TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y

Thứ ba - 03/10/2023 09:33 | Tác giả bài viết: |   555
Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố các câu trả lời của Đức Thánh Cha cho các “nghi vấn” được 5 Hồng y (Walter Brandmuller và Raymond Leo Burke, Juan Sandoval Iñiguez, Robert Sarah và Giuse Trần Nhật Quân) gửi đến ngài hồi tháng 7
ĐTC trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y

Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố các câu trả lời của Đức Thánh Cha cho các “nghi vấn” được 5 Hồng y (Walter Brandmuller và Raymond Leo Burke, Juan Sandoval Iñiguez, Robert Sarah và Giuse Trần Nhật Quân) gửi đến ngài hồi tháng 7, liên quan đến việc giải nghĩa Mặc khải của Thiên Chúa, việc chúc lành cho các kết hợp của những người đồng tính, hiệp hành là một chiều kích cấu thành của Giáo hội, việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và việc sám hối như điều kiện cần thiết của bí tích giải tội.

1. Nghi vấn liên quan đến khẳng định rằng Mặc khải của Thiên Chúa nên được diễn giải lại dựa trên những thay đổi về văn hóa và nhân chủng học hiện nay.

Tiếp theo những tuyên bố của một số giám mục, những điều chưa được sửa chữa cũng như chưa rút lại, chúng con tự hỏi liệu Mặc khải của Thiên Chúa có nên được diễn giải lại trong Giáo hội theo những thay đổi văn hóa của thời đại chúng ta và tầm nhìn nhân học mới được thúc đẩy bởi những thay đổi này hay không. Hoặc nếu, ngược lại, Mặc khải của Thiên Chúa là ràng buộc vĩnh viễn, bất biến và do đó không thể bị mâu thuẫn, theo Công đồng Vatican II, vốn khẳng định rằng “sự vâng phục bằng đức tin” phải được bày tỏ với Thiên Chúa, Đấng Mặc khải, (Dei Verbum 5); rằng những gì được mặc khải để cứu rỗi mọi dân tộc phải “mãi mãi nguyên vẹn và sống động”, và được “truyền lại cho mọi thế hệ” (7), và rằng sự tiến bộ về hiểu biết không bao hàm bất kỳ sự thay đổi nào về sự thật của sự vật và lời nói bởi vì đức tin “được truyền lại một lần cho tất cả” (8), và Huấn quyền của Giáo hội không cao hơn Lời Chúa, nhưng chỉ dạy những gì đã được truyền lại (10).

Trả lời cho Nghi vấn thứ nhất

a) Câu trả lời phụ thuộc vào ý nghĩa mà anh em gán cho từ “diễn giải lại”. Nếu nó được hiểu là “diễn giải tốt hơn” thì cách nói đó hợp lệ. Theo nghĩa này, Công đồng Vatican II đã khẳng định rằng điều cần thiết là với công việc của các nhà chú giải - và tôi muốn thêm vào các nhà thần học – “phán quyết của Giáo hội có thể thêm hoàn hảo” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 12).

b) Vì vậy, mặc dù sự thật là Mặc khải của Thiên Chúa là bất biến và luôn ràng buộc, nhưng Giáo hội phải khiêm tốn và nhận ra rằng mình không bao giờ hiểu hết sự phong phú khôn dò của Mặc khải và cần phải phát triển trong sự hiểu biết của mình.

c) Do đó, Giáo Hội cũng trưởng thành trong sự hiểu biết về những điều Giáo Hội đã khẳng định trong Huấn Quyền của mình.

d) Những thay đổi về văn hóa và những thách đố mới trong lịch sử không làm thay đổi Mặc khải nhưng có thể kích thích chúng ta diễn tả cách tốt hơn một số khía cạnh của sự phong phú tràn đầy của Mặc khải, điều luôn mặc khải nhiều hơn.

e) Thật không thể tránh khỏi rằng điều này có thể dẫn đến việc diễn đạt tốt hơn của Huấn quyền về một số tuyên bố trước đây, và quả thực, điều này đã xảy ra trong suốt lịch sử.

f) Một mặt, đúng là Huấn Quyền không cao hơn Lời Chúa, nhưng cũng đúng là cả các bản văn Kinh Thánh lẫn các chứng từ của Thánh Truyền đều cần sự giải thích để phân biệt bản chất vĩnh tồn của những điều này với các hoàn cảnh văn hóa. Ví dụ, điều này được thể hiện rõ ràng trong các bản văn Kinh Thánh (như Xuất hành 21,20-21) và trong một số can thiệp của huấn quyền nhằm dung túng chế độ nô lệ (Cf. Pope Nicholas V, Bull Dum diversas, 1452). Đây không phải là một vấn đề nhỏ vì nó có mối liên hệ mật thiết với chân lý ngàn đời về phẩm giá bất khả nhượng của con người. Những văn bản này cần được giải thích. Điều tương tự cũng áp dụng cho một số điều cân nhắc trong Tân Ước liên quan đến phụ nữ (1 Cr 11,3-10; 1 Tm 2,11-14) và các đoạn Kinh Thánh khác cũng như những chứng từ Truyền thống mà ngày nay không thể được lặp lại một cách cụ thể nguyên văn.

g) Điều quan trọng cần nhấn mạnh là điều không thể thay đổi chính là những gì đã được mặc khải “vì ơn cứu độ của mọi người” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 7). Vì vậy, Giáo hội phải không ngừng phân biệt giữa điều gì là cốt yếu cho ơn cứu độ và điều gì là thứ yếu hoặc ít liên quan trực tiếp hơn đến mục tiêu này. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại điều Thánh Tôma Aquinô đã khẳng định: “Càng đi sâu vào các vấn đề chi tiết, chúng ta càng thường xuyên gặp phải những điều bất tất” (Summa Theologiae I/II q. 94, art. 4).

h) Cuối cùng, một công thức đơn lẻ của chân lý không bao giờ có thể được hiểu một cách đầy đủ nếu nó được trình bày một cách cô lập, tách rời khỏi bối cảnh phong phú và hài hòa của toàn bộ Mặc khải. “Phẩm trật các chân lý” cũng bao hàm việc đặt mỗi chân lý trong mối liên hệ đúng đắn với các chân lý trung tâm và với toàn bộ giáo huấn của Giáo hội. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến những cách khác nhau để trình bày cùng một học thuyết, mặc dù “đối với những ai ao ước có một tổng thể học thuyết đồng nhất buộc mọi người phải theo và không có chỗ cho những khác biệt, thì điều này có thể có vẻ không nên và có thể dẫn tới tình trạng hỗn độn. Nhưng trên thực tế, sự khác biệt có thể giúp làm sáng tỏ và phát triển các góc cạnh khác nhau trong sự phong phú vô tận của Tin Mừng” (Evangelii gaudium, 40). Mọi luồng thần học đều có những rủi ro nhưng cũng có những cơ hội.

2. Nghi vấn liên quan đến việc khẳng định rằng việc thực hành rộng rãi việc chúc lành cho các cặp đồng tính là phù hợp với Mặc khải và Huấn Quyền (CCC 2357).

Theo Mặc khải của Thiên Chúa, được chứng thực trong Kinh Thánh, mà Giáo hội “sốt sắng lắng nghe, cẩn trọng gìn giữ và trung thành trình bày theo lệnh truyền của Thiên Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (Dei Verbum, 10): “Lúc khởi đầu,” Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, theo hình ảnh Thiên Chúa, Người đã tạo dựng họ; Người đã tạo dựng người nam và người nữ, và chúc lành cho họ sinh sôi nảy nở (x. St 1,27-28) và do đó, Thánh Tông đồ Phaolô dạy rằng phủ nhận sự khác biệt giới tính là hậu quả của việc phủ nhận Đấng Tạo Hóa (Rm 1,24-32). Chúng tôi tự hỏi liệu Giáo hội có thể đi chệch khỏi “nguyên tắc” này, trái ngược với những gì đã được dạy trong Veritatis splendor - Ánh quang Chân lý - số 103, như một lý tưởng đơn thuần, và chấp nhận những tình huống tội lỗi khách quan như “điều tốt có thể”, ví dụ như sự kết hợp của những người cùng giới tính, mà vẫn không rời xa giáo lý mặc khải?

Đức Thánh Cha trả lời nghi vấn thứ hai

a) Giáo hội hiểu rất rõ ràng về hôn nhân: một sự kết hợp độc nhất, ổn định và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, một cách tự nhiên hướng đến việc sinh sản. Chỉ có sự kết hợp này mới có thể được gọi là “hôn nhân”. Các hình thức kết hợp khác chỉ thể hiện điều đó “một phần và tương tự” (Amoris Laetitia 292), vì vậy chúng không thể được gọi là “hôn nhân” theo nghĩa chặt.

b) Đây không chỉ là vấn đề tên gọi, nhưng thực tại mà chúng ta gọi là hôn nhân có một cấu tạo thiết yếu duy nhất đòi hỏi một cái tên độc quyền, không thể áp dụng cho các thực tại khác. Chắc chắn nó không chỉ là một “lý tưởng” đơn thuần.

c) Vì lý do này, Giáo hội tránh bất kỳ loại nghi thức hay bí tích nào có thể mâu thuẫn với xác tín này và khiến nghĩ rằng Giáo hội nhìn nhận là hôn nhân điều không phải là hôn nhân.

d) Tuy nhiên, trong các mối quan hệ của chúng ta với mọi người, chúng ta không được đánh mất lòng bác ái mục vụ, điều thấm nhuần mọi quyết định và thái độ của chúng ta. Việc bảo vệ sự thật khách quan không phải là biểu hiện duy nhất của lòng bác ái này, điều cũng bao gồm lòng tốt, sự kiên nhẫn, sự hiểu biết, sự dịu dàng và sự khích lệ. Vì vậy, chúng ta không thể là những thẩm phán chỉ phủ nhận, bác bỏ và loại trừ.

e) Do đó, sự khôn ngoan mục vụ phải phân định một cách thích đáng xem có những hình thức chúc lành nào, được một hoặc nhiều người yêu cầu, mà không truyền tải một quan niệm sai lầm về hôn nhân hay không. Vì khi cầu xin một phước lành, đó là bày tỏ lời cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ, cầu xin để sống tốt hơn, tin tưởng vào một người Cha có thể giúp chúng ta sống tốt hơn.

f) Mặt khác, mặc dù có những tình huống, từ quan điểm khách quan, không thể chấp nhận được về mặt luân lý, nhưng cùng đức ái mục vụ đòi hỏi chúng ta không chỉ đơn giản coi những người khác là “tội nhân”, những người mà tội lỗi hoặc trách nhiệm của họ có thể được giảm nhẹ bởi các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến trách nhiệm chủ quan của họ (xem Thánh Gioan Phaolô l II, Reconciliatio et paenitentia, 17).

g) Những quyết định mà có thể là một phần của sự thận trọng mục vụ trong một số hoàn cảnh nhất định không nhất thiết phải trở thành một quy luật. Nghĩa là, sẽ không thích hợp nếu một Giáo phận, một Hội đồng Giám mục hoặc bất kỳ cơ cấu Giáo hội nào khác liên tục và chính thức cho phép các thủ tục hoặc nghi lễ đối với mọi loại vấn đề, bởi vì không phải mọi thứ “làm nên sự phân định thực tế trước những hoàn cảnh cụ thể đều có thể được nâng lên mức độ của một quy luật” vì điều này “sẽ làm nảy sinh một lối ngụy biện không thể chấp nhận được” (Amoris laetitia, 304). Giáo luật không nên và không thể bao gồm tất cả mọi thứ, và ngay cả các Hội đồng Giám mục với các tài liệu và nghi thức khác nhau của họ cũng thế, vì đời sống của Giáo hội thể hiện qua nhiều kênh khác ngoài các kênh quy phạm.

3. Nghi vấn liên quan đến khẳng định rằng tính hiệp hành là một “chiều kích cấu thành của Giáo hội” (Tông hiến Episcopalis communio, 6), đến mức Giáo hội về bản chất là có tính hiệp hành.

Xét rằng Thượng Hội đồng Giám mục không đại diện cho giám mục đoàn mà chỉ đơn thuần là cơ quan cố vấn của Giáo hoàng, vì các giám mục, với tư cách là những nhân chứng của đức tin, họ không thể uỷ thác việc tuyên xưng sự thật của họ, nên câu hỏi đặt ra là liệu tính hiệp hành có thể là tiêu chuẩn quy định tối cao của việc quản trị thường trực của Giáo hội mà không làm sai lệch cơ cấu cấu thành của Giáo hội hay không, điều mà Đấng sáng lập Giáo hội mong muốn, theo đó, thẩm quyền tối cao và đầy đủ của Giáo hội được thực thi bởi cả Giáo hoàng do chức vụ của ngài, và bởi Giám mục đoàn cùng với người đứng đầu của họ, là Đức Giáo hoàng (Lumen gentium, 22).

Đức Thánh Cha trả lời cho nghi vấn thứ ba

a) Vì rằng anh em thừa nhận rằng thẩm quyền tối cao và đầy đủ của Giáo hội được thực thi bởi Giáo hoàng do chức vụ của ngài và bởi giám mục đoàn cùng với người đứng đầu của họ là Đức Giáo hoàng (xem Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 22), với chính những câu hỏi này, anh em bày tỏ nhu cầu tham gia, tự do bày tỏ ý kiến của mình và cộng tác, qua đó yêu cầu một hình thức “hiệp hành” trong việc thi hành thừa tác vụ của tôi.

b) Giáo hội là một “mầu nhiệm hiệp thông truyền giáo”, nhưng sự hiệp thông này không chỉ mang tính cảm xúc hay thoát tục; nó nhất thiết hàm ý sự tham gia thực sự. Không chỉ hàng giáo phẩm mà toàn thể Dân Chúa, bằng nhiều cách khác nhau và ở các cấp độ khác nhau, có thể khiến tiếng nói của họ được lắng nghe và cảm nhận là một phần của hành trình của Giáo hội. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng tính hiệp hành, như một phong cách và tính năng động, là một chiều kích thiết yếu của đời sống Giáo hội. Về điểm này, Thánh Gioan Phaolô II đã nói một số điều rất hay trong Tông thư Novo millennio ineunte - Khởi đầu Thiên niên kỷ mới.

c) Việc thần thánh hóa hoặc áp đặt một phương pháp hiệp hành cụ thể mà một nhóm yêu thích, biến nó thành một chuẩn mực và một con đường bắt buộc đối với mọi người, là một điều hoàn toàn khác, bởi vì điều này sẽ chỉ “đóng băng” hành trình hiệp hành, bỏ qua những đặc điểm khác nhau của các Giáo hội địa phương và sự phong phú đa dạng của Giáo hội hoàn vũ.

4. Nghi vấn liên quan đến sự ủng hộ của các mục tử và các nhà thần học đối với lý thuyết cho rằng “thần học của Giáo hội đã thay đổi”, và do đó, có thể ban bí tích truyền chức thánh cho phụ nữ.

Sau những tuyên bố của một số giám chức, vốn chưa được sửa chữa và cũng chưa được rút lại, cho rằng với Vatican II, thần học của Giáo hội và ý nghĩa của Thánh lễ đã thay đổi, người ta hỏi liệu điều Công đồng Vatican II nói có còn giá trị hay không, điều khẳng định rằng chức tư tế chung của các tín hữu và chức linh mục thừa tác khác nhau về bản chất chứ không chỉ ở cấp độ (Lumen gentium, 10), và rằng các linh mục, do “quyền năng thánh thiêng của bí tích truyền chức thánh để dâng hy lễ và tha tội” (Presbyterorum dinis, 2), hành động nhân danh và in persona (trong ngôi vị) Chúa Kitô Đấng Trung Gian, qua Người, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được nên hoàn hảo? Người ta cũng đặt câu hỏi liệu giáo huấn trong Tông thư Ordinatio sacerdotalis của Thánh Gioan Phaolô II có còn giá trị hay không, giáo huấn này dạy như một sự thật phải được thừa nhận một cách dứt khoát về việc không thể phong chức linh mục cho phụ nữ, để giáo huấn này không còn có thể thay đổi hay tự do thảo luận bởi các mục tử hoặc nhà thần học.

Đức Thánh Cha trả lời nghi vấn thứ tư

a) “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức linh mục thừa tác khác nhau về bản chất” (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10). Thật không thích hợp khi khẳng định một sự khác biệt về cấp độ với hàm ý coi chức tư tế chung của các tín hữu như một thứ thuộc “hạng hai” hoặc có giá trị thấp hơn (“hạng thấp hơn”). Cả hai hình thức tư tế đều soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.

b) Khi Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng chúng ta phải khẳng định “dứt khoát” việc không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ, ngài không hề hạ thấp phụ nữ và trao quyền tối cao cho nam giới. Thánh Gioan Phaolô II còn khẳng định những điều khác. Chẳng hạn, khi chúng ta nói về thẩm quyền của linh mục, “chúng ta đang ở trong lĩnh vực chức năng chứ không phải trong phẩm giá và sự thánh thiện” (Thánh Gioan Phaolô II, Christifideles laici, 51), những từ ngữ mà chúng ta chưa đón nhận đầy đủ. Ngài cũng khẳng định rõ ràng rằng dù chỉ có linh mục chủ sự Thánh lễ, các nhiệm vụ “không có chỗ cho sự cao trọng của những người này hơn những người khác” (Thánh Gioan Phaolô II, Christifideles laici, ghi chú 190; xem Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên bố Inter insigniores, VI). Ngài cũng tuyên bố rằng nếu chức năng của linh mục là “có tính chất phẩm trật” thì không nên hiểu nó như một hình thức thống trị nhưng “hoàn toàn hướng tới sự thánh thiện của các phần tử của Chúa Kitô” (Thánh Gioan Phaolô II, Mulieris dignitatem, 27). Nếu điều này không được hiểu và những hệ quả thực tế không được rút ra từ những phân biệt này, thì sẽ khó chấp nhận rằng chức linh mục chỉ dành riêng cho nam giới và chúng ta sẽ không thể thừa nhận các quyền của phụ nữ hoặc sự cần thiết của họ để tham gia theo nhiều cách khác nhau trong sự lãnh đạo của Giáo hội.

c) Mặt khác, cách chính xác, chúng ta hãy thừa nhận rằng một đạo lý rõ ràng và có thẩm quyền về bản chất chính xác của một “tuyên bố dứt khoát” vẫn chưa được phát triển một cách thấu đáo. Đó không phải là một định nghĩa tín lý, tuy nhiên nó phải được mọi người tuân thủ. Không ai có thể công khai phủ nhận điều đó nhưng nó vẫn có thể là một chủ đề nghiên cứu, như trường hợp tính thành sự của việc truyền chức trong Liên hiệp Anh giáo.

5. Nghi vấn liên quan đến khẳng định rằng “ơn tha thứ là một quyền của con người” và việc Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nghĩa vụ luôn luôn tha tội cho mọi người, do đó việc sám hối có thể không phải là điều kiện cần thiết cho việc giải tội của bí tích.

Chúng ta tự hỏi liệu giáo huấn của Công đồng Trentô có còn hiệu lực hay không, trong đó dạy rằng, để bí tích giải tội thành sự thì sự ăn năn thống hối của hối nhân, bao gồm việc ghét bỏ tội đã phạm với mục đích không tái phạm, là cần thiết (Phần XIV, Chương IV: DH 1676), do đó linh mục phải hoãn việc xá giải khi thấy rõ rằng điều kiện này không được đáp ứng.

Đức Thánh Cha trả lời nghi vấn thứ năm

a) Việc sám hối là cần thiết để bí tích giải tội có hiệu lực và hàm ý một quyết tâm không phạm tội. Nhưng ở đây không có toán học, và một lần nữa tôi phải nhắc anh em rằng tòa giải tội không phải là sở hải quan. Chúng ta không phải là những ông chủ nhưng là những người quản lý khiêm tốn của các Bí tích nuôi dưỡng các tín hữu bởi vì những hồng ân này của Chúa, hơn cả những thánh tích cần được bảo tồn, là những trợ giúp của Chúa Thánh Thần cho cuộc sống con người.

b) Có nhiều cách để bày tỏ sự ăn năn. Thông thường, đối với những người có lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề, việc tuyên bố mình có tội là một cực hình tàn nhẫn, nhưng chính hành động đến tòa giải tội là biểu hiện của sự sám hối và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa.

c) Tôi cũng muốn nhắc lại rằng trong việc chăm sóc mục vụ, “đôi khi chúng ta trả giá nhiều cho việc dành chỗ trong mục vụ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa” (Amoris laetitia, 311), nhưng chúng ta phải học cách làm như vậy. Theo Thánh Gioan Phaolô II, tôi khẳng định rằng chúng ta không nên đòi hỏi các tín hữu những giải pháp sửa đổi quá chính xác và chắc chắn, những giải pháp mà cuối cùng trở nên trừu tượng hoặc thậm chí trở nên quá quan tâm đến chính mình, và ngay cả việc dự đoán về một sự sa ngã mới cũng “không gây hại đến tính chân thực của ý hướng” (Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức Hồng Y William W. Baum và những người tham gia khóa học hàng năm của Tòa Ân Giải, ngày 22 tháng 3 năm 1996, 5).

d) Cuối cùng, phải làm rõ rằng tất cả các điều kiện thường gắn liền với việc xưng tội nói chung không được áp dụng khi một người đang ở trong tình trạng hấp hối, hoặc với khả năng trí tuệ và tâm lý rất hạn chế.

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây