Tại sao đôi khi chúng ta khó cầm quyển Thánh Kinh lên đọc?
fr.aleteia.org, John Burger, 2017-06-01
Một cuộc nghiên cứu của Mỹ để tìm hiểu vì sao ít người đọc Thánh Kinh, dù họ có ý định thoáng qua hay có quyết tâm.
Theo sách kỷ lục Guinness Book, quyển Thánh Kinh là quyển sách “bán nhiều nhất, phổ biến nhiều nhất trên thế giới”, với 5 tỷ ấn bản cho đến giờ này.
Trong một thế giới càng ngày càng thế tục, quyển Thánh Kinh vẫn có mặt và không phải chỉ dành cho các tín hữu giữ đạo nhất. Ở Mỹ, các khách sạn vẫn còn để quyển Kinh Thánh trong ngăn kéo trên bàn đầu giường.
Dù vậy, trong một nghiên cứu gần đây của văn phòng Nghiên cứu Lối Sống (LifeWay Research) ở Mỹ, hơn một nửa người Mỹ chưa bao giờ đọc hoặc rất ít khi đọc Thánh Kinh.
Công ty điều hành nghiên cứu cho biết: “Ít hơn một phần tư những người đã đọc Thánh Kinh đọc một cách có hệ thống. Một phần ba thì không có thói quen mở ra đọc”.
Ông Scott McConnell, giám đốc trung tâm nghiên cứu Lối Sống (LifeWay) cho biết: “Đa số người Mỹ thật sự không biết nội dung quyển Thánh Kinh, vì họ gần như không bao giờ mở sách ra”. Ông giải thích: “Trong số những người giữ đạo thường xuyên, chưa đến một nửa đọc Thánh Kinh mỗi ngày”. Văn phòng Lối Sống hỏi 1000 người Mỹ về tương quan của họ với Thánh Kinh: 10% chưa bao giờ đọc. 13% đọc vài câu, 30% đọc nhiều đoạn khác nhau hay các câu chuyện kể trong Thánh Kinh. Một trên năm người Mỹ đọc hết quyển Thánh Kinh ít nhất một lần. Con số này gồm 11% người đọc trọn quyển một lần, 9% đọc nhiều lần. 12% đã đọc gần như trọn quyển và 15% đọc ít nhất được một nửa.
Nhưng theo Stephen J. Binz, tác giả của một loạt sách về nghiên cứu Thánh Kinh, thì đó không phải là chuyện thiết yếu.
Quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng
“Sự thông hiểu Lời Chúa để biến đổi không tùy thuộc vào số lượng mình đọc. Nó tùy thuộc vào chất lượng nhiều hơn, dựa trên các phương pháp mà Giáo hội mang lại cho chúng ta. Đọc một hay nhiều lần không quan trọng. Đó không phải là chuyện mang lại chất lượng cho sự gặp gỡ của chúng ta với Lời Chúa”.
Ông Stephen Blitz đưa ra nhiều cách để có quan hệ sâu đậm với Lời Chúa, muốn được vậy phải bỏ nhiều thì giờ. Chẳng hạn khi đọc lời đọc thánh (lectio divina), dùng một đoạn Thánh Kinh suy gẫm và cầu nguyện theo phương pháp của Thánh I-Nhã, có thể giúp cho người đọc hình dung được bối cảnh đoạn mình đọc.
“Mọi cách đọc Kinh Thánh sẽ không hoàn hảo nếu nó không đưa chúng ta đến cầu nguyện, thời gian chúng ta đọc Kinh Thánh trở thành một cuộc đối thoại, qua đó chúng ta nghe Chúa trong bản văn, và chúng ta đáp lại Ngài trong lời cầu nguyện và trong cuộc sống được biến đổi”.
Nếu cuộc nghiên cứu cho thấy người tin lành đọc Thánh Kinh nhiều hơn người công giáo, thì ông John Martignoni, nhà sáng lập cơ quan Bible Christian Society cho rằng người công giáo hiểu Thánh Kinh nhiều hơn họ tưởng, nhất là những người đi lễ thường xuyên. Không những họ nghe ba, có khi bốn đoạn trong các bài đọc của nghi thức phụng vụ, mà họ còn nghe các lời cầu nguyện trong suốt thánh lễ, đa số cũng trích từ Thánh Kinh.
Ông Stephen Blitz rất ngạc nhiên về phần kết luận của cuộc nghiên cứu, theo đó “giây phút duy nhất mà đa số người Mỹ đọc Thánh Kinh là khi họ nghe người khác đọc”. “Trong quá trình dài của lịch sử, Thánh Kinh được nghe bằng tai chứ không phải được đọc bằng mắt. Các tác giả Kinh Thánh viết cho các cộng đoàn để họ đọc khi có các buổi phụng vụ với nhau trong ngày của Chúa. Trước khi có kỹ nghệ in vào thế kỷ thứ 16, Kinh Thánh rất hiếm khi được tín hữu kitô đọc và các bản viết tay rất đắt và hiếm. Thực tế này cho chúng ta thấy, một khía cạnh mà cuộc nghiên cứu không thật sự coi trọng, đó là người ta có thể hiểu Kinh Thánh qua nhiều phương tiện khác nhau, ngoài việc đọc cá nhân. Phụng vụ, cầu nguyện, giáo lý, nghệ thuật, âm nhạc đều là những cách để đến với Thánh Kinh, đến mức tôi tin chắc người công giáo hiểu Thánh Kinh nhiều hơn họ nghĩ”.
Một xã hội ngày càng tách ra với văn hóa tôn giáo
Theo ông William D. Dinges, giáo sư nghiên cứu tôn giáo ở Đại học công giáo Mỹ thì các kết quả nghiên cứu không gây ngạc nhiên, nó phản ảnh một khuynh hướng đã có từ lâu. Chẳng hạn, trong những năm 30, các nhà xã hội học Robert và Helen Lynd đã quan tâm đến sự tiến triển của người Mỹ trung lưu về cách giữ đạo.
Giáo sư Dinges giải thích: “Vào thời đó, đã là chuyện hiển nhiên, đa số người Mỹ dùng từ vựng ngày càng có ít tính chất tôn giáo và Thánh Kinh mất dần ảnh hưởng các giá trị của nó. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các người trẻ ngày càng tách ra với các hình tượng Thánh Kinh. Là giáo sư, tôi cảm nhận điều này đã xảy ra thật. Càng ngày giới trẻ càng “mù chữ” về Thánh Kinh và không còn hiểu các câu chuyện kể, các hình ảnh, các biểu tượng từ Thánh Kinh mà thế hệ cha mẹ họ còn nói”.
Các giáo sư văn chương cũng ghi nhận như vậy, họ phải giải thích tất cả các ẩn dụ của các bản văn thiêng liêng, dù đó là Beowulf hay trong các bài hát của Bob Dylan.
“Không phải chỉ duy giới trẻ không hiểu các hình ảnh, các biểu tượng hay không biết đến một vài tên. Chính là họ không nắm được tầm ảnh hưởng của Thánh Kinh lớn như thế nào trong lịch sử của chúng ta, sự kiện tôn giáo trong nước chúng ta, chính trị hay cách chúng ta định nghĩa mình trong vai trò quốc gia. Họ không có được sự thông hiểu, rằng Sách Thánh là yếu tố văn hóa tuyệt vời, chứ không phải chỉ duy nhất là thần học”.
Cuộc nghiên cứu của trung tâm Lối Sống đưa ra một số lý do, theo đó một số người Mỹ không đọc Thánh Kinh: vào khoảng một phần tư (27%) không cho đó là chuyện ưu tiên. 15% không có thì giờ. 13% nói là đã đọc đủ, một số không đọc một cách chung (9%). 9% cho rằng Kinh Thánh không phải dành cho họ, 6% không có Thánh Kinh. 10% không đồng ý với nội dung của Thánh Kinh.
Và đây là một số kết quả khác của cuộc nghiên cứu:
Phụ nữ đọc Kinh Thánh nhiều hơn đàn ông,
Marta An Nguyễn dịch
https://phanxico.vn/2017/06/04/tai-sao-doi-khi-chung-ta-kho-cam-quyen-thanh-kinh-len-doc/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn