TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giới trẻ cần nuôi dưỡng đức tin

Thứ bảy - 29/05/2021 03:50 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Nguyễn Hữu An |   1089
Giới trẻ cần nuôi dưỡng đức tin

Giới trẻ cần nuôi dưỡng đức tin

Những thao thức về việc nuôi dưỡng đức tin cho giới trẻ.

TỪ CÂU CHUYỆN ĐAU LÒNG

Chiều hôm nay 3.11,.2012, có một Chị vào nhà xứ xin trợ giúp. Đọc đơn xin giúp đỡ có xác nhận của chính quyền địa phương, tôi bàng hoàng về câu chuyện kể. Con trai đâm mẹ lưỡi dao xuyên tim, đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tôi lên mạng đọc báo Bình Thuận online có bài: Bi kịch từ một phút “bồng bột” (http://baobinhthuan.com.vn/vn/default.aspx?news_id=51589#content).

BT- Các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật giành lại mạng sống của người mẹ từ nhát dao chí tử của đứa con trai. Người anh cũng bị thương với vết đâm ở cổ trong một bi kịch gia đình xuất phát từ sự “bồng bột” của tuổi trẻ xảy ra sáng ngày 29/10 tại thôn Thắng Hòa, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc.

Tổ ấm

Người mẹ và cũng là nạn nhân trong vụ án là chị Đào Thị Diệu (SN 1970), và anh trai Ung Văn Tấn (SN 1990), cùng ngụ thôn Thắng Hòa, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc. Đối tượng gây án là Ung Văn Phát (SN 1993) vừa tốt nghiệp THPT và thi trượt Đại học Y dược. Theo sự hướng dẫn của người dân, sáng hôm qua (30/10), chúng tôi tìm đến nhà chị Diệu, căn nhà cấp 4 nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo, thuộc thôn Thắng Hòa, nơi nổi tiếng về nghề làm gốm lò đất bán đi các tỉnh. Theo người nhà và những người hàng xóm, Phát vốn rất hiền lành, chịu thương chịu khó nên bạn học cùng trường ai cũng mến. Ngoài giờ học ở trường, về nhà Phát còn phụ giúp cha mẹ trong công việc làm lò đất. Công việc đúc lò cũng là nguồn thu nhập chính, cùng với đồng lương công nhân ở khu công nghiệp của ba. Dù kinh tế chẳng mấy dư dả, nhưng anh em của Phát đều được quan tâm cho học hành đến nơi đến chốn: anh trai Phát đã học xong cao đẳng và hiện đang học liên thông đại học; chị gái của Phát hiện đang học năm 2 của Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận và 1 người em khác hiện đang học lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Văn Linh.

Sự hối hận của Phát tại cơ quan điều tra

Sau khi thi trượt đại học, Phát nuôi ý định đi luyện thi đại học. Muốn vậy nhưng Phát chưa bao giờ đòi hỏi bởi gia đình không mấy khá giả. Hiểu tâm tư con, chị Diệu cũng động viên Phát và hứa hẹn cố gắng phụ giúp việc đúc lò để dành dụm tiền mua điện thoại, xe máy như bao bạn bè để đi ôn thi. Nghe gia đình, Phát cũng lao vào phụ giúp cha mẹ công việc để thực hiện ước mơ. Tuy nhiên thời gian gần đây, do kinh tế có phần khó khăn nên số tiền dành dụm mua điện thoại cho Phát, chị Diệu đã lo trang trải việc học của các con. Về phần Phát, khi bạn bè trang lứa đứa đi học hay ở nhà đều được cha mẹ lo cho đầy đủ, trong khi bản thân làm đầu tắt mặt tối nhưng lại không có gì, nên sự tự ti cứ ngày một lớn dần. Vốn dĩ rụt rè ít nói, nhiều lần Phát cũng tỵ nạnh so bì nhưng gia đình nghĩ chưa đến lúc, sợ con đua đòi hư hỏng nên động viên và khước từ. Do đó giữa Phát và gia đình bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn.

Nước mắt chảy ngược !

Theo lời người nhà của Phát, đêm 28/10, Phát xếp quần áo cho vào ba lô nhưng hỏi đi đâu thì không nói. Sáng hôm sau, Phát lấy điện thoại của anh trai định bỏ đi thì bị phát hiện và yêu cầu trả lại nhưng Phát không đưa, đồng thời đòi đưa tiền để đi TP.HCM ôn thi thì bị mẹ và anh ngăn cản. Chị Diệu sau đó la mắng và điện thoại cho chồng thì bị Phát uất ức giật điện thoại đập nát. Giữa Phát và anh trai sau đó tiếp tục lời qua tiếng lại thì Phát chạy xuống nhà lấy con dao. Chị Diệu sau đó can ngăn, giằng co đã bị Phát đâm 1 nhát trúng ngực và đâm anh trai 1 nhát vào cổ. Gây án xong, Phát lấy chiếc túi xách bên trong có hơn 8,5 triệu đồng của mẹ và ra quốc lộ 1A đi xe buýt xuống Phan Thiết và bắt taxi để đi vào TP.HCM như đã hẹn với một người bạn học trước đó. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp cùng Trạm Cảnh sát giao thông 16/1, đóng trên địa bàn huyện Hàm Tân tiến hành chốt chặn và bắt giữ khi taxi chở Phát đi đến địa bàn xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Chỉ vì một lý do đơn giản, với sự ức chế và bồng bột của tuổi trẻ, Phát đã đẩy gia đình vào bi kịch khi hiện cả mẹ và anh trai phải nằm điều trị trong sự chăm sóc đặc biệt của các y, bác sĩ. Người cha thì phải tạm thời nghỉ việc để cùng lo chăm sóc cho cả hai đang nằm điều trị. Riêng hành động vi phạm pháp luật của Phát đang phải đối mặt với vòng lao lý. Hồi tỉnh sau cơn hôn mê sâu kéo dài, tiếc nuối vì hành động của con, trong tiếng nấc nghẹn lòng, chị Diệu chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Sự việc cũng là bài học chung cho những bạn trẻ tuổi với sự suy nghĩ nông cạn và hành động bộc phát.

Giành lại sự sống từ tay tử thần

BT- 8h30 phút sáng ngày 29/10, chị Đào Thị Diệu được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng hôn mê sâu với mạch và huyết áp bằng 0, do vết thương ở vùng tim gây mất nhiều máu. Sau khi đưa lên bàn mổ, chị Diệu ngưng thở và tim ngừng đập. Xác định đây là ca nguy cấp, ngay sau khi hồi sức tích cực nhịp tim bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục trở lại, trong tình thế “còn nước còn tát”, ê kíp phẫu thuật gồm 11 y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh do bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình làm trưởng ê kíp đã tiến hành mở lòng ngực khâu lại vết đâm thủng tim ở tâm thất trái cho chị Diệu. Hơn 20 đơn vị máu truyền cho chị Diệu được lấy từ ngân hàng máu của bệnh viện và huy động từ người nhà và các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Y tế, nơi em Ung Thị Bích Hòa (chị của Phát) đang theo học. Theo bác sĩ Phong, sau ca phẫu thuật, hiện sức khỏe chị Diệu đã dần hồi phục. Nhiều trường hợp như chị Diệu nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời sẽ rất dễ tử vong do mất nhiều máu.

Chị Diệu đã qua cơn nguy kịch sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ.

Trần Huỳnh

Đọc câu chuyện thương tâm gợi lên nhiều thao thức trăn trở về vấn đề giáo dục hiện nay.

Một mối nguy cho các bậc phụ huynh và những nhà chức trách lãnh đạo hiện nay là bạo lực học sinh. Bạo lực thường chỉ xảy ra ở những tầng lớp xã hội đen. Nhưng ngày nay, bạo lực đã chen chân vào học đường, vào gia đình. Những chàng trai, cô gái vốn hiền lành, ngoan ngoãn thông minh, dễ thương nay lại trở nên tàn bạo, độc ác. Học sinh hư hỏng, thiếu lễ phép, thiếu phẩm chất của một học trò, giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp đang là vấn nạn mà có thể lên đến quốc nạn của tương lai đất nước.

Đối với Giới trẻ Công Giáo, các Đức Giám Mục Việt Nam quan tâm đặc biệt.

Thư Chung HĐGMVN, hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của viết:

“Giới trẻ Việt Nam rất năng động, sẵn sàng tham gia những giao lưu và sinh hoạt xã hội. Họ mau chóng nắm bắt những thành quả của công nghệ hiện đại để nâng cao kiến thức và giúp ích cho đời. Tuy nhiên, chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nửa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh… đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, miễn là không bị bắt hay không ai nhìn thấy. Tiêu chuẩn tốt xấu trở thành tương đối và như thế, có dấu hiệu về sự phá sản lương tâm” (số 5).

“Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng Dân Chúa.Tại Việt Nam, Giáo Hội nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Công việc mục vụ đó cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. Nhờ đời sống thiêng liêng vững mạnh, giới trẻ Công Giáo sẽ góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi” (số 29).

Thư mục vụ Năm Đức Tin HĐGMVN viết: Do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ Công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái. (số 5). Giáo dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ linh mục đến nỗi “các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được từ nơi Chúa”. Do đó, trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn giáo phận, anh em linh mục hãy dành thời giờ, năng lực và nhiệt tâm cho công việc hết sức quan trọng và cần thiết này, đặc biệt trong việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới trẻ. Anh em cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ giáo lý viên, những người trực tiếp cộng tác với chúng ta trong việc thông truyền đức tin cho thế hệ trẻ (số 9).

Các Đức Giám Mục các Giáo phận đã gởi thư mục vụ Năm Đức Tin cho mọi thành phần Dân Chúa. Qua những giáo huấn, các ngài rất lưu tâm đến giới trẻ.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, nhắc nhở các linh mục và giáo dân “Hãy cố gắng tái truyền giáo cho những giáo xứ hay giáo họ đã bị mai một về đức tin và hãy thiết thực đối phó và giúp các bạn trẻ đang bị lung lạc đức tin trước những trào lưu xã hội và các giáo phái”.

Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, GM Long Xuyên viết. “Giáo phận hướng về giới trẻ để thi hành tác vụ giáo dục đức tin, làm cho đức tin của thanh thiếu niên được hiểu biết, đào sâu và cảm nghiệm trong cuộc lữ hành cuộc đời, nhờ đó, người trẻ nhiệt tâm và quảng đại trở thành nhân chứng đáng tin cậy cho Đức Kitô Phục sinh, và có thể chỉ cho con người đương thời biết cánh cửa đức tin – Porta Fidei dẫn vào Nước Thiên Chúa”.

Đức cha Giuse Võ Đức Minh, GM Nha Trang mời gọi giới trẻ và thiếu nhi “hãy nỗ lực và siêng năng học giáo lý theo độ tuổi của mình, yêu mến các bài ca ý lực sống, để trong Năm Đức Tin, Lời Chúa trong các bài ca ý lực này được vang lên trong tâm hồn của người trẻ, cũng như trong mỗi gia đình và giáo xứ”.

Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, GM Quy Nhơn “Năm Đức Tin cũng là một thời gian thích hợp để tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ, đặc biệt trong thánh lễ. Nếu không có phụng vụ và các bí tích thì việc tuyên xưng đức tin sẽ không hiệu quả, vì thiếu ơn thánh nâng đỡ, trợ giúp”.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp GM Vinh khẳng định: “Đức tin không chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng nơi đầu môi chót lưỡi hay giới hạn ở nhà thờ, mà cần thể hiện trong đời sống thường và đi vào mọi lãnh vực của cuộc sống”. Môi trường xã hội hôm nay đầy bất công, bất trắc, bất an và bất ổn, vì vậy “người Công giáo phải là những chứng nhân không những về đời sống tâm linh, mà còn về những đức tính nhân bản như ngay thẳng, thật thà, hiền lành, trong sạch và trung tín”.

Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của hy vọng, đầy mộng mơ và lý tưởng. Vì thế, người trẻ nên sáng suốt cân nhắc lựa chọn đâu là điều tốt cho mình, cái gì là tốt đẹp và hành động theo đó, tránh xa những cái xấu và dịp tội để làm đẹp cho tâm hồn mình, trở thành người có ích cho Giáo hội và Xã hội.

Trong Năm Đức Tin này, các bạn trẻ hãy siêng năng tham dự Thánh lễ hằng ngày nhất là Thánh lễ Chúa Nhật một cách ý thức, tích cực, hãy trở nên những chứng nhân đích thực của Đức Tin. Các bạn hãy chú tâm thực thi bác ái là dấu chỉ tích cực của việc tuyên xưng và sống Đức Tin. Hãy sống Đức Tin, phát triển Đức Tin, kiên trì trong Đức Tin và truyền bá Đức Tin.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: kinhthanh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây