TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giải đáp thắc mắc: Bài 125 - Đời cây

Thứ năm - 09/05/2024 20:48 | Tác giả bài viết: Phương An, CND - CSA |   363
Bạn trẻ liệu có thể làm chứng cho Tin Mừng ngay trong chính môi trường, ngoài xã hội mà họ đang sống không? Bằng cách nào ạ?
Header

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ: BÀI 125 - ĐỜI CÂY

 

Câu hỏi: Bạn trẻ liệu có thể làm chứng cho Tin Mừng ngay trong chính môi trường, ngoài xã hội mà họ đang sống không? Bằng cách nào ạ?

Trả lời:

1. Tuổi trẻ và ước mơ

Nếu bạn thắc mắc rằng người trẻ có thể làm gì cho xã hội và Giáo hội ngày nay? Rất nhiều điều đó chứ! Đầu tiên tôi đề nghị bạn hãy gieo mầm ước mơ, cho phép hy vọng nẩy nở trong đời mình. Việc loan báo Tin Mừng giống như chăm sóc mảnh vườn. Gieo hạt giống là gieo mầm mơ ước lành thánh. Cũng giống như đời cây, niềm tin của chúng ta có thể lớn lên được nếu ta tin tưởng vào Thiên Chúa, vào tha nhân, vào ngày mai.

Như cây cối cùng lớn lên với nhau và bên nhau, chúng ta cũng rất cần sự nâng đỡ đức tin, đức cậy cho nhau. Bạn hãy quan tâm tới các bạn trẻ thời nay lo sợ những gì? Cùng giúp nhau nhận định, tìm hướng dẫn trong các chọn lựa. Câu trả lời ấy phải là những câu trả lời của chính lòng mình. Hãy thử chìm sâu để có thể gặp được bản thân. Đó còn là những cảm nhận sự có mặt của Chúa trong cuộc đời.

Thiền sư Hae Min đề nghị: Kể cả những món đồ hiệu phiên bản giới hạn, cũng được sản xuất sau mỗi lần vài chục cái. Nhưng món hàng hiệu “Tôi” chỉ duy nhất trên thế gian. Bạn hãy gìn giữ “món hàng quý” ấy có cá tính riêng mãi nhé! Bắt chước chân phước trẻ Carlo Acutis, mong bạn sống phút hiện tại này thật ý nghĩa.

Giống như chúng ta chăm sóc cây cảnh, cần nắng sương để làm cho cây tươi tốt. Sự dễ dãi không làm cho sức bật của tiềm năng trỗi dậy, chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn, khó phát triển đúng tầm. Vậy các bạn hãy tự tạo cơ hội tốt đẹp cho mình và nắm bắt chúng... Như người làm vườn, loan báo Tin Mừng tức là vun xới cho hạt giống Nước Trời lớn lên. Mỗi buổi sáng, bạn hãy hướng lòng lên Thiên Chúa xin Ngài trợ giúp, soi sáng để mỗi một cây con là những nhân đức, Lời Chúa được đâm bông, kết trái sau này. Khi chiều về, cảm tạ Ngài về tất cả những gì đã được sinh sôi nảy nở. Chúng ta cần yêu tha thiết mảnh vườn độc đáo này. Đúng vậy, bỏ rất nhiều công sức: từ sáng tới tối canh tác, tưới, nhổ cỏ, cắt xén, cắm cọc đỡ, bón phân, tôn trọng môi trường,… biết kín nước từ nguồn suối thật như ở “Cana” chẳng hạn. Hợp tác với các “nhà vườn” khác, hoặc với những người có chuyên môn cao, họ sẽ cho bạn những lời khuyên nhủ, khuyến khích quý báu. Đôi khi chúng ta cảm thấy buồn vì thu lượm không được bao nhiêu so với công sức đã bỏ ra! Lại có lúc cỏ dại lấn chiếm mảnh vườn, che mất các loài hoa rụt rè. Nhưng vẫn kiên tâm, tin tưởng vào tương lai và luôn chăm sóc miếng vườn của mình mỗi ngày, mặc cho thời tiết có xấu đi nữa,… rồi thì chính Thiên Chúa sẽ cho mọc lên.

2. Dấn thân cho công lý

Người trẻ thường nhạy với công bằng xã hội, mau mắn phục vụ người nghèo, năng động dấn thân đến những vùng sâu xa. Đó là nét son và điểm mạnh của các bạn. Hy vọng các bạn tiếp tục phát huy! Chẳng hạn, ơn linh hứng cho thánh Pierre Fourier khi ngài còn trẻ là hướng đến sứ vụ giáo dục, đặc biệt giáo dục trẻ nữ thời đó không có điều kiện đến trường. Bức phá này đã tạo sự tương hợp hài hòa giữa loan báo Tin Mừng và sứ vụ giáo dục.

Nền văn minh đương đại đã mang lại cho các bạn tư thế độc lập và điều này dẫn tới một số hoạt động dấn thân không nhất thiết phải thích hợp với khung thể chế truyền thống. Làm sống động ơn linh hứng từ Tin Mừng trong những bối cảnh là điều cần thiết. Bạn có thể nghĩ ra những việc làm cụ thể để phục vụ người nghèo về tinh thần, vật chất hoặc thiêng liêng, băng bó vết thương nhân gian, làm cho trái đất thành tươi xinh hơn… Vì trong mỗi chúng ta đều có những tổn thương nên ta mới có thể ôm ấp vỗ về những tổn thương của người khác. Vì bản thân ta từng thiếu xót và ngay lúc này đây ta vẫn còn thiếu xót, nên ta mới bao dung với lỗi lầm của anh chị em. Bằng cách sống đức ái trong gia đình và trong xã hội, như Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống viết: “Chúa kêu gọi chúng ta thắp lên ánh sao trong đêm tối của các bạn trẻ khác... Hương thơm thánh thiện từ đời sống của người trẻ có thể băng bó vết thương của Giáo hội và thế giới, đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời” (số 33).

3. Truyền rao bằng chứng tá

Dù chúng ta chưa thể cải tiến được bao nhiêu nhưng Tin Mừng phải được loan truyền cho kể cả những người đang sống trong nghịch cảnh. Tin Mừng phải giữ vị trí năng động sao cho xã hội hay Hội Thánh ngày càng giống Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã loan báo, một cộng đồng huynh đệ biết tôn trọng công lý và tôn trọng phẩm giá hết thảy mọi người. Vấn nạn đặt ra cho chúng ta là làm thế nào để tiếp tục nói về Thiên Chúa trong xã hội hôm nay, cách nào chuyển lửa đức tin cho mọi người? Trong bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh, với nhiều căng thẳng trong những ngày này, chúng ta có khả năng làm chứng cho Tin Mừng cách cụ thể, đặc biệt đối với những người đang khốn khổ vì bị loại trừ, bị coi thường sinh mạng?

Các bạn trẻ là giáo lý viên, là sinh viên học sinh, hoạt động trong giới trẻ các giáo xứ, Thiếu Nhi Thánh Thể, ca đoàn hay thuộc các hội đoàn khác trong giáo xứ. Đó là những tham gia tốt đẹp và đáng khích lệ. Thiết nghĩ số đông các bạn có thể mạnh dạn kể lại cho bạn mình về kinh nghiệm đức tin của bản thân, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống mới mẻ, vui tươi của mình. Các bạn trẻ trở thành những sứ giả loan Tin Mừng Chúa Phục Sinh, đồng thời góp phần dựng xây quê hương Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc rằng: “Truyền thông loan truyền sự thật, không cần tô điểm”. Còn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: Giáo hội không phát triển nhờ chiêu dụ, nhưng bởi sự lôi cuốn, “Nếu anh chị em chỉ muốn truyền đạt một sự thật mà không có lòng tốt và vẻ đẹp, hãy dừng lại. Nếu anh chị em muốn truyền đạt một sự thật, nhưng không liên quan đến bản thân anh chị em, không làm chứng bằng cuộc sống, hãy dừng lại, đừng làm điều đó.”

Có một câu chuyện sau đã để lại trong lòng khán giả thế giới một ấn tượng: Trong lịch sử thi đấu của các đại hội Olympic thế giới, một lần tổ chức tại Washington, Hoa Kỳ năm 2018: “Kỳ thi đó có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, tập trung trước vạch xuất phát để dự cuộc thi chạy 100m. Khi cờ hiệu phất lên, tất cả lao đi với quyết tâm chiến thắng, trừ một cậu bé bị vấp té. Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường, da của cậu bị trầy xước, rớm máu. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi, họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: “Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn”. 7 người còn lại ngồi xuống quanh cậu bé, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Một lúc, cô gái cất tiếng hỏi: “Em đã thấy đỡ hơn chưa?”. Cậu bé đưa tay lau nước mắt, mỉm cười gật đầu. Cả chín người cùng đứng dậy, họ khoác tay nhau sánh bước về đích.”

Để không ai bị bỏ lại, tất cả dìu nhau để về đích, đó là thể hiện sự “hiệp hành”! Và đó cũng là ý nghĩa trọng tâm được Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới chọn: “Vì một Giáo hội hiệp thông, tham dự và sứ vụ”. Mong bạn trẻ chúng ta có thể sẽ thi hành trách nhiệm chung trong việc loan báo Tin Mừng và nỗ lực xây dựng một thế giới đẹp và đáng sống hơn.

4. Đường loan tin vui cũng là đường nên thánh dành cho bạn

Nên thánh không độc quyền dành cho những người thánh hiến hoặc thông thái. Đó là ơn gọi phổ quát, là đích nhắm và là thách đố cho mỗi người. “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lv 11,44; 1 Pr 1,16). Tín hữu sống giữa đời có mặt ở hàng ngũ tiên phong trong Giáo hội; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động cho xã hội. Chính vì thế, họ là người trước hết phải ý thức không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là chính Giáo Hội. Tôi biết có nhiều bạn trẻ thật quảng đại. Họ không chỉ có chuyên môn mà đời sống thiêng liêng. Nơi họ, nhiều người nhìn thấy Thiên Chúa sống động. Có khi họ ý thức hoặc chẳng để ý đến linh đạo giáo dân, nhưng họ đã sống trọn con đường nên thánh này.

Tinh thần thế gian thường thắng thế trong việc rủ rê ta bỏ đường nên thánh. Do đó, ước chi các bạn cho Thiên Chúa cơ hội làm việc trên mình. Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa, đặc biệt là người trẻ, 2019, cảnh báo lối sống “buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng, vô trách nhiệm” và tệ hơn, lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai, bạo lực… Đọc đến đây, có lẽ nên dừng lại ít phút để cám ơn Chúa nếu chúng ta chưa bị ảnh hưởng các lối sống tiêu cực đó. Đặc biệt các bạn Công Giáo, chúng ta cần nêu gương sáng và cầu nguyện nhiều hơn, tha thiết hơn bạn bè cùng trang lứa, bạn nhé.

Đương nhiên các bạn bước vào đời với nghề nghiệp trần thế khác nhau. Trong môi trường thông thường của gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống. Đó là mảnh đất giúp nên thánh, nên muối đất và ánh sáng cho những người xung quanh. Trong khung cảnh đó, ta được Thiên Chúa mời gọi để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng và được Tin Mừng hướng dẫn. “Khi giáo dân đi vào con đường thiêng liêng cá vị hơn với Thiên Chúa, nơi đó, họ có kinh nghiệm về Ngài”. Họ sống tinh thần người con Chúa nơi gia đình, trường học, công sở, ... Họ được mời gọi tham gia nhiều hơn, được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn lành như chính Chúa.

Chúc bạn tìm ra con đường riêng và sứ mạng Chúa giao cho mình để liệu có thể làm chứng cho Tin Mừng ngay tại nơi bạn đang sống theo khả năng. Tôi tin với nhiệt huyết của người trẻ và sự hướng dẫn của Thánh Thần, bạn sẽ đi trong ca hát và tới đích!

Phương An, CND - CSA
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7 Nxb Tôn Giáo, 03/2023)

WHĐ (08.05.2024)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây