Trả lời:
Bạn thân mến,
Khi bắt đầu đặt câu hỏi, cũng chính là khởi đầu rất tốt. Nhưng chắc chắn sẽ không có một giải pháp đúng cho tất cả mọi người. Và cũng chắc chắn rằng, không phải ai cũng gặp những vấn đề như nhau. Ví dụ, khi chưa có internet, người ta cũng dễ bị nghiện nhiều thứ. Phái nam, có thể nghiện hút thuốc, nghiện rượu. Phái nữ, có thể nghiện mua sắm, nghiện "buôn dưa lê” nói hành nói xấu. Có nhiều người cũng có thể nghiện cờ bạc, ma túy. Có vô vàn ví dụ và hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống.
Kỳ thực, có lẽ ai cũng dễ nhận thấy rằng: “nghiện” quá cái gì cũng đều không tốt. Có nhiều điều tốt lành như: trẻ con mà không vui chơi, thì đâu còn là trẻ con. Vì nếu không, các em sẽ mất tuổi thơ. Nếu không vui chơi, các em không thể lớn được, không thể phát triển về mọi phương diện được. Nhưng nếu ham chơi quá, thì không học hành, không biết chăm lo trong gia đình và nhiều điều cần thiết khác. Người lớn, thì có người “nghiện” việc công, mà bỏ bê gia đình, thì đó cũng là điều không nên. Hay người đi tu mà “nghiện” cầu nguyện đến mức quên nấu cơm cho chị em, thì kể cũng rất căng thẳng. Hoặc nếu thầy tu nào “nghiện” giúp đỡ người ta bên ngoài, mà quên mất anh em trong nhà, thì cũng rất khó mà sống tốt được. Do đó, bạn có ý kiến rất hay, khi đặt câu hỏi về “quân bình”. Quân bình không phải là bình thường, nhưng là điều tốt nhất phù hợp nhất trong muôn mặt muôn màu với mọi điều liên hệ.
Là người trẻ, trong học tập, công việc, đời sống đương thời, nếu không dùng internet, có lẽ chẳng có gì chạy được. Chúng ta sẽ bị lạc lõng, và lạc khỏi thế giới. Internet trở nên một phần không thể thiếu, giống như trước đây khi có điện. Trước khi có điện, mọi sự khác. Và khi đã có điện, thì cuộc sống mọi mặt của con người không thể thiếu được điện.
Internet có thể gây nghiện, vì vô vàn lý do. Bạn có thể tự ngồi lại, liệt kê, kể tên những gì, và bao nhiêu thời gian bạn sử dụng internet mỗi ngày, cho từng việc đó:
- Nghiện internet, để làm gì?
+ Chơi game: game gì, bao nhiêu tiếng một ngày…
+ Chơi các mạng xã hội: Facebook, Instagram, Youtube…
+ Lướt web: đọc tin tức loại gì…
+ Xem phim, giải trí: thể loại phim…
+ Tin tức xã hội…
+ Các phim ảnh xấu gây nghiện…
+ Học hành làm việc…
- Thời lượng dùng internet cho mỗi việc, sử dụng internert ở đâu, với ai…
Những câu hỏi cơ bản, được đặt ra càng cụ thể càng tốt: làm gì, khi nào, ở đâu, với ai, với mục đích gì, đạt được điều gì, đánh mất điều gì…
Cần suy nghĩ về các mặt khác của cuộc sống: ăn, ngủ, học hành, vui chơi, gia đình, bạn bè, công việc. Nếu học hành, công việc và đời sống thường ngày bị đình trệ, thì kể như đã bắt đầu dấu hiệu rất xấu. Ví dụ, không hoàn thành được việc học ở trường, cho dù nằm trong khả năng của mình. Ví dụ, công việc bị bỏ bê, đến độ không đủ tiền chi trả cuộc sống. Ví dụ, không còn có tương quan tốt với mọi người trong gia đình và đồng nghiệp. Ví dụ, con người mình tự nhiên cảm thấy dễ cáu gắt khó chịu…
Khi ở trong tình trạng “nghiện”, có nghĩa là ta đang đánh mất khả năng làm chủ bản thân. Đánh mất khả năng suy tính có tình có lý của trí khôn. Do đó, cần thời gian dừng lại, tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, đánh giá, để biết đâu là điều cần làm. Ví dụ, nếu ngày nào bạn cũng nghiện internet đến mức thiếu ngủ. Thiếu ngủ một thời gian ngắn, tuổi trẻ có thể chịu được. Thiếu ngủ thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể lý, và suy nhược về tâm lý cũng như tinh thần, và có thể đổi tính nết, có thể tê liệt những khả năng của não bộ.
Khi bạn đã tự phân tích được hoàn cảnh của mình, hoặc nhờ cả người mà bạn tin tưởng giúp đỡ, bạn hãy đặt ra mục tiêu cụ thể và chiến lược cụ thể.
Ví dụ, nếu bạn thi môn văn, viết bài trên lớp, cần đọc sách, cần học bài liên tục trong vòng 3 ngày. Thì không có bất cứ lý do gì để sử dụng internet trong 3 ngày đó. Hãy ngắt kết nối 3 ngày. Khi thi xong, sẽ mở lại kết nối.
Ví dụ, đến giờ đi ngủ. Internet không liên quan gì cả. Hãy tắt tất cả. Rút phích cắm. Ngắt internet khỏi máy tính, khỏi iPad, khỏi điện thoại… Nếu cần hẹn giờ thức dậy, thì chỉ cần để điện thoại ở chế độ máy bay, thế là hoạt động tốt, ngay cả tắt cả chế độ điện thoại, nhắn tin, trước khi đi ngủ. Như thế, bạn có một giấc ngủ hoàn toàn thư thái nhẹ nhàng.
Nếu trong giờ học, hoặc giờ làm việc, bạn hay bị chia trí mất giờ cho Facebook, thì bạn cứ để cái điện thoại của bạn trong túi, không cần phải lấy ra làm chi. Khi nào cần, thì sử dụng. Nếu bạn không làm chủ được bản thân, lo lắng sẽ có người gọi này nọ. Bạn hãy mua riêng một cái điện thoại đơn giản chỉ phục vụ cho công việc.
Nếu bị nghiện internet vì mất giờ vô ích cho chơi game, hoặc tìm xem các mặt hàng mua sắm. Bạn hãy có bản lĩnh sống thật lòng mình, và chơi đẹp. Có nghĩa là, cần gì thì dùng đó. Không thì thôi. Đơn giản. Có thế bạn mới làm chủ thế trận. Nếu không, sẽ suốt ngày bị lôi kéo vào các trào lưu, và các nhóm bạn. Điều ấy không phải là xấu, đơn giản là những người ấy đang “ăn cắp” thời gian của bạn, mà trong khi những điều ấy bạn không muốn và cũng không cần.
Nếu bị nghiện dùng internet khi xem phim ảnh xấu, thì hãy thành thực với bản thân. Hãy mở cửa phòng, khi sử dụng internet. Hoặc hãy chọn những nơi vừa yên tĩnh để làm việc, nhưng cũng vừa thông thoáng để mọi người dễ dàng nhìn thấy. Như thế, bối cảnh chung sẽ nhắc bạn rất tốt trong việc làm chủ bản thân.
Khi bạn muốn tìm sự cân bằng, có nghĩa là bạn nhận thấy mình đang mất cân bằng. Có một quy luật rất đơn giản, nhưng thường hiệu quả. Đó là, bạn tập trung hết sức vào những gì cần làm, thì thực sự thời gian như thế đã trôi qua hết một cách tốt đẹp.
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hãy nhìn lại một ngày sống, và nghĩ về những việc ngày mai cần làm. Và ngày hôm sau, ngay khi thức dậy, tập trung hoàn thành từng điều một.
Bạn có thể nói, làm như thế khác chi cái máy. Sự thực thì ngược lại mới đúng. Nếu chúng ta sống trong tình trạng “nghiện”, thì chúng ta chẳng khác chi cái máy cứ lặp đi lặp lại những điều không thể thoát ra. Khi đó chúng ta cũng chẳng khác chi các con thú bị quy định nghiêm ngặt bởi bản năng thôi thúc.
Còn một khi, chúng ta làm được chương trình chính bản thân mình nhận thấy cần làm, thì đó là lúc chúng ta cảm nhận được thế nào là làm chủ, là tự do, là cộng tác với người khác, là hiểu về thế giới xung quanh, là sống có trách nhiệm, là có những ý tưởng mới.
Còn nếu thực sự việc học, công việc và cuộc sống của bạn quá nhàn hạ, quá thừa thời gian, thì bạn hãy tìm cách để cải thiện cuộc sống, bằng những dự án mới, những đóng góp tình nguyện cho cộng đồng, hoặc có thêm những chương trình tốt. Chứ nếu còn trẻ, khỏe, đầy năng lực, đầy sức sống, mà để cuộc đời trôi dạt theo kiểu “bị nghiện”, thì quả là lãng phí.
Còn nếu ở trong tình trạng “nghiện” trầm trọng, thì cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia và những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Cũng tương tự như căn bệnh thể lý, có nhiều loại nặng nhẹ khác nhau, cần đến các bác sĩ đa khoa và chuyên khoa khác nhau, thì việc “nghiện” internet cũng sẽ có rất nhiều kiểu nhiều loại.
Bạn có thể hỏi rằng, nói dài dòng từ đầu tới giờ, thế thì chẳng lẽ không có giải pháp nào cụ thể, khả thi hay sao. Nếu muốn có một mô hình, thì có chứ. Đó là một đời sống lành mạnh. Ví dụ, là tuổi trẻ, đặc biệt sinh viên, chấp nhận là có những ngày ăn nhậu bạn bè thâu đêm. Chấp nhận là có những buổi học cày thâu đêm. Chấp nhận là có những buổi đấu game thâu đêm cùng nhóm bạn… Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, nếu ngày nào cũng như thế, nếu một tuần mà có tới vài ngày như thế, thì thực sự không chấp nhận được.
Có lẽ đời sống lành mạnh và giản dị, dường như trở thành điều xa xỉ và khan hiếm trong lối sống hiện đại. Nghiện “internet” có thể có một cái tên khác, đó là chia trí liên tục. Đó là sự bất an khi không kết nối. Đó là tình trạng trống rỗng, không biết phải làm gì khi không có internet.
Giữa nhịp sống xô bồ, hãy chọn cho mình một giấc ngủ ngon, hằng ngày. Hãy chọn cho mình những bữa ăn thích hợp, chứ không phải miệng ăn mà mắt dán vào màn hình, và chẳng còn biết mình đang ăn cái gì. Hãy chọn cho mình không gian làm việc phù hợp. Chọn cho mình có thời gian cùng thiên nhiên, cùng bạn bè, cùng người thân…
Internet phải nằm trong tay để chúng ta sử dụng, chứ internet không có quyền bao phủ tất cả cuộc sống, không có quyền lấy mất những gì riêng tư nhất, yên tĩnh nhất, thú vị nhất, đời thường nhất.
Đi ngủ, ngắt internet. Khi ăn, ngắt internet. Khi nói chuyện trực tiếp với người đối diện, ngắt internet. Khi đi học, nếu không thực sự cần, ngắt internet. Khi đi làm, nếu không cần, ngắt internet. Khi giải trí, dùng internet một phần. Phần còn lại, ngắt internet, để làm việc nhà, thăm người thân, chơi thể thao… Nếu bạn là người dùng Facebook “chuyên nghiệp” cho công việc, hoặc cá nhân, thì bạn hãy có phong cách riêng và lý do riêng cho mình. Và như thế, bạn sẽ có thời gian thích hợp cho phong cách ấy.
Ví dụ, thầy sử dụng Facebook. Mỗi ngày dành vài phút, thể post điều gì đó mình muốn. Sau đó, ngắt kết nối. Đợi đến giờ theo chương trình của mình, mở lên. Nếu ai đó comment mà mình cần hồi âm, thì mình trả lời. Không thì thôi. Các tin nhắn cũng thế. Có giờ cụ thể, và khi đó, sẽ trả lời tất cả các tin nhắn cần thiết. Nếu cần Chat với ai, hoặc gọi Video Call với ai, thì có hẹn trước, có giờ cụ thể. Làm như thế, mỗi ngày mất rất ít thời gian, và mọi sự đều rất nghiêm túc và có nhiều giá trị. Nếu mình có việc bận, đơn giản chỉ một tin nhắn, báo có việc bận, và hẹn ngày giờ khác. Như thế, mọi tương quan liên lạc đều rất đơn giản, thông suốt và không bị lãng phí thời gian, cũng không bị “mơ mộng hão huyền” và “bị nghiện”.
Đối với người Kitô hữu, việc xét mình hằng ngày hoặc thường xuyên, và việc xưng tội, thực sự rất quan trọng và vô cùng hữu ích, để không chỉ mình có thể làm chủ được bản thân, mà còn được tha thứ, được chữa lành, được nâng đỡ, và luôn có những khởi đầu mới, sáng kiến mới, sức sống mới.
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7 Nxb Tôn Giáo, 03/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn