TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

  Việc chúng ta làm trong riêng tư

Thứ sáu - 21/01/2022 07:20 |   939
Nếu thành tín, ta đem lại mối phúc lớn lao. (Parker Palmer)Nếu bất tín, ta đem lại mối hại lớn lao. (Rumi)
  Việc chúng ta làm trong riêng tư

  Việc chúng ta làm trong riêng tư

 

Ronald Rolheiser, 2022-01-10

Không ai là một hòn đảo, thật vậy, không ai thật sự cô độc. Nếu là một người có đức tin hoặc thậm chí chỉ cần là người có nhạy cảm trực giác sắc bén, bạn sẽ biết trên đời này không hề có hành động riêng lẻ thật sự, dù tốt hay xấu. Mọi việc chúng ta làm, dù riêng tư đến thế nào, cũng ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta không phải là những đơn tử với những suy nghĩ và hành động không có tác động gì đến bất kỳ ai. Chúng ta biết như thế, không phải chỉ qua đức tin, mà còn trực cảm được nó qua những gì trong đời mình.

Làm sao chúng ta cảm nhận được những gì ẩn trong riêng tư cuộc đời người khác? Ngược lại, những chuyện xảy ra trong riêng tư của cuộc đời chúng ta tác động đến người khác như thế nào?

Chúng ta không có khoa siêu hình học, hiện tượng học hay khoa học nào để xác định rõ ràng chuyện này. Nhưng chúng ta biết nó là sự thật. Việc chúng ta làm trong sâu kín riêng tư tâm hồn và tâm trí có thể được người khác cảm nhận theo một cách nào đó. Mọi tôn giáo thật sự đều dạy như thế, cụ thể là chúng ta đang trong tương giao cộng sinh, huyền bí và thật sự với nhau, hoàn toàn không có cái gọi là riêng tư thật sự. Mọi tôn giáo lớn trên thế giới, về căn bản, đều tin như thế, bao gồm Kitô giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Lão giáo, và các tôn giáo bản địa ở châu Mỹ và châu Phi. Không một tôn giáo nào nói rằng tội riêng không ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng.

Và điều này giải thích một vài giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dạy rằng không chỉ hành động bên ngoài của chúng ta giúp đỡ hay làm hại người khác, ngay cả những suy nghĩ trong lòng cũng vậy. Với Ngài, không chỉ là chúng ta không được hại người mình ghét, mà còn không được có những suy nghĩ thù ghét thầm kín về người đó. Cũng thế, giữ kỷ luật về tình dục để không phạm tội ngoại tình là không đủ, chúng ta còn phải kỷ luật cả những suy nghĩ dâm dục về người khác.

Tại sao lại thế? Những suy nghĩ riêng tư thầm kín thì có hại gì?  Đó là, nếu chúng ta có những suy nghĩ xấu xa về người khác, cuối cùng chúng ta sẽ thực hiện chúng (và có lẽ đúng là thế). Vấn đề ở đây là một chuyện sâu sắc hơn, một chuyện nội hàm rõ ràng trong khái niệm kitô giáo về Nhiệm thể Chúa Kitô.

Là tín hữu kitô, chúng ta tin rằng hết thảy đều là thành phần của một cơ thể sống, Nhiệm thể Chúa Kitô, và sự hiệp nhất này của chúng ta không chỉ mang tính ẩn dụ. Nó là thật, thật như vật chất thể lý của một cơ thể sống. Chúng ta không phải là một đoàn thể, mà là một cơ thể sống, nơi mọi phần đều ảnh hưởng đến nhau. Do đó, trong một cơ thể sống, các chất xúc tác (enzyme, men tiêu hóa có tác dụng làm chất xúc tác) lành mạnh giúp cho toàn bộ cơ thể khỏe mạnh, cũng như những tế bào ung thư đe dọa sức khỏe của toàn cơ thể, thì trong Nhiệm thể Chúa Kitô cũng vậy. Việc chúng ta làm nơi riêng tư vẫn nằm trong thân thể này. Do đó, khi chúng ta làm việc nhân đức, kể cả trong riêng tư, thì cũng như các chất xúc tác lành mạnh, chúng ta giúp tăng cường hệ miễn dịch trong toàn bộ cơ thể. Ngược lại, khi chúng ta bất tín, ích kỷ, phạm tội, dù là chỉ trong riêng tư, thì như một tế bào bị nhiễm độc hay ung thư, chúng ta góp phần phá hệ miễn dịch của cơ thể. Cả chất xúc tác lành mạnh và tế bào ung thư có hại đều hoạt động một cách thầm lặng, ẩn kín.

Và quan niệm này có hệ trọng với cuộc sống riêng tư của chúng ta. Nói đơn giản, không việc gì chúng ta suy nghĩ hay thực hiện trong riêng tư lại không ảnh hưởng đến người khác. Những suy nghĩ và hành động riêng tư của chúng ta, như chất xúc tác lành mạnh hay tế bào nhiễm độc, đều ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể, hoặc tăng cường hoặc làm suy yếu hệ miễn dịch. Khi chúng ta thành tín là chúng ta giúp đem lại sức khỏe cho cơ thể, khi chúng ta bất tín, chúng ta là tế bào nhiễm độc gây trở ngại cho hệ miễn dịch trong cơ thể.

Dù chúng ta thành tín hay bất tín trong riêng tư, nó vẫn tác động đến người khác, và đây không phải là một chuyện trừu tượng hay huyền bí. Ví dụ như, một người vợ sẽ biết khi chồng mình không chung thủy, dù cho chuyện ngoại tình chưa bị bại lộ. Hơn nữa, người ấy biết chuyện không phải do có những biểu hiện thiếu chung thủy trong hành vi và ngôn ngữ cơ thể người kia. Không, người ấy biết ở mức độ linh tính, huyền bí, mơ hồ, vì người ấy cảm nhận được sự phản bội đang kìm kẹp sự lành mạnh và toàn vẹn của cuộc hôn nhân. Chuyện này nghe vẫn có vẻ ẩn dụ hơn là thật, nhưng tôi mong các bạn cứ thử kiểm nghiệm trong đời thực mà xem. Chúng ta cảm nhận được sự phản bội.

Có chuyện chúng ta biết cách có ý thức và có chuyện chúng ta biết một cách vô thức. Có chuyện chúng ta biết được nhờ quan sát, và có chuyện chúng ta biết được nhờ trực cảm. Chúng ta nhận thức bằng cái đầu, trái tim và linh tính, và qua cả ba yếu tố này, đôi khi chúng ta biết được chuyện gì đó bởi vì chúng ta cảm nhận nó đang gây căng thẳng hay xoa dịu linh hồn mình. Không hề có hành động riêng tư. Hành động riêng tư của chúng ta, cũng như hành động công khai, sẽ đem lại sức khỏe hoặc bệnh tật cho cộng đồng.

Tôi xin kết lại bài này bằng hai câu thơ góp nhặt:

Nếu thành tín, ta đem lại mối phúc lớn lao. (Parker Palmer)

Nếu bất tín, ta đem lại mối hại lớn lao. (Rumi)

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2022/01/12/viec-chung-ta-lam-trong-rieng-tu/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây