TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28b-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tinh thần khiêm hạ

29/03/2023 06:26:16 |   692

TINH THẦN KHIÊM HẠ


Cách đây 10 năm khi mới lên ngôi vị Giáo Hoàng, trong Thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, Đức Phanxicô đã rửa chân và hôn chân một số phạm nhân. Hành động đó làm cho chúng ta nhớ đến hành động của Chúa Giêsu đối với 12 tông đồ trong đêm cuối cùng trước khi Chúa bị đóng đinh được mô tả trong Kinh thánh. Trong cái đêm ấy, Chúa Giêsu đã trút bỏ tấm áo choàng biểu tượng cho quyền lực tối cao của Người và cúi xuống rửa chân cho các tông đồ. Lúc đó, một trong những tông đồ của Người đã kinh hãi kêu lên trước hành động đó của Chúa Giêsu. Bởi một người như Chúa Giêsu không thể hạ mình làm việc đó. Việc rửa chân cho người khác chỉ là công việc của những kẻ nô lệ.

Cởi bỏ tấm áo choàng ra nghĩa là Chúa Giêsu đã cởi bỏ tước vị của Người. Chỉ khi cởi bỏ tước vị của mình thì người đó mới có thể hòa đồng thực sự với con người để cứu vớt tinh thần của họ. Chỉ có thể diễn giải hành động đó bằng lời của Chúa Giêsu: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Chính điều này làm cho chúng ta hiểu ra rằng vì sao trên thế gian này hàng tỉ người đã dành cho Chúa Giêsu đức tin tuyệt đối, đã đi theo Ngài, đã cần Ngài trong những lúc họ rơi vào khổ đau tuyệt vọng và đi theo con đường mà Ngài đã chọn.

Hành động cúi xuống rửa chân cho kẻ dưới mình không phải hành động của một người chỉ có sự thông tuệ, không phải hành động của một người chỉ có tư tưởng lớn mà là hành động của một con người mà không một chút nào vì bản thân mình.

Và rồi, hành động rửa chân và hôn chân của những phạm nhân nữ và cả phạm nhân theo đạo Hồi trong lễ Phục sinh năm kế tiếp của Giáo hoàng Phanxicô đã làm cho một số người bảo thủ trong Giáo hội không đồng tình. Nhưng họ không biết rằng: hành động của Giáo hoàng đã để lại một ấn tượng và sự xúc động vô cùng mạnh mẽ đối với con người. Chính những phạm nhân được Giáo hoàng Phanxicô rửa chân và hôn chân đã khóc. Bởi lẽ trong thâm tâm của mình, họ nghĩ rằng họ chỉ là những người bị xã hội khinh rẻ và muốn loại bỏ. Nhưng một người như Giáo hoàng đã đến ân cần rửa chân cho họ và cúi xuống hôn lên bàn chân của một kẻ tội lỗi. Tâm hồn và lòng nhân ái con người ấy phải rộng lớn đến mức nào, thì con người ấy mới có hành động như vậy, và ngay lập tức họ trở thành một vị Thánh trong lúc đang sống một đời sống bình thường không có gì quá khác biệt với những người khác.

Giờ đây một sức mạnh vô hình từ hành động đó đang lan tỏa trong đời sống tinh thần của con người trên thế gian. Ai cũng biết rằng: các tông đồ của Chúa Giêsu không có nữ giới và không ít những người Hồi giáo trên thế giới chống lại những người theo Công giáo. Nhưng hơn ai hết, Giáo hoàng Phanxicô hiểu rằng: nếu phân biệt thân phận, đẳng cấp của con người, để từ đó phân biệt đối xử, và nếu thù hận những người có tôn giáo khác mình, chỉ làm cho chính tôn giáo hay lý tưởng cao quý mình đang theo đuổi trở nên ngăn cách với con người. Tình yêu thương con người phải được phủ ngập thế gian. Tình thương yêu không phải là sự chia phần hay ban phát và nó không bao giờ chọn lựa con đường thuận lợi nhất để thể hiện.

Nếu coi cộng đồng giáo dân trên khắp thế giới này là một đất nước, thì Giáo hoàng như là một vị Vua, một ngài Tổng thống, một vị Chủ tịch hay một chức vụ gì đó tương tự. Và ta có thể gọi một cách chung nhất là người lãnh đạo cao nhất của đất nước ấy. Khi nhìn theo cách đó, chúng ta lại thấy ý nghĩa lớn lao vô tận của hành động nói trên. Đó chính là cách một người lãnh đạo của một đất nước nghĩ về nhân dân mình, thương yêu nhân dân mình và hành động cho nhân dân mình. Hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ xưa kia và hành động Giáo hoàng Phanxicô rửa chân cho các phạm nhân hôm nay, làm gương cho những người lãnh đạo, không phải là kẻ trị vì và coi nhân dân như nô bộc của mình.

Lại nhớ đến truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của nhà văn Phạm Duy Tốn. Tác phẩm này nói về những kẻ làm quan thời Pháp thuộc. Một nhân vật chính trong tiểu thuyết đó là quan phụ mẫu. Trong khi nhân dân đang đứng trước thảm họa vỡ đê thì viên quan phụ mẫu vẫn sát phạt nhau trên chiếu bạc. Và khi viên quan phụ mẫu này ù một mẻ, thì ngoài kia hằng trăm người dân kêu khóc trong dòng nước cuốn trôi nhà cửa và con người vào đêm tối. Quan như vậy chỉ là bọn ác quan và chúng sẽ chẳng tồn tại mãi được.

Lại nhớ đến có những người hằng tuần đi nhà thờ, thường trích dẫn Kinh thánh trong khi nói chuyện, nhưng lại là một kẻ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Họ luôn luôn vỗ ngực coi mình là kẻ hơn người với một giọng ngạo mạn và coi thường người khác. Họ chưa bao giờ biết nhường nhịn ai và không bao giờ chịu là người thua thiệt. Thử hỏi: người ta đi lễ nhà
thờ để làm gì? Đọc Kinh thánh để làm gì? Phải chăng việc đi nhà thờ và đọc Kinh thánh chỉ là một món đồ trang sức, hoặc cứ đi nhà thờ và cứ đọc Kinh thánh nhưng chẳng hiểu một tí gì cả.

Câu chuyện của Giáo hoàng Phanxicô trong lễ Phục sinh năm nào không chỉ là câu chuyện cho những người theo đạo Công giáo, mà là một câu chuyện cho mọi con người và cho mọi quốc gia về tình yêu thương và sự phục vụ.

Hồng Long

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây