TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm B

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”. (Mc 6, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thường huấn của UBGD Giáo tỉnh Sài Gòn

Thứ bảy - 18/05/2024 21:07 | Tác giả bài viết: Lm. Antôn Hà Văn Minh |   233
Tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, Giáo phận Bà Rịa, hai ngày thường huấn 16,17/5/2024 dành cho Giáo tỉnh Sài Gòn trong năm 2024 đã được diễn ra.
Thường huấn của UBGD Giáo tỉnh Sài Gòn

BUỔI THƯỜNG HUẤN CỦA ỦY BAN GIÁO DÂN GIÁO TỈNH
SÀI GÒN NGÀY 16-17/05/2024


Đức cha Giuse Trần Văn Toản nhắc nhở rẳng: Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội phải định hình cho cơ cấu, tổ chức và sinh hoạt của giáo xứ trong tầm nhìn Nước Thiên Chúa, tinh thần tham gia đồng trách nhiệm trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, trong các sinh hoạt phụng tự, sinh hoạt đạo đức, hoạt động tông đồ.

WHĐ (18.05.2024) – Tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, Giáo phận Bà Rịa, hai ngày thường huấn 16,17/5/2024 dành cho Giáo tỉnh Sài Gòn trong năm 2024 đã được diễn ra. Buổi thường huấn nằm trong chương trình thường huấn tổng thể tại ba giáo tỉnh:

+ Giáo tỉnh Huế ngày 9-10/5/2024 tại Qui Nhơn;

+ Giáo tỉnh Sài Gòn ngày 16-17/5/2024 tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu, Bà Rịa;

+ Giáo tỉnh Hà Nội ngày 23-24/5/2024 tại Tòa Giám Mục Hà Nội.

Ngày đầu tiên, thứ Năm ngày 16 tháng 5, toàn thể 140 thành viên tham dự từ mười giáo phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn quy tụ, gặp gỡ trong bữa ăn trưa. Chương trình học hỏi bắt đầu lúc 14g00. Cha Phaolô Phạm Minh Tân, đặc trách Ủy ban Giáo dân (UBGD) Giáo phận (Gp) Bà Rịa, kiêm đặc trách UBGD giáo tỉnh Sài Gòn, Trưởng ban tổ chức chương trình tại Giáo tỉnh Sài Gòn nói lời chào mừng.

Sau đó, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Chủ tịch UBGD, thánh hóa và khai mạc cuộc thường huấn.

Thành phần tham dự viên thường huấn gồm:

1) Đức cha Giuse Trần Văn Toản Chủ tịch Ủy ban Giáo dân

2) Quý cha trong Ban điều hành UBGD

3) Quý cha đặc trách và quý tham dự viên giáo dân của Ban Giáo dân thuộc 10 giáo phận: Đà Lạt, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết, Long Xuyên, Mỹ Tho, Sài Gòn, Bà Rịa, Vĩnh Long, và Cần Thơ.

Chủ đề của hai ngày thường huấn là “Thúc đẩy sự tham gia, người giáo dân làm tông đồ với tinh thần tham gia đồng trách nhiệm”.

Tựa đề ba bài thường huấn:

1) Vai trò của giáo xứ trong bối cảnh địa phương, do cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng trình bày.

2) Tích cực hóa vai trò của giáo dân trong việc tham gia vào mục vụ giáo xứ theo Huấn thị của Bộ Giáo sĩ: “Cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin mừng của Hội Thánh”, do cha Antôn Hà Văn Minh trình bày.

3) Giáo xứ như một cộng đoàn của các cộng đoàn, cha Tôma Vũ Ngọc Tín, SJ trình bày.

Ba đề tài thuyết trình được quý cha trình bày trong hai ngày thường huấn, mỗi phần trình bày ba mươi phút và ngay sau đó là ba mươi phút dành cho phần trao đổi dựa vào câu hỏi thảo luận. Các tham dự viên được dịp lắng nghe, học hỏi, chia sẻ cảm nhận, thao thức cùng với nhau tại cuộc thường huấn này. Không riêng ba đề tài thường huấn và phần thảo luận, chương trình còn ưu tiên chầu Thánh Thể Chúa, dành riêng một giờ tọa đàm vào buổi tối để các tham dự viên được dịp chia sẻ và được lắng nghe.

Ngày thứ hai trong chương trình, thứ Sáu ngày 17 tháng 5, sau giờ kinh sáng, bữa sáng, lúc 8 giờ quý tham dự viên tích cực tham dự những phần cuối trong chương trình. Giờ thảo luận được thay đổi theo hướng tăng gấp đôi thời lượng, và được thực hiện theo hình thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới Lần thứ XVI: chia thành 17 nhóm nhỏ, cầu nguyện lắng nghe Chúa Thánh Thần, phát biểu trong tinh thần xây dựng.

Sau đó đại diện của 17 nhóm phát biểu ý kiến của đóng góp của nhóm. Tất cả ý kiến thảo luận từ mười bảy nhóm sau đó được lắng nghe, được ghi nhận với sự trân trọng.

Đa số các ý kiến tâm đắc về mô tả Giáo hội, giáo xứ là “một ngôi nhà giữa nhiều ngôi nhà” trong Huấn thị của Bộ giáo sĩ về việc cải cách giáo xứ và tái cơ cấu giáo phận; các cụm từ mô tả giáo xứ ‘hiện sinh’ và ‘hiện hữu’ nhằm xem xét sự sinh động của giáo xứ dựa trên các mối tương quan và nhiều điều tâm đắc, học hỏi được từ nguồn tài liệu huấn luyện.

Quý cha đặc trách hiện diện cùng quý tham dự viên giáo dân và chính các ngài cùng tham gia thảo luận đóng góp ý kiến của mình trong ngày sinh hoạt thứ nhất và nhường lại diễn đàn thảo luận trong ngày thứ hai để dành trọn giờ ưu tiên lắng nghe giáo dân phát biểu, chia sẻ cảm nhận.

Đặc biệt, cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, Thư ký Ủy ban Loan báo Tin Mừng đến với đại hội cùng ba tập sách nhỏ, (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới truyền giáo 2024; “Xin dạy chúng con cầu nguyện”, Tài liệu Sống năm cầu nguyện chuẩn bị năm thánh 2025; và Cẩm nang loan báo Tin Mừng, nhóm biên soạn SJ), tiếp nối mối dây liên kết cùng UBGD nhằm “Thúc đẩy sự tham gia, người giáo dân làm tông đồ với tinh thần tham gia đồng trách nhiệm”. Trong khung giờ ba mươi phút, cha trình bày những nét chính yếu trong tài liệu nhằm giúp thánh hóa đời sống cá nhân, đời sống gia đình qua lời cầu nguyện và gây ý thức mỗi người biến đổi chính mình thành tấm bánh cho người khác.

Lúc 14g00, Đức cha chủ tịch tổng kết chương trình thường huấn tại Giáo tỉnh Sài Gòn. Từ phần khai mạc, toàn đại hội lắng nghe Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng (Gs 6, 1-13) phép lạ từ sự tham gia, Đức cha nhấn mạnh ba ý: tham gia bằng sự cộng tác với bàn tay đón nhận, tham gia bằng vượt thắng tính ích kỷ để biết cho đi và đón nhận, và điển hình việc tham gia trong Bí tích Thánh Thể. Từ chủ đề xuyên suốt chương trình thường huấn tại ba giáo tỉnh: “Thúc đẩy sự tham gia, người giáo dân làm tông đồ với tinh thần tham gia đồng trách nhiệm”, hướng đến sự hiệp thông với giáo hội toàn cầu và với Giáo Hội Việt Nam qua chủ đề mục vụ năm 2024 “Thúc đẩy tham gia đời sống Giáo Hội”, và từ tài liệu nền và ba bài thuyết trình, xác định ba đối tượng của sứ vụ tông đồ, tinh thần tham gia đồng trách nhiệm, Đức cha bày tỏ mong muốn UBGD tiếp tục lan tỏa tinh thần của cuộc thường huấn thông qua ban UBGD của giáo phận, thường huấn cho giáo dân làm tông đồ trong giáo phận mình về sự tham gia đồng trách nhiệm. Ngài nhắc lại sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội phải định hình cho cơ cấu, tổ chức và sinh hoạt của giáo xứ trong tầm nhìn Nước Thiên Chúa, tinh thần tham gia đồng trách nhiệm trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, trong các sinh hoạt phụng tự, sinh hoạt đạo đức, hoạt động tông đồ. Đức cha thông tin về cuộc họp của Hội đồng Giám Mục Việt Nam I/2024 tại Vĩnh Long. Năm 2025, chủ đề sinh hoạt của UBGD là “Sứ Vụ” và hướng tới đại hội toàn quốc của UBGD.

Cuối cùng, Đức cha lượng giá:

+ Công tác tổ chức được thực hiện khá tốt, Ban tổ chức tích cực phục vụ;

+ Có tình liên đới giữa các tham dự viên với nhau, có sinh hoạt đạo đức, đọc kinh, chầu Thánh Thể, thánh lễ;

+ Ba bài thường huấn tạo được ấn tượng;

+ Trong phần tọa đàm, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, anh chị em giáo dân ngày càng phát biểu nhiều hơn qua các đợt thường huấn, ý kiến đóng góp mang tính xây dựng hơn chỉ trích.

Để kết, Đức cha không quên nói lời cảm ơn, tất cả thành viên đại hội cảm ơn nhau, khích lệ nhau tiếp tục tham gia, hiệp thông đồng trách nhiệm và cùng hiệp ý tạ ơn Chúa.

Lúc 15g00, Đức cha Emmanuel, Giám mục Giáo phận Bà Rịa, cùng với Đức cha Giuse và toàn thể tham dự viên đại hội hiệp ý dâng thánh lễ trong tâm tình tạ ơn Chúa, bế mạc cuộc thường huấn. Đức cha Emmanuel nhắn nhủ: Mỗi người hãy khẩn cầu nài xin ơn Chúa Thánh Thần để Ngài tiếp tục hướng dẫn, soi sáng toàn thể tham dự viên đại hội, sau khi được lĩnh hội Lời Chúa sẽ ra đi và tiếp tục sứ vụ nơi giáo phận, giáo xứ mình.

Trước khi chia tay, Cha Antôn Hà Văn Minh, Thư Ký UBGD/HĐGMVN thay mặt Đức cha chủ tịch cám ơn Đức cha Emmanuel, cùng tất cả các thành phần tham dự buổi thường, đã cộng tác trong tinh thần hiệp thông đã làm cho buổi thường huấn đạt được kết quả tốt đẹp. Nhờ sự cộng tác này, mỗi tham dự viên ra về với nụ cười hài lòng vì những hoa trái gặt hái được trong hai ngày thường huấn.

Và Đức cha Emmanuel đã gửi gấm trước khi chia tay ra về: Hy vọng mỗi người ra về với ngọn lửa nhiệt huyết được Chúa Thánh Thần hun đúc, sẽ mạnh dạn tích tham gia vào sứ vụ của Giáo hội theo bậc sống của mình, để làm cho giáo xứ thực sự trở thành ngôi nhà chung tràn đầy hơi ấm của tình gia đình, nhờ đó Giáo xứ sẽ không còn là một ngôi nhà khép kín, nhưng được mở ra để đón tiếp mọi người, làm cho lương dân tìm gặp được dung mạo Chúa Kitô qua sự hiệp thông và tình yêu thương của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ.

Lm. Antôn Hà Văn Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây