TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức cha Pierre Lambert de La Motte

Thứ sáu - 10/06/2022 19:24 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng |   1066
Nhân dịp lễ giỗ 343 năm, ngày Vị Tôi Tớ Chúa : Đức cha Pierre Lambert de La Motte (28.01.1624 – 15.06.1679) và sự kiện Hội đồng giám mục Việt Nam xin mở hồ sơ tiến trình phong thánh
Đức cha Pierre Lambert de La Motte

VỊ TÔI TỚ CHÚA, ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE,
NHỮNG THÀNH QUẢ TRUYỀN GIÁO VÀ TIẾN TRÌNH XIN PHONG THÁNH

Lễ giỗ lần thứ 343: (28.1.1624-15.6.1679)

 

 

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

II. HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

III. NHỮNG CÔNG TRÌNH

     1. Công nghị Ayuthia

     2. Thành lập hàng giáo sỹ Việt Nam

     3. Những cuộc kinh lý và những thành quả lớn lao

TẠM KẾT

 

WHĐ (10.6.2022) - Nhân dịp lễ giỗ 343 năm, ngày Vị Tôi Tớ Chúa : Đức cha Pierre Lambert de La Motte (28.01.1624 – 15.06.1679) và sự kiện Hội đồng giám mục Việt Nam xin mở hồ sơ điều tra về gương nhân đức thánh thiện, anh hùng đức tin và di sản của Vị Tôi Tớ Chúa Pierre Lambert de La Motte cho Giáo hội Việt Nam, chúng tôi xin ghi lại đôi nét về cuộc đời, sứ vụ và những công trình trong sứ mạng truyền giáo với tư cách là Giám mục Đại diện tông tòa giáo phận Đàng Trong (Cochinchine) của ngài, từ sông Linh Giang (sông Gianh) trở vào miền Nam và 5 tỉnh thuộc Trung quốc.

Chân dung Đức Cha Pierre Lambert de la Motte[1]

Nhân đây, qua bài nghiên cứu này, chúng tôi muốn nêu một số thông tin liên quan cần thiết để mọi thành phần Dân Chúa cùng hiểu biết về đời sống thánh thiện, nhân đức của Vị Tôi Tớ Chúa và mời gọi mọi người cùng đến kính viếng, cầu nguyện, xin ơn trước Di Cốt của Vị Tôi Tớ Chúa tại Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, số 6 Bis, Tôn Đức Thắng, quận I, TPHCM. Chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện xin cho hồ sơ xin phong thánh sớm hoàn thành và đạt kết quả tốt đẹp.

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Đức cha Pierre Lambert de la Motte sinh ngày 28.1.1624, được rửa tội với tên thánh Phêrô tại giáo xứ Saint Jacques, giáo phận Lisieux (Calvados), vùng Normandie, phía tây bắc nước Pháp,[2] là con trai cả trong một gia đình có 7 chị em, người em trai út của ngài cũng làm linh mục, cha Nicolas Lambert de la Motte.

Chịu ảnh hưởng sâu xa bởi một nền giáo dục truyền thống của gia đình, cùng với ơn sủng đặc biệt của Thiên Chúa, ngay từ tuổi niên thiếu, Pierre Lambert đã là một cậu bé rất đạo đức, thánh thiện. Trải qua hành trình tìm hiểu thánh ý Chúa, ngài được thụ linh mục ngày 27.12.1655 tại nhà thờ chính tòa Bayeux.[3]

Vào thế kỷ XVII, do nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam và Trung Hoa, nhờ sự vận động của cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes).[4]

Cha Alexandre de Rhodes, 15.3.1591 - 05.11.1660

Ngày 29.7.1658, qua Tông sắc Apostolatus Officium, Đức thánh cha Alexandre VII đã chọn cha Pierre Lambert de la Motte làm giám mục hiệu tòa Béryte và cha François Pallu, hiệu tòa Héliopolis.[5] Ngày 9.9.1659, qua Tông sắc Super Cathedram,[6] Đức thánh cha Alexandre VII quyết định thành lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên tại Việt Nam: Đàng Trong và Đàng Ngoài [7] theo đó, đức cha Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong và đức cha François Pallu, giáo phận Đàng Ngoài.

Ngày 11.6.1660, cha Pierre Lambert được đức Tổng giám mục Bouthillier, Tổng giám mục giáo phận Tours tấn phong giám mục tại nguyện đường dòng Đức Mẹ đi Thăm viếng, ở Paris.[8]

II. HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

Ngày 27.11.1660, Đức cha Lambert lên đường đi nhận sứ vụ Giám mục Đại diện tông tòa giáo phận Đàng Trong. Tháp tùng với ngài có hai vị thừa sai : cha Jacques Bourges[9] và François Deydier[10].

Từ Marseille,[11] trải qua cuộc hành trình gian khó, ngày 22.8.1662, [12] Đức cha Lambert đặt chân đến Ayuthia là kinh đô của Xiêm La (Thái Lan) lúc bấy giờ. Do rất nhiều khó khăn về chính trị, bách hại tôn giáo ở Trung Hoa và Việt Nam, hai Giám mục không thể trực tiếp đến giáo phận được Tòa thánh trao phó và Ayuthia trở thành như là trung tâm truyền giáo cho các giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Bản đồ cuộc hành trình của Đức cha Pierre Lambert de La Motte năm 1660,1661, 1662[13]

III. NHỮNG CÔNG TRÌNH

Cùng với Đức cha François Pallu, hai Giám mục đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam cũng là hai vị đồng sáng lập Chủng viện thừa sai và Hội Thừa sai Paris (La Société des Missions Étrangères de Paris - MEP).

Chủng viện Thừa sai Paris

Đặc biệt Đức cha Lambert là Ông tổ : Thành lập Hàng giáo sỹ bản xứ Việt Nam khi phong chức linh mục cho người Việt Nam đầu tiên ngày 31.3.1668.

Dòng Mến Thánh Giá tại Phố hiến thuộc Đàng Ngoài ngày 19.2.1670 và Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ vào tháng 12.1671.

Các nữ tu Mến Thánh Giá

Ngày 27.1.1664, Đức cha Pallu đến Ayuthia cùng với bốn linh mục gồm cha Louis Laneau, Chevreuil, Hainques, Brindeau[14] và một giáo dân Philippe de Chameson-Foisy.[15]

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679)

Đức cha François Pallu[16] (1626-1684)

1. Công nghị Ayuthia

Ngày 29.02.1664, khai mạc công đồng tại nhà thờ Thánh Giuse trong khu Việt kiều. Đức cha Lambert cho biết : « Chúa Quan Phòng đã muốn chúng tôi cùng quyết định nhiều vấn đề vì ích lợi cho công cuộc truyền giáo và để chúng tôi thống nhất với nhau cách sống. »[17]

Tại Ayuthia, năm 1664, tổ chức Công nghị (hay công đồng) đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, với sự tham dự của các thừa sai,[18] đây là công nghị rất quan trọng, không chỉ vạch ra đường hướng cho hoạt động truyền giáo bằng cách cụ thể hóa văn kiện: Instructions 1659 - « Huấn thị năm 1659 »[19] mà Thánh Bộ Truyền Giáo đã trao cho hai Đức cha. Công nghị này còn đặt nền tảng vững chắc cho công cuộc truyền giáo tại Đàng Trong, Đàng Ngoài, Trung Hoa và Thái Lan.[20] Công nghị đã cho ra đời tập tài liệu : « Monita ad Missionarios: Instructions aux Missionnaires » [21] được Tòa giám mục Kontum dịch sang tiếng Việt với tựa đề: « Nhắn nhủ các Thừa sai »,[22] đây được xem như ‘Kim chỉ nam’ cho các nhà truyền giáo tại Á Đông và nhiều nơi trên thế giới. Công nghị cũng đi đến quyết định thành lập chủng viện để đào tạo và thành lập hàng giáo sĩ bản xứ cho các Giáo hội địa phương. Do đó, từ rất sớm, sau công nghệ Ayuthia, chủng viện được thành lập tại đây vào năm 1665. Công nghị này cũng thành lập một «Hội Tông Đồ» gồm cả Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Hội Tông đồ này sống theo ba lời khuyên Phúc Âm: nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục. Triệt để hơn, các thành viên của «Hội Dòng Tông Đồ» : sống từ bỏ, gắn bó tất cả cuộc sống cho công cuộc truyền giáo vì Nước Trời; vâng phục hoàn toàn với Tòa Thánh và Đức Giáo hoàng ; đọc 3 giờ kinh mỗi ngày, ăn chay suốt đời, kiêng rượu, không dùng thuốc chữa bệnh và luôn ngủ trên đất. [23]

Trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam đang tiến hành hồ sơ xin phong thánh cho Đức cha Lambert, người ta sẽ hỏi : « Đâu là linh đạo » hay « Đường nên thánh » của ngài ? Chúng ta hãy nghe chính Đức cha trả lời : Ngài kể rằng : « Khi tự hỏi, sau này tôi có thể đi tu như những vị tu sĩ không. Lúc ấy, tôi chợt nhận ra rằng : mình không thấy vui thích gia nhập một nhà dòng nào, bởi vì các tu sĩ ấy xem ra không có một đời sống đủ hoàn thiện. Nhưng trong tâm trí tôi nảy sinh một ý tưởng về một mẫu người phù hợp khác và tôi bị cuốn hút theo mẫu người ấy, đó là những người mạng tên Mến Thánh Giá. »[24] Như vậy, linh đạo « nên thánh » của Đức cha Lambert đó là : đi và sống theo con đường của « Đức Kitô chịu tử nạn thập giá », đây chính là con đường mà Chúa Giêsu đã vạch vẽ cho người môn đệ : « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo » (Mt16, 24). Và như mục đích của Công nghị Ayuthia được Đức cha Lambert cho biết : « Chúa Quan Phòng đã muốn chúng tôi cùng quyết định nhiều vấn đề vì ích lợi cho công cuộc truyền giáo và để chúng tôi thống nhất với nhau cách sống. »[25]

Sau công nghị Ayuthia, ngoài những công việc phải thực hiện tại giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, hai Đức cha Lambert và Pallu còn lo việc củng cố Chủng viện và Hội Thừa sai còn non trẻ ở Paris, đồng thời phải tiếp xúc với Tòa thánh để báo cáo tình hình truyền giáo, xin phê chuẩn : tài liệu « Monita », Hội Tông đồ mới thành lập, vấn đề về quyền hạn của Giám mục Đại diện tông toà v.v., do đó, một trong hai Đức cha phải lên đường đi Rôma. Ngày 17.01.1665, sau khi ủy thác cho đức cha Lambert de la Motte làm Giám quản tông tòa giáo phận Đàng Ngoài, ngày 19.01.1665, Đức cha Pallu lên đường đi Châu Âu[26] và đến Rôma năm 1667.[27]

2. Thành lập hàng giáo sỹ Việt Nam

Về việc thành lập hàng giáo sĩ bản xứ, Huấn thị 1659 của Thánh bộ truyền giáo đã viết: “Lý do chính thúc đẩy Thánh Bộ cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách việc giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng nhận lãnh chức linh mục. Chư huynh sẽ phong chức cho họ và cử họ đi khắp miền rộng lớn ấy, mỗi người làm việc trong quốc gia của mình; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần chăm sóc. Vậy chư huynh hãy luôn đặt trước mắt mục đích này là tuỳ sức có thể, hãy làm thế nào để đưa dẫn được nhiều người và là những tâm hồn có nhiều khả năng đạt đến chức thánh, đào tạo và huấn luyện họ, rồi truyền chức linh mục khi họ đã sẵn sàng”.[28]

Chính với chỉ thị nêu trên và theo quyết định của Công nghị Ayuthia, trước hết, Đức cha Lambert de la Motte, đã thành lập chủng viện tại Ayuthia. Năm 1665, Đức cha Lambert đã dâng lên vua Phra-Narai của Thái Lan một thỉnh nguyện thư, xin được lập một nhà trường tại kinh đô hay nơi nào do nhà vua chỉ định. Đầu năm 1666, nhà vua đã hồi đáp cho Đức cha Lambert bằng việc tặng cho các thừa sai Pháp một khu đất kế cận khu làng Việt kiều. Năm 1667, các thừa sai Pháp bắt đầu xây dựng chủng viện Thánh Giuse tại khu đất vua ban. Đó là một ngôi nhà hai tầng, tầng trên bằng gỗ làm nhà nguyện, tầng dưới bằng gạch làm phòng ở cho các thừa sai.

Bản đồ Ayuthia, nơi có làng Cochinchinois: số 3 và vị trí chủng viện Ayuthia: G

Công trình xây dựng chủng viện Ayuthia

Chủng viện Ayuthia

Ngay khi chủng viện Ayuthia chưa kịp đào tạo ứng sinh linh mục, theo sự giới thiệu của cha Alexandre de Rhodes với Thánh bộ truyền giáo trước kia, “các linh mục Việt Nam đầu tiên được chọn trong số các thầy giảng”. Ngày 31/03/1668, Đức cha Lambert đã phong chức linh mục cho thầy Giuse Trang, 28 tuổi, vị linh mục tiên khởi người Việt Nam thuộc Đàng Trong. Sau đó, thầy Luca Bền, người Đàng Trong cũng được Đức cha Lambert phong chức linh mục.[29]

Ngày 24.2.1668, từ Đàng Ngoài, cha Deydier đã gởi hai Thầy Giảng Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ đến Ayuthia. Ngày 08.6.1668 Đức cha Lambert phong chức linh mục cho Hai Thầy giảng này.[30] Đầu năm 1673, ngài truyền chức cho vị linh mục thứ ba người Đàng Trong là thầy Manuel Bổn.

Trong chuyến đi kinh lý tại giáo phận Đàng Ngoài (1669-1670), đức cha Lambert đã phong chức linh mục cho 7 Thầy Giảng là : Martin Mat, Antoine Van Hoc, Philippe Nhum, Simon Kien, Jacques Van Chu và Vite Tri,[31]

Khi đến giáo phận Đàng Trong lần 2 (1675-1676), ngày 21.03.1676, Đức cha Lambert đã truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoàn (68 tuổi), một nhà nho lỗi lạc người Đàng Trong.

Ngày 18.07.1677, tại Ayutthaya, ngài truyền chức linh mục cho hai thầy giảng người Đàng Ngoài mới được gửi sang Xiêm La, thầy Philipphê Trà và thầy Đôminicô Hảo. Đây là Hai linh mục Việt Nam cuối cùng được nhận chức thánh từ tay Đức cha Lambert.

Như vậy, trong cuộc đời truyền giáo, với vai trò là Giám mục, đúng theo chỉ thị của Tòa thánh, Đức cha Pierre Lambert de La Motte là ông tổ thiết lập hàng giáo sỹ bản xứ Việt Nam, ngài đã truyền chức cho 15 linh mục Việt Nam, gồm 11 người Đàng Ngoài và 4 vị Đàng Trong.

3. Những cuộc kinh lý và những thành quả lớn lao

3.1 Cuộc kinh lý Đàng Ngoài với việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá

Năm 1669, với vai trò là Giám quản tông tòa thay cho Đức cha François Pallu, ngày 23.07.1669, đức cha Lambert thực hiện chuyến đi kinh lý Ðàng Ngoài bằng đường biển. Quá giang theo thuyền của một thương gia Pháp và ngài đến Phố Hiến ngày 30.8.1669.[32]

Tại Đàng Ngoài, Đức cha cử hành lễ phong chức linh mục đầu tiên trên đất Việt Nam cho 7 Thầy giảng trên một chiếc thuyền.

Ngày 14.2.1670, đức cha tổ chức Công nghị tại Phố Hiến-Hưng Yên.[33] Công nghị trên đất Việt Nam này đã cho ra đời một văn kiện gồm 34 điều khoản, nhằm vạch đường hướng và những quy định cho các hoạt động truyền giáo. Trong dịp này, Thánh Giuse được chọn làm Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.[34] Bản văn công nghị và việc chọn thánh bổn mạng cho Giáo hội Việt Nam đã được Đức Thánh cha Clêmentê X phê chuẩn ngày 23.12.1673 bởi sắc lệnh Apostolatus officium.[35] Công nghị này nhấn mạnh đến các điểm mục vụ quan trọng là: Đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ ; lập dòng Mến Thánh Giá[36] ; những quy định về vai trò, trách nhiệm các Thừa sai, các Linh mục bản xứ ; thiết lập quỹ bác ái giúp người nghèo.v.v.

Ngày 19.2.1670, đức cha Lambert đã chính thức thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Phố Hiến. [37] Cuối tháng 2.1670, ngài trở về Xiêm La.

3.2 Chuyến kinh lý Đàng Trong lần 1 và những thành quả

Ngày 20.7.1671, cùng với các cha Mahot, Vachet, Luca Bền và Giuse Trang, đức cha Lambert thực hiện cuộc kinh lý giáo phận Đàng Trong lần thứ nhất.[38] Ngài đi đến các vùng Phan Rí, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Nước Mặn rồi đến Quảng Ngãi và  cuối năm 1671, Đức cha đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong ở An Chỉ-Quảng Ngãi. Dịp này, Đức cha cũng trao cho các nữ tu Mến Thánh Giá Đàng Trong bản Luật đã được ngài soạn thảo khi thành lập dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài.[39]

Tiếp đến, một công việc rất hệ trọng là tổ chức Công nghị để vạch đường hướng cho công cuộc truyền giáo. Ngày 15.1.1672, cùng với 06 cha thừa sai nước ngoài, 04 linh mục Việt Nam và hơn 80 Thầy giảng, Đức cha đã chủ tọa Công nghị tại Faifo-Hội An. Công nghị đã thông qua văn kiện gồm 10 điều khoản để vạch đường hướng và đặt nền tảng cho công cuộc truyền giáo tại xứ Đàng Trong.[40] Ngày 29.3.1672, đức cha Lambert trở về Xiêm La cùng với 12 chủng sinh và 01 Thầy giảng để cho theo học tại chủng viện Ayuthia.

3.3 Cuộc kinh lý đàng Trong lần 2

Tháng 9.1675, Đức cha Lambert thực hiện cuộc viếng thăm Đàng Trong lần thứ hai, lần này theo lời mời của Chúa Nguyễn. Được Chúa Nguyễn cho thuyền đến đón ngài tại Thái Lan, Đức cha đến Hội An, ra kinh đô Huế để giảng dạy, cử hành các bí tích, thăm viếng các cộng đoàn.v.v. Đức cha tổ chức lại cơ cấu truyền giáo tại các vùng : Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thuận Hóa, Quy Nhơn, Bình Định và Phú Yên, ngài chỉ định các linh mục quản nhiệm các cộng đoàn,[41] ngài truyền chức linh mục,[42] thăm viếng và thiết lập thêm nhiều cộng đoàn Dòng mến Thánh Giá v.v. sau đó ngài trở về Xiêm La vào tháng 5.1676. [43]

3.4 Trở về Nhà Cha

Sau chuyến đi kinh lý Đàng Trong lần 2, trở về Xiêm La và Đức cha Pierre Lambert de La Motte qua đời tại Ayuthia lúc 4h00 sáng ngày 15.6.1679.[44] Đức cha Lambert được chôn táng tại nhà thờ Thánh Giuse.

Nhà thờ Thánh Giuse tại Ayuthia[45]

Năm 2003, Đức Hồng y Micae Kitbunchu của Tổng giáo phận Bangkok, khi trùng tu nhà thờ Thánh Giuse, ngài đã cho cải mộ Đức cha Lambert. Năm 2003, kỷ niệm 200 năm thành lập  dòng Mến thánh giá Chanthaburi, Thái Lan. Một phái đoàn Liên hiệp dòng Mến thánh Giá Việt Nam đến tham dự. Nhân dịp này, Đức Hồng y Micae Kitbunchu, Tổng Giám Mục Giáo phận Bangkok, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Thái Lan đã trao tặng cho đoàn Mến Thánh Giá Việt Nam 2 bình hài cốt chứa dựng: xương cổ tay và chân răng cửa của ĐC Lambert, dịp lễ giỗ 15.06.2022 hôm nay được đặt tại Nhà Nguyện cổ Trung Tâm mục vụ Sài Gòn; và một bình cốt khác đựng: đốt ngón chân và răng tiền hàm của Đức Cha  Lambert, hiện được đặt tại Dòng MTG Qui Nhơn.

Hủ Di cốt Vị Tôi Tớ Chúa Giám mục Pierre Lambert de La Motte
(Trong đó chứa đựng : Miếng xương cổ tay và chân răng cửa)

Dưới đây là bản Di chúc được Đức cha Pierre Lambert de La Motte lập ngày 22.7.1675, tại Xiêm La, Thái Lan.[46]

“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.

Tôi ký tên dưới đây, giám mục hiệu tòa Bêrytê, đại diện tông tòa xứ Đàng Trong và nhiều nơi khác, biết rằng giờ chết thật vô cùng bất định, và nếu người ta chờ đợi để sắp đặt mọi sự vào lúc bệnh hoạn cuối đời, người ta sẽ rất liều mình không thể thực hiện được. Chính trong suy nghĩ đó mà nay, lúc hoàn toàn mạnh khỏe về thể xác và tinh thần, tôi tuyên bố qua bản di chúc này và là ý muốn sau cùng của tôi, những điều sau đây:

Điều Một. Tôi ao ước sống và chết trong niềm tin của Hội Thánh công giáo, tông truyền và Rôma, và trong sự vâng phục trọn vẹn đối với Đức Thánh Cha.

Điều Hai. Tôi lưu lại cho nhà thờ của quý cha dòng tên ở Macao, để chứng tỏ tình cảm mà tôi dành cho quý cha, tượng Thánh Giá mà bào đệ của tôi đã trối lại cho tôi mấy ngày trước khi qua đời.

Điều Ba. Tôi ước mong rằng tại Pháp, ngay khi được tin tôi qua đời, người ta hãy tổ chức nghi thức cầu hồn và dâng thánh lễ suốt một năm trong giáo xứ Vocsières, thuộc giáo phận Lisieux, nơi mà tôi là vị quý tộc (lãnh chúa) và chủ nhân danh dự, để xin cho tôi cũng như cho các thân quyến và bằng hữu của tôi được an nghỉ ngàn thu.

Điều Bốn. Tôi để lại cho Chủng Viện đã được thiết lập nhằm lo việc hoán cải dân ngoại tại Paris, nơi khu phố Saint-Germain của Paris, tất cả mọi tài sản thuộc về tôi lúc tôi từ trần, thuộc bất kỳ loại nào, từ tiền cho thuê nông trại, của cải thừa kế, các lợi tức thường niên và bổng lộc của chức vụ, các khoản thu nhập, các công trái, v.v., nói chung, tất cả những gì tính được là tài sản để lập nên một ngân quỹ dùng vào việc thiết lập và duy trì chủng viện của giáo phận tông tòa Đàng Trong và việc chăm sóc các kẻ ngoại đang học đạo, các tín hữu và các chủng sinh được nuôi dạy trong chủng viện ấy. Vì việc này, tất cả ngân quỹ trên sẽ được sử dụng ngay sau khi việc trao chuyển tiền bạc được thực hiện tại kinh thành Xiêm La để tạo lợi tức cho mục đích ấy.

Điều Năm. Chớ gì ngài Favery Fermanel, giáo sĩ, hay những ai có quyền xử lý và thu nhận những lợi tức của tôi, do sự ủy quyền của tôi, sẽ không thể bị bó buộc bởi những người thừa kế của tôi, hay bởi bất kỳ người nào, phải phúc trình công việc điều hành sản nghiệp của tôi, cũng như việc tha nợ cho ai do họ thực hiện ; nhưng họ chỉ phải trình bày tình trạng tổng quát về các khoản thu và chi của họ cho quý Bề Trên và Giám Đốc của Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris mà thôi. Sau khi khóa sổ sách, những gì còn lại trong tay họ sẽ được nhập vào với những gì còn lại cho tôi trong khoản phải trả và phải thu vào lúc tôi qua đời. Tất cả những khoản ấy sẽ được sử dụng chung với nhau vào việc thiết lập chủng viện cho giáo phận tông tòa Đàng Trong.

Điều Sáu. Tôi khẩn khoản xin quý Bề Trên và quý Giám Đốc của Chủng Viện Paris hãy thương tình vui lòng thực hiện di chúc này của tôi mà chính tay tôi đã viết và ký tên tại kinh đô Xiêm La, trong giáo xứ thánh Giuse, ngày thứ hai mươi hai tháng bảy năm một ngàn sáu trăm bảy mươi lăm, vào năm thứ năm mươi hai của tuổi đời tôi.

Hơn nữa, tôi cho anh Vinh Sơn Pinheroa, thông dịch viên tiếng Xiêm La của tôi, vì sự phục vụ tận tình của anh dành cho tôi và tôi hy vọng anh sẽ phục vụ việc truyền giáo của chúng ta, hai quan tiền Cati, tương đương với tiền Pháp là ba trăm quan tiền liu.

Ký tên:

Pierre, giám mục Bêrytê, đại diện tông tòa giáo phận Đàng Trong[47]

TẠM KẾT

Thoáng nhìn về đời sống và sự nghiệp của Hai vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, cách riêng, với đức cha Pierre Lambert de la Motte, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban tràn đầy sủng, tình thương, niềm tin Kitô nhờ các thừa sai, cách đặc biệt với Đức cha François Pallu và Pierre Lambert de La Motte. Chính với Đức cha Lambert, nền tảng vững chắc cho Tòa nhà Giáo hội Việt Nam, cách đặc biệt với việc thiết lập Hàng Giáo sỹ bản xứ Việt Nam.

Trên nền tảng công trình truyền giáo, thiết lập Hàng giáo sỹ bản xứ Việt Nam, Đức cha  Lambert đã góp phần làm phát sinh hoa trái lớn lao cho đến hiện nay với việc Đức thánh Gioan XXIII thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, nhờ đó Giáo hội Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh và trưởng thành cho đến hiện tại. Trong tập tài liệu : Vie de Mgr La Motte Lambert, Évêque de Béryte, tác giả linh mục Jacques-Charles de BRISACIER đã viết : « Được rửa tội với tên thánh Phêrô. Dường như Thiên Chúa quan phòng đã muốn dùng điềm báo tốt lành đó, để nhấn mạnh việc sau này, khi Tòa thánh gởi các vị Đại diện Tông tòa đến truyền giáo ở Trung quốc và các xứ lân lân cận. Đức cha De La Motte sẽ là nền móng cho Hàng Giáo phẩm của các Giáo hội mới mẻ đó. Chính ngài sẽ làm cho các dân tộc nhìn nhận và tôn kính quyền bính của thánh Phêrô »[48]

Nhân lễ giỗ 343 năm tưởng nhớ ngày Vị Tôi Tớ Chúa Pierre Lambert de La Motte được Chúa gọi về (15.6/1679-15.6.2022), với việc Hội Đồng Giám mục Việt Nam mở hồ sơ xin phong thánh cho Hai đức cha, cách đặc biệt với Đức cha Pierre Lambert de La Motte. Dưới đây là thư ủy quyền của Đức Tổng giám mục Fx. Kriengsak Kovithavanij, Giám mục Bangkok, ủy quyền cho Hội đồng giám mục Việt Nam tiến hành hồ sơ xin phong chân phước và phong thánh cho Đức cha Lambert : 

Số 331/2020

Kính gởi Quý Chư Huynh có liên quan

Tôi ký tên dưới đây là Hồng Y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám Mục Bangkok (Thái Lan), được biết rằng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn khởi sự án tuyên Chân Phước và tuyên Thánh cho Đức Cha Françoise Pallu, Đại diện Tông Tòa địa phận Đàng Ngoài (Việt Nam) và Đức Cha Pierre Lambert de La Motte, Đại diện Tông Tòa  địa phận Đàng Trong (Việt Nam) vì các nhân đức anh hùng, đời sống thánh thiện và giáo huấn thiêng liêng của các ngài. Tôi, với tư cách Tổng Giám mục Bangkok, là nơi mà Tôi Tớ Chúa, Đức Cha Pierre Lambert de La Motte qua đời, đồng ý với lời thỉnh cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và đồng thuận với Thánh Bộ Tuyên Thánh để chuyển năng quyền trong án tuyên Thánh Đức Cha Françoise Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de La Motte cho Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết (Việt Nam) theo Huấn thị “Sanctorum Mater” (Mẹ Các Thánh) điều 22 triệt 2, ban hành năm 2007 bởi Thánh Bộ Tuyên Thánh và sau khi nhận được thư Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng thỉnh cầu tôi chuyển năng quyền cho ngài vào ngày 15 tháng 5 năm 2020.

Đức Cha Pierre Lambert de La Motte là Đại diện Tông Tòa tiên khởi địa phận Đàng Trong. Ngài cũng hoạt động tích cực cho Miền Truyền giáo Đàng Ngoài và đã lập Hội Dòng Mến Thánh Giá vào tháng 2 năm 1670. Đời sống và giáo huấn thiêng liêng của ngài hiển nhiên có giá trị cao quý đối với tất cả chúng ta ngày nay. Vì thế, ngài xứng đáng được Giáo hội tôn vinh là Tôi Tớ Chúa, là Chân Phước và là Thánh trong thời gian sắp đến. Tổng Giáo phận Bangkok sẽ hết lòng nâng đỡ và cộng tác với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong mục đích này.

Nguyện xin Thiên Chúa không ngừng ban ơn phúc dồi dào cho quý vị, tuôn đổ trên quý vị sức mạnh, sự kiên trì và khôn ngoan để tiếp tục sứ mạng đáng kính và cao cả này.

Làm tại Bangkok ngày 18 tháng 5 năm 2020.

Trong Đức Kitô,

Hồng Y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithavanij
Tổng Giám Mục Bangkok

(đã ký và đóng dấu)

Linh mục Phêrô Prayuth SRICHAROEN

Chưởng Ấn

(Đã ký)

Dịp lễ giỗ ngày 16.5.2022 này, Di Cốt Đức cha Pierre Lambert de La Motte được chính thức bàn giao cho Tổng giáo phận Sài Gòn và được đặt tại Nhà nguyện cổ ở Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận. Văn phòng thu thập chứng từ về việc nhận được ơn lành, phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Vị Tôi Tớ Chúa Pierre Lambert và nghiên cứu hồ sơ phong thánh cho Đức cha Lambert cũng được thiết đặt tại Nhà truyền thống Trung tâm mục vụ số 6 Bis, Tôn Đức Thắng, quận I, TPHCM. Điện thoại : 0901.419.620, Email : lambertvn1624@gmail.com; Tại Quy Nhơn, Cái nôi của Giáo phận Đàng Trong thuộc quyền của Đức cha Lambert, một bình Di Cốt của Vị Tôi Tớ Chúa Pierre Lambert cũng được đặt tạm thời tại Hội dòng Mến Thánh Giá, để chờ Đức Giám mục giáo phận Qui Nhơn quyết định nơi thiết đặt để mọi người có thể đến kính viếng và cầu nguyện.

Di cốt Đức cha Pierre Lambert de La Motte tại phòng truyền thống Nhà tổ Gò Thị dòng MTG Qui Nhơn

Hiện tại, Hồ sơ xin phong thánh cho Đức cha François Pallu được Đức Tổng Giám mục Hà Nội chịu trách nhiệm và tiến hành. Nguyện xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Vị Tôi Tớ Chúa Pierre Lambert de La Motte, chúc lành cho những công việc hiện tại của Giáo hội Việt Nam, đặc biệt, cho Hồ sơ xin phong thánh cho Hai Đức cha Pierre Lambert de La Motte và Đức cha François Pallu.

Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

Sách tham chiếu

1. Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, Téqui, Paris 1923, rééditées par les MEP 2000.

2. Adrien LAUNAY, Histoire Générale de la Société des Missions Étrangères, Tome I, Téqui, Paris 1894, rééditées par les MEP 2003.

3. Adrien LAUNAY, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904.

4. Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin, Téqui, Paris 1927, rééditées par les MEP 2000.

5. Jean GUENNOU, Les missions étrangères, Paris, 1963.

6. François FAUCONNET-BUZELIN, Aux sources des Missions étrangères, Pierre Lambert de la Motte, Perrin 2006.

7. Monita ad Missionarios: Instructions aux Missionnaires de la S. Congrégation de la Propagande, rédigée à Ayuthia (Siam) 1665 par François Pallu et Pierre Lambert de la Motte, rééditées par les A.M.E.P, 2000.

8. A.M.E.P, Les Missions étrangères, trois siècles et demi d’histoire et d’aventure en Asie, Perrin 2008.

9. Jacques-Charles de BRISACIER, Vie de Mgr La Motte Lambert, évêque de Béryte. AMEP, Vol. 122.

 


[1] Bức họa chân dung Đc Lambert do họa sỹ Paul Sarrut, lưu giữ tại Musée bảo tàng viện Quai Branly (37, quai ranly, Paris. Voir: < https://www.quaibranly.fr/fr/explorer-les-collections/base/Work/action/show/notice/373563-potrait-de-pierre-marie-lambert-de-la-motte/page/1/ >

[2] François FAUCONNET-BUZELIN, Aux sources des Missions étrangères, Pierre Lambert de la Motte, Édition Perrin 2006, p. 20 ; Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, p. 1.

[3] François FAUCONNET-BUZELIN, Aux sources des Missions étrangères, Pierre Lambert de la Motte, p. 45.

[4] Sau khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi xứ Đàng Trong ngày 3.7.1645, cha Đắc Lộ lên tàu trở về Macao, sau đó trở về Âu châu và đến Rôma từ ngày 27.6.1649 đến ngày 11.9.1652 để vận động Tòa thánh gởi Giám mục đến Việt Nam.

[5] Les Missions Étrangères, Trois siècles et demi d’histoire et d’aventure en Asie, Édition Perrin, 2008, p. 9.

[6] A.M.E.P, vol. 247, p 45. Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, bản la ngữ, p. 9.

[7] Hai Giáo phận đầu tiên của Việt Nam được phân chia theo địa giới chính trị xã hội do sự phân tranh giữa Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, với sông Gianh làm ranh giới. Giáo phận Đàng Ngoài (Tonkin) cũng bao gồm 5 tỉnh miền tây nam Trung quốc là: Vân Nam, Quí Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên và Lào ; Giáo phận Đàng Trong (Cochinchine) gồm phần đất phía nam từ sông Gianh trở vào và vùng đất thuộc Campuchia, cùng với các tỉnh Đông Nam Trung quốc: Triết Giang, Phước Kiến, Quảng Đông, Giang Tây, đảo Hải Nam và các đảo lân cận.  

[8] Jean GUENNOU, Les missions étrangères, Paris, 1963, p. 69 ; François FAUCONNET-BUZELIN, Aux sources des Missions étrangères, Pierre Lambert de la Motte, Édition Perrin 2006, p. 72.

[9] Cha Jacques Bourges làm giám mục tiên khởi giáo phận Tây Đàng Ngoài từ 1679-1614.

[10] Cha François Deydier làm Tổng Đại diện cho giáo phận Đàng Ngoài từ 1666-1679, rồi giám mục tiên khởi giáo phận Đông Đàng Ngoài từ 1679-1693.

[11] François FAUCONNET-BUZELIN, Aux sources des Missions étrangères, Pierre Lambert de la Motte, p. 76.

[12] Adrien LAUNAY, Histoire Générale de la Société des Missions Étrangères, Tome I, p. 75.

[13] Bản đồ lưu trữ tại Thư viện quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale de France).

[14] Adrien Launay lại không nhắc chi tới thừa sai Chevreuil trong cuốn Histoire de la Mission de Siam (1662-1811), Paris, Téqui, 1920, p. 7 : «Ngài được tháp tùng bởi ba linh mục thừa sai Laneau, Hainques và Brindeau, và bởi một giáo dân trợ tá, ông Chameson-Foisy ».

[15] Sđd, p. 75.

[16] Hình hai đức cha được lưu giữ tại Archives biographiques MEP.

[17] AEP, Vol 858, p. 72.

[18] Sđd, p. 97.

[19] Adrien LAUNAY, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904, p. 27-35.

[20] Adrien LAUNAY, Histoire Générale de la Société des Missions Étrangères, Tome I, p. 98.

[21] Sđd, p. 98. Xem Monita ad Missionarios: Instructions aux Missionnaires de la S. Congrégation de la Propagande, rédigée à Ayuthia (Siam) 1665 par François Pallu et Pierre Lambert de la Motte, rééditées par les A.M.E.P, 2000.

[22] Toà Giám Mục Kon Tum, Khơi Nguồn Tiến Bước, xuất bản năm 2004.

[23] Sđd, p. 111-112.

[24] AMEP, vol 116, p. 559-560.

[25] AMEP, Vol 858, p. 72.

[26] Sđd, p. 114.

[27] Sđd, p. 163.

[28] Thánh bộ truyền giáo, Instructions 1659.

[29] Lm. BÙI ĐỨC SINH O.P., M.A., Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, p. 258.

[30] Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin, p. 72.

[31] Sđd, p 140-141 ; Archivio Storico di Propaganda Fide, SOCP, Vol 3, p. 162r-163r.

[32] Adrien LAUNAY, Histoire Générale de la Société des Missions Étrangères, Tome I, p. 138.

[33] Sđd, p. 141.

[34] Xem Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin, p. 92-100.

[35] Adrien LAUNAY, Histoire Générale de la Société des Missions Étrangères, Tome I, p. 141.

[36] Hiệp hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá và dòng nữ Mến Thánh Giá được Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI công nhận qua sắc lệnh « Cum Sicut » ngày  02.01.1679.

[37] Dòng Mến Thánh giá chính thức thành lập vào dịp lễ khấn của hai nữ tu đầu tiên: Anê và Paula, dịp này đức cha Lambert trao cho các nữ tu bản Quy luật dòng Mến Thánh Giá đầu tiên gồm 14 điều khoản do đức cha biên soạn. Xem Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin, p. 102-104.

[38] Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, p. 78-92.

[39] Sđd, tr. 95-99. Đức cha Lambert cũng trao cho các nữ tu Mến Thánh Giá Đàng Trong bản Quy luật sống mà ngài đã soạn thảo cho dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài.

[40] Xem A.M.E.P, vol. 733, p.395. Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, p. 108-111.

[41] Cha Bénigne được đức cha chỉ định quản nhiệm các miền đất : Quảng Bình, Quảng Trị, Thuận Hóa ; Cha Guillaume Mahot và Jean Courtaulin coi sóc Quảng Ngãi ; cha Bouchard quản lý vùng Qui Nhơn, Bình Định, Phú Yên.

[42] Đức cha lambert đã truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoàn.

[43] Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, p. 177-198.

[44] Sđd, p. 237.

[46] Testament de Mgr Lambert de la Motte, AMEP, vol. 8, p. 150-153.

[47] Bản dịch của cha Giuse Đào Quang Toản.

[48]  Jacques-Charles de BRISACIER, Vie de Mgr La Motte Lambert, Evêque de Béryte, P.1: Famile, École, AMEP, Vol. 122.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây