TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Con đường hòa giải với thổ dân Canada

Chủ nhật - 04/07/2021 20:09 | Tác giả bài viết: |   914
Nhiều lãnh tụ thổ dân tái lên tiếng đòi Đức Giáo Hoàng xin lỗi. Có những người biểu lộ phẫn nộ qua việc đốt các thánh đường tại những vùng thổ dân.

Con đường hòa giải với thổ dân bản xứ Canada

Từ cuối tháng 5/2021, dư luận tại Canada và nhiều nơi khác lại tỏ ra đặc biệt xúc động về những vụ khám phá các ngôi mộ vô danh của các học sinh thuộc các trường nội trú thổ dân: 215 mộ tại Kamloops, bang British Colombia, rồi 750 mộ tại bang Saskatchewan và 182 mộ hồi cuối tháng 6/2021 tại St. Eugene gần Cranbrook, cũng thuộc bang British Colombia.

Loan báo phái đoàn thổ dân sang Vatican

Nhiều lãnh tụ thổ dân tái lên tiếng đòi Đức Giáo Hoàng xin lỗi. Có những người biểu lộ phẫn nộ qua việc đốt các thánh đường tại những vùng thổ dân. Trong bối cảnh trên đây, hôm 29/6/2021, Hội Đồng Giám Mục Canada thông báo về việc phái đoàn thổ dân bản xứ và các Giám Mục nước này sẽ sang Canada từ ngày 17 đến 20/12 năm nay để gặp Đức Thánh Cha.

Thông cáo có đoạn viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất muốn nghe trực tiếp từ các thổ dân, bày tỏ sự gần gũi chân thành, nói đến ảnh hưởng của chế độ thực dân và vai trò của Giáo Hội trong hệ thống các trường nội trú, với hy vọng đáp ứng những đau khổ của các thổ dân và những hậu quả của chấn thương còn kéo dài giữa các thế hệ. Các Giám Mục Canada đánh giá rất cao tinh thần cởi mở của Đức Thánh Cha trong việc quảng đại mời mỗi nhóm đại biểu đích thân gặp gỡ ngài, họ thuộc 3 nhóm khác nhau: các thổ dân đầu tiên, những người lai và người Inuit, và ngài sẽ tiếp kiến chung tất cả các đại biểu vào ngày 20/12.”

Nhìn lại lịch sử

Các trường nội trú dành cho các học sinh thổ dân Canada nằm trong chính sách của người Âu, đặc biệt là đế quốc Anh và Pháp hồi thế kỷ 17 tại bắc Mỹ, với xác tín cần phải mang “ánh sáng văn minh” cho những dân man di. Người da trắng vốn coi mình cao cấp hơn những người dân bản địa và vì thế cần phải giáo hóa những dân còn man rợ ấy. Chính sách này được đẩy mạnh sau cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh hồi năm 1812. Cho đến cuộc chiến ấy, các thực dân định cư vẫn để yên cho các thổ dân bản xứ, vì những người này được coi là đồng minh trong các cuộc tranh chấp. Nhưng sau chiến tranh, các thực dân người Âu chuyển sang một ưu tiên khác, đó là muốn định cư và cai trị trên toàn lãnh thổ Canada.

Các trường nội trú thổ dân

Cho đến bấy giờ, các thổ dân ở Canada, nay được gọi là những dân tộc đầu tiên (First Nations), thường sống như những người du mục, săn bắn để sinh nhai. Để hòa nhập các thổ dân này với chế độ định cư, chính quyền thực dân chủ trương “văn minh hóa” các nhóm dân bản xứ, và tìm mọi cách để những người này từ bỏ văn hóa riêng, chấp nhận ngôn ngữ và văn hóa của người Âu. Với mục đích ấy, nhà cầm quyền thổ dân thiết lập các “trường nội trú thổ dân” từ năm 1880, buộc các trẻ em thổ dân phải rời bỏ bộ tộc và gia đình đến sống tại các trường đó hầu được giáo dục về văn minh, học tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, và không được sử dụng tiếng mẹ đẻ của các em nữa. Thậm chí cả các anh chi em ruột cũng không được tiếp xúc với nhau. Các học sinh phải cắt tóc ngắn, mặc đồng phục, và phải từ bỏ các truyền thống văn hóa của các em. Trong kế hoạch này, chính quyền thực dân nhờ đến sự cộng tác của các dòng tu Công Giáo hoặc Giáo Hội Anh giáo hay Tin Lành; chính phủ tài trợ cho các dòng hoặc các thừa sai. Tổng cộng có khoảng 150 ngàn học sinh thổ dân sống và theo học tại các trường ấy.

Tại các trường nội trú đó, cũng xảy ra những vụ lạm dụng, nhiều khi các học sinh bị ngược đãi, bị trừng phạt nghiêm khắc và không thiếu những vụ lạm dụng tính dục. Tỷ lệ tử vong tại các trường nội trú cao hơn bình thường.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Nỗi đau khổ của các cộng đoàn thổ dân ở Canada được nói đến từ lâu và họ cũng khiếu nại với Tòa Thánh về vấn đề này.

Ngày 29/4/2009, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã tiếp ông Phil Fontaine, Đại thủ lãnh của Hội đồng các “Dân tộc đầu tiên của Canada”, được Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Canada, James Weisberger, Tổng Giám Mục giáo phận Winnipeg, cùng đi. Theo thông cáo được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố sau đó, Đức Giáo Hoàng “đau buồn vì những lo âu do hành động đáng trách của một số phần tử của Giáo Hội Công Giáo gây ra và ngài bày tỏ sự cảm thông và tình liên đới với các thổ dân”.

Phúc trình của Ủy ban sự thật và hòa giải

6 năm sau đó, năm 2015, một bộ phúc trình 6 cuốn được Ủy ban sự thật và hòa giải tại Canada công bố sau hơn 6 năm làm việc. Ủy ban do chính phủ Canada thành lập và tài trợ để điều tra về các trường nội trú thổ dân. Phúc trình này cáo cuộc một số dòng tu nam nữ đã cộng tác với Nhà Nước Canada, hỗ trợ và che đậy chế độ bạo hành thể lý và tâm lý đối với các em học sinh thổ dân trong các cơ sở giáo dục.

Trong số 94 lời kêu gọi được Ủy ban đưa ra trong Phúc trình, có số 58 kêu gọi Đức Giáo Hoàng đích thân nhân danh Giáo Hội Công Giáo xin lỗi các thổ dân và gia đình họ vì “Vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc lạm dụng tinh thần, văn hóa, cảm xúc, thể lý và tính dục đối với các em thổ dân tại các trường nội trú.”

Sau đó chính thủ tướng Justin Trudeau của Canada, trong cuộc viếng thăm Vatican hồi năm 2017, đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng đích thân đến Canada để xin lỗi các thổ dân.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Về lời yêu cầu xin lỗi trên đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cho Đức Cha Lionel Gendron, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada, để cho biết ngài không thể đích thân đáp ứng yêu cầu đó nhưng khuyến khích các Giám Mục địa phương hãy tiếp tục con đường hòa giải và liên đới với các cộng đoàn thổ dân.

Theo nhiều nhận xét, người ta có cảm tưởng đằng sau câu trả lời này có một ý muốn tách lời yêu cầu xin lỗi ra khỏi những động lực chính trị đằng sau đó.

Gần đây nhất là trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6/6/2021, Đức Thánh Cha nhắc đến vụ khám phá di cốt các học sinh tại Kamloops và nói: “Tôi hiệp ý với các Giám Mục và toàn thể cộng đồng Công Giáo tại Canada bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Canada đang xúc động mạnh mẽ và bị chấn thương vì tin này kinh khủng này. Sự khám phá đau buồn ấy càng gia tăng ý thức về những đau khổ quá khứ. Ước gì Chính quyền và các vị lãnh đạo tôn giáo của Canada tiếp tục cộng tác quyết liệt để làm sáng tỏ vụ đau buồn này và khiêm tốn dấn thân trong một hành trình hòa giải và chữa lành.”

“Những lúc đau buồn này là một lời mời gọi mạnh mẽ cho tất cả chúng ta, để xa tránh kiểu mẫu thực dân và những chính sách thực dân hóa ý thức hệ ngày nay, và tiến bước song song trong cuộc đối thoại, tôn trọng nhau và nhìn nhận các quyền cũng như các giá trị văn hóa của mọi con dân Canada. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa các linh hồn mọi trẻ em chết tại trường nội trú Canada và cầu nguyện cho các gia đình và các cộng đoàn thổ dân Canada bị đau khổ…”

Các Giám Mục Canada

Nơi các Giám Mục Canada, không có ý kiến đồng nhất về việc Đức Giáo Hoàng phải đích thân xin lỗi các thổ dân, tuy rằng nhiều vị đã lên tiếng xin lỗi các cộng đoàn thổ dân ở địa phương.

Đặc biệt, Đức Hồng Y Thomas Collins, Tổng Giám Mục Toronto, là giáo phận lớn nhất tại Canada, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CBC của Canada hôm 6/6/2021, đã nói rằng việc Đức Giáo Hoàng xin lỗi cần diễn ra trong một cuộc viếng thăm của ngài tại Canada, và điều này đòi một số “bước tiến” từ phía chính phủ cũng như các vị lãnh đạo Giáo Hội tại Canada, và nhiều khía cạnh khác trong việc tổ chức, tài chánh, v.v…

Nhắc đến tuyên bố của thủ tướng Justin Trudeau hôm thứ sáu 4/6/2021 yêu cầu Đức Thánh Cha xin lỗi và đòi Giáo Hội Công Giáo trao nộp tất cả những văn khố tài liệu về vấn đề này, đồng thời đe dọa rằng chính phủ có “những phương thế” để áp dụng nếu Giáo Hội không trao các văn khố và tài liệu, Đức Hồng Y Collin nói: những nhận xét của thủ tướng Trudeau “cực kỳ không giúp ích” và thiếu thông tin. Các hồ sơ tài liệu về vấn đề này hiện có tại viện bảo tàng của bang British Columbia. Các tổ chức Công Giáo khác có liên hệ cũng phải giao những tài liệu về các trường học thổ dân nếu họ chưa làm.

Trả lời câu hỏi: Giáo Hội Công Giáo tại Canada có đáp ứng lời yêu cầu xin lỗi hay không? Đức Hồng Collins đáp: về pháp lý, không có thực thể nào gọi là “Giáo Hội Công Giáo tại Canada”: mỗi giáo phận Công Giáo và dòng tu là một thực thể pháp lý độc lập. Trong số 70 giáo phận tại Canada, 16 giáo phận có những trường nội trú cho các em thổ dân. Ngoài ra có khoảng 36 dòng tu Công Giáo liên quan tới các trường học. “Mỗi giáo phận và dòng tu chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Nhiều giáo phận hoặc dòng tu đảm trách các trường nội trú thổ dân đã xin lỗi từ hồi đầu thập niên 1990”. Các Giám Mục Canada cùng với một số dòng tu xin lỗi hồi năm 1991 vì những lạm dụng trong các trường nội trú”. (CNA 7-6-2021)

Nguyên Giám Mục Calgary

Về phần Đức Cha Fred Henry, nguyên Giám Mục Calgary, bang Alberta, trong thư gửi thủ tướng Justin Trudeau, ngài viết: trong khi các vị lãnh đạo Công Giáo phải nhìn nhận phần tội lỗi của mình trong các vụ lạm dụng, chính quyền liên bang Canada phải nhìn nhận trách nhiệm chủ yếu của mình về các trường nội trú thổ dân. Như Ủy ban Sự thật và hòa giải xác nhận, chính quyền Liên bang Canada đã không tài trợ và trang bị thích hợp cho các trường học ấy, và không thiết lập các tiêu chuẩn y tế đúng đắn cũng như các qui luật về các nghĩa trang. Đức cha viết: “Câu hỏi cơ bản về các học sinh bị mất tích là: ai chết, tại sao họ chết? Họ được chôn ở đâu? Đó là những câu hỏi không hề được đặt ra hoặc đề cập rộng rãi trong toàn bộ các tài liệu và văn kiện của chính phủ Canada về những vụ này”. (CNA 26-6-2021)

Trong bối cảnh trên đây, như thông cáo ngày 29/6/2021, “Các Giám Mục Canada tái bày tỏ hy vọng chân thành các cuộc gặp gỡ tới đây sẽ dẫn tới an bình và hòa hợp chung trong tương lai giữa các thổ dân và Giáo Hội Công Giáo tại Canada”.

Giuse Trần Đức Anh O.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây