Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 08/10/2021 11:19 |
956
Hãy hỏi bản thân, tôi có hành xử như thế với cha mẹ hoặc người nào đó mà tôi thương yêu không?
5 nguyên tắc cần biết trước khi bạn không đồng ý với Đức Giáo Hoàng về một điều gì đó
Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi tiếp kiến chung hằng tuần tổ chức tại Thính Đường Phaolô VI ngày 1/9 (Ảnh AP/Andrew Medichini)
5 NGUYÊN TẮC CẦN BIẾT TRƯỚC KHI BẠN KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG VỀ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ Tác giả: Lm. Thomas Reese, SJ
Trong cuộc gặp với các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Phanxicô đã than phiền rằng: “có mộtkênh truyền hình Công giáolớn không ngại ngần liên tục nói xấu ĐGH.” Các nhà báo Vatican ngay lập tức coi nhận xét đó của ĐGH nhắm đến công ty truyền thông Mỹ là Mạng Lưới Truyền Hình Lời Vĩnh Cửu – Eternal Word Television Network (EWTN) – một mạng lưới truyền thông do Mẹ Angelica, một nữ tu thuộc dòng thánh Clara khó nghèo, thành lập tại Alabama năm 1981.
Một trong những người chỉ trích giáo hoàng chủ yếu là giám đốc chương trình tin tức của EWTN và bình luận viên Raymond Arroyo. Ông này là nhà tài trợ cho nhóm “the Papal Posse” (Nhóm Truy lùng Giáo hoàng) gồm những người chuyên chỉ trích ĐGH Phanxicô. Arroyo thường xuyên xuất hiện trong chương trình truyền hình “Ingraham Angle”[1] của đài Fox News.
ĐGH đã phát biểu rằng: “Về cá nhân tôi, tôi xứng đáng bị chỉ trích và phê bình vì tôi là một tội nhân, nhưng Giáo hội của chúng ta không xứng đáng bị chỉ trích. Tất cả những chỉ trích và kết án Giáo hội là những việc làm của ma quỷ.”
Ngài than phiền “về những giáo sĩ hay đưa ra những bình luận xấu về mình”. Ngài thú nhận rằng: “tôi đôi khi cũng mất kiên nhẫn, đặc biệt là khi có những người phán xét trước khi đi vào một cuộc đối thoại thật sự”. Việc các giáo sĩ và giới truyền thông công kích các giáo hoàng không phải là chuyện mới. Những công kích này đến từ lề trái hay lề phải còn tuỳ vào vị giáo hoàng đó là ai.
ĐGH Gioan XXIII bị những người bảo thủ tấn công vì đã mở cửa để Giáo hội thay đổi khi triệu tập Công đồng Vaticanô II.
ĐGH Phaolô VI thì bị kết án từ cả hai phía. Những người bảo thủ chống đối ngài vì đã nỗ lực thực thi việc cải cách sau công đồng, trong khi những người tự do muốn ngài phải đẩy nhanh hơn tiến độ cải cách ấy. Những người theo phe tự do liên tục công kích ĐGH Phaolô VI sau khi ngài đưa ra Tông Huấn Sự Sống Con Người (Humanae Vitae), nghiêm cấm việc sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo. Các ĐGH Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI cũng bị công kích bởi phe tự do trong khi ĐGH Phanxicô hiện nay đang bị chỉ trích từ các nhóm bảo thủ.
Thật đáng mỉa mai là những người bảo thủ nhất, vốn thường kết án những người tự do là những tín hữu Công giáo “tự phục vụ” (cafeteria) khi chỉ nhặt nhạnh và chọn lựa những điều họ chấp nhận nơi Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, nay lại đang làm điều tương tự đối với ĐGH Phanxicô.
Cũng vậy, những người tự do, vốn thường bất đồng với Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, đang kết án những người bảo thủ là không trung thành với ĐGH.
Chúng ta hãy thành thật nào. Chúng ta đều là những người Công Giáo “tự phục vụ”. Điều quan trọng là làm sao chúng ta có thể tránh chuyện giành giật đồ ăn trong một tiệm tự phục vụ.
Thánh Inhaxiô, đấng sáng lập Dòng Tên, trong cuốn sách Linh Thao của ngài, đã trình bày “Những quy tắc để có cùng cảm thức với Giáo hội”. Với tinh thần như thế, đây là 5 quy tắc phải biết trước khi bạn có những ý kiến khác với ĐGH. Đây có thể là những quy tắc chưa hoàn hảo, nhưng tôi nghĩ Giáo hội cần phải có một cuộc đối thoại để giải quyết những bất đồng.
Quy tắc 1: Hãy biết tôn trọng
Những chế giễu nặng tính kỳ thị chống lại ĐGH Bênêđictô và Gioan Phaolô II như việc gọi ĐGH Bênêđictô là kẻ điều tra dị giáo đi quá đà hay ám chỉ ĐGH Phanxicô là không chính thống hoặc là kẻ dị giáo là điều không thể chấp nhận được. Những lời mỉa mai và những phát ngôn thù hận không có chỗ trong Giáo hội. Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng ta là mục tiêu của những ngôn từ như thế?
Quy tắc 2: Nếu bạn bất đồng với một giáo hoàng, hãy chắc chắn rằng bạn không quên những điều tích cực mà ngài đã làm.
Tôi có nhiều ý kiến bất đồng sâu sắc với ĐGH Gioan Phaolô và Bênêđictô, nhưng tôi luôn khen ngợi ĐGH Gioan Phaolô vì vai trò của ngài trong việc giải phóng đất nước Balan và các nước Đông Âu, cũng như những nỗ lực của ngài trong việc phát triển các mối quan hệ giữa người Công giáo và người Do thái. Cả hai ĐGH đều ủng hộ và phát triển giáo huấn xã hội của Giáo hội, và đặc biệt dưới thời của ĐGH Bênêđictô, Giáo hội đã bắt đầu ý thức về vấn đề môi sinh.
Quy tắc 3: Hãy mô tả lập trường của vị giáo hoàng thật chính xác và đầy đủ,đừng xem ngài như một người rơm dễ dàng bị xô ngã
Đừng chỉ nói rằng ĐGH ghét phụ nữ và những người đồng tính hoặc nói rằng ngài muốn phá hủy Giáo hội. Lý tưởng là bạn phải có khả năng giải thích lập trường của ngài.
Quy tắc 4: Đừng nên nói hay viết điều gì khi tâm trạng bạn đang khó chịu
Hãy hít một hơi thật sâu. Đếm từ 10 đến 100. Hãy để bản nháp như thế trong vòng 24 giờ. Hãy trao đổi với một người khôn ngoan trước khi hành động. Và đặc biệt cẩn thận khi tweet điều bạn đã viết.
Quy tắc 5: Hãyhỏi bản thân, tôi có hành xử như thếvới cha mẹ hoặc người nào đó mà tôi thương yêu không?
Nếu câu trả lời của tôi là không, đừng nên làm điều đó. Giáo hội là một gia đình. Đấu đá trong gia đình là thứ tệ hại. Mục tiêu của chúng ta là trở nên những người hòa giải, không phải là trở nên những kẻ gây chia rẽ. Những cuộc đối thoại nội bộ của Giáo hội cũng phải tuân theo cùng những quy tắc như cuộc đối thoại đại kết của chúng ta: các bất đồng phải đưa đến sự hiểu biết đầy đủ và cải thiện hơn và sau cùng là sự đồng lòng.
Như lời một bài hát cổ điển “Họ sẽ nhận ra chúng ta là những Kitô hữu nhờ tình yêu của chúng ta,” chứ không phải nhận ra chúng ta là những người Công Giáo bằng những cuộc đấu đá nhau.
Tuy vậy, những bất đồng ý kiến là một phần của bất cứ gia đình hay cộng đồng nào. Ngăn chặn chúng dẫn đến thất vọng và hành xử bất thường. ĐGH Phanxicô không lạ gì những bất đồng như thế. Ngài còn muốn có những bất đồng. Tại Thượng Hội đồng Giám mục bàn về gia đình năm 2014, ngài đã nói với các Giám mục rằng: “Hãy nói thẳng. Điều kiện chung của cuộc họp này là hãy nói thật rõ ràng.Đừng để ai nói rằng vấn đề đó không được phép bàn đến.” Đồng thời, phải biết tôn trọng trong lời nói và hướng đến việc xây dựng cộng đồng chứ đừng phá đổ. Phải hướng tới việc hòa giải chứ không phải là sự chia rẽ. Những bất đồng giúp hướng đến đối thoại, đừng hét toáng lên.
Trao đổi với những ai mà chúng ta đang bất đồng không phải là chuyện thắng hay thua mà là một cuộc trò chuyện và nhằm hiểu biết hơn.
[1] Ingraham Angle là một chương trình truyền hình thực tế, nơi đó người dẫn chương trình Laura Ingraham và khách mời sẽ trao đổi với nhau về những tin tức trong ngày cũng như nêu ra những quan điểm về những vấn đề căng thẳng cần phải được tranh luận.