi tất cả mọi người đều quay lưng và nói rằng Edison là không có triển vọng, thì vẫn có một người luôn đặt trọn niềm tin vào ông. Đó chính là “người mẹ của Thiên tài” bà Nancy Elliott – người không bao giờ từ bỏ hy vọng vào con trai mình. Chính tình yêu và sự hy sinh vĩ đại ấy đã nâng đỡ và đánh thức tiềm năng trong ông, gieo vào ông những hạt giống của niềm tin để chúng nảy nở, đơm hoa, rồi kết trái. Và nếu không có một người mẹ như bà Nancy Elliott, có lẽ nhân loại chúng ta sẽ vắng bóng những chiếc bóng đèn điện, những chiếc máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm, và hàng ngàn phát minh ưu việt khác.
Trong cuốn tiểu sử cuộc đời mình cũng như rất nhiều bài phỏng vấn khác nhau, Edison luôn nhắc về mẹ với tấm lòng thành kính. Đối với ông, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời, người đã khiến ông tự hứa với bản thân rằng cần phải làm điều gì đó để bà luôn tự hào về con trai mình.
Từ câu chuyện trên chúng ta có thể rút ra những bài học sau:
Bài học thứ nhất: Niềm tin không hình dáng, vậy mà có sức mạnh để giúp ta làm nên những điều lớn lao. Niềm tin cho ta thêm quyết tâm để theo đuổi giấc mơ, thêm nghị lực để vượt qua gian khó, và thêm động lực để biến những điều không thể thành có thể. Cũng như cậu bé Thomas năm nào, ai dám khẳng định đứa trẻ chậm nói và yếu ớt ấy lại là người mở đầu cho những phát minh khoa học sau này? Vậy nhưng đó lại là sự thật, để chúng ta tự nhìn lại bản thân: Bạn có dám tin tưởng vào chính mình hay không?
Bài học thứ hai là tình yêu thương. Ai đó nói tình yêu của người mẹ là vĩ đại nhất trên cuộc đời này, và đúng như vậy. Tình yêu ấy không chỉ nâng đỡ, mà còn có thể thay đổi một con người.
Và điều cuối cùng mà chúng ta có rút ra một bài học trong việc đối nhân xử thế, đó là sức mạnh của những lời nói đẹp. Một lời nói có thể vùi dập tinh thần, nhưng cũng một lời nói lại có thể nâng đỡ và cổ vũ con người. Bởi vậy, hà cớ gì chúng ta cứ phải buông ra những lời than phiền, oán trách, hay chê bai một ai đó? Chỉ cần thay đổi một chút thôi, hãy nói về khuyết điểm bằng những lời khuyên nhủ, nói về ưu điểm bằng những lời động viên, và nói về thành tựu bằng những lời khích lệ, biết đâu bạn sẽ góp phần tạo ra một kỳ tích trong tương lai?
Hồng Long