TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

LẼ SỐNG - Tháng 8

Thứ bảy - 29/05/2021 03:07 |   1058
LẼ SỐNG - Tháng 8

LẼ SỐNG - Tháng 8

Ngày 01 Tháng Tám - Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng

Trong một thị trấn nhỏ bên Liên Xô, một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng của họ. Ðã lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo. Vị giáo trưởng lại cư ngụ trong một thành phố khác. Ông chỉ đến thăm cộng đoàn nhỏ bé này mỗi năm một lần. Ai ai cũng náo nức được gặp con người thánh thiện nổi tiếng này. Mọi người chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ lần lượt nêu lên để xin vị giáo trưởng giải đáp.

Khi ông đến nơi, sự căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người. Ai cũng đang trong tư thế giơ tay để đặt câu hỏi. Nhưng khi mọi người đã an tọa trong phòng họp, vị giáo trưởng không nói lời nào. Ông đưa mắt nhìn mọi người. Một hồi lâu, ông bỗng ngân nga một điệu nhạc. Mọi người đều bắt chước làm theo. Vị giáo trưởng lại cất tiếng hát lên một bài ca quen thuộc. Mọi người cũng hát theo ông... Mọi người tưởng nghi thức mở đầu ấy sẽ chấm dứt và vị giáo trưởng sẽ nói lên những lời vàng ngọc.

Nhưng không, trái với sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông không ngừng bắt lên những bài ca mới. Khi các bài ca vừa dứt, ông bước xuống khỏi bục giảng và bắt đầu nhảy múa. Ông vừa nhảy vừa vỗ tay, không mấy chốc cả cử tọa cũng bước ra khỏi ghế và nhảy theo ông. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng nhịp chân lôi kéo mọi người vào điệu múa khiến họ không còn nhớ đến những câu hỏi mà họ đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. Cả cộng đoàn hòa nhịp với nhau trong đôi chân, cùng nắm tay nhau, cùng khăng khít với nhau trong phấn khởi, vui tươi, cảm thông, hiệp nhất...

Khi các điệu vũ đã chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị giáo trưởng mới lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như sau: “Tôi tin chắc rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị em”.

Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi loạn đưa chúng ta đến tội ác...

Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Ðể ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.

Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.

Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình...


Ngày 02 Tháng Tám - Nghệ Thuật Làm Lửa

Thời xa xưa, tìm được cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đại...

Có một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm hạnh phúc của ông là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự phát minh của ông.

Cũng giống như những bộ lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm ra lửa cũng hồ hởi đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát ông, để đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.

Vị Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa. Quyển tiểu sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương sáng, đời sống gương mẫu của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng cho mọi người noi theo. Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về cuộc đời và các lời răn dạy của vị phát minh.

Ðể đảm bảo tính cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra vạ tuyệt thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lời giải thích của các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.

Câu chuyện ngụ ngôn trên đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục Anthony De Mello ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha. Qua câu chuyện này, cha De Mello như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng cái khuynh hướng chung của những người có tôn giáo là dễ dàng quên đi chính cái cốt lõi của tôn giáo. Con người dễ bám vào những nghi thức bên ngoài của tôn giáo mà quên đi sứ điệp thiết yếu của nó. Chiến tranh tôn giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều bắt nguồn từ khuynh hướng trên.

Người tín hữu Kitô chúng ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ bị cám dỗ nhìn vào đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những nghi thức, của những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của đạo chúng ta chính là tình yêu. Chúng ta sẵn sàng nhân danh Chúa, nhân danh đạo lý để loại trừ, để bách hại người anh em bằng cách này hay cách khác. Rốt cục cũng giống như bộ lạc cuối cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa của yêu thương mà Chúa Giêsu đã mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những nghi thức thừa thãi trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế đạo của yêu thương, đạo của Tin Mừng bằng đạo của hình thức, đạo của giả hình...

Quên đi cốt lõi của Tin Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Không chừng chúng ta cũng đang đóng đinh Ngài một lần thứ hai. Lời Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các nghi thức của chúng ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa được thấm nhuần, tưới gội bằng Lửa của Yêu Thương mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta.


Ngày 03 Tháng Tám - Dòng Nước Từ Sa Mạc

Có một người Ả Rập nghèo nọ phải băng qua giữa sa mạc trong cơn đói khát và mệt lả. Tình cờ, người đó bắt gặp một dòng suối. Với tất cả tấm lòng biết ơn, ông ta uống từng ngụm nước và cảm thấy ngọt ngào khôn tả. Ông múc nước đổ vào bầu da cho đầy và tiếp tục cuộc hành trình.

Sau nhiều ngày vất vả, ông đã đến thủ đô Baghdad. Tìm đủ mọi cách để tiếp kiến với quan đầu tỉnh, ông dâng kính cho quan tặng vật là chính bầu nước. Quan đầu tỉnh đón nhận món quà một cách vui vẻ. Cho nước vào trong ly, ông uống cạn và cám ơn người Ả Rập, đồng thời tưởng thưởng ông một cách quảng đại.

Những người hầu cận cứ nghĩ thầm rằng đây là một thứ nước kỳ diệu nên ai cũng mong được nếm thử. Nhưng quan đầu tỉnh nhất mực từ chối... Chờ cho người Ả Rập đi khuất, quan mới giải thích về cử chỉ của mình. Nước để lâu trong bầu da đã trở nên rất bẩn và hôi thối. Quan nghĩ rằng, nếu tất cả mọi người đều uống nước đó và đều tỏ ra khó chịu trước mặt người Ả Rập, ông ta hẳn sẽ bị tổn thương...

Quà tặng cao quý nhất mà người Ả Rập đã biếu cho quan đầu tỉnh chính là những giọt nước đã cứu sống mình. Quan đầu tỉnh đã tặng cho ông món quà quý giá nhất bằng cách uống lấy nước ông dâng biếu... Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu con người chỉ biết đối xử với nhau bằng những cử chỉ tế nhị và thân ái. Một cử chỉ nhỏ mọn đến đâu, nhưng nếu được làm với tất cả yêu mến sẽ không bao giờ qua đi.


Ngày 04 Tháng Tám - Sức mạnh Của Thiên Chúa

Ðược biết đến và được yêu mến như cha sở họ Ars, cha Gioan Maria Vianney, vị thánh được giáo hội mừng kính hôm nay, là một trong những người làm chứng về lời thánh Phaolô đã nói:“Thiên Chúa đã chọn những người không ra gì, để làm rối loạn những người mạnh mẽ”.

Năm 1815, thầy Gioan được truyền chức linh mục.

Sau ba năm tập sự dưới sự hướng dẫn của cha Balley, cha Gioan được chỉ định đến xứ Ars. Trên đường đi nhận họ đạo, khi đi đến khúc đường chật hẹp, cỏ mọc ngụp đầu người, giữa lúc không còn biết hướng đi, cha Gioan đã dừng lại hỏi cậu bé mười tuổi tên Anton đang chăn cừu gần đấy. Cậu bé lịch sự chỉ lối cho cha.

Ngày nay tại nơi đây, dân làng Ars đã dựng một tượng đài để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, gồm có tượng đồng diễn tả thánh Gioan Vianney đang đứng trò chuyện với cậu Anton, một tay ngài đặt lên vai cậu, một tay chỉ lên trời. Dưới chân tượng, người ta ghi câu cám ơn của thánh nhân: “Cám ơn con đã chỉ cho cha đường đi tới Ars. Rồi đây, cha sẽ chỉ cho con đường về Thiên Ðàng”.

Thực ra, cha Gioan đã không những giữ lời mình đã hứa chỉ đường cho một mình em Anton về quê Trời mà thôi, nhưng cho cả giáo xứ Ars và trăm ngàn người khác từ khắp nơi kéo đến hành hương, để được xưng tội và được hướng dẫn trở về đường ngay nẻo chính.

Ý thức bổn phận của linh mục là dấn thân phục vụ cho đàn chiên, cha Gioan đã hoạch định cho mình một chương trình sống, một chương trình chúng ta có thể gói gém vào ba hoạt động chính sau đây: Nếp sống khắc khổ hy sinh, tôn sùng Phép Thánh Thể và thi hành việc mục vụ qua lời giảng dạy cũng như trong tòa Giải Tội.

Ðể thi hành việc mục vụ, cha Gioan đã cho tha nhân thời giờ của mình: Mỗi ngày cha chỉ dùng 2 hay 3 giờ để nghỉ ngơi lấy sức. Giờ còn lại cha dùng để cầu nguyện và giải tội.

Quỳ lâu trong nhà thờ vào lúc canh khuya, cha Gioan duyệt lại trước Thánh Thể hoàn cảnh của tất cả 230 tín hữu trong họ đạo Ars, từng người một, từng nhu cầu của mỗi người.

Ngoài ra, mỗi ngày vào mùa đông lạnh lẽo, cha Gioan giải tội trung bình khoảng 11 hay 12 tiếng đồng hồ. Vào mùa hè, có khi ngài sử dụng đến 16 giờ để giao hòa các hối nhân lại với Thiên Chúa.

Cha Gioan thường gọi những giờ giải tội lâu dài này là “Giờ của Thiên Chúa”. Trong suốt 41 năm mục vụ, cha Gioan có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những khó khăn của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, cha mang theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của toàn dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa. Qua đó, tòa giải tội trở nên như một giếng nước trong lành, nơi giáo dân đến múc lấy Tình Thương Yêu của Thiên Chúa.


Ngày 05 Tháng Tám - Tha Nhân Không Là Hỏa Ngục

Có một chàng thanh niên khao khát trở thành một thánh nhân. Chàng xin vào một dòng tu. Không mấy chốc, chàng khám phá ra tính tình nóng nảy của mình. Nhưng thay vì tìm căn nguyên nơi mình, chàng quy trách cho những người xung quanh. Tha nhân đã trở thành hỏa ngục đối với chàng.

Sau cùng, không còn chịu nổi đời sống tập thể nữa, chàng nghĩ có thể tìm thấy sự yên tĩnh trong sa mạc. Thế là chàng đã lên đường tìm đến một nơi hoang vu vắng vẻ để cắm lều sống đời ẩn sĩ. Mà thật thế, chàng đã tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn...

Tuy nhiên, sự bình an trong cô quạnh ấy không kéo dài được. Ma quỷ đã kéo đến và chúng đã gây xáo trộn trong căn lều xinh xắn của chàng. Không còn giữ được bình tĩnh, chàng đã nổi tam bành và đạp đổ tất cả...

Sau cơn giận dữ, trở lại trạng thái bình thường, chàng mới hồi tâm suy nghĩ: Tôi đã bỏ lại tu viện các anh em của tôi, nhưng tôi lại mang chính tôi vào sa mạc. Không phải anh em tôi là căn nguyên của đau khổ của tôi, nhưng tính tình của tôi mới là đầu mối của mọi đổ vỡ...

Chúng ta được sinh ra trong một gia đình, chúng ta được mời gọi để sống trong xã hội. Tha nhân không phải là một trở ngại, nhưng chính là một trợ giúp để chúng ta phát triển nhân cách và thành toàn.

Tất cả mọi căn nguyên chính của thất bại và thành công đều nằm trong ta. Cuộc chiến cam go nhất và liên lỉ nhất của chúng ta, chính là chiến đấu chống lại bản thân chúng ta. Xã hội có thể thay đổi, cuộc sống có thể tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết cải thiện con người của chúng ta trước.


Ngày 06 Tháng Tám - Bảng kết tội nhau

Tạp chí Reader's Digest, số xuất bản tháng 11 năm 1985 có đăng một chuyện ngắn, nhưng đầy ý nghĩa về gia đình: Ðôi vợ chồng đã nhiều lần cãi nhau và lần này, đang lúc hai người cãi nhau hăng say, thì người chồng đề nghị với vợ: “Này, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Mỗi người hãy lấy giấy, viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống viết một câu. Người vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, liền hối hả viết liên hồi, dường như cố ý tranh với chồng, để kể ra nhiều tật xấu hơn. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.

Ðến lúc không còn gì để viết nữa, họ trao cho nhau bảng kể tội của nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt người vợ bỗng đổi vì xúc động. Bà vội vã đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và có thái độ làm hòa ngay. Trong tờ giấy của người chồng bà chỉ đọc được có một câu duy nhất: Anh yêu em!

Nếu tình yêu chân thật là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với con người, thì sẽ không còn cảnh tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.


Ngày 07 Tháng Tám - Con Bọ Cạp Giữa Dòng Sông

Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện...

Ông đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật. Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.

Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau:“Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi”.

Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời:“Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt”.

Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù... Kẻ xấu là người đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc... Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi thứ óc “biệt phái”. Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau...


Ngày 08 Tháng Tám - Vị Thánh Của Kinh Mân Côi

Ðaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Ðaminh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Ðaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.

Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Ðaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Ðức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung niềm tin của nhiều người.

Ðaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Ðaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.

Vào năm 1216, Ðức Hônôriô thứ 3 đã phên chuẩn dòng do cha Ðaminh sámg lập mang tên “Dòng anh em giảng thuyết” theo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Ðaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Ðaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.

Trong suốt cuộc sống, Ðaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Ðức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.
Cha Ðaminh qua đời tại Bologna bên Italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Ðức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ðaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ðaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.

Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ðaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ðaminh và nói: “Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta”. Nhìn kỹ, Ðaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.

Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ðaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.

Lý tưởng mà dòng Ðaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tịnh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.


Ngày 09 Tháng Tám - Xin Hãy Dùng Con Như Khí Cụ Bình An!

Ngày 09/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.

Ðúng 11 giờ 03 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.

Ngày 09/8/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần 140,000 người. Và gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng của phóng xạ.

Lên tiếng trong một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như sau:“Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại. Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân”. Bài diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Cũng trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân...

Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.

Lời kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không phải chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.

Nhưng hòa bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con người... Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con người.
Con người cần phải cầu nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó...


Ngày 10 Tháng Tám - Tài Sản Của Giáo Hội

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này...

Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.

Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.

Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự...

Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố:“Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội”.

Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú...

Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.

Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.

Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.

Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết chí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

Quyết chí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.


Ngày 11 Tháng Tám - Cô Bạn Của Thánh Phanxicô Assisi

Một trong những cuốn phim có giá trị diễn tả về cuộc đời của thánh Phanxicô thành Assisi mới được thực hiện cách đây vài năm đã thi vị hóa vai trò của Clara, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Ðạo diễn của cuốn phim đã giới thiệu Clara qua hình ảnh một nữ tài tử trẻ đẹp với mái tóc vàng óng ả, thích tung tăng chạy nhảy giữa cánh đồng hoa hướng dương chạy dài mút mắt.

Trong thực tế, quãng đời thanh xuân của Clara đã cống hiến nhiều chi tiết có thể được sử dụng làm chất liệu để quay phim. Vào tuổi trăng tròn 15, Clara đã từ chối kết hôn vì tâm hồn của nàng bị xúc động mãnh liệt qua lời rao giảng có chiều sâu của Phanxicô. Từ đó cho đến lúc Clara trút hơi thở cuối cùng, Phanxicô là một người bạn tinh thần, một cha linh hướng của nàng.

Lúc lên 18 tuổi, Clara thoát ly gia đình và trong một buổi lễ đơn sơ cử hành vào đêm, nàng đã cởi bỏ những xiêm y đắt tiền để mặc lấy một chiếc áo dòng bằng vải thô, đã thay chiếc dây nịt quý giá bằng một sợi dây thắt lưng đơn sơ và đã để cho Phanxicô cắt mái tóc óng ả của mình tượng trưng cho tinh thần từ bỏ.

Khi một số thiếu nữ khác cùng một chí hướng, kể cả Agnes, em gái của Clara, theo chân nàng vào tu viện, họ đã bắt đầu một cuộc sống nghèo nàn, khổ hạnh và ẩn dật, cắt đứt mọi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ đi chân không, ngủ trên nền nhà, không ăn thịt và giữ thinh lặng hầu như hoàn toàn. Ðó là những dấu hiệu bên ngoài biểu lộ ý hướng bên trong của họ muốn sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm như Ðức Giêsu đã dạy.

Ðể sống cuộc đời từ bỏ, các nữ tu dòng thánh Clara khước từ quyền sở hữu của bất cứ của cải nào, kể cả với tính cách là của chung.

Nhu cầu lương thực hằng ngày được giải quyết bằng của bố thí. Khi Ðức Thánh Cha khuyên họ giảm bớt cách thực hành sống nghèo cách tuyệt đối như vậy, Clara đã khẳng khái trả lời: “Thưa Ðức Thánh Cha, chúng con cần cha tha tội, chứ chúng con không mong ước cha tha chúng con khỏi những bổn phận phải giữ để trung tín dõi theo chân Chúa Giêsu”.

Trong bốn bức tường tu viện tại San Ðamianô gần Assisi, Clara ân cần chăm sóc các bệnh nhân, khiêm nhượng hầu bàn và rửa chân cho các nữ tu sau khi họ đi cầu thực trở về và dành nhiều thời giờ để tâm hồn chìm sâu trong kinh nguyện. Các nữ tu đồng thời thuật lại rằng: Khi Clara cầu nguyện xong, mặt chị chiếu sáng làm chói mắt mọi người.

Trong 27 năm cuối đời, Clara bị đau ốm luôn, nhưng chị đã thu hút được nhiều Giám Mục, Hồng Y, kể cả các giáo chủ đến để tham khảo ý kiến của chị.


12 Tháng Tám - Món Quà Vô Giá

Một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà. Tuyệt nhiên, bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà từng giây từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô đó là một thánh giá được bọc thạch cao.

Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng cô đầy cay đắng buồn phiền. Cô tự nghĩ: mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được món quà không ra gì.

Không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt cay đắng, cô đã kéo thập giá xuống khỏi tường và ném tung trên nền nhà. Cây thập giá vỡ tung và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh...

Cô gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món quà... Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc bằng hình thù của thập giá. Sự sần sù và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm ta không thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ muốn điều dữ cho chúng ta. Tất cả mọi sự xảy đến cho chúng ta đều nhằm dẫn đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc cao cả hơn.


Ngày 13 Tháng Tám - Bức Tường Ô Nhục

Ngày 13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đoạn tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục... Nhưng dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên...

Có những bức tường ngăn cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên... Nhưng cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với người khác.

Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn...

Bức tường vô hình cũng là bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác...

Bức tường đó cũng có thể là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh...

Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở trong nhân cách...


Ngày 14 Tháng Tám - Còn Tình Nào Cao Quý Hơn

Vào khoảng cuối tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định của những người Ðức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì 10 người khác phải thế mạng.

Duyệt qua khu biệt giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến 10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể. Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết:“Vợ tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi”. Cha Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế chỗ cho anh...

Sau này, Francis Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại: Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp và sâu xa... Vị linh mục dòng Franxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho người khác...

Liên tiếp trong hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp hối kéo dài quá lâu khiến những người Ðức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.

Thân xác của cha đã được hỏa táng và tro tàng đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu:“Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Ðức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không còn một mảnh thi hài nào còn sót lại...”.

Nhà tù nào cũng có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Ðức quốc xã...

Nhà tù có thể là hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Ðàng: Thiên Ðàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, quảng đại... Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy. Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.

“Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”. Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng...

Cái chết hy sinh vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô. Ðã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy sinh hằng ngày của mình...

Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh Maximiliano Kobel, người đã chết thay cho một người bạn tù. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống cho người khác.


Ngày 15 Tháng Tám - Marilyn, Chúng Tôi Thông Cảm Với Cô

“Marilyn, chúng tôi thông cảm với cô”: đó là hàng chữ mà hiện nay hàng ngàn du khách đều lâm râm đọc mỗi khi đứng mặc niệm trước mộ của nữ minh tinh Marilyn Monroe tại nghĩa trang Westwood, nằm ở phía Tây thành phố Los Angeles.

Hiện nay, từng giây, từng phút, hàng ngàn cánh hoa được du khách mang đến, phủ kín nơi an nghỉ của người nữ minh tinh xấu số này. Ngày 15/8/1962, người nữ minh tinh với mái tóc bạch kim óng ả lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt. Cuộc quên sinh của cô, cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Giữa lúc danh vọng đang lên, giữa lúc tiền bạc đang vào ngút ngàn, Marilyn đã chọn lấy cái chết...

Randall Reise, tác giả viết lại cuộc đời của Marilyn Monroe, đã nhận định như sau:“Marilyn không còn là một con người nữa. Cô đã trở thành một huyền thoại. Cô không còn là một nhân vật của Holywood nữa. Cô đã trở thành một yếu tố trong nền văn hóa của nước Mỹ”.

Marilyn đã trở thành lý tưởng của rất nhiều ca sĩ và minh tinh điện ảnh hiện nay. Nhưng mãi mãi, cô đã trở thành một câu hỏi lớn cho con người của thời đại: Con người bởi đâu mà ra? Con người sinh ra để làm gì? Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống? Tiền bạc, danh vọng có làm cho con người được hạnh phúc không? Marilyn Monroe là hiện thân của những câu hỏi ngàn đời ấy...

“Marilyn, chúng tôi thông cảm với cô”, bởi vì cô đã không ngừng bị dằn vặt bởi những khắc khoải quá lớn về cuộc sống. Chúng tôi thông cảm với cô, bởi vì thiếu một niềm tin vào cuộc sống, thì không còn chọn lựa nào hơn là cái chết...

Hôm nay, chúng ta mừng kính Mẹ hồn xác lên trời...

Ngày 22/7/1973, thành phố Giêrusalem đột nhiên biến thành nhộn nhịp khác thường, từng đoàn người tuôn đến vườn Giêtêmani... Có tin cho biết các nhà khảo cổ đã tìm thấy tảng đá trong mồ nơi đặt xác Ðức Mẹ. Ðức Mẹ đã chết. Ðó có lẽ phải là khẳng định đầu tiên mà các nhà khảo cổ có thể đưa ra khi tìm thấy tảng đá...

Chết là số phận tất yếu của thân phận con người. Chúa Giêsu đã chết. Có ai thoát khỏi sự chết! Nhưng có nhiều cái chết. Chúa Giêsu đã chết để phục sinh. Ðức Mẹ đã chết để được cất nhắc cả hồn xác về trời. Với Chúa Giêsu và Ðức Mẹ, cái chết là khởi đầu của hy vọng. Cái chết là ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì có chết mới được sống đời đời...

Nếu cái chết của Marilyn Monroe là một dấu hỏi được đặt ra về ý nghĩa của cuộc sống, thì cái chết của Mẹ Maria chính là câu trả lời. Qua cái chết để được cất nhắc về trời, Mẹ Maria đã cho chúng ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống, của cái chết và như vậy Mẹ trở thành chính niềm hy vọng của chúng ta.

Trong một cuộc sống không dư tiền dư của như Marilyn đã từng sống, chúng ta vẫn nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Trong ý nghĩa đó, cái chết đã trở thành khởi điểm cho một sự biến đổi mà chính Ðức Maria đã là dấu hiệu báo trước cho chúng ta... Xin cho niềm tin này củng cố chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Xin cho chúng ta luôn biết hướng nhìn về Mẹ Maria, như là đèn pha cho chúng ta giữa những u tối và cuồng phong của cuộc sống.
 

Ngày 16 Tháng Tám - Anh Ấy Chưa Bao Giờ Trưởng Thành

Ngày 16/8 kỷ niệm ngày qua đời của Elvis Presley, ca sĩ được xem như là thần tượng của nhạc Rock tại Hoa Kỳ trong thập niên 70.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, lại mang tính nhút nhát, Elvis thường trở thành trò cười cho bạn bè trong lớp. Nhưng luôn ôm ấp trong mình giấc mơ trở thành ca sĩ, Elvis đã thắng được tính nhút nhát của mình để trở thành một ngôi sao sáng chói trong nền âm nhạc Mỹ quốc...

Danh vọng và tiền bạc đến quá nhanh khiến Elvis không kịp chuẩn bị cho mình một triết lý sống vững chắc. Anh mua cho người mẹ một ngôi biệt thự lộng lẫy xa hoa. Cá nhân anh thì lại vung vãi tiền bạc trong không biết bao nhiêu thú vui phù phiếm. Cuộc hôn nhân đầu tiên đã đổ vỡ, chỉ để lại cho anh cay đắng buồn phiền...

Sự ái mộ của dân chúng dường như không đủ để lấp đầy khoảng trống vắng quá lớn trong tâm hồn anh. Ma túy và các thứ thuốc an thần cũng không đủ hiệu lực để xoa dịu bao nỗi khắc khoải trong anh...

Buổi sáng ngày 16/8/1977, sau một đêm thức trắng để đọc sách, Elvis đã được tìm thấy trong phòng tắm của anh, mặt úp xuống sàn nhà, sau một cơn chống trả mãnh liệt với tử thần... Anh đã tắt thở ngay sau khi được chở vào bệnh viện.

Priscilla, người vợ đầu tiên của Elvis đã thốt lên như sau: “Cái chết của Elvis khiến tôi nghĩ nhiều về chính cái chết của tôi... Tôi chợt nhận ra rằng tôi cần phải chia sẻ với người khác nhiều hơn. Khi trở thành một ngôi sao trong nền âm nhạc, Elvis còn quá trẻ để có thể biết cách sử dụng tiền tài, danh vọng đang đến với anh. Anh chỉ là một nạn nhân. Anh bị hủy diệt bởi chính những người ái mộ anh. Anh cũng là nạn nhân của chính hình ảnh mà anh đã tự tạo ra. Anh chưa bao giờ sống như một người thực sự, anh chưa bao giờ trưởng thành, anh chưa bao giờ ra khỏi cái vỏ ốc ấm áp của anh để cảm nghiệm được thế giới bên ngoài”.

Bảo rằng tiền bạc, danh vọng không làm cho con người hạnh phúc có lẽ cũng bằng thừa. Biết bao nhiêu người đã đi tìm hạnh phúc trong của cải chóng qua ở đời này, rốt cục, họ chỉ gặp thất vọng, chán nản ê chề... Thánh Augustinô đã được coi như là một hiện thân của một cuộc tìm kiếm không ngừng. Tìm kiếm hạnh phúc trong hiểu biết, tìm kiếm hạnh phúc trong khoái lạc v.v..., tất cả chỉ để lại trong tâm hồn ngài nỗi trống vắng ê chề. Cuối cùng ngài đã tìm ra chân lý: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho chính Chúa, tâm hồn con chỉ ngơi nghỉ khi được yên nghỉ trong Chúa...”.

Phải, chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy nỗi khao khát hạnh phúc trong lòng người... Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để tìm kiếm Chúa trong những cái chóng qua ở đời này. Giá trị cao cả nhất để chúng ta đeo đuổi không phải là tiền của, danh vọng, nhưng chính là Chúa và những giá trị của Nước Trời.


Ngày 17 Tháng Tám - Tiếng Thì Thầm Của Sa Mạc

Một nhà thám hiểm nọ lạc mất giữa sa mạc. Ði từ dụm cát này đến cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia, nơi đâu ông cũng thấy toàn là cát với cát. Lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông vấp ngã và nằm vùi bên gốc cây. Ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận thức đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối từ xa vọng lại.

Như sống lại từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối. Rồi dùng nguồn năng lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối...

Cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và nhận ra sự hiện diện của Chúa.

Có những ồn ào của những bận tâm thái quá cho danh vọng, cho tiền của, cho tương lai. Có những ồn ào của tham lam giành giật không đếm xỉa đến người khác. Có những ồn ào của sôi sục cừu hận, báo thù...

Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Có thinh lặng, chúng ta mới nhận ra được tiếng Ngài qua những khóc than của không biết bao nhiêu người bất hạnh xung quanh. Có thinh lặng, chúng ta mới nghe được lời an ủi, đỡ nâng của Ngài giữa gánh nặng chồng chất của cuộc sống...


Ngày 18 Tháng Tám - Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta

Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng giao tranh với nhau.

Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.

Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là “Ðức Kitô của dãy núi Andes”. Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm thánh giá.

Chính phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.

Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: “Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô”. Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau:“Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một”.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.

Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự “đạp đổ”: chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở...

Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.


Ngày 19 Tháng Tám - Hãy Nhìn Lên Cao

Dạo cuối tháng 4/1990, ở cao độ 620 cây số trên biển Thái Bình Dương, cánh tay dài 12 thước của người máy từ phi thuyền con thoi Discover đã đưa ống thiên văn Hubble rời xa phi thuyền để đi vào quỹ đạo không gian, bắt đầu một cuộc hành trình quan sát vũ trụ được dự trù kéo dài trong suốt 15 năm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học.

Do nhu cầu tìm hiểu vũ trụ, kính thiên văn đã được ra đời cách đây khoảng 380 năm. Nhờ kính thiên văn, các nhà thiên văn học mới có thể quan sát một cách chi tiết những thiên thể ở gần trái đất và từ đó đưa ra những định lý căn bản cho ngành thiên văn học. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là những máy điện toán, những kính thiên văn ngày càng được cải tiến về kỹ thuật cũng như kích thước để gia tăng khả năng quan sát. Hai kính thiên văn có đường kính lớn nhất hiện nay được đặt trên đỉnh núi Palomar và Caucasus. Nhưng dù được cải tiến cách mấy đi nữa, khoảng cách quan sát và mức độ phân giải của kính thiên văn đặt trên mặt đất vẫn còn bị giới hạn, vì ánh sáng từ các thiên thể trước khi đến mặt đất đã bị ngăn cản và tản xạ nhiều bởi lớp khí quyển bao quanh trái đất.

Ý tưởng về kính thiên văn đặt ngoài không gian đã được đề cập đến năm 1923, nhưng mãi đến năm 1981, ý tưởng này mới được thực hiện với một kinh phí khổng lồ là 1 tỷ rưỡi Mỹ kim. Kính thiên văn đặt ngoài không gian trái đất này mang tên khoa học gia Hoa Kỳ Edwin Hubble, một trong những tài năng lỗi lạc nhất trong ngành thiên văn học.
Sự ra đời của kính thiên văn Hubble có thể so sánh với sự ra đời của kính thiên văn đầu tiên của Galilêô vào năm 1609: đây là bước tiến quan trọng trong ngành thiên văn học, nó giúp con người tiến đến gần chân lý hơn trên con đường tìm hiểu vũ trụ.

Càng lên cao, con người mới nhìn xa thấy rộng. Càng ra khỏi mặt đất, càng lên cao trên không gian, nhãn giới của chúng ta càng mở rộng. Cũng giống như ống kính thiên văn Hubble, người Kitô hữu cũng được trang bị bằng cái nhìn từ trên cao. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta nhìn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta biết được đâu là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của một tình yêu luôn hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại và của từng người.

Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn của Ngài, Phêrô kéo Ngài lại và can gián Ngài. Chúa Giêsu đã quở trách ông: “Hãy lui ra đằng sau ta hỡi Satan. Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, bởi vì cái nhìn của ngươi không phải là cái nhìn của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Lắm lúc chúng ta cũng khước từ cái nhìn trên cao của Thiên Chúa để chỉ nhìn vào cái biến cố bằng cái nhìn trần tục của chúng ta. Với cái nhìn trần tục, chúng ta chỉ thấy màu đen của thất bại, chết chóc, thất vọng, buồn thảm. Nhưng với cái nhìn của Chúa, sự yếu đuối sẽ trở thành sức mạnh, mất mát sẽ trở thành lợi lộc, khờ dại sẽ trở thành khôn ngoan. Trong cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy ánh sáng, hy vọng, tin tưởng, lạc quan.

Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy yêu thích những sự trên trời”. Hãy mặc lấy cái nhìn từ trên cao. Hãy luôn sống và hành động bằng những tâm tình của chính Chúa Giêsu.


Ngày 20 Tháng Tám - Hai Vì Sao Mỉm Cười

Một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống. Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.

Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.

Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.

Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: “Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ”.

Qua thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.

Nói như mẹ Têrêxa Calcutta: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mất mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực”.


Ngày 21 Tháng Tám - Kẻ Thù Trong Mơ

Ðời Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt mà đi... Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không tài nào ngủ lại được.

Sáng hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau:“Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ được kẻ ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất”.

Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù.

Ðã tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù, ông ta trở về nhà uất người lên và chết.

Nhà diễn giả hùng biện nhất của đế quốc La Mã là Cicero có nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Câu chuyện của người nằm mơ thấy kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng không là một minh họa cho câu nói của Cicero. Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, bởi vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để tự tiêu diệt chính mình.

Chúa Giêsu không đến để chối bỏ sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối và tiêu diệt nhau.

Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài. Chỉ có yêu thương và tha thứ mới có thể là thứ khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta thứ khí giới ấy. Ngài đã không ngừng nói với chúng ta: “Hãy yêu thương kẻ thù ngươi, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi”.

Nếu con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay chính trong chúng ta. Chính khi chúng ta cưu mang cừu hận là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình. Chính khi chúng ta khước từ tha thứ và làm ơn cho những kẻ thù ghét hãm hại chúng ta, là chính lúc chúng ta tự giam hãm trong hận thù để rồi tự hủy hoại chính mình.


Ngày 22 Tháng Tám - Trinh Nữ Vương

Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.

Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh:“Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy...” lược dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: “Salve Regina...” vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với Mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.

Trong tông huấn mang tựa đề:“Lòmg sùng kính Ðức Mẹ Maria”, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau:“Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền”.

Lời giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.

Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.


Ngày 23 Tháng Tám - Hoa Ðầu Mùa Của Mỹ Châu

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Rosa Lima, vị thánh đầu tiên của Châu Mỹ. Thánh nữ có hai đặc điểm mà dường như vị thánh nào cũng có, đó là: bị chống đối và sống khắc khổ.

Chọn thánh nữ Catarina Siena làm mẫu mực, Rosa quyết sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sợ nhan sắc của mình có thể quyến rũ nhiều người cũng như làm cớ vấp phạm cho chính mình, Rosa đã lấy tiêu thoa lên mặt để biến mình thành một người xấu xí. Cô cũng lấy thép cuốn thành vòng gai nhọn đội trên đầu.

Nhưng Rosa không phải là một con người mơ mộng viễn vông. Khi thấy gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Rosa đã hy sinh làm lụng suốt ngày ngoài đồng và tối về may vá suốt đêm để kiếm tiền đắp đổi cho gia đình. Sống cho cha mẹ, lo cho gia đình, nhưng Rosa vẫn quyết tâm dâng hiến trọn đời cho Chúa. Cô đã mất mười năm để chống lại ý định của cha mẹ nhằm cưỡng bách cô phải lập gia đình. Và cuối cùng, vì cha mẹ cũng không chấp nhận cho cô vào dòng, Rosa đã gia nhập vào dòng ba thánh Ða Minh. Như thế cô vừa sống được lý tưởng tu dòng vừa sống thánh giữa đời.

Trong những năm cuối đời, Rosa dành một phòng trong nhà để đón tiếp trẻ em không nhà không cửa và những người già cả bệnh tật. Ðây là một trong những hình thức hoạt động xã hội đầu tiên tại Pêru.

Rosa qua đời năm 31 tuổi. Cả thành phố Lima thương khóc cô như một vị thánh trẻ đã kết hợp tinh thần chiêm niệm, khổ chế với hoạt động bác ái.

Thánh Rosa kể lại rằng trong một giấc mơ, ngài được Chúa dẫn đến một xưởng điêu khắc dành cho những người muốn nên thánh. Thánh nhân chứng kiến cảnh không biết bao nhiêu người đang ngồi trước các khối đá cẩm thạch. Có người sắp hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật. Có người chỉ mới bắt đầu đục đẽo trên một phiến đá sần sù, cứng nhắc. Thánh nữ cũng được Chúa trao cho những đồ nghề cần thiết và đặt ngồi trước một phiến đá lớn. Người mẫu của tác phẩm chính là hình ảnh mà Thiên Chúa đã đặt để từ đời đời trong thánh nữ.

Mỗi ngày chúng ta kính nhớ một vị thánh. Mỗi một vị thánh là một nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta. Không một vị thánh nào giống vị thánh nào. Không ai bắt buộc phải sống khuôn dập theo bất cứ một mẫu mực nào. Mỗi người là một vị thánh cá biệt. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung: đó là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.

Và hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta họa lại trong cuộc đời của chính mình là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng người Kitô không chỉ sống như Ðức Kitô, mà còn sống bằng chính Ðức Kitô. Họa lại Ðức Kitô cũng có nghĩa là để cho Ðức Kitô uốn nắn, tạc vẽ cho đến khi nào chúng ta đạt được tầm mức của Ngài.


Ngày 24 Tháng Tám - Tách Nước Tràn Ðầy

Ðể đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau: Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.

Ðể kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức.

Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhà hiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách. Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư. Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay... Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp... Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn:“Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa”.

Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói:“Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở”.

Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực.


Ngày 25 Tháng Tám - Giấc Mơ Của Một Thi Sĩ

Thi sĩ Sully Prudhomme, người Pháp đã có lần tưởng tượng ra một giấc mơ như sau:

Ông mơ thấy một nhà nông bảo ông hãy cầm cày lấy đất, trồng lấy lúa, gặt lấy thóc, làm lấy gạo mà ăn. Ông mơ thấy người thợ dệt bảo ông hãy đánh lấy chỉ, dệt lấy áo mà mặc. Ông mơ thấy người thợ nề bảo ông hòa lấy vữa, xây lấy nhà mà ở. Còn gì nữa? Ông đã thấy mọi người bỏ ông, xa lánh ông, để ông trơ trọi với cảnh vật. Ông kinh hãi. Ông kêu cầu, khẩn hứa nhưng chỉ thấy mãnh thú xuất hiện trên đường.

Có lẽ không có bao nhiêu người đã mơ giấc mơ nói trên. Nhưng chắc chắn nhiều người chỉ nghĩ đến mình, tưởng rằng một mình có thể sống giữa vũ trụ, không cần đến ai, không cần ai giúp đỡ.

Không ai là một hòn đảo. Chúng ta đều bị ràng buộc với mọi người, chúng ta đổi công việc của chúng ta với công việc của người khác, chúng ta phụng sự người vì người đã phụng sự chúng ta.

Nhưng chúng ta không chỉ sống trong tình liên đới về mặt vật chất. Con người còn liên đới nhau về mặt hạnh phúc và đau khổ. Không ai hạnh phúc một mình và không ai một mình có thể chịu nổi sự đau khổ. Nhờ người, ta mới vui và nhờ người, ta mới trút bớt những cơ cực của ta. Thế giới này quá nặng khiến một người có thể mang nổi và sự khổ cực của vũ trụ quá lớn cho một trái tim.


Ngày 26 Tháng Tám - Gia Ðình Là Nền Tảng Của Vũ Trụ

Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Ðỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực trung thành với vợ.

Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử:“Ôi vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?”.

Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự:“Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi”.

Nói xong Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Con người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô, thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng thành.

Nền tảng để gia đình được đứng vững đó là Tình Yêu. Nhưng Tình Yêu không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới của con người... Một gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều tùy thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng ngày của con người.

Hai cử chỉ dường như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5/1987 của Ðức Gioan Phaolii II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành Thánh Lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng.

Cây tốt thường sinh trái tốt: con người của Ðức Gioan Phaolô II là hoa trái Tình Yêu của cha mẹ ngài. Viếng mộ của song thân, Ðức Thánh Cha không những nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.

Giữa thời đại mà đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Ðức Thánh Cha muốn gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung thành với nhau.

Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lập lại lời thề hứa trong hôn phối, Ðức Thánh Cha đã lập lại ý nghĩa và giá trị của Bí Tích Hôn Phối. Ngài nói như sau: “Khi quỳ gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ chồng đã thề hứa với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thế trước mặt Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu họ và yêu cho đến cùng”.

“Tôi hứa sẽ giữ trung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi”.

Khi tuyên hứa với nhau như thế, hai người đã lập lại chính cam kết của Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Yêu cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái. Luật của đời sống hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết. Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người sẽ gặp lại chính mình trong người khác... Ðó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.


Ngày 27 Tháng Tám - Ăn Cắp Lửa Trời

Thần thoại Hy Lạp có kể lại câu chuyện của thần Prométhée ăn cắp lửa trời để sáng tạo con người.

Theo óc tưởng tượng của người Hy Lạp, Thiên Triều do thần Zeus cai trị gồm có hai loại thần: các đại thần và tiểu thần. Tiểu thần là các vị thần đã bị nhóm các vị thần trung thành với Ngọc Hoàng Zeus đánh đổ... Trong số các tiểu thần thất sủng ấy, Prométhée là vị thần duy nhất vẫn còn được Ngọc Hoàng Zeus tín nhiệm nên ban cho quyền tạo dựng con người và súc vật trên mặt đất.

Ngày nọ, Prométhée và em của mình đã thí nghiệm khả năng sáng tạo của họ. Họ dùng mọi yếu tố trên trần gian để nhào nặn nên con người... Thế nhưng, giống người mà họ tạo nên vẫn chết cứng bởi vì còn thiếu lửa. Nhưng lửa thì chỉ có các vị đại thần trên thiên triều mới nắm giữ. Thế là Prométhée đã lén đến lò rèn của thần Hephetus để đánh cắp lửa thiêng. Lửa ăn cắp từ thiên triều đã lan tràn khắp mặt đất làm cho con người được sưởi ấm và hân hoan.

Ngọc Hoàng Zeus đã hay biết mọi chuyện. Ông nổi giận lôi đình và cho sấm sét đến lay chuyển cả mặt đất... Vì tội ăn cắp lửa trời, nên Prométhée đã bị Zeus cho trói vào một ngọn núi cao, mỗi ngày diều hâu đến mổ vào gan của ông.

Huyền thoại Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và khả năng khoa học gần như không giới hạn của con người... Khả năng đó là một thể hiện của chính hình ảnh Thiên Chúa khắc ghi vào con người... Khả năng sáng tạo đó cũng nói lên phẩm giá siêu việt của con người... Khả năng sáng tạo đó, Thiên Chúa phú bẩm cho con người là để phục vụ phẩm giá con người hay để hủy hoại nó? Ðó là câu hỏi đang được đặt ra cho con người của thời đại chúng ta.

Có nhiều người chủ trương rằng do tiến hóa, con người bởi loài khỉ mà ra. Ðứng trên phương diện khoa học thì giả thuyết đó không phải là một điều tưởng tượng... Tuy nhiên, một thách đố có thể đặt ra cho con người là: liệu có thể có một tiến trình ngược lại theo đó con người có trở thành khỉ không?

Cách đây không lâu, ông Chiarelli, một giáo sư nhân chủng học tại đại học Firenze bên Italia đã đề nghị cho khỉ cái được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người nam. Giống sinh vật do sự lai giống này sinh ra sẽ là một con vật nửa người nửa khỉ. Mục đích được tạo dựng của giống sinh vật này là để dùng vào các công tác tạp dịch hoặc để lấy các cơ phận của nó ghép vào các bệnh nhân.

Vấn đề được đặt ra là: giống sinh vật nửa người nửa khỉ này nếu dùng được ngôn ngữ của con người, nó sẽ xưng hô thế nào với người cho tinh trùng từ đó nó được thụ thai? Dù muốn dù không, không ai có thể chối bỏ được phụ tính của người đàn ông cho tinh trùng. Nói một cách nôm na, giống sinh vật nửa người nửa khỉ này là con của ông, nó có quyền gọi ông là cha... Vậy thì, có người cha nào muốn dùng con mình vào những cuộc thử nghiệm không? Có người cha nào muốn biến con của mình thành một con thú hay không?

Ðặt câu hỏi như thế không phải là xa vời, bởi vì dưới ánh mặt trời này, khi con người chối bỏ lẫn nhau, khi con người không còn biết nhìn nhận phẩm giá siêu việt của người khác, thì chuyện gì xem ra cũng có thể xảy đến... Hitler đã giết hại 6 triệu người Do Thái, Polpot đã tiêu diệt gần 2 triệu đồng bào ruột thịt của mình. Cả hai đều xây dựng trên một lý thuyết: con người chỉ là một con vật!

Câu chuyện khoa học trên đây có quá xa vời với chúng ta không? Dù trong nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động chính trị hay trong các giao tế hằng ngày: vấn đề vẫn giống nhau. Mỗi khi con người chối bỏ phẩm giá của người khác là lúc con người cũng muốn biến người đó thành một loài khỉ và dĩ nhiên theo một thứ luận lý rất chặt chẽ, con người cũng tự nhận mình là khỉ.


Ngày 28 Tháng Tám - Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng

“Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.
Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.

Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.

Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.
Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.

Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa”.

Trên đây là một đoạn trong quyển “Tự Thú” của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippone.

Duyệt qua cuộc sống của thánh Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô: “Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô”.

Và kể từ đó, có thể nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.

Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:

Trước tiên, cường độ của sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.

Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.

Và sau cùng là sự hướng dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung”.


Ngày 29 Tháng Tám - Cái Chết Của Một Tiên Tri

Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.

Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.

Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là “tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng” và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.

Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.

Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.


Ngày 30 Tháng Tám - Ban Phát Không Ngừng

Trong một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người khách bộ hành như sau:

Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu về lợi ích của nó.

Người thứ nhất lên tiếng:“Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau”.

Người bộ hành thứ hai góp ý:“Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi loài người, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn”.

Người bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên:“Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào... Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế”.

Sự sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.

Thiên Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát không ngừng.

Thánh Thần là ân ban của Thiên Chúa... Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại chính mình.


Ngày 31 Tháng Tám - Ốc Ðảo Hòa Bình

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là “Ốc đảo hòa bình”.

Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại công giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau:“Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần”.

Ước vọng các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết như sau: “Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác”.

Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.

Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng:“Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều”.

Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa...

Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối... Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.

Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau...

Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?...

VDB sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây