TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người Linh Mục – Con Người Mở

Thứ hai - 31/05/2021 04:30 | Tác giả bài viết: Lm Phêrô Trần Bảo Ninh |   866
Người Linh Mục – Con Người Mở

Người Linh Mục – Con Người Mở

Mỗi năm, khi Tuần Thánh trở về, Mẹ Giáo hội dành ngày Thứ Năm Tuần Thánh để cầu nguyện đặc biệt cho các Linh Mục của Giáo hội, của Thiên Chúa. Ngày này cũng dành để hướng về Bí tích Truyền chức mà Chúa Giêsu đã thiết lập, từ đó cho phép con người được tiếp nối hiến lễ của Ngài trên thập giá nơi đỉnh đồi Canvê. Thiết tưởng nhắc lại đôi nét đó để hướng về chức Linh Mục của Chúa hôm nay và con người Linh Mục của Giáo hội đang thi hành Thánh chức đó thế nào.

Để trở thành một Linh Mục của Giáo Hội Công Giáo, ứng viên được chọn phải trải qua một thời gian đào tạo về mọi mặt, từ Triết học, Thần học, và cả đời sống nhân bản, cách học làm người trong môi trường phục vụ và hoàn cảnh hiện tại của mỗi dân tộc, mỗi đất nước. Sau khi được đào tạo, ứng viên đó sẽ được thẩm định bởi những người hữu trách theo Giáo luật. Quyết định đó đưa ứng viên tới ngày lãnh nhận thiên chức Linh Mục. Đó là góc nhìn của các nhà đào tạo, của các nhà hữu trách theo giáo luật Giáo hội Công giáo. Còn dưới góc nhìn của người giáo dân hôm nay, họ nhìn nhận người Linh Mục “thiệt” là người đem họ tới gặp được Thiên Chúa, còn người Linh Mục “giả” là người đem giáo dân đến với cái tôi của Linh Mục. Xem ra quan niệm này mang bụi trần tí nhưng quả thực là như thế. Họ mong muốn người Linh Mục hôm nay hãy là một chiếc máng, là người dẫn đường, là bạn đồng hành với họ trong hành trình đức tin, trên đường đến với Chúa, tiếc thay, có nhiều anh em đã đi ngược lại với mong muốn của anh chị em giáo dân và cả Giáo hội nữa. Ngay sau Công đồng Vaticano II, người Linh Mục được coi là một con người tiên phong của một Giáo hội đi ra, của một Giáo hội đang trở mình để đổi thay theo luồng gió mới của Chúa Thánh Thần. Để sống tinh thần mở đó, người Linh Mục trước hết hãy mở chính mình cho Chúa Thánh Thần sử dụng, mở khối óc để nghe lời Ngài, mở con tim để cảm thông và mở vòng tay để đón nhận. Xa hơn, hãy mở cuộc đời mình cho Chúa lớn lên.

Đến đây, tôi sực nhớ tới bài chia sẻ của Đức Hồng Y Phêrô trong Thánh lễ an táng Đức Tổng Phaolô vừa qua, Ngài nói về những ngày thăng trầm của Đức Tổng, được đào tạo trong bối cảnh của Công đồng Vaticano II nên có khá nhiều tư tưởng mở. Mở ra với thế giới, mở ra với mọi người, và mở ra với mọi anh em tôn giáo bạn nữa. Vậy mà, khi Đức Tổng bước vào chặng đường phục vụ, lắm lúc Ngài đã bị hiểu lầm, bị quy kết thật nghiệt ngã. Những bước đường của Đức Tổng đi và những việc Ngài làm đều hướng về việc “đối thoại cứu độ”, hầu bắc những nhịp cầu ngoại biên cho anh chị em còn đang ở ngoài Giáo hội trở về với Thiên Chúa như lời mời của Đức Giáo hoàng Phanxicô khi Ngài nhận sứ vụ Giáo hoàng của mình.

Vậy hình ảnh và ơn gọi Linh Mục hôm nay xem ra là một thách đố cho mỗi con người đã, đang và sẽ đón nhận cũng như thi hành thánh chức Linh Mục cao quý. Chúa Giêsu trước khi về trời, đã thiết lập thánh chức đó và cho con người được tiếp nối mầu nhiệm cứu độ của Ngài trên thập giá, rồi từ đó, Mẹ Giáo hội đón nhận sứ mạng và mỗi thời, mỗi giai đoạn, luôn mời gọi con cái quảng đại đáp lại tiếng Chúa để phục vụ các linh hồn qua thánh chức đó, thế nhưng, còn bao điều đáng tiếc vẫn còn ẩn hiện nơi các Linh Mục của Chúa. Tham, sân, si vẫn là những yếu tố đeo đuổi và cám dỗ con người Linh Mục, và biết bao hấp lực khác từ xã hội cũng như cuộc sống, đang từng ngày cám dỗ và lôi kéo con người Linh Mục đi vào những quỹ đạo của “thế gian”. Ngay cả các Linh Mục với nhau vẫn còn có chút gì đó mang màu sắc của nhóm 12, khi hai người con ông Zêbêdê tới xin Thầy cho ngồi ch này ch kia trong Nước Trời, và đó là những vết thương nơi thân thể Chúa Kitô qua con người các Linh Mục đó.

Lời mời của thánh Công đồng Vaticano II gởi đến cho con cái là hãy mở ra, mở trái tim, mở khối óc, mở vòng tay và mở cuộc đời để Thiên Chúa đi vào cuộc đời mình, và tha nhân đi ngang qua cuộc đời mình để vào Nước Trời. Ngẫm về ước mong đó của Giáo hội, bao người trẻ đang mong ước dấn thân như thế, nhưng tiếc thay, lòng nhiệt thành đó đã bị dập tắt ngay từ trong trứng nước bởi những giáo điều và tinh thần thế tục. Hiện còn biết bao anh em Linh Mục trẻ đang hăng say làm việc đó đây trên cánh đồng truyền giáo, nhưng vì tuổi trẻ, còn non thiếu kinh nghiệm, rất cần được sự quan tâm và chia sẻ, cần được cảm thông và đồng hành, thế mà, họ đã phải nuốt nước mắt vào trong vì cô đơn, vì hụt hẫng, vì trống vắng tình huynh đệ. Thực sự, có phải chúng ta chưa dám bước qua ngưỡng cửa của “tính người” để đối thoại cứu độ như tâm tình sống của Cố Đức Tổng Phaolô. Lúc sinh thời, Ngài đã âm thầm sống tinh thần đó của Công đồng và bị coi là Linh Mục “đỏ”. Cũng đau khổ lắm chứ, cũng chịu đựng nhiều vì bị hiểu lầm đó chứ, nhưng Ngài đã mạnh dạn thưa chuyện với Chúa Thánh Thần, để đem anh chị em mình vượt qua những thăng trầm trong xã hội hiện tại. Nếu như tinh thần đối thoại cứu độ đó được vận hành trở lại, liệu rằng được bao nhiêu Linh Mục chấp nhận và sẵn sàng đối thoại để anh chị em mình, đặc biệt là các Linh Mục, được cứu độ.

Để cho Chúa lớn lên, chắc mỗi con người, đặc biệt các Linh Mục, lại càng phải nhỏ lại, vậy mà, tiếc quá, các Ngài lại lớn nhanh làm cho Chúa không theo kịp. Còn nhiều khoảng trống vậy, nên họ khó có thể đối thoại, khó có thể tìm được tiếng nói chung với các Linh Mục trẻ, còn non thiếu kinh nghiệm mục vụ. Và xa hơn nữa là thiếu sự chuẩn bị cho Giáo hội đối diện với những thách đố của xã hội hiện tại. Không vì thế mà quy chụp và coi đó là những Linh Mục đỏ, phải chăng vì  thiếu sự yêu mến Giáo hội nên chưa mạnh dạn đến với mọi anh em. Chúa Giêsu đã chấp nhận những khiếm khuyết nơi các Tông Đồ khi chọn họ, và Ngài cũng chấp nhận điều đó nơi các Linh Mục của Ngài, thế nhưng, các Linh Mục với nhau đã chấp nhận được điều đó chưa, hay đã chấp nhận được khả năng mỗi người để có sự công bằng, có sự chia sẻ và có sự đồng hành. Nếu không tỉnh thức, vô tình sẽ làm cho thân thể của Thầy bị xé toạc và xuất hiện nhiều vết đâm của lòng tham và quyền lực.

Ngày Thứ Năm Thánh, Thầy Chí Thánh đã cúi xuống rửa chân cho các đồ đệ như là một dấu chỉ của tình yêu đến cùng, không phân biệt, không tính toán. Phải chi tình yêu đó được họa lại mỗi ngày một hoàn thiện hơn nơi những con người Linh Mục, dù còn nhiều bất toàn, để tinh thần của Mẹ Giáo hội được thành hiện thực là luôn mở ra, luôn đi tới với và cùng thế giới này. Đó cũng là lúc Giáo hội đang ở giữa lòng thế giới và Thầy Chí Thánh cũng ước mong các đồ đệ của Ngài hãy gặp gỡ, hãy tiếp xúc, hay nói theo cách của Đức Tổng là cố gắng đối thoại để anh chị em được cứu độ. Để thực hiện điều đó, có phải nên khởi đi từ những con người ưu tú là các Linh Mục. Họ là những người đang có trách nhiệm tạo nên những nhịp cầu ngoại biên cho Thiên Chúa đến với mọi người. Thế thì họ phải bắc một nhịp cầu cho Thiên Chúa đi vào trong con người của họ trước, để Thiên Chúa hướng dẫn họ nên làm gì cho tha nhân.

Có thể đó là những thách đố đối với các Linh Mục hôm nay, nhất là các Linh Mục trẻ của Giáo hội, nhưng có Chúa Thánh Thần bên cạnh, chúng ta có thể làm được mọi sự. Thiên Chúa luôn ban đủ ơn của Ngài cho mỗi người và cho thánh chức đó, nhưng Ngài cần nơi con người sự khiêm tốn, sự chân thành và sự cộng tác cho Nước Trời, để mọi người dưới bầu trời này nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa và hơn nữa là nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng nhân loại, đặc biệt nơi những người Linh Mục.

 

Pet.baoninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây