TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xác loài người sẽ sống lại

Thứ bảy - 29/05/2021 03:47 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   1230
Xác loài người sẽ sống lại

Xác loài người sẽ sống lại

Nhân một buổi cầu nguyện tại nghĩa trang công giáo, một người giáo dân đã đặt câu hỏi: “Tại sao lại có dòng chữ: ‘Nơi an nghỉ cuối cùng của các tín hữu’ tại cổng vào nghĩa trang, vì những người đã chết đâu có nằm đây mãi mãi?’ Câu hỏi khiến người viết bài này suy nghĩ và nghiệm ra rằng, trong “ngôn ngữ nhà đạo” có những khái niệm giáo lý, khi được diễn tả qua ngôn ngữ bình dân, đôi khi thiếu chính xác và dễ gây hiểu lầm.

Cách nói: “Xin cho các linh hồn được an nghỉ đời đời”; hoặc “Tiễn đưa ông/bà X. đến nơi an nghỉ cuối cùng”, có thể làm cho người ta hiểu, chỉ có linh hồn được cứu thoát, còn thân xác thì mãi mãi an nghỉ trong lòng đất. Tệ hại hơn, hạnh phúc thiên đàng có thể bị hiểu sai, giống như một giấc ngủ triền miên vĩnh viễn.

Cách nói: “Linh hồn Phêrô/Maria đã qua đời” (như trong kinh Vực Sâu) có thể làm cho người ta hiểu là linh hồn ấy đã chết, mà thực ra thì linh hồn được Chúa dựng nên bất tử. Trong phụng vụ, bản dịch Việt ngữ đã rất chi tiết khi đề rõ: “Ông Bà Anh Chị Em ... T đã nhắm mắt lìa đời”. Điều đó muốn khẳng định: cầu nguyện cho người qua đời tức là cầu nguyện cho người ấy được ơn cứu rỗi vinh quang cả hồn và xác.

Do ảnh hưởng của thuyết Nhị nguyên, đã có một thời người ta khinh ghét thân xác, cho rằng thân xác là tù ngục của linh hồn. Theo thuyết này thì linh hồn con người được một vị thần lành dựng nên và xác thịt lại do một thần dữ dựng nên để giam cầm linh hồn. Vì thân xác làm cho linh hồn ra xấu xa nên phải hành xác để nó không làm hại đến linh hồn. Quan niệm này ảnh hưởng nhiều đến lý tưởng tu trì thời trung cổ, được biết đến với những hình thức hãm mình ép xác và “đánh tội” rất nghiêm ngặt. Lối suy nghĩ này cũng tồn tại nơi nhiều người công giáo, cho rằng “xác đất vật hèn” nên ít để ý tới việc chăm sóc phần mộ người quá cố. Với cách lý luận và thực hành “đào sâu chôn chặt”, nhiều người đã mất phần mộ của người thân chỉ một thời gian ngắn sau khi họ qua đời. Rất may là từ vài thập kỷ trở lại đây, việc xây cất và chăm sóc phần mộ đã được nhiều người quan tâm để ý.

Giáo lý công giáo dạy chúng ta như sau: “Do sự chết, linh hồn bị tách biệt khỏi thân xác, nhưng khi phục sinh, Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống bất hoại cho thân xác đã được biến đổi của chúng ta, Ngài lại kết hợp nó với linh hồn chúng ta. Cũng như Đức Kitô đã phục sinh và sống muôn đời, tất cả chúng ta sẽ sống lại trong ngày sau hết” (SGLCG, số 1016).

Như thế, thân xác không nghỉ yên mãi mãi trong nấm mộ, cũng không vĩnh viễn tách lìa khỏi linh hồn. Trong cuộc sống trần gian, thân xác đã cộng tác với linh hồn để tôn vinh Chúa và làm những việc lành. Khi một người chết, thì linh hồn tách rời khỏi thể xác. Thân xác sẽ bị mục rữa trong lòng đất, còn linh hồn thì được dẫn đến trình diện Thiên Chúa và chịu phán xét, ngôn ngữ bình dân gọi là “cuộc phán xét riêng”. Linh hồn con người bất tử, nhưng thể xác con người, mặc dù đã mục nát trong lòng đất, cũng sẽ được sống lại để kết hợp với linh hồn vào ngày tận thế.

Thiên Chúa không chỉ cứu chuộc linh hồn, mà là cứu chuộc con người toàn vẹn. Không chỉ linh hồn được hưởng Thánh nhan Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu, mà là cả con người, tức là hồn và xác. Những người công chính sẽ được chiêm ngưỡng Chúa (bằng thị giác), cảm nghiệm sự tốt lành của Chúa (bằng trái tim) và được ca tụng Chúa muôn đời (bằng môi miệng).

Như thế, nấm mồ không phải là chốn định cư vĩnh viễn của con người. Nghĩa trang không phải là nơi an nghỉ cuối cùng. Nấm mồ và nghĩa trang chỉ là một điểm dừng, một “phòng đợi” nơi đó thân xác chờ đợi để được kết hợp với linh hồn. Đó là ý nghĩa của lời tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”.

Để giải tỏa mối băn khoăn về thân phận của thân xác và về sự sống bên kia cái chết, Thánh Phaolô đã viết cho giáo dân Côrintô: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cr 15, 42-44).

Đức tin vào sự sống lại của thân xác con người đặt nền tảng nơi sự phục sinh của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chết trên thập giá và đã được an táng trong mồ, nhưng Người đã sống lại vào ngày thứ ba. Người là vị tiên phong trong đoàn ngũ những người từ cõi chết sống lại. Thánh Phaolô gọi Đức Giêsu là “người mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20). Sự phục sinh của Người là một lời hứa hẹn và bảo đảm rằng chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Người. Trong sự sống lại của Người, chúng ta thấy hé mở niềm hy vọng của đời sống vĩnh cửu. Lời tuyên xưng “xác loài người ngày sau sống lại” đi liền với lời tuyên xưng vào sự sống đời đời cũng chứng minh cho thấy hạnh phúc Nước Trời dành cho con người trọn vẹn gồm cả thân xác và linh hồn. Vào ngày tận thế, người lành kẻ ác đều sẽ sống lại, nhưng người lành sống lại để được sống hạnh phúc, còn người ác sống lại để bị kết án một lần cho mãi mãi. Đức Giêsu đã khẳng định điều đó: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29).

Khi tin rằng xác loài người sẽ sống lại, chúng ta được mời gọi tôn trọng thân xác của mình và của người khác. Không những thân xác đã cộng tác với linh hồn để làm việc lành, mà thân xác còn được coi là Đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19). Việc thân xác phải trải qua sự chết được coi như là hậu quả của tội lỗi (x. Rm 5,12). Khi một người nhắm mắt xuôi tay, cũng là lúc người ấy trút bỏ một “mối nợ” hay một thù địch cuối cùng (x. 1 Cr 15,26). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã hiểu được điều ấy, nên sự chết không còn là nỗi lo sợ đối với Thánh nữ: “Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống…”. Chết chính là khởi đầu cho một cuộc sống mới, cũng là cuộc gặp gỡ trình diện với Đấng Tối cao.

Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Họ được chia sẻ vinh quang của Ngài. Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải là Chúa của kẻ chết. Con người sống trên trần gian có một mục đích: đó là được sống hạnh phúc với Chúa ngay từ cõi đời này và nhất là nơi Quê hương vĩnh cửu. Mỗi ngày sống tốt lành sẽ giúp chúng ta đến gần Chúa hơn. Mỗi việc tốt chúng ta làm sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Ngài trong chính cuộc sống hôm nay, như bảo đảm cho cuộc gặp gỡ trong hạnh phúc đời đời.

Những người theo đạo Ông Bà tưởng nhớ người đã khuất vào dịp Thanh Minh. Những anh chị em Phật giáo cầu nguyện cho cha mẹ vào dịp rằm tháng Bảy, gọi là “xá tội vong nhân”. Người công giáo cầu nguyện cho cha mẹ và những người qua đời mỗi ngày. Một cách đặc biệt, Giáo Hội dành cả tháng 11 dương lịch để cầu nguyện cho các linh hồn. Bên nấm mộ của những người thân, chúng ta ôn lại những kỷ niệm với người đã nằm xuống, đồng thời suy tư về ý nghĩa cuộc đời, về lối sống hiện tại của mình.

“Nay người, mai tôi”, thành ngữ ấy nhắc nhở cho chúng ta thấy mình đang đi về một đích điểm, đó là sự chết. Tuy vậy, đối với những ai tin tưởng và cậy trông nơi Chúa, thì sự chết sẽ là khởi đầu cho cuộc gặp gỡ hạnh phúc với Thiên Chúa. “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Lời tuyên xưng ấy giúp chúng ta tìm ra định hướng cuộc đời.

Hải Phòng, những ngày cuối tháng 10-2012
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây