TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hiểu về câu chuyện trong sách Sáng Thế

Thứ tư - 17/04/2024 08:58 | Tác giả bài viết: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ |   547
Vợ của Cain là ai, để hai người tiếp tục sinh sôi nảy nở?
Header


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ:
BÀI 123 – HIỂU VỀ CÂU CHUYỆN TRONG SÁCH SÁNG THẾ


Câu hỏi: Vài lần con bị bắt bí khi những đứa bạn không cùng tôn giáo chất vấn. Số là sách Sáng Thế kể hai ông Adam và bà Eva sinh ra Cain và Abel. Vậy làm sao để tiếp tục truyền sinh tạo nên nhân loại ngày nay. Vợ của Cain là ai, để hai người tiếp tục sinh sôi nảy nở?

Trả lời:

Chào bạn,

Trước hết, chúng ta cần phải làm rõ điều này: Kinh Thánh không phải là sách nói về khoa học. Nó không phải là sách chỉ đơn thuần là lịch sử. Kinh Thánh là sách thánh, là sách hàm chứa Lời Thiên Chúa qua ngôn ngữ của con người. Chính vì thế mà ta phải luôn đọc Kinh Thánh trong tâm thế của một người cầu nguyện, tìm xem Chúa muốn nói gì với ta. Và cũng vì thế, ta đọc Kinh Thánh không phải chỉ để lấy kiến thức, nhưng còn để tìm ra cái ý nghĩa ẩn tàng trong đó và để Lời Chúa biến đổi con người mình. Điều này càng đúng hơn với trình thuật Sáng Thế mà bạn thắc mắc. Thật ra, nếu đọc và hiểu trình thuật Sáng Thế theo nghĩa đen, ta sẽ thấy có nhiều mâu thuẫn. Chúng tôi xin kể ra một vài ví dụ:

(1) Trước khi tạo dựng nên trời đất, Thần Khí Chúa đã bay là là trên mặt nước (x.St 1,2). Nước này ở đâu ra, Chúa chưa tạo dựng mà? Vả lại, chúng ta thường thấy nước chảy trên một nền đất (sông, suối, hồ…) Thật khó để có thể tưởng tượng ra mặt nước mà Thần Khí “bay là là” trông như thế nào khi lúc đó thậm chí còn chưa có đất, và nước chưa được tạo dựng.

(2) Sau khi tách ánh sáng ra khỏi bóng tối... Thế là xong một ngày (x.St 1,5). Làm sao tính được một ngày. Để có thể biết một ngày thì ít ra ta phải thấy mặt trời mọc rồi mặt trời lặn. Nhưng lúc đó đã có mặt trời, mặt trăng, trái đất đâu mà biết một ngày?

(3) Thiên Chúa lấy bụi đất nắn thành con người (x.St 2,19). Thiên Chúa là một thực thể siêu việt, đâu có tay chân hữu hình như chúng ta, Ngài nắn bằng cách nào?

(4) Và quan trọng hơn cả là ngày Thiên Chúa dựng nên trời đất, làm gì có ai chứng kiến (vì đã có ai đâu), sao có thể viết lại tường tận câu chuyện như thế được?

Đó là chưa nói đến việc trong sách Sáng Thế có hai trình thuật về việc Chúa tạo dựng. Hai trình thuật ấy có chút khác nhau. Chúng tôi thiết tưởng là bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình khi bạn hiểu được nguồn gốc hình thành trình thuật Sáng Thế cũng như ý nghĩa mà trình thuật này hàm ý.

Tác giả trình thuật Sáng Thế lấy ý tưởng từ đâu?

Câu chuyện về tạo dựng trong sách Sáng Thế được cho là nét giống với một số sử thi dân gian của nền văn minh Mesopotamia. Về mặt thời gian, nền văn minh này tồn tại khoảng 3000 năm trước Công Nguyên. Về mặt địa lý, nó được tính từ vùng Ur thuộc xứ Can-đê của Ai Cập, kéo dài đến sông Nin và hai con sông lớn Euphrat và Tigrat (gọi là vùng Lưỡng Hà. Lưỡng nghĩa là hai, Hà nghĩa là con sông). Tại vùng đất này, người ta có lan truyền một số câu chuyện hấp dẫn liên quan đến việc tạo thành trời đất, và thậm chí các học giả Kinh Thánh cũng tìm thấy nơi những câu chuyện này nhiều hình ảnh, tình tiết... giống với trình thuật sáng thế trong sách Sáng Thế. Bởi vậy, người ta cho rằng có thể tác giả sách Sáng Thế đã viết sách dựa trên những câu chuyện này và còn đi xa hơn nó nhờ có những dụng ý thần học sâu sắc mà Thiên Chúa muốn chuyển tải cho con người.

Một vài câu chuyện được biết đến nhiều nhất là:

Sử thi EnumaElish (khoảng thế kỷ XIV BC), nói về một vị thần tên là Marduk, vị thần cao cả của xứ Babilon, vị thần lớn nhất trong số các vị thần ở Đền Pantheon ở Babilon. Marduk đã dùng vũ khí tuyệt diệu của mình là ngọn gió để chiến đấu và chiến thắng thần Tiamat. Sau đó, Marduk đã xẻ đôi thân thể của Tiamat, làm nên trời và đất. Ta thấy những câu chuyện kiểu chiến đấu như thế này rất nhiều trong Kinh Thánh như trong Tv 89,10-11, Is 51,9-10 hay Is 27. Ngoài ra, hình ảnh “gió” xét như là sức mạnh của Thiên Chúa cũng được đề cập đến khá nhiều lần.

Câu chuyện Adapa (khoảng thế kỷ XIV BC): Thần Anu ban cho Apada nước và bánh để khi Apada ăn vào, ông sẽ được trường sinh. Nhưng thần Ea, vì lòng ganh tỵ, đã không muốn Apada được trường sinh vì nếu không, Ea sẽ không còn được Apada phụng sự mình và dâng của lễ cho mình nữa. Vì thế, Ea đã lừa dối Apada và khuyên ông đừng ăn. Rốt cuộc Apada đã không ăn và không có được sự sống đời đời. Câu chuyện này có nét giống Sáng Thế ở chỗ, con người đã được Chúa ban cho điều kiện để hưởng sự sống đời đời nhưng con người đã từ chối.

Sử thi Gilgamesh (khoảng năm 1000 BC). Gilgamesh là vua xứ Uruk, một vị vua độc ác. Các vị thần thấy vậy nên đã tạo nên Enkiduh để chống lại Gilgamesh, giải cứu người dân. Tuy nhiên, lạ lùng là hai người này bỗng trở nên bạn thân của nhau. Các vị thần tức tối nên đã khiến Enkiduh chết. Qua cái chết của bạn, Gilgamesh bỗng ngộ ra điều gì đó. Ông từ bỏ vương vị và quyết tâm lên đường để tìm thuốc trường sinh. Trải qua nhiều gian lao khổ cực, ông vẫn không biết phải tìm ở đâu. Rốt cuộc, ông nghe nói có một người thông thái biết tất cả mọi sự trên đời tên là Utnapishtim. Người này đã được các thần ban cho một sự sống bất tử và đang sống ở phía bên kia bờ biển Chết. Sau nhiều cố gắng, Gilgamesh cũng tìm được gặp vị này và xin ý kiến. Thế nhưng vị tiền bối này cho Gilgamesh biết rằng các thần không còn ban sự sống bất tử cho con người nữa nên con người phải đối diện với cái chết. Nghe thế, Gilgamesh rất đỗi buồn phiền. Chạnh lòng thương, vị ấy tặng cho Gilgamesh một loại cây giúp mình trẻ mãi không già. Gilgamesh rất hạnh phúc, cảm ơn ông rồi cáo biệt ra về. Tuy nhiên, trên đường vượt biển trở về quê hương, do không cẩn thận, ông đã sơ xuất để một con rắn trộm mất cây trường sinh. Trong câu chuyện này, ta thấy có một số hình ảnh rất quen thuộc: cây trường sinh, con rắn cũng như việc con người thất bại trong việc mưu cầu trường sinh bất tử.

Thánh Thần gợi hứng và là tác giả của Kinh Thánh

Kinh Thánh tuy có nét giống nhưng xét về bản chất thì khác hoàn toàn với những câu chuyện trên. Ta tin rằng Kinh Thánh đích thật là lời Chúa, do Thánh Thần gợi hứng cho các tác giả. Nhưng Thánh Thần không linh hứng theo kiểu “đọc cho chép”. Ngài khơi lên trong tâm trí các tác giả ý tưởng cốt lõi của Kinh Thánh, để họ có thể dùng khả năng hiểu biết, tài năng và tri thức của mình mà viết lại nó. Như thế, các tác giả này cũng đóng một vai trò rất quan trọng, chứ không phải là những rô-bốt bị Thánh Thần điều khiển như nhiều người vẫn nghĩ. Họ cũng phải nghe các chứng nhân kể lại, phải hỏi han người này người kia, phải nghiên cứu, suy tư, cầu nguyện và viết lại Lời Chúa trong khả năng của mình, với ngôn ngữ của mình, trong nền giáo dục và văn hóa của mình. Các tác giả Cựu Ước thì nghe tương truyền từ cha ông và viết lại.

Một cách cụ thể, liên quan đến Cựu Ước, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng:

- 11 chương đầu của Sách Sáng Thế chỉ là hư cấu, không có tính lịch sử. Tác giả của 11 chương này đã viết nó dựa trên những câu chuyện dân gian đã có thời đó để diễn đạt ý tưởng thần học của mình. Vì thế, đối với 11 chương này, chúng ta chỉ hiểu ý nghĩa thần học chứ không nên cho rằng nó đã xảy ra như thế trong thực tế.

- Từ chương 12 trở đi của sách Sáng Thế cho đến chuyện ở Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ, hành hương trong sa mạc cho đến khi trở về đất Canaan để dựng nước, tuy dựa trên biến cố lịch sử nhưng không chắc là nó hoàn toàn diễn ra như vậy, theo tiến trình như vậy, và đúng y chang như những gì được viết ra. Ví dụ, biến cố 10 tai ương ở Ai Cập không chắc là đã xảy ra như thế, nhưng chắc chắn là đã có những hiện tượng tương tự như thế xảy ra để rồi vài thế kỷ sau, khi các học giả ngẫm nghĩ lại chuyện đã nghe cha ông kể vì đã dùng tài văn chương của mình để viết thành câu chuyện như thế. Hiện tượng nước sông hóa thành máu có thể là hiện tượng tảo đỏ do bị ô nhiễm, hiện tượng các em bé bị chết hàng loạt có thể là do dịch bệnh… Nhưng các học giả đã nhìn mọi biến cố như thể chính Chúa đã làm.

- Chỉ từ khi xuất hiện ngôn sứ Samuel và vua Saul thì sử tính mới được xem có xác thực. Nhà sử gia cho rằng việc vua Saul lập nước diễn ra vào khoảng thế kỷ VIII BC. Những diễn biến tiếp theo sau như đất nước bị chia đôi, rồi cả hai miền đất nước bị lưu đày ở Babilon, rồi trở về tái thiết đất nước... là có thật.

- Tất cả mọi chuyện được nói đến trong Cựu Ước đều nhằm mục đích quy hướng về Đức Kitô. Phải đọc mọi biến cố trong ánh sáng của Tân Ước. Ví dụ: chuyện Abraham dâng con là tiên báo đến biến cố Chúa Cha dâng Đức Giêsu trên núi Can-vê, hay chuyện vượt qua Biển Đỏ là hình ảnh của việc Đức Giêsu dẫn dắt Giáo Hội vượt qua cái chết để tiến về miền đất hứa (Thiên Đàng)…

Liên quan đến trình thuật Sáng Thế, Chúa gợi hứng cho tác giả thế nào? Có thể tác giả sách Sáng Thế quan sát trong tự nhiên và thấy thế này:

- Không thể tự dưng mà có mọi sự được, phải có ai đó làm ra chúng. Vì thế, phải có một vị mà mình gọi là Thiên Chúa.

- Mọi sự dường như có trật tự hẳn hoi, từ các tinh vân đến các sinh vật. Vũ trụ này rộng lớn biết bao nhiêu. Vậy mà vẫn xoay vòng theo chu trình, hệt như có người điều khiển. Từ đó tác giả cho rằng Vị Thiên Chúa này không những tạo dựng mà còn quan phòng nữa, hẳn Ngài phải rất quyền năng.

- Trong tất cả các loài, chỉ có con người là có vẻ vượt trội hơn các loài khác. Chẳng có loài nào được như con người. Bởi thế, hẳn là con người được Tạo Hóa yêu thương cách đặc biệt. Mọi loài khác dường như phải quy phục con người.

- Nhưng đôi khi con người sử dụng tự do quá đáng nên có lụt lội, thiên tai và những điều xấu xảy đến. Vì thế mà tác giả cho rằng con người có tự do nhưng tự do con người có giới hạn. Con người không được lạm dụng tự do để làm điều sai, nếu không con người sẽ bị tước quyền làm chủ.

- Khi chết, con người trở về với cát bụi. Xác chết thì không thể động đậy, và khi chết thì trong người không có luồng khí nào. Từ đó ông suy ra rằng con người có hai phần. Thứ nhất là phần vật chất, hữu hình và có thể được nhìn thấy là thân xác này đây. Nhưng tự bản thân phần này không giúp mình cử động được (ví dụ như xác chết, dù có đầy đủ các bộ phận vẫn đâu có cử động được). Muốn thân xác cử động, linh hoạt, phải có một phần khác mà mình gọi là hồn, phần vô hình nên mình không thể nhìn thấy được. Người xưa cho rằng hồn ấy chính là khí vận hành trong người mình. Khí ấy do Thiên Chúa ban (Thiên Chúa thổi hơi vào). Chính vì vậy mà khi Thiên Chúa lấy hơi lại là ta “tiêu” ngay (x.Tv 104(103),29). Từ kinh nghiệm quan sát ấy nên tác giả mới cho rằng Thiên Chúa dựng nên con người từ bụi đất, rồi thổi khí vào.

- Con người có hai giới: nam và nữ. Tác giả quan sát và thấy rằng một đứa bé khi được sinh ra thì chỉ có thể là nam hoặc nữ. Thiên Chúa chỉ dựng nên hai “giống” người này thôi. Khác nhau nhưng bổ trợ nhau. Người nam được đặt tên là Adam (Adam có gốc từ chữ Adama nghĩa là “đất”). Người nữ có tên là Eva (cái tên này chỉ được đặt sau khi phạm tội. Eva có nghĩa là “sinh ra sự sống”, ý muốn nói đến việc bà sẽ sinh ra những con người khác). Thế nên, chúng ta không nên hiểu là vào một thời điểm nào đó trong lịch sử có một người đàn ông có tên là Adam và một người phụ nữ có tên là Eva. Nhân vật Adam và Eva không có thực nhưng chỉ là biểu tượng cho dòng dõi người nam và dòng dõi người nữ, cả hai là đất, cát bụi (mau qua, chóng tàn) và có sứ mạng sinh sôi ra những mầm sống khác.

Ý nghĩa thần học của trình thuật Sáng Thế

Khi đọc Kinh Thánh nói chung và sách Sáng Thế nói riêng, ta cần tìm dụng ý thần học hơn là kiến thức về khoa học (mặc dù, ở phương diện nào đó, Kinh Thánh vẫn có sử tính của nó). Cụ thể, có một số điều căn bản về Sáng Thế mà ta phải chân nhận, đó là:

- Thiên Chúa là Đấng có trước mọi loài. Chính Ngài dựng nên vạn vật, ban cho chúng sự sống. Mọi loài từ Ngài mà ra và nhờ Ngài mà tồn tại. Ngài là chủ tể.

- Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Ngài dựng nên mọi loài không cần ai trợ giúp và cũng không cần chất liệu nào khác. Còn Thiên Chúa thì không cần gì cả.

- Thiên Chúa là một nhưng có ba ngôi. Khi sáng tạo, Chúa Cha phán (Ngôi Thứ Nhất), Lời của Chúa phán ra thì có mọi loài (Lời là Ngôi Hai) và có Thần khí Chúa “bay là là trên mặt nước” (Ngôi Ba).

- Con người cao trọng hơn các loài khác, vì được Thiên Chúa dựng nên cách đặc biệt (tỉ mỉ hơn, chứ không phải chỉ phán) và mang hình ảnh Thiên Chúa.

- Mọi loài khác được dựng nên là để trợ giúp con người hướng về Thiên Chúa. Con người làm chủ các loài khác (chứ không phải nô lệ).

- Nếu con người có đau khổ, đó là do con người dám chống lại Tạo Hóa là Chúa Thượng của mình. Có sự dữ trong thế giới này chính là do con người đã không chấp nhận thân phận phải chết của mình nhưng ngạo mạn, muốn mình là Thiên Chúa.

- …Và còn nhiều ý nghĩa khác chúng tôi không thể liệt kê ra hết ở đây.

Hiểu được thế này rồi, chúng tôi tin là bạn sẽ biết cách trả lời bạn bè của bạn ra sao rồi, phải không?

Đọc thêm bài: Ađam và Evà có thật hay không?

Tham khảo

Hayes John H., Nhập Môn Kinh Thánh (Nguyễn Kiên Trường chuyển ngữ), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2008

Võ Đức Minh, Lịch Sử Cứu Độ (viết từ tác phẩm “Salvation History” của Neal M.Flanacan, OFM), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2016

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (16.04.2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây