TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự kiện 30 tháng 4 và Vĩ tuyến 17

30/04/2022 03:21:46 |   1124

Sự kiện 30 tháng 4 và Vĩ tuyến 17
 

49893751937 8025b00270 c

 

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 (vĩ tuyến 17° bắc), dọc sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị, làm phân định giới tuyến quân sự Bắc - Nam tạm thời cho Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/1956. Đến năm 1956, quy chế hoạt động tại giới tuyến được đưa ra, đặt dưới sự giám sát của Uỷ ban quốc tế gồm Ba Lan, Canada và Ấn Độ. Đây là khu phi quân sự rộng 1,6 km (một dặm Anh) về mỗi phía tính từ bờ sông Bến Hải, bắt đầu từ biên giới Việt Nam – Lào cho đến bờ Biển Đông. Cũng từ đó, dòng Bến Hải chạy dọc vĩ tuyến 17 thành nơi chia cắt đất nước Việt Nam trong suốt hơn 20 năm Chiến tranh Việt Nam. (theo Internet)

Sự kiện 30 tháng 4 là sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, thống nhất đất nước. Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày ấy đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Đỗ Thất Kinh sáng tác nhạc phẩm Ngày Hồi Cư, diễn tả niềm vui hòa bình và ước mơ đoàn tụ của người dân Việt sau 20 năm chia cách.

Dọn đồ đi,

Ngày mai hồi cư rồi

Em hỡi, có vui?

Tạm biệt miền Nam

Về thăm đất Bắc

Sau chuỗi ngày chia xa.

 

Hãy vui lên, hỡi Em!

Ngày mai sẽ thấy

Chim hót chào mừng

Bồ câu bay vút

Ban sáng hòa bình

Rồi Em tung tăng

Nô nức hội hè…

 

Còi tàu hú

Chờ chuyến vào trung Việt

Thăm Huế dấu yêu

Vào tận miền Nam

Nhìn quê hương mới

Ôm ấp tình anh em. (Đỗ Thất Kinh)

Niềm Vui Hòa Bình là niềm vui lớn của người dân Việt khi dòng sông Bến Hải chạy dọc vĩ tuyến 17 không còn là nơi chia cắt đất nước. Ước mơ đoàn tụ đã trở thành hiện thực khi cầu Hiền Lương, chứng tích lịch sử bi thương của cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt nay lại nối liền hai bờ Nam – Bắc.

Người dân Quảng Trị kể lại rằng: Cầu Hiền Lương đầu tiên bắc qua sông Bến Hải được nhân dân trong vùng góp công góp sức xây dựng vào năm 1928. Cầu bằng gỗ, đóng cọc sắt, mặt cầu rộng 2m chỉ dành cho người đi bộ.

Năm 1950, quân đội Pháp xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, nhưng 2 năm sau cầu bị phá hủy do chiến tranh.

Năm 1952, Pháp lại xây cầu mới có 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm thép, mặt cầu lát bằng gỗ thông, rộng 4m, 2 bên có lan can sắt cao 1,2m, trọng tải 18 tấn.

Năm 1954, Sông Bến Hải được chọn làm ranh giới phân chia 2 miền Nam – Bắc. Giữa cầu Hiền Lương có một vạch sơn trắng cắt ngang, mỗi bên cầu dài 89m, lan can sơn 2 màu khác nhau. Bờ Bắc có 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm.

Sau Sự kiện 30 tháng 4, đất nước thống nhất, cầu Hiền Lương được sửa chữa lại, nối liền Nam – Bắc. Năm 1996, một chiếc cầu mới dài 230m, rộng 11,5m được xây dựng hoàn thành bên cạnh cầu cũ về phía Tây để đáp ứng nhu cầu giao thông và phát triển kinh tế.

Năm 2002, cầu Hiền Lương cũ được phục chế theo nguyên bản, chỉ khác là mặt cầu hiện nay lát bằng gỗ lim.

Đến Vĩ Tuyến 17, được tận tay sờ lên lan can cầu Hiền Lương thật là thú vị. Thú vị hơn nữa là được tự do bước qua vạch sơn trắng giữa cầu, một cảm xúc không thể diễn tả bằng lời. Nhưng ấn tượng nhất là được nghe những giai thoại kể về cuộc chiến rất căng thẳng, quyết liệt và cũng thật nực cười ở hai bên bờ sông Bến Hải trong thời chiến tranh. Đó là:

- Cuộc “chọi màu”:

Lan can dọc 2 bên cầu Hiền Lương làm bằng sắt luôn có 2 màu sơn đối lập nhau tính từ lằn sơn trắng vạch ngang giữa cầu. Bên này sơn màu xanh, bên kia sơn màu nâu. Bên này sơn màu đỏ, bên kia sơn màu vàng. Cứ thế, liên tục.
Ngày 18.5.2003, trong dịp lễ khánh thành phục chế cầu Hiền Lương, người ta nhìn thấy nửa cầu phía Bắc sơn màu xanh, nửa cầu phía Nam sơn màu vàng. Sau đó, do có nhiều ý kiến trái chiều mang tính chính trị về việc phục chế màu sơn theo nguyên bản, hiện nay, toàn bộ thành cầu được sơn màu xám.

- Cuộc “chọi loa”:

Sau khi phân chia giới tuyến, đôi bờ Bắc – Nam sông Bến Hải đua nhau xây dựng hệ thống phóng thanh “khủng” để át đi tiếng loa phía bên kia.

Dàn loa phía Nam công suất mỗi loa lên tới hàng trăm oát. Hệ thống loa này khi phát hết công suất có thể vang xa tận Quảng Bình. Dàn loa phía Bắc không chịu thua, tăng tổng công suất lên đến 7.000W. Để có đủ điện cho hệ thống loa “khủng” này hoạt động, người ta phải xây dựng một đường dây cao thế 6KVA dài gần 10km. Ngoài ra, còn có một trạm cao tần đặt cách cầu Hiền Lương 2,5km để tăng âm cho hệ thống loa. Hiện nay, ở Nhà Trưng bày Vĩ Tuyến 17 vẫn còn lưu giữ những chiếc loa 500W, đường kính 1,7m.

Cuộc “đấu khẩu” giữa đôi bờ qua hệ thống loa “khủng” là những lời tuyên truyền chính trị, khích bác đối phương. Mỗi ngày buổi phát thanh kéo dài 14-15 tiếng đồng hồ, có khi phát từ lúc 1 - 2 giờ sáng.

- Cuộc “chọi cờ”:

Treo cờ là chuyện bình thường ở mọi quốc gia, nhưng “chọi cờ” là chuyện đại sự ở 2 đầu cầu Hiền Lương. Lúc đầu, phía Bắc treo lá cờ khổ 3,2m x 4,8m trên ngọn cây phi lao cao 12m. Phía Nam cắm cờ trên đỉnh lô cốt cao 15m. Không chịu thua, phía Bắc tìm bằng được cây gỗ cao 18m, treo lá cờ rộng 24m2. Ngay sau đó, phía Nam dựng lên một trụ xi măng cốt thép cao 30m, trên đỉnh treo lá cờ lớn có đèn nhấp nháy đủ màu.

Tháng 7.1957, người ta thấy bên bờ Bắc có lá cờ rộng 108m2 treo trên cột cờ bằng thép ống cao 34,5m, trên đỉnh gắn ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 cánh ngôi sao gắn chùm bóng điện loại 500W. Bên bờ phía Nam, lập tức xây tiếp trụ cờ lên cao 35m.

Năm 1962, bên bờ Bắc kéo lên lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg trên đỉnh cột cờ cao 38,6m. Cột cờ này được xem là cao nhất giới tuyến.

Ngày 2.8.1967, cột cờ này bị bom đánh gãy, nhưng sáng sớm hôm sau, một cột cờ mới lại được dựng lên, lá cờ khổ lớn vẫn tung bay trước gió.

Ngày nay, đất nước đã thống nhất, non sông nối liền một dải, nhưng Vĩ tuyến 17 luôn gợi nhớ một thời bi thương:

“Sông chia hai nửa       
Sông chỉ một bờ  
Con cá con tôm nào có chia lìa        
Dòng nước hiền hòa bỗng dưng thành lưỡi dao oan nghiệt   
Cắt đôi khúc ruột 

Ngỡ đò ngang     
Ai ngờ sông chảy dọc    
Thuyền xuôi         
Tôi oán dòng sông        
Tôi ghét hàng cọc gỗ    
Cắm xuống sông Hiền chia đôi dòng nước
Ngăn đôi con sông        
Tôi thương những cánh buồm nâu đơn chiếc      
Lặng lẽ nương theo dòng” (thơ Tân Linh - nhà thơ quê Vĩnh Linh, Quảng Trị)

Sự kiện 30 tháng 4 và Vĩ tuyến 17 nhắc nhớ người dân Việt một thời chiến tranh khốc liệt, đẫm máu gây bao nỗi thương đau, kinh hoàng, khốn khó. Mừng ngày 30.4, mừng 47 năm thống nhất đất nước, chúng ta tạ ơn Chúa và dâng lời cầu nguyện cho hòa bình trong nước Việt Nam và trên thế giới. Xin cho Bình An của Chúa Phục Sinh luôn ngự trị. Alleluia!

Vũ Đình Bình

HÌNH ẢNH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây